Thứ Ba, 27 tháng 2, 2018

3016 - Nhà báo Phạm Đoan Trang, tác giả ‘Chính Trị Bình Dân,’ biến mất?

Người Việt

Phạm Đoan Trang bên ngoài phiên sơ thẩm bà Cấn Thị Thêu ngày 20 Tháng Mười, 2016. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, tác giả cuốn sách “Chính Trị Bình Dân,” đang bị nhà cầm quyền CSVN thẩm vấn và canh giữ tại nhà, có vẻ đã “biến mất.”
Nhà báo Phạm Đoan Trang, 40 tuổi, bị nhà cầm quyền CSVN cho công an đến ép đi thẩm vấn suốt chiều Thứ Bảy, 24 Tháng Hai. Chị bị thẩm vấn quanh quyển sách “Chính Trị Bình Dân” mà chị viết và đang bán qua mạng Amazon. Một số người đã chuyển sách về Việt Nam, nhờ tin tác giả đang bị nhà cầm quyền khủng bố mà trở thành món hàng được săn lùng để đọc.
Ông kể rằng “Theo tình hình đang gây rúng động cả Hà Nội, hầu hết những người đã từng tham gia xuống đường trong hội No- U, Green Tree, các anh chị em hoạt động xã hội dân sự, dân oan Dương Nội… bất ngờ sáng nay bị an ninh đến canh cửa gắt gao, có nhà có cả xe thùng đến chắn.”Hôm Thứ Ba 27 Tháng Hai, người ta thấy nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh viết trên Facebook “con chim Phạm Đoan Trang đã bí mật bay ra khỏi vòng vây từ đêm qua.”
“Nhà anh Nguyễn Tường Thụy ở Văn Điển có đến cả chục người bao vây, nhà Trịnh Bá Phương tận Dương Nội cũng có cả xe thùng đến gác, Ngô Duy Quyền, cô giáo Trần Thị Thảo… bị ngăn chặn không cho ra khỏi nhà sáng nay. Trịnh Kim Tiến bị công an khu vực đến ngồi canh kín đáo, Đặng Bích Phượng lấy xe đạp điện ra đi dạo cũng bị bốn kẻ lạ mặt hung dữ bám theo rồi áp tải về tận nhà… Riêng vợ chồng tui còn ôm nhau ngủ trên giường đến tận bây giờ nên không biết có ai đội gió mưa canh giấc ngủ bên dưới suốt đêm hay không.”
Tin Phạm Đoan Trang đi trốn hay bí mật thoát khỏi vòng vây canh gác của công an, hoặc vẫn còn ở nhà, không thể kiểm chứng.
Tuy nhiên, chị viết trên trang Facebook cá nhân xác định vẫn ở đâu đó trong nước: “Tôi vẫn ở Việt Nam, chưa đi nước ngoài và sẽ không đi đâu cả, cho dù chỉ vài ngày để nhận giải Homo Homini (giải sẽ được trao tại Prague, Cộng Hòa Séc vào ngày 5 Tháng Ba tới) hay vài năm để… điều trị hai cái chân. ‘Không bao giờ rời Việt Nam chừng nào Việt Nam chưa thay đổi’ – tôi đã thề với chính mình như thế khi chuẩn bị về nước vào đầu năm 2015. Tôi cũng đã nói rõ điều này với các nhân viên an ninh Bộ Công An để họ yên tâm rằng tôi sẽ không sang Séc nhận giải.”
Dịp này, chị xác nhận lại ý định ở lại trong nước để đấu tranh cho một đất nước Việt Nam có tự do, dân chủ thật sự, bất chấp những hệ quả tồi tệ nhất có thể xảy đến cho cá nhân mình.
“Khi chúng ta chẳng may sinh ra là những con cá trong một cái ao bẩn thỉu, tù đọng, ô nhiễm, chúng ta có hai kiểu phản ứng: Hoặc là tìm đường bơi sang hồ nước sạch đẹp ở gần hay biển cả mênh mông ở xa kia, hoặc là cố gắng thay đổi cái ao của mình để nó được đẹp đẽ, dễ thở, đáng sống hơn. Nếu không phản ứng gì thì chỉ có chết ngập trong nước bẩn mà thôi. Tôi chọn cách thứ hai,” Phạm Đoan Trang viết trên Facebook.
Sau khi bị thẩm vấn và được thả về nhà hôm Thứ Hai, 26 Tháng Hai, nhà báo Phạm Đoan Trang viết một bức thư tay và phổ biến trên trang Facebook cá nhân: “Tôi đấu tranh để chống độc tài, và vì nhà nước Cộng Sản ở Việt Nam hiện nay là nhà nước độc tài, nên tôi đấu tranh để xóa bỏ nó.”
Tin tác giả sách “Chính Trị Bình Dân” bị công an khủng bố trở thành đề tài được cư dân mạng chuyền nhau nhanh chóng. Quyển sách nhập môn viết cho người ta hiểu qua một thứ ngôn ngữ “bình dân” mà tác giả “cố gắng để làm cho nó dễ hiểu và thú vị nhất, để góp phần đánh tan cái định kiến tai hại ‘chính trị là xấu xa, thủ đoạn’ ở bạn đọc Việt Nam.”
Lâm Bình Duy Nhiên, một người đã mua đọc quyển “Chính Trị Bình Dân” qua mạng Amazon, viết nhận xét trên danchimviet.info: “Những hoạt động chính trị trong một môi trường dân chủ được tác giả trình bày rõ ràng, từ những hoạt động đảng phái đến việc làm truyền thông hay khiếu kiện. Từ biểu tình, đình công đến khái niệm bất tuân dân sự, Phạm Đoan Trang cho người đọc thấy rõ đâu là quyền căn bản của một công dân và đâu là giới hạn của những xã hội độc tài, như Việt Nam, khi quyền công dân bị chà đạp bởi bộ máy quyền lực chính trị.” (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét