Ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm ngoái.
Việc Trung Quốc tìm cách sửa đổi hiến pháp, mở đường cho Chủ
tịch Tập Cận Bình “nắm quyền vĩnh viễn”, và theo nhiều người, có thể “lên ngôi
hoàng đế”, gây chú ý dư luận tại nước láng giềng Việt Nam. Nếu đề xuất của Đảng Cộng sản Trung Quốc được thông qua, ông
Tập sẽ tại vị sau nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023.
Dưới thời kỳ nắm quyền của ông Tập, những năm qua, mối quan
hệ “môi hở răng lạnh” giữa hai nước cộng sản “núi liền núi sông liền sông” trải
qua không ít sóng gió, nhất là liên quan tới vấn đề tranh chấp Biển Đông.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã, một người nghiên cứu về quan hệ Việt –
Trung, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng sự kiện ở nước láng giềng phương Bắc
cũng sẽ khiến “Việt Nam bị ảnh hưởng”.
“Có ông Tập Cận Bình
hay không thì nó vẫn có thách thức. Nhưng ông Tập Cận Bình còn giữ quyền thì
thách thức nhiều hơn vì ông ấy cứng rắn”, sử gia nghiên cứu về Biển Đông nói.
“Tinh thần Đại Hán từ thời ông Mao Trạch Đông, chứ đâu có chỉ
Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình ông ấy làm ráo riết thôi. Tôi vẫn cho là càng có
nguy cơ thì lại càng có thời cơ. Nguy ở Biển Đông tạo ra thời cơ nếu ta nắm được”.
Khi được hỏi thời cơ này là gì, ông Nhã cho rằng Việt Nam có
thể trở thành một “cường quốc biển”, nhưng không nói cụ thể.
Dưới thời kỳ nắm quyền của ông Tập, Trung Quốc gia tăng củng
cố chủ quyền ở Biển Đông bằng việc xây và quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Những năm gần đây, Trung Quốc gia tăng củng cố chủ quyền
trên Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa nhiều hòn đảo nhân tạo mới, gây
quan ngại đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, quốc gia này cũng tái cơ cấu quân đội, tăng chi
tiêu cho quốc phòng và theo báo chí Trung Quốc, ông Tập còn từng đưa một nhân vật
thân tín tới đảm nhiệm trọng trách tại một tỉnh nằm ở vị trí chiến lược giáp với
Việt Nam.
Đề xuất trên đã làm bùng nổ cuộc tranh luận trên mạng ở
Trung Quốc, và thậm chí có người còn ví ông Tập với dòng họ Kim ở Bắc Hàn, khiến
Bắc Kinh phải ra tay xóa các chỉ trích, chặn một số bài báo và tung ra các bài
viết ca ngợi đảng, theo Reuters.
Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng đăng tải nhiều bài viết
về quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Trung Quốc. Báo điện tử
VnExpress chạy tít: “Sửa hiến pháp, Trung Quốc có thể giúp ông Tập nắm quyền lực
tuyệt đối”.
Bạn đọc Dương Ngô Quý viết trên trang Facebook của VOA Việt
Ngữ: “Nguy cơ Trung Quốc trở thành 1 nước phát xít ngày càng rõ ràng. Dù yếu,
Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần để đối phó với 1 nước Trung Quốc phát
xít”.
Ông Tập Cận Bình nâng ly trong một chuyến thăm Việt Nam.
Về tình thế mà nhiều người cho là “tiến thoái lưỡng nan của
Việt Nam”, tiến sĩ Nhã nói: “Thời nào mà chả có Lê Chiêu Thống. Không sao bởi
vì thời nào cũng có Quang Trung – Nguyễn Huệ mà”.
Hà Nội dường như tìm cách hàn gắn quan hệ với Bắc Kinh bằng
các màn bắn đại bác để chào đón ông Tập tới Việt Nam, và lần mới nhất là cuối
năm ngoái, khi nguyên thủ Trung Quốc chính thức thăm Hà Nội, ít giờ sau Tổng thống
Mỹ Donald Trump.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì buổi lễ tại Phủ
Chủ tịch ở Hà Nội, với nghi thức được cho là dành cho lãnh đạo cấp cao nhất, và
nhiều bức ảnh đăng tải trên truyền thông Việt Nam cho thấy ông đã nắm chặt cổ
tay và cười tươi với nhà lãnh đạo Trung Quốc khi quan chức này bước ra khỏi xe.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét