Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

15106 - Nikki Haley: Nhà ngoại giao cứng rắn!




                                                                Bà Nikki Haley


Thứ Năm 18 Tháng Bảy vừa qua, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) bà Nikki Haley đã viết một bài trên tạp chí Foreign Affairs có tựa đề “Làm thế nào để đối đầu với mối đe dọa tiến tới từ Trung Quốc?” (How to Confront an Advancing Threat From China). Bài viết này chắc chắn sẽ làm cho Trung Quốc, nhất là các lãnh đạo tại Bắc Kinh hiện nay, đặc biệt là ông Tập Cận Bình, bất bình, nếu không phải là căm phẫn.
Trước khi bàn về bài viết này, có lẽ cũng cần nói về bà Haley một chút. Bà Haley sinh ngày 20 tháng Giêng năm 1972, tức năm nay chỉ mới 47 tuổi, trong một gia đình mà ba mẹ đều là người gốc Ấn Độ và có học vấn cao (bố có bằng tiến sĩ, mẹ có bằng cao học). Năm 2011, Haley là người phụ nữ đầu tiên, và cũng là người gốc thiểu số đầu tiên, làm Thống đốc tại bang South Carolina, cho đến năm 2017 (và là người thứ nhìn gốc Ấn Độ giữ vai trò thống đốc tại Hoa Kỳ). Khi thắng cử cuối năm 2016, ông Donald Trump đã đề cử bà Haley làm Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ. Gần hai năm phục vụ trong chức vụ này, bà Haley tuyên bố từ nhiệm vai trò này vào ngày 3 tháng Mười năm 2018, chính thức kết thúc vai trò này cuối năm 2018.
Trong lá thư từ nhiệm gửi cho tổng thống Donald Trump, cũng như trong cuộc phỏng vấn bởi bà Elise Labott thuộc Tạp chí State, bà Haley tiết lộ vài chi tiết thú vị.
Một, khi ông Trump đề cử bà Haley vào vai trò Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, bà chấp nhận lời mời của tổng thống nhưng với điều kiện. Ngoài các điều kiện được nằm trong nội các và trong Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Trump, bà Haley muốn có quyền được nói những suy nghĩ của bà (can speak her mind) về các vấn đề hàng ngày. Bà Haley không ngờ ông Trump đồng ý với các điều kiện này, và đã tôn trọng lời cam kết này trong suốt thời gian bà phục vụ. Cũng vì thế nên bà đã trân trọng ghi nhận rằng ông Trump đã giữ các lời hứa này. Nên nhớ rằng trước đó ông Trump không phải là sự chọn lựa đầu tiên của bà Haley. Thật ra bà Haley đã chọn ủng hộ thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc bang Florida làm ứng viên tổng thống, và sau khi TNS Rubio bị loại thì bà Haley chọn ủng hộ thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc bang Texas. Nhưng không phải vì thế mà ông Trump không nhìn thấy tài năng của bà Haley và không vận dụng tài năng hay ảnh hưởng chính trị của bà.
Hai, bà Haley khẳng định trong thư từ chức rằng vì bà tin tưởng về giới hạn nhiệm kỳ (term limit) nên bà mong muốn người khác cũng có cơ hội phục vụ trong vai trò này [*]. Bà Haley quyết định sẽ trở về làm một công dân bình thường, sẽ không tranh cử cho bất cứ một vai trò nào trong chính quyền vào năm 2020, sẽ ủng hộ ông Trump tái tranh cử, và ủng hộ các chính sách làm cho Hoa Kỳ đạt được những thành tựu vĩ đại hơn. Nhưng bà mong đợi sẽ tiếp tục nói ra những gì bà suy nghĩ về các chính sách quan trọng. Bà Haley đã làm thế sau hơn nửa năm gần như im lặng hoàn toàn.
Khi còn đang làm Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ, bà Haley đã chứng tỏ là người thẳng thắn và không ngần ngại phát biểu các suy nghĩ của mình về vấn đề hệ trọng, cho dầu nó có làm cho các đại sứ khác hay các quốc gia khác bực mình phẫn nộ, hay ngược lại các tweet của ông Trump.
Cũng cần nhớ rằng làm việc dưới quyền của Tổng thống Trump không hề dễ chút nào. Bao nhiêu tài năng trong nội các Trump đã từng từ nhiệm hay bị cách chức trong hơn hai năm qua. Nhiều cái tweet của ông Trump gây hoang mang, không chỉ cho công chúng, cho giới truyền thông, mà còn cho cả các thành viên trong nội các của ông. Nhiều người hoàn toàn không được tham khảo hay biết các thông tin hay quyết định của ông Trump cho đến khi theo dõi các cơ quan truyền thông tường thuật về các tweet của ông Trump. Trong vai trò đại sứ tại LHQ mà phải đối phó hàng ngày hàng giờ với bao nguồn thông tin và quan điểm lập trường khác nhau, ngay cả trong nội các, về các vấn đề hệ trọng khác nhau, nhất là đại diện của một cường quốc có ảnh hưởng giây chuyền lên các quốc gia khác, thì đây là một trong các trách nhiệm nặng nề nhất và căng thẳng nhất trong chính quyền Hoa Kỳ.
Có thể vì lý do này mà báo New York Times, tờ báo thường xuyên chỉ trích ông Trump và các chính sách của chính quyền này, cũng phải công nhận tài năng và những thành tựu mà bà Haley đã đạt được trong hai năm phục vụ. Trong khi ông Trump có chủ trương theo chính sách đơn phương (unilateralism), bà Haley vẫn tìm cách thuyết phục thế giới thấy rằng Hoa Kỳ vẫn tôn trọng và ủng hộ chủ nghĩa đa phương (multilateralism). Bà Haley góp phần làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ nói riêng, toàn thế giới nói chung, nghĩ rằng thật ra các chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vẫn mang tính truyền thống như thời hậu Thế Chiến II hơn là những điều ông Trump hứa hẹn lúc vận động tranh cử tổng thống. Bà Haley cũng đã nỗ lực cải tổ hệ thống công quyền, hành chánh của LHQ, cũng như tạo tối đa áp lực và các biện pháp hình phạt lên Bắc Hàn. Bà Haley cũng thường xuyên lên án các vi phạm nhân quyền tại diễn đàn LHQ hơn những người khác trong chính quyền Trump. Khác với ông Trump, bà Haley thẳng thắn phê phán Nga qua các hoạt động của họ tại Ukraine, hay các tấn công bằng chất hóa học của họ tại Syria.
Giờ đây khi đang là một công dân bình thường, không còn vướng bận với tính cách của một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ hay một chính trị gia, bà Haley có dịp bày tỏ quan điểm riêng của riêng mình. Và bà Haley đã chọn Trung Quốc làm đề tài quan trọng nhất để viết, trên tạp chí Foreign Affairs. Trong bài này, bà Haley đã không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm nhất, và là thử thách lớn lao đối với Hoa Kỳ về lĩnh vực trí tuệ, công nghệ/kỹ thuật, chính trị, ngoại giao và quân sự. Đối với bà, các hiểm nguy này mang tính sống chết, chứ không phải bình thường. Bà Haley kêu gọi toàn Hoa Kỳ, không chỉ riêng toàn bộ chính quyền (whole of government) mà là toàn dân (whole of nation), phải hành động trước khi quá trễ.
Có ba điều, trong nhiều lập luận, đáng chú ý nhất trong bài của bà Haley.
Một, niềm tin rằng Trung Quốc khi trở nên giàu có hơn sẽ cải tổ và hội nhập với thế giới, sẽ tự do hóa/cấp tiến hóa nền chính trị để trở thành một thành viên trách nhiệm trong hệ thống chính trị thế giới, sẽ trở thành giống như Hoa Kỳ, chẳng hạn, là sai lầm. Lý thuyết này, còn gọi là “thuyết đồng quy” (convergence theory), nghe có vẻ an ủi nhưng không diễn ra như thế. Chính quyền của Trung Quốc trở nên giáo điều và áp bức hơn, với tham vọng quân sự không chỉ trong vùng hay chỉ phòng thủ mà còn mang tính toàn cầu và được thiết kế để gây sợ hãi. Chủ tịch Tập Cận Bình thi hành chính sách chính thức rằng mọi công ty công nghệ Trung Quốc phải phục vụ cho mục tiêu quân sự của Trung Quốc. Điều này cũng có nghĩa rằng không hề có giai đoạn chuyển tiếp từ độc tài sang cấp tiến/dân chủ, mà là độc tài độc đảng vĩnh viễn được hỗ trợ bởi công nghệ hiệu quả. Chính quyền Trung Quốc đã tự định nghĩa rằng mình là kẻ thù của nền dân chủ cấp tiến Tây phương.
Hai, một nhà nước pháp quyền hành xử khác hẳn với một nhà nước độc tài. Một trong các nguyên tắc hướng dẫn chính sách và hành động của Hoa Kỳ sau Thế Chiến II là các quốc gia nên tôn trọng những gì thuộc về các quốc gia khác. Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ giúp xây dựng lại Đức và Nhật, và không hề ăn cắp nguồn lực nào của hai quốc gia này. Sau khi đánh chiếm Iraq, Hoa Kỳ cũng không ăn cắp một giọt dầu nào tại đây. Trong nội địa Hoa Kỳ, người dân sống trong nền pháp quyền, trong đó luật pháp không phải chỉ là công cụ của kẻ mạnh mà là hạn chế đối với quyền lực. Cách hiểu biết về pháp luật đã định hình cách người Mỹ suy nghĩ và hành động, và cách vận hành đối với các vấn đề thế giới. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo độc tài tại Trung Quốc thì lo ngại rằng người dân Trung Quốc tự do sẽ lật đổ họ từ quyền lực, như người dân tự do khắp nơi đã làm. Vì thế nên họ luôn tìm cách quản lý những đe dọa đối với sự cai trị của họ bằng cách tạo ra các khủng hoảng ngoài nước và đề cao chủ nghĩa dân tộc trong nước. Họ giăng các bẫy nợ qua Sáng kiến Vành đai Con đường. Ngoài ra họ cũng tạo ra một nhà nước giám sát mọi hoạt động của công dân (Orwellian surveillance state) qua Thế hệ 5/G và qua trí tuệ nhân tạo. Năm 2015, ông Tập công bố một chính sách mới có hiệu lực rằng mọi công ty tư nhân của Trung Quốc phải làm việc cho quân đội. Trên hết, lãnh đạo Trung Quốc không phải tìm cách làm cho đời sống của người dân tốt hơn mà là bảo vệ sự cai trị độc tôn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Đối với tư duy lãnh đạo Trung Quốc, những gì tốt nhất cho ĐCSTQ là tốt cho Trung Quốc.
Ba, tuy các chiến lược gia tại Trung Quốc cổ võ nhiều xu hướng khác nhau để làm cho quốc gia này vĩ đại hơn, phương cách của Tập Cận Bình rõ ràng là đi theo chủ trương cương quyết, chủ nghĩa dân tộc và có tính cách quân phiệt. Thử nhìn cách họ Tập đối xử trừng phạt Việt Nam, Phi Luật Tân, hoặc Nam Dương khi có những xung đột về lãnh hải, kể cả việc cắt dây cáp quan hay tấn công các thuyền đánh cá của các nước này (cách đây hai tuần đã xảy ra sự kiện tương tự trong lúc bà Nguyễn Thị Kim Ngân gặp ông Tập Cận Bình, và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên án mạnh mẽ sự kiện này, trong khi Việt Nam thì lên tiếng yếu ớt và chậm trễ). Trung Quốc mong muốn chiếm đoạt vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ, chắc chắn là ở châu Á và hiển nhiên là ở phần còn lại của thế giới.
Qua các phân tích trên, bà Haley đề nghị Hoa Kỳ cần phải có các biện pháp mới, phải suy nghĩ sáng tạo và gan dạ, mà không hề ảo tưởng về các ý đồ của đối thủ mình. Bà Haley đề nghị điều đầu tiên là cải chính các điều lệ về thương mại và đầu tư, nhất là trong các công nghệ cao cấp, để Trung Quốc không thể tiếp tục trục lợi sự cởi mở của hệ thống Hoa Kỳ. Vấn đề an ninh và quyền lợi quốc gia là quan trọng hàng đầu, ngay cả Adam Smith trong tác phẩm “Sự thịnh vượng của các quốc gia” (The Wealth of Nations) cũng biện minh như thế. Kế đến là phải cải tiến nền ngoại giao của Hoa Kỳ, để người Mỹ và các quốc gia khác trên thế giới hiểu rõ các chiến lược của Trung Quốc, các phương thức phòng thủ đối với các đe dọa quân sự từ nước này, và bảo vệ các nguyên tắc của hệ thống quốc tế hậu Thế Chiến II mà đã đem lại thịnh vượng trên toàn cầu. Và sau cùng, để quản lý các mối đe dọa từ Trung Quốc, cũng như từ Nga, Bắc Hàn, Iran và các mạng lưới khủng bố thánh chiến, thì Hoa Kỳ phải củng bố tăng cường sức mạnh và khả năng quân sự của mình. Theo bà Haley thì việc đầu tư vốn liếng, tuy ngân sách hàng năm nhiều nhưng vẫn chưa đủ, đối với các công nghệ quan trọng hàng đầu, như khả năng hải quân, kỹ nghệ thông tin, khả năng không gian mạng v.v…
Những phân tích, nhận định và đề nghị của bà Haley trong bài này thật ra không có gì mới. Nhưng có thêm một tiếng nói có nhiều ảnh hưởng của một người từng giữ vai trò quan trọng hàng đầu của Hoa Kỳ tại LHQ là cần thiết trên chính trường quốc tế hiện nay. Lập trường quả quyết của Hoa Kỳ và mọi quốc gia khác cũng rất cần thiết để đối đầu với Trung Quốc, để áp lực họ phải thay đổi cách hành xử hiện nay, bởi không thể chờ đợi thêm nữa khi các ý đồ độc quyền của đảng và bá quyền thiên hạ của họ ngày càng rõ ràng.
Chú thích:
[*] Cũng có những nhận định rằng bà Haley từ nhiệm bởi vì trước đây dưới quyền Ngoại trưởng Rex Tillerson, bà Haley gần như hoàn toàn tự do trong suy nghĩ và hành động của mình, nhưng điều đó đã thay đổi khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thay thế và John Bolton lên làm Cố vấn An ninh Quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét