Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

3019 - Quốc phòng Việt – Mỹ thay đổi ra sao trong 5 năm qua?

Có lẽ không hề ngẫu nhiên, chỉ 5 năm ngày sau khi công bố phiên bản rút ngắn của Chiến lược Quốc phòng – National Defense Strategy (NDS), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã thực hiện ngay một chuyến công du đến Hà Nội vào ngày 24/1/2018, cùng triển vọng lần đầu tiên kể từ sau khi cuộc chiến Việt – Mỹ kết thúc vào năm 1975, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ sẽ đến Việt Nam.
Phải mất đến 5 năm để quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ nhích thêm một chút và có một nét gì đó thực chất hơn. Dù chưa có thông tin chính thức, nhưng một vài tin tức chưa kiểm chứng cho biết hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam ngay vào đầu tháng 3/2018.


Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể sẽ cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam vào đầu tháng 3/2018.
Ảnh: Vnexpress

Sự trùng hợp giữa hiện tại và quá khứ là cái tên Đà Nẵng. 5 năm trước, có 3 tàu chiến Mỹ đã đến vùng biển Đà Nẵng để tiến hành sứ mệnh “giao lưu hải quân” với quân đội Việt Nam. 2013 cũng là năm mà không khí “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Việt Nam phần nào được cải thiện bằng một chuyến công du của nhân vật số 2 trong đảng Cộng sản Việt Nam – Chủ tịch nước Trương Tấn Sang – đến Tòa Bạch Ốc để có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barak Obama. Cải hai đều cười tươi và cùng nói về triển vọng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ muốn chấp nhận cho Việt Nam tham gia.
Còn giờ đây, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã chính thức rút khỏi TPP và khiến Việt Nam hụt hẫng bởi nước này chẳng còn hy vọng trở thành “quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP” nếu TPP có mặt người Mỹ. Nhưng thay vào đó, giờ đây Việt Nam và Mỹ lại có cùng một cái nhìn về an ninh Biển Đông.
Khoảng thời gian nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đang chứng kiến một chủ trương có thể tạm gọi là “dựa Mỹ đối Trung” của giới chóp bu Việt Nam – như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế “không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ”, vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.
Từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất ba lần thể chế một đảng ở Việt Nam “ngó lơ” chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ Ngoại Giao Việt Nam bất thần tỏ ra “can đảm” khi đưa ra tuyên bố hoặc “tàu Mỹ đi qua vô hại” hoặc “tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông.”
Vào tháng 8/2016, hãng tin Anh Reuters đã đẩy thể chế đối ngoại của Việt Nam vào thế không hề êm dịu khi dẫn từ một “thông tin tình báo”, cho thấy Hà Nội đã vận chuyển các giàn phóng tên lửa từ đất liền tới 5 căn cứ ở quần đảo Trường Sa trong những tháng gần đây, một động thái có thể gây căng thẳng với Bắc Kinh.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, thứ trưởng quốc phòng Việt Nam là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không khẳng định nhưng cũng không phủ nhận thông tin Việt Nam đưa tên lửa ra Trường Sa. Còn có thể suy diễn cách trả lời của ông Vịnh như thể “nếu năm 2015 phía Trung Quốc đã đưa tên lửa ra đảo Phú Lâm, có lẽ gì mà Việt Nam không thể làm điều tương tự ở phía ngược lại?”
Như vậy, trong năm 2016, giới lãnh đạo Việt Nam đã có hai động thái vừa ngoại giao vừa quân sự mang khuynh hướng vừa tách rời khỏi quỹ đạo Trung Quốc, vừa phản ứng với chính sách nước lớn bành trướng của Bắc Kinh.
Hy vọng mỏng manh còn lại của Việt Nam chỉ còn là Mỹ – đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Về phía Mỹ, việc một hàng không mẫu hạm của quốc gia này hiện diện trong vùng biển Đà Nẵng, mà không phải là Cam Ranh, trong thời gian tới rất có thể là một động tác nhằm bảo vệ ExxonMobil khai thác ở vùng biển Đà Nẵng, đồng thời phục vụ quan điểm “tăng cường hơn nữa sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông” nhằm đối trọng với những sức ép đang gia tăng không ngừng và có thể kích động chiến tranh từ phía Trung Quốc.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam, mà cả Mỹ cũng bị đe dọa một cách rõ rệt bởi Trung Quốc tại Biển Đông. Sau đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã lớn lên thành một “tư tưởng” được ghi trong điều lệ đảng, vượt hơn cả Đặng Tiểu Bình trước đây và có thể bắt đầu sánh ngang với “tư tưởng Mao.”
Độc tôn cá nhân lại dẫn đến nguy cơ bá quyền nước lớn. Rất nhiều khả năng là sau đại hội 19, Tập Cận Bình sẽ vươn tay thọc sâu vào Biển Đông, với mục tiêu gần nhất là “đánh úp” quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khống chế quân cảng Cam Ranh để vô hiệu hóa tàu Mỹ hoạt động tại cảng này, phát triển tầm tác chiến tại Biển Đông và biến vùng biển này thành một kiểu “trạm thu phí” của Trung Quốc đối với tàu bè chở hàng hóa của các nước.
Nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông không còn là dự báo nữa, mà có thể trở thành hiện thực vào bất kỳ năm nào sau năm 2017.
Để bảo vệ an ninh hàng hải và phòng vệ, Hoa Kỳ đang và sẽ phải triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.

Ngay trước mắt, chính thể Việt Nam có thể bám vào đặc trưng mới này, ít nhất cho tới lúc nào mục tiêu khai thác dầu khí để bồi hoàn cho một nền ngân sách rỗng ruột của Việt Nam vẫn còn bị Trung Quốc thẳng tay cấm đoán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét