Nông dân trồng tiêu ở Gia Lai.
Cơ quan chức năng huyện Chư Pưh, Gia Lai, vừa lên tiếng cảnh
báo người dân phải “cẩn trọng, tránh ảnh hưởng đến kinh tế và an ninh trật tự”
trước tình trạng tái xuất hiện thương lái Trung Quốc đi thu gom mua rễ cây tiêu
ở địa phương. Cơ quan phụ trách về lĩnh vực nông nghiệp nói đây có thể là “hành
vi phá hoại” tái diễn từ những năm trước.
Trong báo cáo gửi UBND huyện Chư Pưh, Phòng Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện cho biết “Thời gian gần đây trên địa
bàn thị trấn Nhơn Hoa diễn ra hoạt động thu gom, mua gốc rễ hồ tiêu với số lượng
lớn khoảng 500 kg”.
Phá hoại
Báo Thanh Niên trích dẫn văn bản này cho biết thêm rằng “Việc
thu gom gốc rễ hồ tiêu mục đích không rõ ràng và có dấu hiệu bất thường sẽ gây
nên tình trạng người dân phá bỏ vườn tiêu để lấy rễ, đào trộm rễ tiêu để bán,
gây thiệt hại đến sản xuất trồng trọt, ảnh hưởng đến trật tự an ninh nông thôn
và phát triển kinh tế xã hội địa bàn tỉnh”.
Tin cho hay gần đây huyện Chư Pưh bắt gặp một thương lái
Trung Quốc đến thu mua rễ cây tiêu từ một nông dân trong huyện. Thương lái này
đã bỏ đi khi cơ quan chức năng đến, trong khi chủ hộ nông dân nói họ thu gom rễ
để ủ làm phân bón chứ không phải để bán cho thương lái Trung Quốc.
Phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cảnh báo đây có thể là hành
vi phá hoại tái diễn của thương lái Trung Quốc đối với cây loại cây mang tính
chiến lược kinh tế của địa phương này.
Năm 2013, thương lái Trung Quốc cũng đến huyện Chư Pưh và một
số nơi khác ở Tây Nguyên để thu mua rễ tiêu với giá 40.000 đồng/kg. Nông dân Việt
Nam đã đổ xô đào cây tiêu lên để lấy rễ bán. Hậu quả là cả một khu vực rộng lớn
trồng tiêu bị phá hủy.
Trước đó, năm 2012, các thương lái Trung Quốc cũng đã
"dùng tay người Việt" triệt hạ nhiều khu rừng khi người dân đổ xô vào
rừng hái lá kim cương để bán cho thương lái Trung Quốc, khiến loại dược liệu
quý này rơi vào nguy cơ cạn kiệt.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn
của Thủ tướng Chính phủ, từng nhiều lần lên tiếng về các chiêu thu mua của các
thương lái Trung Quốc mang tính chất “phá hoại” nền kinh tế Việt Nam. Bà nói với
VOA:
“Những sản phẩm nông nghiệp rất kỳ quặc mà Trung Quốc mua ở
Việt Nam qua một số thương lái Trung Quốc mang tính chất phá hoại đối với kinh
tế [Việt Nam]. Ví dụ như mua rễ cây, mua sừng móng trâu, hay quả cau non… Không
rõ để làm gì, nhưng họ làm như vậy là phá hoại cả một nền sản xuất của Việt
Nam”.
Lũng đoạn
Tháng 8 vừa qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam ra cảnh báo về
tình trạng “lũng đoạn” của doanh nghiệp Trung Quốc đối với thị trường hồ tiêu
Việt Nam.
Hiệp hội này nói có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang điều
khiển thị trường hồ tiêu bằng cách cho nhiều doanh nghiệp đến ký hợp đồng mua
tiêu với bất kỳ giá nào, sau đó hối thúc thực hiện hợp đồng để các doanh nghiệp
Việt Nam phải gấp rút đi gom hàng, nhưng lại khất lần việc thanh toán tiền với
lý do “ngân hàng đang kiểm tra hồ sơ”.
Trong thời gian các công ty Việt Nam lo gấp rút gom tiêu để
bán thì nhóm người Trung Quốc này lại tỏa đi các địa phương để thu mua tiêu và
hứa hẹn bán cho các đại lý với giá thấp hơn giá thị trường. Các đại lý thấy lợi
nên mua để bán lại cho các nhà xuất khẩu. Đến lúc này, người Trung Quốc bắt đầu
giam hàng, không bán cho đại lý nữa, viện lý do không có hàng, khiến giá tiêu
trên thị trường bị đẩy lên rất cao. Lúc này, họ tung hàng ra bán cho đại lý kiếm
lời.
Đến khi các doanh nghiệp Việt Nam thu gom đủ tiêu để bán
theo hợp đồng, thì tất cả các thương lái Trung Quốc đều “không liên lạc được”,
trong khi tiền hợp đồng thì chưa thanh toán.
Hiệp hội Hồ tiêu cảnh báo các doanh nghiệp Việt Nam phải “thận
trọng” khi giao dịch với doanh nghiệp Trung Quốc. Hiệp hội này nói các thương
lái Trung Quốc cố tình tạo biến động trồi sụt giá cả, khiến thương lái trong nước
không dám mua bán, từ đó thu lợi từ việc "làm giá" theo ý đồ của họ.
Theo nhận định của bà Phạm Chi Lan, xét về khía cạnh đầu tư
nước ngoài, “Trung Quốc hoàn toàn không phải là một nhà đầu tư lớn".
Bà nói: "Họ không bỏ bao nhiêu vốn đầu tư trực tiếp vào
Việt Nam, mà chủ yếu vào Việt Nam qua các kênh khác, về thương mại, xuất khẩu từ
Trung Quốc sang Việt Nam, thắng thầu các công trình, dự án tại Việt Nam”.
Cả trong nhập khẩu lẫn xuất khẩu, Trung Quốc đều có những mô
thức kinh doanh, sản phẩm mang tính "chèn ép", khiến các ngành nông
nghiệp, công nghiệp Việt Nam không phát triển được. Chính những ảnh hưởng tiêu
cực này đã dẫn tới làn sóng “thoát Trung” mà nhiều người dân Việt Nam cổ vũ,
theo bà Phạm Chi Lan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét