Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

14603 - “Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à?”




Phía Bắc, nơi những cơ quan ban ngành vẫn xác định “báo chí là công cụ”, sự ăn mừng luôn luôn trọng thể, với diễn văn của các nhân vật tai to mặt lớn ca ngợi vai trò lớn lao của báo chí vào công cuộc phát triển xã hội. Đi kèm là các cuộc meeting nội bộ, các cuộc thi nấu ăn, cắm hoa (!), tiệc tùng kèm quà cáp của doanh nghiệp biếu tặng chung và riêng đã diễn ra rầm rộ từ trước đó vài tuần.
Ở phía Nam, nó thường chỉ là một bữa tiệc nội bộ hoặc có mời các cộng tác viên thân thiết đến chung vui với những người làm báo; một số tờ báo tặng anh em thêm một khoản tiền; thiết thực như vốn dĩ.
Tính cách mạng của những tờ báo được nhà nước nuôi không biết mạnh mẽ đến thế nào, nhưng có một câu chuyện từng lan tỏa trong giới báo chí (cả báo chí lẫn báo… chó, như cách anh em làm báo tự giễu cợt về ngành mình) ở Hà Nội nhiều năm trước đây. Nó như sau: một tòa soạn báo ngành, khoảng 6 tháng không có tiền trả nhuận bút cho anh em. Các cô phóng viên trẻ dở khóc kêu lên phó tổng biên tập thì được trả lời: “Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à?”

Những hợp đồng đổi chác

Câu chuyện này có thật và rất phổ biến ở báo chí phía Bắc. Thậm chí trong nhiều tờ báo ngành, nó trở thành một quy định, đó là phóng viên phải hoàn thành chỉ tiêu chạy quảng cáo bên cạnh nội dung tin bài.
Nghĩa là bằng cách nào đó tòa soạn không cần biết, những người làm báo phải mang được về cho tòa soạn những hợp đồng quảng cáo trên báo. Họ sẽ được hưởng hoa hồng, có khi lên đến 35% giá trị hợp đồng, bù lại, tòa soạn có nguồn tiền đó để “hoạt động”.
Hình minh họa. Các nhà báo nói chuyện trong văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội hôm 17/7/2018
Hình minh họa. Các nhà báo nói chuyện trong văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội hôm 17/7/2018 Reuters
Những cô gái trẻ trung, xinh đẹp thì mới dễ chiếm được cảm tình của những người đàn ông làm trưởng phòng truyền thông, marketting, giám đốc của các doanh nghiệp, nhờ đó lôi kéo được họ ký hợp đồng quảng cáo với báo. Hiệu quả của việc quảng cáo trên những tờ báo này là yếu tố phụ, thậm chí vô nghĩa. Người đi chạy quảng cáo chỉ có một động cơ kiếm được tiền càng nhiều càng tốt. Nững người có quyền quyết định một hợp đồng thì có nhiều lý do hơn: bị đeo bám lẵng nhẵng quá thì ký cho xong để khỏi bị làm phiền; ký để tạo quan hệ tốt với tờ báo, nhỡ doanh nghiệp có phốt gì thì họ “giơ cao đánh khẽ” (quyền lực thứ tư mà), làm lơ hoặc tốt nhất là bênh vực; hoặc, ký vì cũng được chia phần hoa hồng. Có khi cộng thêm chuyện đánh đổi thân xác của những phụ nữ làm quảng cáo.
Câu chuyện ngầm trong làng báo kể trên, bất cứ ai vào nghề lâu năm đều hiểu rành rẽ. Nhưng, nói công khai như anh phó tổng kể trên thì hiếm có-chẳng khác gì so sánh đồng nghiệp của anh với các cô gái bán trôn nuôi miệng.

“Nhà báo đếm tầng”

Trong các tờ báo tư nhân, câu chuyện không đến nỗi trơ trẽn như vậy. Không bị tác động nhiều bởi mục đích là công cụ của ai, họ sử dụng người đúng việc hơn. Bộ phận quảng cáo được tách riêng, nhân sự cũng bao gồm những người được đào tạo đúng ngành marketing, PR để soạn thảo chiến lược PR hay các chiến dịch quảng cáo cho khách hàng. Lợi nhuận là của ông chủ-do đó nó được kiểm soát và quản lý minh bạch hơn. Những người sản xuất content hay nhà báo nếu nhập nhằng quan hệ với khách hàng của tờ báo-công ty vào nội dung bài viết của mình để lấy hoa hồng có thể bị đuổi việc.
Viết đến đây tôi phì cười nhớ lại câu chuyện nhiều năm trước. Một người bạn làm báo kể, trong một cuộc ra mắt sản phẩm mới cùng nhiều doanh nghiệp và các phóng viên kinh tế-thị trường, một doanh nghiệp oang oang kể trên xe là anh ta đã “mua” cô phóng viên thị trường của một tờ báo hàng đầu trong mảng này lúc đó như thế nào. Yêu cầu là trong bài viết phải nhắc tên của doanh nghiệp đó 8 lần. Cô ấy đã hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ”.
Tôi đã tìm bài báo đó đọc. Tên doanh nghiệp được nhắc đến, tròn vành rõ chữ, liên tục, trong khi một thủ thuật để khiến bạn đọc không phát ngán mà người làm báo nào cũng biết, đó là dùng các đại từ thay thế. Ví dụ doanh nghiệp A thường chỉ được đầy đủ tên gọi vào hai lần ở đầu và cuối bài, còn phần giữa thường sẽ gọi tắt là “công ty”, hay “doanh nghiệp”. Nhưng trong bài báo đã nhắc, tên doanh nghiệp A được lặp đi lặp lại dày đặc một cách bất thường.
Có một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở một tờ báo tư nhân, động cơ trong sáng hơn nhiều (giúp bạn bè), số tiền cũng gần như không đáng kể. Nhưng nhân sự ấy đã bị đuổi việc. Một biên tập viên lĩnh vực kinh tế trong một tờ báo điện tử lớn, sau khi có những chứng cứ được doanh nghiệp “nuôi” đã bị điều chuyển sang lĩnh vực khác và kiểm soát chặt chẽ.
Hình minh họa. Một người đàn ông đọc báo Thanh Niên trước tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 15/10/2008
Hình minh họa. Một người đàn ông đọc báo Thanh Niên trước tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 15/10/2008 AFP
Về lý thuyết, có vô vàn cách để một người làm báo-hoặc làm việc trong tờ báo lợi dụng tiếng tăm và vị trí trên công luận của tờ báo để trục lợi.
Cũng một tờ báo hàng đầu trong lĩnh vực tin tức thời sự, điều tra chống tham nhũng…, đồng nghiệp cùng lĩnh vực công khai kể cho nhau việc một anh PV sau khi viết bài về chính sách bán nhà của công ty bất động sản kia thì được mua một suất căn hộ giảm 40%.
Có những mánh khóe thô thiển hơn (cách đây một năm làng báo Việt Nam sản sinh ra một hình dung từ mới, gọi là bọn “đếm tầng”, nghĩa là bọn mang danh nhà báo nhưng công việc chỉ là đi đếm những phần xây dựng vi phạm rồi vòi tiền). So với những thủ đoạn đó, việc yêu cầu doanh nghiệp tài trợ cho một chuyến đi chơi “nhân ngày 21/6” còn được xem là thẳng thắn, chính chuyên hơn nhiều. Mặc dù về bản chất, đó cũng là trục lợi trên danh nghĩa báo chí không khác. Có những “nhà báo” còn huỵch toẹt “doanh nghiệp còn cần mối quan hệ như vậy với tờ báo, cần hơn mình cần họ nhiều”.
Thực ra các “nhà báo” kể trên không một tay che trời được đến mức ấy. Trong không ít trường hợp, họ là khâu cuối của một đường dây làm ăn tinh vi, được che chắn bởi quyền lực hoặc tệ hơn là sự thông đồng ngấm ngầm từ những người có quyền lực. Khá nhiều, hoặc rất nhiều trong các tờ báo giàu “tính cách mạng” kể trên là những tờ sục sôi “vặt lông” doanh nghiệp nhất, và vặt trơ trẽn, đểu giả nhất. Nói huỵch toẹt, đó là một thứ sân sau làm nhiệm vụ con buôn tin tức, sống bằng nịnh bợ và hăm dọa.

Những đống rác thối cần vứt bỏ

Đề án sắp xếp báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng. Nếu thật sự đề án này được thực hiện nghiêm túc, sẽ có ít nhất 1/3 đến một nửa số lượng đầu báo hiện tại bị sáp nhập vào những tờ chính của cơ quan chủ quản (tức là dẹp bỏ).
Những người làm báo “không cách mạng” chẳng mấy băn khoăn, vì từ lâu họ đã làm nghề một cách cạnh tranh và sòng phẳng. Dù chỉ còn lại rất ít nhưng họ là những điểm tựa cuối cùng của công chúng vào một nền báo chí đúng nghĩa. Ở một vài group báo chí tư nhân cũng đã manh nha việc phải thay đổi, phải đầu tư nội dung để sống bằng bán báo (chứ không bán lá cải sỉ nữa). Vâng, quả là tin đáng mừng!
Chỉ thương nhất là hàng ngàn quan chức báo chí đang sống kiểu ký sinh trùng, ngồi mát ăn bát vàng tại đủ các loại phòng ban của hàng trăm tờ báo “cách mạng”, và hàng ngàn, nhiều ngàn “nhà báo” thuộc loại nhỏ-không-đi-học-thì-lớn-làm-báo, “đếm tầng”, “soi váy”, dọa dẫm, bắt chẹt, hoặc biến mình thành làm công cụ cho các doanh nghiệp và các nhóm lợi ích khác nhau. Trong cuộc cạnh tranh dữ dội để sống còn, cùng với sự soi xét của xã hội, chẳng sớm thì muộn họ sẽ bị vạch mặt hoặc vứt bỏ như vứt một đống rác thối.
Nghe những câu “Chúc mừng ngày báo chí Cách mạng”, chẳng biết họ có còn đủ lượng xấu hổ trong máu để mà đỏ mặt hay không.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét