Một công nhân đang làm việc tại nhà máy chế tạo xe hơi của Vingroup ở Hải Phòng
Nhiều thông tin về Vingroup trong hai năm gần đây, nhất là khi tập đoàn này trong vòng 650 ngày đã xây dựng và đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất xe ô tô đầu tiên tại Việt nam (2.9.2017 – 14.6.2019) và trình làng hai mẫu xe hơi với thương hiệu Vinfast tại triển lãm Paris Motor Show (10.2018), khiến không chỉ trong nước mà truyền thông và các gã “khổng lồ” khác trong ngành ô tô thế giới đều đặt dấu chấm hỏi về sự phát triển thần tốc của một tập đoàn mà xuất phát điểm rất trễ (2001) nhưng có lẽ đang về đích ngoạn mục…
650 ngày tạo kì tích
Ngày 27.6.2019, bài báo của nhà báo John Reed đăng trên Financial Times với tiêu đề “The rise and rise of a Vietnamese corporate emprire” tạm dịch là sự trỗi dậy của một đế chế Vingroup lại càng làm tăng thêm nghi vấn về sự phát triển thần tốc của tập đoàn này.
Trong bài viết John Reed có nhắc về chiếc xe hơi đầu tiên của Việt Nam chế tạo dưới nhãn hiệu Vinfast và nói rằng ở Việt Nam, Vingroup được mô tả như một tập đoàn đa ngành – một phiên bản chaebol Hàn Quốc.
Không chỉ truyền thông Việt Nam so sánh Vingroup với những tập đoàn khổng lồ khác mà tháng 5.2018, tờ Nikkei của Nhật cũng đã có bài viết nhận định rằng Vingroup đang nhanh chóng trở thành một trong những tập đoàn đa ngành nghề bậc nhất Việt Nam.
Tờ Nikkei cũng liệt ra không thiếu sót những mốc thời gian Vingroup tạo dấu ấn trên thương trường khi trong tháng 4.2018 tập đoàn này tuyên bố gia nhập thị trường dược phẩm với kế hoạch xây dựng một nhà máy. Trước đó một tháng, Vingroup lại tuyên bố mua lại một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và kế hoạch thành lập một trường đại học. Trong vòng một năm, Vingroup “vươn vòi” ra tất cả các lĩnh vực từ sản xuất thực phẩm có lợi cho sức khỏe, chuỗi siêu thị Vinmart và Vinmart+. Họ cũng tham gia mảng thức ăn chăn nuôi thông qua chi nhánh VinEco và mở VinUni bước chân vào lĩnh vực giáo dục đại học. Trong khi đó, hệ thống Vinschool- mảng giáo dục từ cấp mẫu giáo lên cấp 2 đã được đưa vào hoạt động từ năm 2013. Trong tháng 4.2019, Vingroup lại mở một khách sạn năm sao có đài quan sát trong tòa cao ốc Landmark 81 tại Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh.
Có phải Vingroup đang muốn làm thay đổi chân trời của thành phố mà trước đây nhiều người gọi là Sài Gòn? (John Reed viết)
Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Bộ thương mại Việt Nam trả lời RFA về tầm phát triển của Vingroup: ““Nếu nhìn theo đường lối phát triển đó thì biết là nó sẽ sập đổ chứ không thể phát triển được như nó nói. Lý do có nhiều lý do nhưng tôi thấy có nhiều sai lầm về nhiều thứ từ đường lối phát triển đến chọn lựa đầu tư và đường hướng kinh doanh, tất cả đều chạy theo việc lấy đồng tiền để khuyếch trương danh tiếng, thương hiệu của mình, không phải phục vụ vấn đề phát triển kinh tế xã hội nghiêm túc. Tôi thấy lâu rồi nhưng tôi không muốn đóng góp vì có đóng góp cũng không ai nghe”.
Ông còn phân tích: “…sức đâu mà làm, trí thức đâu mà làm, chỉ thấy là họ có tiền và muốn tung tiền để lấy tiếng, tung tiền để xây dựng cái gì, phục vụ cái gì, mở mang cái gì tất cả đều không rõ ràng, không có mục đích chỉ để được tiếng và xài tiền mà tiền đâu thì mình không biết”
Nhiều người dân Việt Nam hay nói, “Bây giờ cái gì cũng Vin. Ăn có Vinmart, chữa bệnh có Vinmec, học có Vinschool, VinUni và đi xe Vinfast…”.
Số lượng không đi chung chất lượng
Rõ ràng với mốc thành tích đáng nể trong việc vươn vòi bao trùm tất cả các lĩnh vực chỉ trong vòng hơn 10 năm thì Vingroup đã làm được những điều không bình thường.
Chỉ có những tập đoàn “khổng lồ” (nói như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) mới có thể làm được.
Trong ngày khánh thành nhà máy sản xuất xe ô tô Vinfast tại Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu, đây là kì tích của ngành ô tô Việt Nam cũng như trên thế giới. Ông dùng tất cả các mỹ từ để mô tả sự “kì tích” mà Vingroup mang lại: “Vinfast làm điều khổng lồ vì đã dám tìm đến những người khổng lồ, đứng được trên vai của những người khổng lồ trong ngành ô tô” và ông không quên khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn đồng hành và ủng hộ những doanh nghiệp, doanh nhân dám làm những điều kì tích như vậy.
Vingroup gia nhập ngành công nghiệp ô tô gặp nhiều sự hoài nghi bởi sự hạn chế của các chuỗi cung ứng trong nước. Tuy nhiên trong bài viết của mình John Reed cho biết đã gặp Lê Thị Thu Thủy, phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup và bà Thủy tuyên bố “Với danh tiếng của chúng tôi, bất kỳ sản phẩm nào của Vingroup bán đều rất chạy”.
Riêng về lĩnh vực giáo dục, trong một trả lời trên Zing.vn, bà Lê Mai Lan, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cũng khẳng khái tự tin nhận định: “Chúng tôi muốn xây dựng chất lượng đột phá trong giáo dục đại học, đóng góp cho đất nước một trường đại học đẳng cấp thế giới, được kiểm định và xếp hạng theo tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng xuất sắc trong giảng dạy đồng thời có các nghiên cứu đóng góp cho lĩnh vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam và nền kinh tế tri thức toàn cầu”. Ngày 14.11.2018, đại học VinUni đặt trụ sở tại Hà Nội đã chính thức khởi công xây dựng và Vingroup đặt mục tiêu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm 2020.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết: “Họ có tiền và muốn đầu tư, nói chung đầu tư về giáo dục rất cần thiết nhưng giáo viên ở đâu ra, rồi chắp vá, thỉnh giảng nhiều nơi cuối cùng chất lượng sẽ không có”
Ông cho biết trong năm 2018, Vingroup đã đặt hàng 53 trường đại học trong cả nước bằng việc ký kết hợp tác để đưa sinh viên đến thực tập tại các nhà máy, doanh nghiệp của Vingroup nhưng đến nay vẫn chưa sinh viên nào được trải nghiệm thực tập tại tập đoàn này.
Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: “Tôi hy vọng gửi sinh viên đến nhà máy ô tô thực tập nhưng họ chưa trả lời mặc dù hợp đồng đã ký kết hơn một năm qua”.
Giáo sư Xuân cho biết thêm “Phải tìm hiểu rõ hơn coi lực lượng của Vingroup có không, hay họ lại moi những đội ngũ giáo viên trong nước sẽ không tốt. Nếu đưa giáo sư quốc tế về sẽ giống trường hợp Trường đại học Tân Tạo đã từng vướng, chỉ có nước bù lỗ thôi”
Cần nói thêm về trường Đại học Tân Tạo của nữ đại gia Đặng Hoàng Yến, người sáng lập và là chủ tịch Hội đồng Quản trị. Năm 2017 Thanh tra Bộ Giáo dục Đào tạo đã kết luận trường Đại học Tân Tạo có hàng loạt sai phạm nghiêm trọng từ tổ chức, tuyển sinh, đào tạo, cấp phát văn bằng, học phí…Ngoài ra, cơ cấu hoạt động của trường chưa đúng theo qui định khi đội ngũ giảng viên thiếu và rất nhiều người chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, thậm chí trường đã bị đình chỉ hoạt động vẫn tuyển sinh.
Tiến sĩ Trần Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin cho biết: “Tuy không nằm trong danh sách 54 trường ký kết hợp tác với Vingroup nhưng Vingroup cũng đã đến để mời trường tham gia ký kết Quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ với các đề tài nghiên cứu khoa học”
John nhận định “Sự trỗi dậy của Vingroup phản ánh chính sự trỗi dậy của Việt Nam –một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và người sáng lập Vingroup là người giàu nhất trong năm tỷ phú của Việt Nam, với giá trị tài sản ròng 7,6 tỷ đô la Mỹ –Theo tạp chí Forbes. Tuy vậy xuyên suốt bài viết của mình, John Reed đều đặt nghi vấn khi biết rằng các tin tức tiêu cực về tập đoàn này thường biến mất một cách kỳ lạ trên các báo điện tử và Facebook (?!)
Đó vẫn luôn là dấu chấm hỏi không chỉ với một nhà báo nước ngoài như John Reed mà vẫn luôn là thắc mắc của giới truyền thông trong nước và cả những báo giới Việt Nam ở nước ngoài….Sau sự “trỗi dậy” kì tích đó liệu sẽ có những scandal chính trị nào tương tự như các tập đoàn lớn Hàn Quốc đã từng vướng vào hay không (?!).
Ông Lê Văn Triết –Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Việt Nam nói với RFA: “Họ có tiền nhiều họ có quyền làm còn chuyện quản lý hướng dẫn để cho nó đúng hay không đúng đó là chuyện của Nhà nước, của Đảng”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét