Đó là hai nền dân chủ trưởng thành, một điều hiếm có ở khu vực của họ. Về mặt lịch sử và văn hóa, họ có những điểm tương đồng. Trên hết, trong một khu vực đầy rủi ro, họ là những đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc đã hành động giống như kẻ thù hơn là bạn bè của nhau.
Đầu tháng này, Nhật Bản đã áp đặt biện pháp kiểm soát xuất khẩu lên các hóa chất quan trọng đối với ngành công nghiệp bán dẫn và điện thoại thông minh của Hàn Quốc – một sự leo thang lớn trong tiến trình đối địch giữa hai bên. Mặc dù Hàn Quốc chỉ nhập khẩu một lượng tương đối ít ỏi là 400 triệu đô la mỗi năm, nhưng nguồn cung thay thế rất khan hiếm, do đó tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu có thể là rất lớn.
Người Hàn Quốc đã phản ứng một cách giận dữ. Các ngôi sao nổi tiếng khoe hình vé máy bay tới Nhật bị hủy trên tài khoản Instagram của họ. Những chiếc xe do Nhật sản xuất đã bị cố tình làm cho trầy xước. Các chủ cửa hàng đã tiến hành tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. Các chính trị gia cho rằng các thương hiệu Nhật Bản nên được dán nhãn là “do những tên tội phạm chiến tranh chế tạo”.
Vấn đề, như mọi khi, là những câu hỏi đau đầu liên quan đến lịch sử. Trong nửa đầu thế kỷ 20, Nhật Bản là ông chủ thực dân của Hàn Quốc. Đế quốc Nhật Bản không chỉ mang đến sự hiện đại hóa kinh tế mà còn cả sự cai trị tàn bạo, đặc biệt là trong những năm chiến tranh tổng lực ở Thái Bình Dương từ 1937 đến 1945. Tổng thống thiên tả của Hàn Quốc, Moon Jae-in, đã tìm cách định hình nhiệm kỳ tổng thống của mình bằng quan điểm về quá khứ. Ông đã loại bỏ các bức tượng của những người Hàn Quốc được coi đã cộng tác với kẻ thù trong thời kỳ cai trị của Nhật và đổi tên các đường phố được đặt tên theo họ. Năm ngoái, ông đã bác bỏ một thỏa thuận giữa người tiền nhiệm bảo thủ của mình, bà Park Geun-hye, và thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, nhằm giải quyết một lần và mãi mãi vấn đề “phụ nữ giải khuây” thời chiến: hàng chục nghìn phụ nữ Hàn Quốc, mà nhiều người đến nay vẫn còn sống, đã bị buộc phải cung cấp tình dục trong các nhà thổ của quân đội Nhật Bản. Theo thỏa thuận, Nhật Bản sẽ đưa ra lời xin lỗi và bồi thường 1 tỷ yên (9,3 triệu đô la) cho các nạn nhân, còn Hàn Quốc đồng ý ngừng sử dụng vấn đề này như một đòn bẩy ngoại giao và loại bỏ bức tượng một phụ nữ giải khuây đặt bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul.
Bức tượng vẫn còn đó. Nhưng nguyên nhân gây khó chịu lớn nhất cho Nhật Bản là phán quyết vào mùa thu năm ngoái của Tòa án tối cao Hàn Quốc đối với hai tập đoàn công nghiệp khổng lồ của Nhật Bản đã sử dụng lao động (cưỡng bức) người Hàn Quốc trong thời kỳ chiến tranh. Tòa án đã yêu cầu các công ty này bồi thường cho các nạn nhân còn sống sót. Nhật Bản khẳng định rằng hiệp ước hữu nghị năm 1965 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã giải quyết các yêu sách của Hàn Quốc liên quan đến lao động cưỡng bức (mặc dù chưa giải quyết vấn đề phụ nữ giải khuây). Nhật đã bác bỏ quan điểm cho rằng Hàn Quốc là một chế độ độc tài vào thời điểm đó, và các nạn nhân có khiếu nại được giải quyết đã không được hỏi ý kiến, cũng không nhận được bất kỳ khoản tiền nào mà Nhật Bản đã bồi thường.
Tòa án sau đó đã tịch thu tài sản thuộc về Công ty Công nghiệp nặng Mitsubishi và có thể bán chúng. Đối với các quan chức Nhật Bản, đây là một hành động chiến tranh kinh tế. Còn các quan chức Hàn Quốc cũng tuyên bố tương tự đối với việc Nhật kiểm soát xuất khẩu đối với hydro florua và hai hóa chất khác mà các công ty điện tử Hàn Quốc cần dùng. Sau cuộc họp thất bại giữa các quan chức cấp thấp hai nước vào cuối tuần trước, ông Moon nói rằng Hàn Quốc cần phải học cách không chỉ để sống sót nếu không có nguồn cung hóa chất từ Nhật Bản, mà thậm chí không cần đến Nhật Bản.
Tại Tokyo tuần này, các quan chức đang gặp khó khăn khi lý giải rằng hành động của Nhật Bản không phải là một lệnh cấm xuất khẩu, mà chỉ là việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với các vật liệu nhạy cảm vốn đã trở nên lỏng lẻo. Họ nói rằng nếu tuân theo các thủ tục, điều tồi tệ nhất mà công ty Hàn Quốc sẽ gặp phải là một độ trễ lớn hơn giữa thời điểm đặt mua hóa chất và thời điểm nhận chúng. Họ rõ ràng muốn bảo vệ danh tiếng của ông Abe như là một người ủng hộ thị trường mở ở phạm vi toàn cầu, nhưng thừa nhận việc tuyên bố rằng các biện pháp kiểm soát không liên quan gì đến phán quyết của tòa án Hàn Quốc là không thuyết phục.
Cuộc khủng hoảng này có lợi cho Trung Quốc và Triều Tiên. Các quan chức Nhật Bản nhấn mạnh rằng trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và chia sẻ tình báo, quan hệ với Hàn Quốc vẫn thân thiết và hiệu quả. Nhưng thật khó để tin rằng mọi chuyện không có hệ lụy nào. Nước Mỹ có thể can thiệp và yêu cầu hai bên phải xuống nước, nhưng cho đến nay vẫn tránh can dự vào cuộc tranh cãi giữa hai bên.
Vị thế của ông Moon ở Hàn Quốc đã bị suy yếu, không chỉ bởi vì những nỗ lực của ông trong việc hòa giải với Triều Tiên chưa có nhiều kết quả. Cuộc tranh cãi với Nhật Bản đã giúp ông ghi điểm nhiều hơn với công chúng. Và với việc cuộc bầu cử thượng viện Nhật diễn ra trong tháng này, ông Abe cũng không được trông yếu đuối. Cả hai nhà lãnh đạo phải đối mặt với một công chúng có những hiểu lầm về đất nước láng giềng ngày càng gia tăng. Không có con đường dễ dàng nào có thể giúp hai bên xuống thang.
Nguồn: “Relations between Japan and South Korea are fraying alarmingly“, The Economist, 18/07/2019.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét