Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

2500 - Thời Trump, Việt Nam ít chắc chắn khi đặt cược vào quan hệ với Mỹ


Joshua Kurlantzick (*)

Trong 5 năm qua, không quốc gia Đông Nam Á nào thách thức các tham vọng chiến lược của Trung Quốc ở khu vực này quyết liệt hơn Việt Nam. Đã nhiều lần chống lại những mục tiêu của Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam đã thử cho phép các công ty thăm dò dầu khí nước ngoài hoạt động tại các vùng biển tranh chấp. Và giống như Trung Quốc, Việt Nam cũng bồi đắp những đảo đá ngầm, đảo nhỏ và bãi cát mà họ chiếm đóng, lắp đặt các thiết bị dù ở quy mô nhỏ hơn [Trung Quốc] nhiều lần. Đôi lúc, Việt Nam cố gắng làm việc với các nước láng giềng, chẳng hạn với Philippines dưới thời cựu tổng thống Benigno Aquino III, để nêu bật những gì mà Việt Nam coi là hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Để phản kháng Trung Quốc, Việt Nam đã xây dựng quan hệ chiến lược gần gũi hơn với Mỹ, gần tới mức Hà Nội có vẻ như đã sẵn sàng chấm dứt trước năm 2017 cách tiếp cận truyền thống là đi dây giữa Bắc Kinh và Washington. Hà Nội và Washington đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện dưới thời chính phủ Obama; Mỹ đã bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và đưa quân đội hai nước tới gần nhau hơn.
Tuy nhiên trong năm làm tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump, Việt Nam có vẻ không chắc chắn lắm trong việc đặt cược vào mối quan hệ với Mỹ, dù Hà Nội đã chào đón nồng nhiệt chuyến viếng thăm của bộ trưởng quốc phòng James Mattis trong tuần trước. Trong vài tháng gần đây Hà Nội cũng có vẻ hòa dịu hơn một chút trong cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc.
Dưới thời Trump, liệu Việt Nam có cảm thấy áp lực của sức mạnh quân sự của người láng giềng khổng lồ và quan hệ thương mại to lớn với Hà Nội? Có lẽ có, nhưng ngay cả khi Hà Nội nghĩ rằng họ không thể tin cậy vào chiến lược dài hạn của Washington và cam kết thương mại của Mỹ với Đông Nam Á thì họ cũng sẽ không tiến gần hơn tới Bắc Kinh. Thay vì vậy, Hà Nội sẽ tìm những cách thức mới để tự phòng hộ, khoanh vùng các tham vọng của chính mình và làm việc với các đối tác khác trong khu vực.
Từ giữa năm ngoái, Việt Nam đã hướng tới một cách tiếp cận với Trung Quốc ít chạm trán công khai hơn. Sau khi cung cấp cho công ty Repsol (Tây Ban Nha) quyền khai thác ban đầu một lô dầu khí tranh chấp ở Biển Đông, năm ngoái Hà Nội đã chọn các đình hoãn việc khoan dầu, nghe nói là do áp lực từ Bắc Kinh. Thế rồi vào tháng 11, lãnh đạo Việt Nam đưa ra một thông cáo chung rất thân ái với lãnh đạo Trung Quốc; hai bên cam kết duy trì hòa bình ở Biển Đông.
Có nhiều lý do dẫn tới sự thay đổi thái độ này và không phải tất cả các lý do đó đều liên quan tới Trump. Dưới quyền tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đã trở thành một đối tác ít tin cậy hơn rất nhiều cho Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông. Trong khi chính phủ Aquino nộp đơn kiện các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông lên tòa trọng tài quốc tế và công khai lên án các tham vọng khu vực của Bắc Kinh, thì Duterte lại cố ve vãn Trung Quốc, coi thường phán quyết của tòa trọng tài, giảm hoạt động giao lưu quân sự Philippines-Mỹ và gần như đều nhượng bộ mỗi khi Trung Quốc công khai gây áp lực buộc ông ta không được khẳng định những tuyên bố chủ quyền của Philippines ở Biển Đông. Là chủ tịch [luân phiên] của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2017, Philippines đã làm rất ít để tập trung sự chú ý của khối này vào mối đe dọa của Trung Quốc. Những thách thức chính trị quốc nội của Việt Nam – đáng chú ý nhất là cuộc chống tham nhũng nổi tiếng trong giới thượng lưu Việt Nam hiện nay – cũng làm cho giới lãnh đạo Hà Nội bị phân tâm khỏi chính sách ngoại giao.
Nhưng những sự thay đổi trong chính sách của Mỹ có thể có một vai trò trong cách tiếp cận mềm dẻo hơn của Việt Nam đối với Trung Quốc. Bộ trưởng Mattis và Ngũ giác đài đã thúc đẩy một đường lối cứng rắn hơn ở Biển Đông, đặc biệt là thông qua các kế hoạch tuần tra tự do hàng hải thường xuyên và đều đặn, bao gồm cả việc phái một tàu khu trục đến gần bãi Cỏ Rong (Scarborough Shoal) tranh chấp [giữa Philippines và Trung Quốc] ngay trước chuyến thăm của ông Mattis tới Việt Nam. Ngũ giác đài cũng công bố sẽ cử một hàng không mẫu hạm tới thăm Việt Nam, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Trong chuyến công du Đông Nam Á, ông Mattis cũng tỏ dấu hiệu rõ hơn về sự sẵn sàng gọi một số khu vực của Biển Đông theo tên mà các chính phủ Đông Nam Á đặt ra, như trường hợp Indonesia chẳng hạn, thay vì gọi theo cách đặt tên của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quan chức Việt Nam cũng đồng thời bị chọc giận bởi những hành động và tuyên bố hùng hồn về thương mại của chính phủ Trump mà họ lo ngại có thể đầu độc những khía cạnh khác của quan hệ Việt Nam-Mỹ. Ngoài việc rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận sẽ mang lại lợi ích to lớn cho kinh tế Việt Nam – năm ngoái ông Trump còn đọc một bài diễn văn nặng tính bảo hộ chủ nghĩa ở hội nghị thượng đỉnh về Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương tại Đà Nẵng, trong đó ông than phiền về “thương mại không công bằng”, và quảng bá nghị trình “nước Mỹ trên hết” của ông. Hồi tháng 12, bộ Thương mại Mỹ đã tăng thuế nhập khẩu lên rất cao với một số mặt hàng thép từ Việt Nam.
Các quan chức Việt Nam nói chung không chắc chắn làm cách nào để đọc hiểu cách tiếp cận dài hạn của chính phủ Trump đối với Đông Nam Á, đặc biệt là khi Washington tập trung chủ yếu, không phải là không hợp lý, vào bán đảo Triều Tiên. Họ cũng không biết mối quan tâm của Nhà Trắng vào việc làm hồi sinh cái gọi là bộ tứ - một cách tiếp cận rộng rãi hơn tới khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, với Nhật Bản, Úc và Ấn Độ - sẽ thể hiện như thế nào và nó sẽ tạo ra điều khác biệt gì trong việc làm nhụt cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Quan hệ chiến lược Việt Nam-Mỹ, ở các cấp cao nhất, hiện thời vẫn tiếp tục vững mạnh mặc dù Hà Nội sẽ không trở thành một đối tác thân cận của Mỹ ngang với Singapore chẳng hạn, trong khi những mối căng thẳng thương mại vẫn ám ảnh. Nhưng thay vì lùi lại gần gũi hơn với Trung Quốc, Việt Nam sẽ đa dạng hóa các nỗ lực để làm chùn sức mạnh khu vực đang tăng lên của Bắc Kinh.
Một mặt, Hà Nội có khả năng sẽ làm việc chặt chẽ với Singapore, nước chủ tịch ASEAN năm nay, để xây dựng sự đồng thuận trong khối về cách ứng xử với Trung Quốc. Singapore nói chung có một lập trường với Trung Quốc cứng rắn hơn rất nhiều so với Philippines dưới thời ông Duterte. Với các nhà ngoại giao cực kỳ khéo léo của mình, Singapore từ lâu đã là nhà lãnh đạo thực tế của khối ASEAN. Nếu có quốc gia nào có thể thuyết phục các nước ASEAN ngồi lại với nhau và đặt ra một mặt trận thống nhất trong công cuộc đàm phán với Bắc Kinh một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông thì đó có lẽ là Singapore.
Việt Nam đang thúc đẩy mối quan hệ chiến lược với Singapore và cũng làm như vậy với Nhật Bản, Đại Hàn và Úc. Nhật Bản và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược năm 2014 và Tokyo đang bán cho Hà Nội các tàu tuần tra, các vệ tinh quan sát dựa trên radar. Việt Nam đã kêu gọi Đại Hàn đóng vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á mặc dù Seoul chưa đáp ứng bằng ý định rõ ràng nào.
Đi xa hơn, Việt Nam đang cố gắng tranh thủ Ấn Độ để tăng cường an ninh cho chính mình, thậm chí thúc đẩy hải quân Ấn Độ hoạt động hăng hái hơn ở Biển Đông. Đầu tháng này, Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư các dự án mới vào lĩnh vực dầu khí ở Biển Đông, làm cho Bắc Kinh rất tức giận.
Về phần mình, Hà Nội đang nâng cấp những thực thể và căn cứ quân sự của mình ở Biển Đông. Việt Nam tiếp tục thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân đội, xây dựng đội tàu ngầm lớn nhất Đông Nam Á và nâng cấp lực lượng hải quân về nhiều phương diện.
Với khoảng trống để lại do Mỹ rút ra khỏi hiệp định TPP, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ việc Nhật Bản bước lên làm nhà lãnh đạo khu vực về thương mại. Nhật Bản, được sự ủng hộ của Hà Nội và các thành viên TPP khác, đã giúp đẩy lên phía trước một hiệp định vừa được cứu vãn và không có Mỹ; hiệp định mà giờ đây được gọi là Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Đối tác xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa kết thúc đàm phán vào tuần trước và dự kiến sẽ ký kết trong tháng Ba.
Việt Nam có thể đã trở nên công khai hơn trong việc hòa hoãn với Trung Quốc trong năm ngoái, cũng như tìm cách thấu hiểu chính sách của chính phủ Trump ở châu Á và xử lý sự phân ly trong các nước láng giềng của mình. Nhưng Hà Nội sẽ vẫn là đối thủ cứng rắn nhất chống lại các tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Đông Nam Á ngay cả khi Việt Nam phải vun trồng quan hệ với các đối tác ngoài Washington để tự bảo vệ mình.
(*) Joshua Kurlantzick là chuyên gia về Đông Nam Á của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), một cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách của Mỹ.



World Politics Review, 29-1-18

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét