Truyền thông nhà nước đưa tin, sáng 20-7, tại Hà Nội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bất ngờ xuất hiện để gặp gỡ động viên, chúc mừng 100 cán bộ công đoàn tiêu biểu toàn quốc. Đáng chú ý, cuộc gặp gỡ của ông Nguyễn Phú Trọng với đại diện cho giới công nhân diễn ra tại thời điểm căng thẳng vụ Bãi Tư Chính giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày càng gia tăng, chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Trong phát biểu của mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo rằng, phải cẩn thận không để thế lực thù địch lôi kéo giai cấp công nhân chống phá. Cụ thể là, “... cần tăng cường sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, tuyệt đối không để các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước chân chính của công nhân, người lao động kích động, lôi kéo biểu tình, tụ tập gây rối, làm mất an ninh, trật tự, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”.
Thực ra trong các phát biểu của ông Trọng, thì vấn đề này không có gì mới để chúng ta phải đáng quan tâm, vì nó chỉ là sự lặp đi, lặp lại một cách nhàm chán của người đứng đầu đảng CSVN. Mà điều công chúng cần biết hơn cả là, quan điểm của đảng CSVN nói chung và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng về vấn đề có liên quan đến chủ quyền quốc gia của Việt Nam như thế nào? Đặc biệt là trong vụ việc đụng độ giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính.
Trước đó, sau một thời gian dài câm lặng và chịu áp lực của dư luận xã hội, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã phải lên tiếng về vụ việc này. Tuy nhiên ở lần thứ nhất thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng vẫn tránh né, không dám chỉ ra thủ phạm là ai, vụ việc xảy ra ở đâu mà chỉ nói chung chung là "nước ngoài" và Biển đông. Phải chờ đến lần thứ 2, thì bà Lê Thị Thu Hằng mới dám chỉ đích danh thủ phạm là Trung Quốc và địa điểm xảy ra xung đột là khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam. Dẫu sao đó cũng là điểm đáng khen, nếu so với việc cho đến thời điểm này, chưa có một lãnh đạo cao cấp trong ban lãnh đạo của Việt Nam có phát biểu quan điểm chính thức về vấn đề bãi Tư Chính.
Giữa lúc chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang ở thế ngàn cân treo sợi tóc, kẻ thù phương bắc đang tìm cách cưỡng chiếm. Thì ông Nguyễn Phú Trọng, với tư cách người đứng đầu đảng và nhà nước không coi đó là chuyện sống còn, chuyện quan trọng nhất. Mà ông chỉ chăm chăm lo chuyện mất đảng, ông sợ thế lực thù địch mơ hồ nào đó xóa sổ đảng của ông. Đó chính là lý do, nhiều người phải đặt câu hỏi, "Đảng CSVN sợ thế lực thù địch, vậy thế lực thân địch là ai, nó đang nằm ở đâu?" và phải chăng ông Trọng và hầu hết lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN có liên quan gì đến "thế lực thân địch" đó?
Bởi tại sao:
- Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói rằng "Nếu xảy ra đụng độ thì như thế nào, liệu chúng ta có ngồi đây để bàn chuyện Đại hội đảng được không?
- Trước hành vi vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn tươi cười với trùm băng cướp Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung quốc trong lúc bãi Tư Chính bị đe dọa mà không hề một lời phản đối.
- Giữa lúc dầu sôi, lửa bỏng kẻ cướp Bắc kinh đã vào nhà thì Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung ương đã sang Trung Quốc tham dự hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa đảng cộng sản Trung Quốc và đảng cộng sản Việt Nam? Tại sao đảng CSVN lại đi học lý luận của kẻ cướp?
- v.v.. và v.v...
Không thân địch thì tại sao ban lãnh đạo đảng CSVN lại có các hành động đớn hèn và nhu nhược như vậy? Nếu đó là vì đặt sự tồn vong và quyền lợi của đảng CSVN lên trên lợi ích của tổ quốc, của dân tộc và hơn 90 triệu người Việt Nam thì không thể chấp nhận được
Việc năm 2014 trước việc giàn khoan Hải Dương vị phạm chủ quyền của Việt Nam, đã có những cuộc biểu tình lớn để phản đối và có những hành động đập phá, đốt cháy các cơ sở đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam là điều hoàn toàn có thật và cần phải được lên án. Song sự thật những hành động vừa kể, được cho là có tổ chức một cách có bài bản dưới sự chỉ đạo của một phe nhóm trong đảng, đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc để kích động dân chúng, nhằm mục đích làm xấu đi mối quan hệ "16 chữ vàng; 4 tốt" giữa Việt Nam và kẻ cướp Trung Quốc. Nó cũng tương tự như các hành vi bạo lực ở Phan Rí, Phan Thiết, Bình Thuận năm 2016.
Chắc chắc các thế lực thù địch không đủ năng lực để tổ chức và thực hiện những việc động trời như vậy đâu ông Trọng ạ!.
Vì thế, những hành động cũng như tiếng nói chống Trung Quốc của những người dân Việt Nam chân chính đã khiến các thế lực thân địch, hay nói cụ thể hơn là thân Trung Quốc đã phải dị ứng và quy chụp họ với một cụm từ khốn nạn, đó là thế lực thù địch. Nếu vậy, giữa 2 thế lực thân địch và thù địch thì thế lực nào đáng được trân trọng hơn?
Thế lực thân địch và Tổng Bí thư Trọng xin đừng quên, Vua Lê Thánh Tông từng nói: "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại tự tiện vứt bỏ?... Nếu người nào dám đem một tấc đất của vua Thái Tổ để lại làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét