Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

2575 - Vì sao Trịnh Xuân Thanh lại xin sang Đức thăm vợ con?


Ông Trịnh Xuân Thanh nghe tuyên án tại TAND TP Hà Nội hôm 22/1Bản quyền hình ảnhVIETNAM NEWS AGENCY/GETTY IMAGES
Image captionÔng Trịnh Xuân Thanh nghe tuyên án tại TAND TP Hà Nội hôm 22/1

Ông Trịnh Xuân Thanh lại một lần nữa xin sang Đức thăm gia đình trong một phiên xét xử tại Hà Nội hôm 3/2.
Tại phiên tòa xét xử ông Thanh và đồng phạm trong vụ án tham ô tài sản, ông Trịnh Xuân Thanh được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói: "Cũng như bản án trước, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn sang Đức thăm vợ con, nếu có chết thì cũng trong vòng tay vợ con."
Bình luận với BBC về yêu cầu này của ông Thanh, nhà báo Lê Mạnh Hùng từ Berlin cho rằng những lời cuối tưởng như "ngây thơ" của ông Thanh lại là "một thông điệp tương đối khéo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi tới hai địa chỉ: gia đình và nước Đức".
"Những lời nói của ông Trịnh Xuân Thanh về vụ này, đứng về phía hội đồng xét xử, về phía những người đang quyết tâm chống tham nhũng hay những ai theo dõi truyền thông trong nước, thì có thể nghĩ là hơi ngây thơ. Không ai lại có thể cho phép những kẻ bị tuyên án tử hình và tù chung thân lại được ra nước ngoài tụ họp với gia đình rồi được chết trong vòng tay của những người thân."
"Còn đứng về phía khác, cá nhân tôi đánh giá đây là một thông điệp tương đối khéo của ông Trịnh Xuân Thanh gửi tới hai địa chỉ," ông Lê Mạnh Hùng nói.

Ông Trịnh Xuân Thành được cho là đang làm thủ tục xin tỵ nạn ở Đức trước lúc "bị bắt cóc"Bản quyền hình ảnhAFP
Image captionÔng Trịnh Xuân Thành được cho là đang làm thủ tục xin tỵ nạn ở Đức trước lúc "bị bắt cóc" hồi tháng 7/2017

'Tình cảm cao nhất dành cho gia đình'

Theo truyền thông trong nước, khi các bị cáo được phép nói lời sau cùng tại phiên tòa hôm 3/2, ông Thanh nói những ngày trong trại tạm giam ông nhiều đêm mất ngủ vì 'nhớ vợ, nhớ con, nhớ bạn bè'.
"Bị cáo vẫn tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào xã hội, tin tưởng Hội đồng xét xử. Bị cáo muốn cám ơn tất cả những người dân, những người bạn mới, cám ơn các luật sư và cả những người công an dẫn đoàn đưa bị cáo đi xét xử... Một lần nữa cám ơn những người quan tâm đến bị cáo trong quá trình xét xử...
Cũng như bản án trước, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn sang Đức thăm vợ con, nếu có chết thì cũng trong vòng tay vợ con," ông Thanh được tờ Dân Trí dẫn lời.
Từ Berlin, nhà báo Lê Mạnh Hùng bình luận với BBC:
"Trong vụ ông Thanh bị bắt cóc, người ta đã nói rất nhiều về chuyện ông đã gặp người tình cũ. Thậm chí những lời bình luận tương đối ác còn cho rằng ông 'chết vì phụ nữ'. Vì vậy có lẽ ông muốn khẳng định một điều là đến cuối đời tình cảm cao nhất mà ông dành cho chính là gia đình."

Quan hệ Việt - Đức trở nên căng thẳng sau khi Đức cáo buộc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam hồi tháng 8/2017.Bản quyền hình ảnhBBC/GETTY IMAGES
Image captionQuan hệ Việt - Đức trở nên căng thẳng từ tháng 8/2017, khi Đức cáo buộc ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam.

'Mong sự ủng hộ của nước Đức'

Nhà báo Lê Mạnh Hùng tiếp lời: "Địa chỉ thứ hai ông muốn nhắm tới theo tôi chính là nước Đức. Từ đầu tới giờ chúng ta chỉ theo dõi cái tuyên bố duy nhất của ông trên truyền hình, mà có bình luận cho là bị cưỡng ép, rằng ông tự nguyện về nước để đầu thú. Từ đó đến nay chúng ta chưa hề thấy một tuyên bố thứ hai của ông Thanh."
"Và tại phiên tòa chưa chắc ông Thanh đã có đủ can đảm và điều kiện để nói lên những suy nghĩ của mình."
"Thành ra đây cũng là một thông điệp của ông gửi tới nước Đức để cầu mong sự ủng hộ của nước Đức rằng trước sau ông cũng muốn trở lại Đức, nơi mà ông đã xin tỵ nạn chính trị để xum họp gia đình."
"Đành rằng cơ hội đó rất là mỏng manh nhưng tôi nghĩ rằng ông Thanh đã cố tận dụng cơ hội để nói ra điều đó."
Trả lời BBC về khả năng ông Thanh được nước Đức trợ giúp, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho rằng ông Thanh không phải là người ngây thơ và rất "dày dặn khôn ngoan trong nhiều việc".
"Đành rằng nước Đức không thể làm cái chuyện bỗng dưng đưa ông Thanh trở lại Đức được.""Nếu Đức hiểu đúng cái tạm gọi là lập trường của ông Thanh trong sự việc này, đây cũng là một căn cứ để phía Đức có thể mặc cả hay thương lượng gì đó với phía Việt Nam."
"Còn Việt Nam chấp nhận được đến đâu và chiều theo ý muốn của phía Đức về vụ ông Thanh như thế nào thì có lẽ chúng ta phải đợi xem giữa hai nước có tiếp xúc và đàm phán với nhau ra sao."
Đây không phải là lần đầu ông Thanh xin được quay lại Đức sau khi vụ án kết thúc. Hôm 17/1, tại phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 bị cáo khác trong vụ án PVC, ông Thanh cũng đề nghị được "cho sang bên đó để có điều kiện chăm sóc con".
Ông Trịnh Xuân Thanh nhận án tù chung thân trong vụ PVC. Tòa sẽ tuyên án ông và các bị cáo khác trong vụ án thứ hai về tội tham ô sáng ngày 5/2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét