Một bé trai bị thương được đưa ra khỏi khu nhà đổ nát thuộc
khu vực nổi dậy ở Đông Ghouta, Syria ngày 21/02/2018.REUTERS/Bassam Khabieh
Cây bút Alain Frachon
của Le Monde hôm nay 23/02/2018 nhìn sang Trung Đông, phân tích về « Ba cuộc
chiến tranh ở Syria ».
Sau chiến tranh là hòa bình, và đôi khi còn có hòa giải,
nhưng Syria đang chìm trong chiến cuộc hơn bao giờ hết. Chế độ Bachar Al Assad
được Nga và Iran « bú mớm », có cơ tồn tại. Nhưng hàng ngày, có hàng chục người
Syria bị thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, và hàng người phải chạy loạn.
Dưới ngọn lửa luôn rực cháy của cuộc xung đột chính giữa Damas và phe nổi dậy
chủ yếu là Hồi giáo, còn có hai cuộc chiến khác : Thổ Nhĩ Kỳ-Kurdistan và
Iran-Israel.
Là người bảo trợ cho chính quyền Syria, Nga chẳng ham phải đối
đầu nhiều như thế. Sự phức tạp ở đây có nguy cơ bị vượt quá tầm kiểm soát của
Matxcơva.
Mặt trận đầu tiên và đẫm máu nhất, đó là những trận mưa bom
đạn từ nhiều tuần qua trút xuống các ổ kháng cự còn lại của phe nổi dậy : Đông
Ghouta gần Damas và Idlib ở miền tây bắc. Máy bay Nga và Syria không kích, pháo
binh nã đạn vào, bệnh viện nằm trong tầm ngắm, thường dân bị kẹt cứng. Liên Hiệp
Quốc nhận định đây là « thảm họa nhân đạo tệ hại nhất kể từ năm 2015 », « cuộc
thảm sát ».
Chỉ riêng trong tháng Giêng, đã có 744 thường dân gồm cả đàn
ông, đàn bà, trẻ em đã bị giết hại. Những ai chạy thoát được thành phố Ghouta bị
bao vây, nơi nạn đói đang hoành hành để đến Idlib, lại bị bom đe dọa. Thảm kịch
này luôn tái diễn từ năm 2012 - cũng như ở Mossoul, Irak, chỉ cần có sự hiện diện
của quân thánh chiến là mạng sống người dân trở thành cỏ rác.
Nga và Iran luôn yểm trợ người được bảo hộ là Bachar Al
Assad. Chế độ Damas đã tái kiểm soát tất cả các thành phố lớn, phân nửa diện
tích đất nước và 60% dân số. Điện Kremlin muốn khởi đầu cuộc đối thoại giữa
Damas và một bộ phận của phe nổi dậy, nhưng do không thỏa thuận được về các đại
diện của đối lập nên hội nghị Sotchi vừa rồi bị thất bại, chứng tỏ Mat cơva
không điều khiển được Damas.
Mặt trận thứ hai do Thổ Nhĩ Kỳ mở ra hồi tháng Giêng. Ankara
e ngại sự hình thành một khu vực Kurdistan chạy dọc theo biên giới với Syria :
vùng Rojava của người Kurdistan ở Syria, và nhất là lực lượng dân quân YPG.
Vùng này có thể trở thành hậu cứ cho du kích quân Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ - lực
lượng PKK đang đấu tranh chống lại Ankara. Hiện nay Rojava gồm hai mảng tách rời
: ở tây bắc là thị trấn Afrin, ở đông bắc có Kobané và Djazira.
Kẻ thù của bạn ta chưa hẳn là kẻ thù của ta
Ankara muốn ngăn cản hai mảng này liên kết được với nhau. Có
sự hỗ trợ tối đa từ dân quân Hồi giáo Ả Rập, thậm chí lực lượng thân Al Qaida,
xe tăng và máy bay Thổ Nhĩ Kỳ từ ba tuần qua khống chế Afrin. Cuộc chiến này thật
là bát nháo ! Khoảng 2.000 quân Mỹ yểm trợ cho đồng minh Kurdistan ở Syria tại
mảng đông bắc. Nhưng tại Afrin, Mỹ không can thiệp để khỏi mích lòng đồng minh
Thổ Nhĩ Kỳ ở NATO. Tuy nhiên phía Damas kịch liệt chống đối Ankara, và ủng hộ
người Kurdistan, mặc dù các dân quân này liên kết với Mỹ. Trung Đông là như thế
: kẻ thù của bạn ta chưa hẳn trở thành kẻ thù của ta !
Mặt trận thứ ba diễn ra giữa Israel với Iran cùng các lực lượng
dân quân mà Teheran triển khai ở Syria (gồm Hezbollah ở Liban, quân Hồi giáo
Shia từ Afghanistan, Pakistan và Irak). Nếu không có các dân quân này, Matxcơva
chẳng bao giờ thực hiện được tham vọng cứu vãn chế độ Damas và quay lại vùng
Trung Đông. Kremlin thận trọng duy trì quan hệ với Israel : Nga không nhúc
nhích khi Israel không kích các đoàn xe chở vũ khí của Iran cho Hezbollah trên
lãnh thổ Syria.
Nhưng Iran muốn thủ lợi khi can thiệp vào Syria, từ việc gặt
hái các hợp đồng thương mại cho đến sự hiện diện quân sự thường xuyên tại đây.
Điểm này đối với Israel là một lằn ranh đỏ, và ngày 11/2 đánh dấu sự đối đầu trực
tiếp giữa Iran và Israel. Sau khi một máy bay không người lái xuất phát từ một
căn cứ của Iran tại Syria vượt qua biên giới Israel, phi cơ tiêm kích Do Thái
liền oanh kích các địa điểm quân sự của Iran tại Syria. Trên đường bay về, một
chiếc F-16 của Israel bị trúng đạn phòng không của Syria. Người Nga đã để mặc
các bên xử trí với nhau.
Nhưng theo Le Monde, đến một lúc nào đó Matxcơva sẽ phải chọn
lựa. Cứ để cho Thổ Nhĩ Kỳ hành động đối với người Kurdistan hay làm trọng tài
giữa Ankara và Damas ? Tiếp tục khoanh tay đứng nhìn Teheran tung hoành, gánh lấy
rủi ro một cuộc xung đột lớn Iran-Israel gây thiệt hại cho những thành quả của
Nga ở Syria ? Đó là chưa kể đến khả năng đối đầu do khiêu khích hoặc tự phát giữa
Mỹ và Nga trên thực địa.
Kế hoạch mới của Pháp ngăn chận Hồi giáo cực đoan
Đối với nước Pháp, đấu tranh chống Hồi giáo cực đoan là vấn
đề cấp bách, sau khi hai kế hoạch năm 2014 và 2016 liên tiếp thất bại. Le
Figaro cho biết, trên đất Pháp có 19.000 đối tượng cực đoan, trong đó có 2.000
người thuộc loại rất nguy hiểm. Chưa kể đến mấy chục tên khủng bố sắp ra tù
trong hai năm tới, và rất nhiều người đi « thánh chiến » trở về từ Trung Đông.
Mười hai bộ được huy động, từ Giáo Dục, Tư Pháp cho đến Y Tế,
trong chiến dịch liên bộ này. Sự hiện diện của 12 bộ trưởng xung quanh thủ tướng
Edouard Philippe khi loan báo kế hoạch hôm nay tại Lille không phải để tạo ấn
tượng truyền thông. Bởi vì cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan không chỉ là chuyện
của cảnh sát, tòa án và tình báo, mà còn phải được tiến hành ở mọi không gian,
từ trường học đến sân chơi thể thao, từ doanh nghiệp đến khu phố, tại các đền
thờ Hồi giáo cũng như trên internet.
Cuộc chiến mới giữa Đông Âu và Tây Âu
Về chính trị châu Âu, Les Echos phân tích « Cuộc chiến mới
giữa Đông và Tây » đang xâu xé châu lục. Trong số 15 quốc gia Đông Âu, có đến 7
nước đang do chính quyền dân túy lãnh đạo ; và chính sách chống lại các giá trị
mà Tây Âu bảo vệ từ 60 năm qua, có thể làm mất ổn định Liên Hiệp Châu Âu.
Ông Konrad Szymanski, bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu
của Ba Lan tuần này đã đe dọa Bruxelles sẽ « trả đũa nặng nề » nếu Ủy ban Châu
Âu vẫn muốn chặn nguồn quỹ hỗ trợ đối với các nước thành viên không tôn trọng
Nhà nước pháp quyền ; do Tây Âu tố cáo Ba Lan vi phạm tính độc lập của tư pháp
và báo chí. Ba Lan có thể ngăn trở cuộc thảo luận về ngân sách châu Âu
2021-2028 hậu Brexit, và làm tê liệt mọi nỗ lực tái thúc đẩy châu Âu.
Ba Lan, đang do đảng dân túy Pháp luật và Công lý lãnh đạo,
có đầy bạn bè. Tại Cộng hòa Séc, tổng thống Milos Zeman thân Nga tái đắc cử vào
cuối tháng Giêng. Ở Hungary, đảng của Viktor Orban tràn trề khả năng chiến thắng
trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 8/4. Ngoài bảy nước đang nắm quyền, phe dân túy
còn tham gia liên minh cầm quyền ở hai nước khác, và là phe đối lập chính ở ba
nước.
Theo Les Echos, ưu tiên trước mắt là lập ra các cơ chế để
tránh khả năng bị ngáng đường, như Vacxava đã hăm dọa. Nhưng cũng cần phải hiểu
có sự khác biệt lớn giữa các phe dân túy Đông Âu và Tây Âu : Đông Âu không bị
thiệt thòi vì toàn cầu hóa, và các nước này ít biết đến dân chủ, các định chế
còn yếu kém. Không được tạo thành từ các Nhà nước như Tây Âu mà gồm các cộng đồng
văn hóa, các nước Đông Âu muốn gìn giữ bản sắc đã bảo vệ được sau 70 năm bị trị
thời Liên Xô cũ.
Tàu đánh cá Trung Quốc càn quét các đại dương
Chương trình cải cách của chính phủ Pháp chiếm tựa lớn các
báo Paris hôm nay. La Croix chạy tựa « Cải cách cao tốc », Les Echos nhận định
« Macron rắn giọng về các cải cách ».Le Monde đi vào chi tiết « Giới nông dân
trách cứ tổng thống Macron những gì ». Riêng Le Figaro nói về « Kế hoạch mới để
thoát khỏi ngõ cụt về hồ sơ Hồi giáo cực đoan», còn Libération đặt vấn đề, liệu
một ngày nào đó chúng ta có thể tự sản xuất năng lượng cho mình hay không ?
Ngày càng có nhiều người Pháp ủng hộ năng lượng tái tạo, để giảm bớt sự lệ thuộc
của con người vào năng lượng nguyên tử, dầu khí và than đá.
Cũng trên lãnh vực môi trường, Le Figaro báo động tình trạng
« Đánh cá công nghiệp càn quét tất cả các đại dương ». Các đoàn tàu đánh bắt xa
bờ khai thác khoảng 200 triệu cây số vuông, gấp bốn lần diện tích nông nghiệp
toàn cầu, chủ yếu là tàu của Trung Quốc.
Nhờ các dữ liệu vệ tinh và công nghệ trí thông minh nhân tạo,
tổ chức phi chính phủ Global Fishing Watch có sự hỗ trợ của Google và quỹ từ
thiện của nam tài tử Mỹ Leonardo DiCaprio, đã hình thành được bản đồ về đánh cá
công nghiệp trên tất cả các đại dương của hành tinh.
Các nhà khoa học nhận ra Trung Quốc là quốc gia đứng hàng đầu
trong việc càn quét hải sản, vượt xa các nước khác. Hơn phân nửa các tàu đánh
cá dài hơn 24 mét đều là của Trung Quốc. Những tàu này rất nhiều trong vùng đặc
quyền kinh tế (EEZ) xung quanh Trung Quốc, nhưng cũng dày đặc trên toàn bộ Thái
Bình Dương. Đứng nhì trong kỹ nghệ đánh bắt xa bờ là Đài Loan, hiện diện ở mọi
nơi, kể cả Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.
Nhìn chung, các vùng biển không bị các tàu này dòm ngó, hoặc
là ít cá, hoặc nằm trong các EEZ được bảo vệ chặt chẽ. Chẳng hạn những mảng trắng
trên bản đồ xung quanh quần đảo Polynésie thuộc Pháp ở Thái Bình Dương, là do
các tàu nước ngoài bị cấm vào.
Trump khuyến khích súng, nhưng các nhà sản xuất vũ khí lao
đao
Về vấn đề muôn thuở là sử dụng súng ở Mỹ, Les Echos cho biết
một nghịch lý : « Các nhà sản xuất vũ khí lao đao dưới thời Donald Trump ». Đó
là vì mỗi khi cảm thấy nguy cơ chính quyền cứng rắn hơn, thì súng ống lại bán rất
chạy. Hãng sản xuất súng lâu đời nhất là Remington đang chuẩn bị khai phá sản.
Nếu chiến thắng của ông Donald Trump là ngày hội cho những
người sử dụng súng, thì lại mở ra thời điểm khó khăn cho các nhà sản xuất. Kỹ
nghệ vũ khí bắt đầu lao đao từ năm ngoái, vì những tay chơi súng tài tử yên tâm
rằng họ được bảo vệ, chẳng việc gì phải chen nhau mua trữ.
Các hãng nổi tiếng như Remington, Colt, Smith & Wesson từng
sống qua thời hoàng kim trong nhiệm kỳ của ông Obama : năm 2012 ngành công nghiệp
vũ khí sản xuất ra 8,5 triệu khẩu súng, so với mười năm trước đó chỉ có 3,3 triệu.
Tin rằng bà Hillary Clinton sẽ đắc cử, các nhà sản xuất cho tăng sản lượng, và
nay phải đối mặt với lượng hàng tồn lớn.
Hãng lớn nhất, ra đời sớm nhất là Remington vào đầu tuần này
đã loan báo có ý định khai phá sản, dù đã nhượng lại một phần vốn cho các chủ nợ.
Đối thủ Colt xin được tái cấu trúc, còn doanh số bán của Smith & Wesson sụt
giảm đáng ngại. Cả ba hãng này đều sản xuất thiết bị cho AR-15, loại súng trường
bán tự động được dùng trong nhiều vụ xả súng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét