Mạng xã hội ngày càng sôi nổi mặc dù tay bộ trưởng TT&TT “nhà triết học FB” vừa tung ra hệ GAPO đòi phủ sóng cho 50 triệu dân Việt Nam!. Có một số bạn hữu bực bội nói “Chuyện cái nhà cô Xuân và cái lu nhỏ như con thỏ. Đất nước đang nóng bỏng thù trong giặc ngòai, ngay đất Sài gòn ồn ã nhức nhối vụ cướp đất Thủ Thiêm, phá nhà cướp đất Vườn Rau Lộc Hưng sao quí vị không bàn?!
Tôi nói, chuyện nào cũng cần bàn. Chuyện con ốc còn nhỏ hơn chuyện con thỏ nữa kia. Vậy mà tục ngữ nói “lắng nghe con ốc, ta thấy cả đại dương” thì sao đây ! Xin đừng sốt ruột. Cái Lu bề ngoài là chuyện nhỏ cỡ trăm ngàn đồng Việt Nam nhưng nguyên nhân bên trong rất khủng.
Nếu tôi bỏ chút công nghiên cứu tìm nguyên nhân dẫn đến “cái Lu” thì từ đó chúng ta sẽ có giải pháp giải quyết tận gốc. Như thế chẳng tốt hơn sao !
Rất nhiều tờ báo quốc doanh đặt tựa đề có vẻ “trang trọng” phát ngôn của PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân và giải pháp dùng Lu mỗi gia đình chống ngập lụt Sài gòn. Thì ra các nhà báo dẫu là quốc doanh thỉnh thoảng cũng khá thâm thúy. Họ nhạy cảm biết vụ này sẽ là một scandal dữ dội và ăn khách. Hàng chục tờ báo chẳng quan tâm nội dung kỳ họp HĐND, chỉ chăm chú vào phát ngôn gây bão của nữ nghị Xuân.
Tràn ngập nhanh và mạnh trên mạng xã hội MXH là hình ảnh, videoclip Phan Thị Hồng Xuân với những cái lu thật và lu chế. Tôi không kể lại những lời mỉa mai, chửi rủa tràn ngập…Hiếm có tình trạng chỉ trích phê phán diễn ngôn quan chức nào lại ghê gớm như vụ này.
Phân tích nhanh bản videoclip
Ban đầu, đại biểu Xuân nói giọng thong thả bình thản, tuy nhiên câu cú lòng thòng, từ ngữ ngây ngô, gọi mỗi hộ gia đình là “cái nhà dân”. Tuy nhiên khi liếc thấy chủ tịch Nguyễn Thành Phong ngồi hàng ghế đầu cố nén phì cười và tay phó gần bên cũng cười theo thì Thị Xuân chột dạ cũng vội cười lỏn lẻn hạo theo và nói thêm một ít rằng “tôi chỉ góp ý kiến nhỏ thôi” (xin mời mở bài báo này xem kỹ videoclip dài ước 7 phút thôi).
Báo chí đăng cả lý lẽ giáo điều ngớ ngẩn của một tay PGS.TS tên Phạm Ngọc Trung giảng viên Hoc viện báo chí tuyên truyền Hà Nội bênh vực thị Xuân nghe rất lủng củng và sến. Anh chàng này nghe người ta chế giễu “phó giáo sư tiến sĩ” thì nổi khùng mà bênh vực chị Xuân. Anh ta chả hiểu cái lu thế nào !
Ts Phan Thị Hồng Xuân ngang nhiên vi phạm Hiến pháp 2013
Điều 23. “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định” (Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân)
Ngoài đề xuất chống ngập bằng Lu hài hước và bất khả thi, bà Xuân còn có một đề xuất vi hiến. “Như chương trình vận động toàn dân không xả rác. TP.HCM cần khảo sát xem đối tượng, khu vực nào xả rác nhiều nhất. Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố. Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? TP.HCM có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”*, bà Xuân đề nghị.
Đề xuất này đã vi phạm Hiến pháp vốn khẳng định quyền tự do đi lại và cư trú của người dân. Bà Xuân là đại biểu HĐND người làm luật ở địa phương mà không hiểu luật.
Khi bị MXH phản ứng, chị Xuân không tranh luận được, mà quay ra giơ Luật An Ninh Mạng lên để đọa nạt. Chị đã phạm tội vi hiến và chọc giận xúc phạm những người nhập cư, khiến họ nhắn tin đe dọa “lấy mạng” chị vì bức xúc quá (không phải vì cái Lu chống ngập như chị lu loa). Chị đã phải khóa Fb cá nhân vì người quen và lạ nhảy vào trách móc và chế giễu quá sức rồi. Tôi khuyên chị đừng sợ, người nhập cư nói cho hả giận thôi mà… Chị bị sốc và đã xin nghỉ phép để hồi tỉnh lại.
Phó chủ tịch thành HCM Võ Văn Hoan bênh vực Ts Xuân rất hài (cũng như Ts Xuân, Hoan lấy bài hát làm “luận cứ khoa học”)
Dự án chống ngập 33.200 tỷ đồng với 97 dự án, 2 chương trình, ngập vẫn hoàn ngập
Phó chủ tịch Võ Văn Hoan ngứa miệng dẫn lời nhạc Trịnh "phố bỗng là dòng sông uốn quanh", ông Hoan nói: "Ngập của thành phố phần nào là một hình ảnh rất đẹp". Ông Hoan dẫn nhạc của Trịnh Công Sơn
“Em còn nhớ hay em đã quên ?
Trong lòng phố mưa đêm trói chân,
Dưới hiên nhà, nước dâng tràn,
Phố bỗng là dòng sông uốn quanh” .
Sau cùng, ông Hoan mong mỏi, trong quá trình chỉnh trang đô thị, cần sự thông cảm của người dân:“Ngập là một đặc điểm rất tự nhiên của thành phố”.
Sau phát ngôn chiếc Lu của nghị Xuân, báo chí đến “hỏi thăm” phó chủ SG-HCM, ông Hoan nói “Xin thông cảm với cô Xuân…ý cô ấy nói “chiếc lu”, tức là sau này chúng ta đào nhiều cái Hồ chứa nước” (?!)
Cư dân mạng đã tìm tòi và phát hiện cái “Lu” Nhật bản chống ngập mà chị ts Xuân viện dẫn ra để bảo vệ quan điểm của mình, đúng là có thật. Có điều, nó không giống cái lu ở quê nhà Đồng Tháp của chị Xuân. Nó là cái hầm ngầm gần ngoại ô Tokyo dài rộng nhiều nghìn mét, được đầu tư tới 2,4 tỷ đô thôi. Nó có đường dẫn ra con sông phòng khi ngập bể chứa. Chi Xuân đi hội nghị ngoại ngữ không thông, nghe cái hầm ra cái Lu.
Nghe nói Đại diện tổ chức JICA của Nhật bản đã lên tiếng bác bỏ viện dẫn chiếc Lu vô căn cứ của chị Xuân.
Có người nói, Đảng bộ Sài gòn phải mang ơn chị một nhà khoa học “tâm huyết và sáng tạo” hiếm có, một đại biểu HĐND hết lòng lo cho dân, đừng nên chế giễu mới phải. Thành phố nên chuyển khoản cho chị 32 000 tỷ để đặt mua lu gốm Đồng Nai lẹ lên là vừa. Tỉnh Đồng Nai chuẩn bị lập đền thờ chị có công phát triển nghề gốm sứ.
Xem xét kỹ học vị tiến sĩ của Phan Thị Hồng Xuân
“Té ra xứ sở Malaysia là cái ổ chuột, đẻ ra khối tiến sĩ ở nước mình để làm lãnh đạo”. Phát hiện của tiến sĩ Nguyen Ngoc Chu quả thật tê tái đến rợn người.
Đề tài nghiên cứu tiến sĩ vu vơ, không kiểm chứng được.
Đề tài nghiên cứu khoa học về nguyện tắc là không có giới hạn quốc gia, chẳng hạn như toán học. Và người nước này vẫn có thể nghiên cứu về vấn đề của nước khác. Nhưng 2 trường hợp dưới đây thì phải đặt dấu hỏi.
Ông Phùng Xuân Nhạ đã làm tiến sĩ nhờ vào Malaysia mà người Malaysia không hề biết. Năm 1999, ông Nhạ bảo vệ Tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế thế giới và Quan hệ kinh tế quốc tế với luận án có tên "Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quá trình công nghiệp hóa ở Malaysia" tại Viện Kinh tế thế giới, thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Hà Nội.
Đúng ra "Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài…" là việc của người Malaysia, do người Malaysia nghiên cứu và đánh giá. Hà cớ chi người Việt Nam ở xa lắc xa lơ lại vơ lấy làm đề tài nghiên cứu khoa học cho mình?
Lỡ rồi, lẽ ra khi bảo vệ cũng gửi cho các nhà khoa học Malaysia phản biện, thì cũng còn có chút khách quan; Đàng này mấy người Việt tự đánh giá, rồi tự phong cho nhau học vị tiến sĩ !
Nay đến lượt bà Phan Thị Hồng Xuân theo bước ông Phùng Xuân Nhạ, cũng lấy đề tài Malaysia: “Cộng đồng người nhập cư và mối quan hệ tộc người ở Liên bang Malaysia” để làm Luận án tiến sĩ. Rõ ràng luận án của bà Xuân cũng không được giới khoa học Malaysia phản biện. Liệu có ích gì cho Malaysia. Càng vô ích hơn cho Việt Nam.
Thiết nghĩ bây giờ mà đem Luận án tiến sĩ của ông Phùng Xuân Nhạ và bà Phan Thị Hồng Xuân cho các nhà khoa học Malaysia đánh giá, thì sẽ là một scandal hài hước, với kết cục muối mặt ê chề cho phía Việt Nam.
Sao không lấy đề tài của nước mình mà phải lấy đề tài của nước khác? Ấy là để tránh kiểm chứng. Ấy là vì không muốn có thước đo trong nước để đánh giá.
Tạm không bàn về trình độ chuyên môn của bà Xuân. Chỉ bàn về “Mục đích nghiên cứu”. Đề tài Luận án Tiến sĩ là do thầy hướng dẫn khoa học quyết định. Từ đó để thấy nguyên nhân số 1 là lỗi ở các thầy hướng dẫn khoa học. Trách nhiệm lớn này thuộc về Bộ giáo dục.
Tiến sĩ Dân tộc học sao lại làm trưởng khoa Đô thị học?
Không khó để có được bản “Lý lịch khoa học” của cô Xuân.
Ban đầu cô Xuân đi học cử nhân ngành Đông Nam Á học tại Đại học Mở Bán công HCM. Xin mọi người nhớ lại, thời điểm năm 1991, vô ĐH Mở Bán công không phải thi đầu vào mà chỉ đánh trống ghi danh, nộp tiền (tương tự một kiểu Trung tâm Giáo dục Thường xuyên cấp 4). Không thể thi tuyển chen chân vào đại học chính qui, cô Xuân đã ghi danh vào đây.
(Luận văn tốt nghiệp cử nhân của cô là “Bước đầu tìm hiểu dân tộc học Malaysia”).
Năm 1999, cô Xuân lại học thạc sĩ ở Trường ĐH KHXH&NV, ngành Dân tộc học. Luận văn thạc sĩ là “Người Malaysia và mối quan hệ tộc người ở Liên bang Malaysia”. Biết tí ngoại ngữ thì cứ lấy tài liệu của nước bạn chép một phát là thành luận văn ngay chứ khó gì đâu (không đủ ngoại ngữ thì thuê người dịch)!
Đến năm 2003 Xuân lại tiếp tục học tiến sĩ ngành dân tộc học ở Trường ĐH KHXH&NV Sài Gòn. Luận án tiến sĩ vẫn là đề tài cũ rích về Malaysia: “Cộng đồng người nhập cư và mối quan hệ tộc người ở Liên bang Malaysia”.
Vấn đề đặt ra là, tại sao cô Xuân học về Dân tộc học mà lại được đưa về làm Trưởng khoa Đô thị học ?
Khoa Đô thị học còn khá non trẻ, trước đây Trưởng khoa là nhà Xã hội học lẫy lừng PGS.TS Nguyễn Minh Hoà. Sau đó, người tiền nhiệm của cô Xuân là TS Trương Hoàng Trương, tiến sĩ chính gốc về Khoa đô thị học tại Pháp bị đẩy từ Trưởng khoa làm Trưởng bộ môn… Vì sao Hiệu trưởng cần phải đẩy người đúng chuyên môn xuống để kéo cho được cô Ts Dân tộc học về làm Trưởng khoa ? Chưa hết, chẳng bao lâu cô Xuân lại đưa học trò do mình đang hướng dẫn đề tài lên làm Phó Trưởng khoa Đô thị Học. Đó là Võ Thanh Tuyền, nguyên là chuyên viên Phòng Tổ chức cán bộ của trường, nay Tuyền hiện đang làm nghiên cứu sinh Dân tộc học do cô Xuân hướng dẫn). (Có tin cho biết UVTW Đảng bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể là cậu ruột của Xuân. Thì ra là CCOC, con ông cháu cậu cũng đáng ưu tiên lắm sao ? (14/07/2019 by dangmang).
Nhìn vào danh sách lãnh đạo của Khoa Đô thị học thật buồn cười. Hai cô trò là tiến sĩ và nghiên cứu sinh Dân tộc học (thuộc khoa Sử, khoa học cơ bản) lại đi lãnh đạo và đào tạo ngành Đô thị học (khoa học ứng dụng) ! Ô hay, chẳng lẽ trường ĐH KHXH&NV hết người rồi hay sao? Lẽ nào quy định của Bộ cho phép bổ nhiệm tréo ngoe hài hước như thế này?
Trên website của nhà trường giới thiệu về “tầm nhìn, sứ mệnh” của khoa Đô thị học như sau:
“Khoa Đô thị học có nhiệm vụ nâng cao dân trí về lĩnh vực đô thị; trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hóa đô thị hóa ở các cấp độ khác nhau (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ).
Chưa học hành nghiên cứu đô thị ngày nào mà bắt cô ấy “hiến kế chống ngập” ư ? Cho nên, cô ấy nói bậy là điều dễ hiểu. Chỉ thương cho đàn sinh viên đang được “đào tạo” bằng những PGS.TS kiểu này. Không biết tương lai của chúng đi về đâu! (Blogger Hoàng Mạnh Hà / blog. Một gia đình)
Vào xem trang Web và Fb của khoa Đô thị học do chị Ts Xuân lãnh đạo, tôi nhận thấy chỉ toàn quảng cáo chiêu sinh với những lời có cánh. Ngoài ra nội dung nghèo nàn xơ xác. Có học sinh, sinh viên đã vô Web, Fb hỏi: “cô ơi năm tới có mở khoa Lu học, Chum học không ạ, học phí bao nhiêu” ? Và câu hỏi khác: “ra trường thì ai thuê, đi làm việc ở đâu ạ?” - Quản trị trang không trả lời !
Câu hỏi trên dành cho Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH & NV tp.HCM.
Các địa chỉ “nâng đỡ cô Xuân không trong sáng”
Câu hỏỉ dành cho: Liên hiệp các hội KHKT tp.HCM và Lãnh đạo trường ĐHKHXH- NV và Lãnh đạo Đảng TP.HCM?
Xung quanh thân thế vị đại biểu Hội đồng Nhân dân Tp.HCM với nhiều chức vụ hoành tráng khác, chuyện nhà khoa học “tâm huyết, sáng tạo” đã học hành ra sao, bổ nhiệm quan chức thế nào, ấy là chuyện không hề nhỏ của chế độ “tổ chức cán bộ XHCN”. Phải không các bạn ?
“Hàng ngàn ông bà như Phan Thị Hồng Xuân trong hàng ngũ lãnh đạo là hậu quả thảm hại của chính sách “quy hoạch cán bộ”. Quy hoạch cán bộ là phương thức chủ quan giáo điều, phi khoa học, đi ngược với tự do cạnh tranh, nên không bao giờ chọn được người tài đích thực. Còn quy hoạch cán bộ kiểu này thì còn hàng ngàn ông bà Phan Thị Hồng Xuân đua nhau kìm hãm trí tuệ và tàn phá sinh lực đất nước"- đó mới là điều day dứt tê tái của mỗi chúng ta ! (nhà văn Phạm Lưu Vũ than thở).
Người ta nói, chuyện cái Lu như cây kim. Cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Nhỏ như cây kim thôi nhé. Nhưng đằng sau cây kim là toàn chuyện đại sự của đất nước.
Kết: Ts Xuân và cái Lu huyền thoại - điềm gở báo tương lai hậu vận của ai đây?
Phải chăng PGD.TS Phan Thị Hồng Xuân là thiên sứ báo trước cho dân Sài Gòn hay Việt Nam chuẩn bị LU để phòng ngày đại hồng thủy ?
“Từ thành phố này chị đã tiên tri” - lời hát đồng dao mới đang lan truyền.
Nhiều nước đều có truyền thuyết về cái Lu và biến thể của nó.
Kinh Cựu Ước mô tả một cơn đại hồng thủy từng giết sạch cả loài người ngu muội, độc ác trên mặt đất, chỉ cho sống sót một gia đình không ngu. Kinh thánh đã mô tả “chiếc lu” thần kỳ chống lụt. Chúa Trời chỉ dẫn cho dân chúng chui vào chiếc lu ấy để thoát nạn. Người ta gọi nó là con tàu Noeh (Hebrew Nōaḥ, truyền thuyết Do thái: một tộc trưởng đã chế tạo chiếc thuyền hình vuông trong đó anh ta, gia đình anh và các sinh vật đại diện mỗi loài vật được Chúa cứu sống sót sau trận đại hồng thủy).
Thần thoại Ấn Độ có huyền thoại tương tự. Truyện “Trái bầu mẹ” cổ tích Việt Nam cũng ghi nhận “trái bầu” cứu chủng tộc Việt khỏi tuyệt giống (coi như phiên bản “chiếc lu” thần kỳ của Ts Xuân).
Việt Nam hoặc Sài Gòn, có thể một ngày xấu trời, xảy ra đại hồng thủy.
Cái Lu của chị Xuân, “con thuyền Noah” hiện đại, dùng để cứu sống những ai ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét