Em gái của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, cô Kim Yo
Jong đến sân bay quốc tế Incheon, Hàn Quốc hôm 09/02/2018.Reuters
Phải chăng Washington bị động trước các cuộc tấn công ngoại
giao của Bình Nhưỡng? Bởi vì, giới chuyên gia hầu như đều có cùng một nhận định
: « Minh tinh » của lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang chính là Bắc
Triều Tiên. Mọi cặp mắt đều hướng về phái đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên và
hơn 200 cô hoạt náo viên xinh đẹp.
Nhưng có lẽ tâm điểm của sự kiện chính là sự hiện diện của
Kim Yo Jong, em gái út của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, làm lu mờ hình ảnh
của phó tổng thống Mỹ Mike Pence trên khán đài ngồi cách nhân vật này chỉ có
vài mét.
Đồng thời, giới chuyên gia và cộng đồng quốc tế còn quan tâm
đến mọi cuộc đón tiếp cả hai nhân vật cao cấp Kim Yo Jong và chủ tịch Quốc Hội
Kim Yong Nam, trên nguyên tắc là bị xem vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ và Liên
Hiệp Quốc. Bởi vì cả Kim Yo Jong và Kim Yong Nam đều có tên trong danh sách trừng
phạt của Mỹ và Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Không biết quyết định gởi hai nhân vật này đến Seoul có nhằm
để trêu tức Hoa Kỳ hay không, nhưng để cho đại diện Bình Nhưỡng được tham dự lễ
khai mạc, chính quyền Hàn Quốc buộc phải xin ý kiến của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ.
Hình ảnh lần đầu tiên một thành viên của gia đình lãnh đạo họ
Kim bước qua vĩ tuyến 38 và được tiếp đón trọng thị tại Nhà Xanh, phủ tổng thống
Hàn Quốc thật sự là một thành công ngoại giao của Bình Nhưỡng, theo như nhận
xét của thông tín viên đài RFI, Frédéric Ojadias tại Seoul trong bài tường
trình ngày 11/02/2018 :
« Truyền thông và công chúng Hàn Quốc đã bị Kim Yo Jong quyến
rũ. Nụ cười khó hiểu luôn nở trên môi, cách ăn mặc giản dị đã bị soi kỹ mỗi lần
cô xuất hiện như khi đến dùng bữa với tổng thống Hàn Quốc hay dự trận đấu khúc
côn cầu trên băng của đội nữ chung hai miền.
Bị Hoa Kỳ trừng phạt vì vai trò của cô trong việc vi phạm
nhân quyền ở miền Bắc, người phụ nữ trẻ đã được đón tiếp trọng thị ở phía Nam.
Cô đã kết thúc chuyến thăm bằng bữa cơm trưa với thủ tướng và dự một buổi trình
diễn của dàn nhạc Bắc Triều Tiên.
Đối mặt với cô, Hoa Kỳ đã bị thua trong trận chiến truyền
thông. Phó tổng thống Mỹ Mike Pence – đang viếng thăm Hàn Quốc – gượng gạo nhắc
lại các vụ hành quyết của chế độ. Nhưng hành động khăng khăng từ chối gặp đại
diện Bắc Triều Tiên bị một số chuyên gia đánh giá là phản tác dụng ».
Hoa Kỳ gần đây còn chua chát thừa nhận là Bắc Triều Tiên đã
hủy vào giờ chót một cuộc gặp bí mật giữa Mike Pence và đại diện Bắc Triều Tiên
bên lề Thế Vận Hội Mùa Đông. Và dường như Bắc Triều Tiên vẫn còn đang muốn thử
sức « chịu đựng » của Hoa Kỳ, nên thứ Năm 22/02 thông báo tiếp cử tướng Kim
Yong Chol, phụ trách quan hệ liên Triều của đảng Lao Động, dẫn đầu đoàn đại biểu
cấp cao Bắc Triều Tiên dự lễ bế mạc Thế vận hội Pyeongchang vào Chủ nhật 25/02.
Đây có lẽ là một cơn ác mộng cho chính quyền Seoul. Bởi vì
Kim Yong Chol, phó chủ tịch Ban thường vụ Trung Ương Đảng cũng nằm trong danh
sách bị cấm vận do bị cáo buộc đã tổ chức vụ bắn chìm chiếc tuần dương hạm
Cheonan năm 2010, làm thiệt mạng 46 binh sĩ Hàn Quốc. Một lần nữa chính quyền
Seoul đành phải tạm thời dỡ bỏ cấm vận để cho phép phái đoàn đến tham gia lễ bế
mạc.
Phe đối lập tại Hàn Quốc giận dữ trước việc tổng thống
Moon-Jae In đã chấp nhận chuyến viếng thăm này. Phát ngôn viên đảng Tự Do Triều
Tiên xem đấy như là một « sự sỉ nhục » quốc thể.
Theo nhận định của thông tín viên Frédéric Ojardias, quyết định
« trêu tức » này của Bình Nhưỡng chỉ có thể được giải thích qua ba lý do : Thứ
nhất là nhằm thăm dò mức độ thiện chí cải thiện quan hệ của Seoul. Thứ hai là
tiếp tục gây chia rẽ người dân Hàn Quốc và cuối cùng là tạo áp lực do việc Hàn
Quốc vừa thông báo tiếp tục tập trận chung Mỹ - Hàn khi Thế Vận Hội kết thúc.
Bản ghi nhớ FBI : Donald Trump « cao tay ấn » hơn Nixon
Tháng Hai này còn được mở đầu bằng việc tổng thống Mỹ Donald
Trump ngày 03/02/2018 đã cho phép công bố bản ghi nhớ của Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện
Mỹ, chỉ trích FBI đã « lạm quyền » trong cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu
cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo nhận định của sử gia Corentin Sellin, chuyên gia về Hoa
Kỳ trên đài RFI, việc cho công bố bản ghi nhớ này là một « chiến dịch chính trị
nhằm đánh lạc hướng công luận » của ông Donald Trump :
« Điểm đối chiếu duy nhất ở đây đương nhiên là Nixon, tổng
thống Nixon, người cũng từng gặp khó khăn với tư pháp và FBI vào thời điểm xảy
ra vụ Watergate, và ông cũng đã có cùng phương pháp tìm cách cản trở cơ quan tư
pháp và cơ quan điều tra mà FBI là đại diện. Nhưng ông ấy đã thất bại.
Do đó, ông Trump muốn đạt được điều mà ông Nixon đã không
làm được, và nhất là muốn ngăn chặn hay chí ít cũng là ngầm phá hỏng cuộc điều
tra hiện do FBI và công tố viên đặc biệt Robert Mueller tiến hành trong nghi án
thông đồng giữa nhóm cộng sự thân cận của Donald Trump và Nga.
Ông Trump chưa bao giờ chịu đựng được cuộc điều tra này. Và
bản ghi nhớ đó – chúng ta gần như có thể nói là được Nunes (bên đảng Cộng Hòa)
soạn thảo theo yêu cầu của Trump đã cho phép ông có thể buộc tội FBI, có thể hạ
uy tín của tư pháp và đương nhiên theo đó là ngưng cuộc điều tra của công tố
viên đặc biệt Mueller.
Dù rằng một số nghị sĩ đảng Cộng Hòa có thể cảm thấy bức xúc
về hành động này, nhưng người ta cũng khó đoán được điều gì có thể ngăn cản ông
Trump thực hiện. Vì thế mà họ rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có và
khó có thể dự đoán. »
Có điều khi lên án FBI « thiên vị » trong điều tra nhưng phải
chăng bản thân ông Donald Trump cũng đang làm điều tương tự ? Bởi vì, vào ngày
09/02/2018, tổng thống Mỹ đã không chấp nhận cho công bố báo cáo của phe Dân Chủ
viện dẫn lý do bản ghi nhớ « chứa nhiều thông tin mật, đặc biệt nhạy cảm » cho
an ninh quốc gia Mỹ.
Washington đổi chiến thuật vũ khí hạt nhân
Một sự kiện khác đáng chú ý tại Mỹ là bộ Quốc Phòng nước này
ngày 02/02 ra một báo cáo cho biết ý định trang bị các loại vũ khí hạt nhân loại
nhỏ, có sức công phá thấp. Chiến lược mới này của Mỹ được dựa trên những đánh
giá xem sự trỗi dậy của Nga và Trung Quốc, nhất là từ Bắc Triều Tiên là những
hiểm họa tiềm tàng. Báo cáo này đã khiến Matxcơva và Bắc Kinh giận dữ chỉ
trích.
Theo giải thích của chuyên gia Corentin Brustlein, phụ trách
Trung Tâm Nghiên Cứu An Ninh, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp trên đài RFI, trong bối
cảnh này, Hoa Kỳ không thể tiếp tục giảm vai trò vũ khí hạt nhân trong chiến lược
của mình và phải có những thay đổi linh hoạt trong cách sử dụng vũ khí này.
« Người ta đề cao khả năng mới của vũ khí nguyên tử. Không
phải là loại vũ khí mới theo cách hiểu thông thường, ví dụ hình dạng, chủng loại.
Đó chẳng qua chỉ là một cách sử dụng mới những khả năng hạt nhân sẵn có. Những
gì ta thấy, quả thật là người ta đặt trọng tâm vào loại vũ khí được gọi là phi
chiến lược.
Tức là khả năng sử dụng loại vũ khí nguyên tử có tầm bắn ngắn
và sức công phá hạn chế, so với vũ khí chiến lược. Trong hệ thống vũ khí chiến
lược của Mỹ, người ta đã có khả năng linh hoạt khá lớn trong các giải pháp tấn
công có giới hạn.
Nhưng chính quyền Mỹ cho rằng mức độ linh hoạt này chưa đủ.
Bởi vì vũ khí chiến lược phụ thuộc quá nhiều vào oanh tạc cơ chiến lược hay
không quân nói chung. Hệ thống này đặt ra nhiều vấn đề về khả năng ứng phó, đáp
trả nhanh, kín đáo và dễ bị tấn công. Do vậy, chiến lược hạt nhân mới đã đặt trọng
tâm vào những loại vũ khí nguyên tử có thể trang bị cho tầu ngầm »
Syria: « Hỏa Diệm Sơn » thật sự của thế giới?
Nhưng có lẽ không đâu nóng bỏng bằng tình hình Syria. Từ
Nam, Trung, Bắc đều bừng bừng khói lửa không khác gì một « Hỏa Diệm Sơn ». Tuy
nhiên tình tiết gây bất ngờ nhất cho giới quan sát là căng thẳng giữa Israel và
Iran bất ngờ bùng lên.
Sau khi phát hiện một chiếc máy bay không người lái thâm nhập
lãnh thổ mà theo Tel Aviv là của Iran và được phóng đi từ Syria, quân đội
Israel đã oanh kích dữ dội vào các vị trí quân sự của cả Syria lẫn Iran trên
lãnh thổ Syria. Phòng không Syria đã đáp trả và hệ quả là lần đầu tiên không
quân Israel bị mất một chiếc F-16.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đều cho rằng khó có khả năng leo
thang quân sự giữa Iran và Israel dù cả hai nước luôn luôn trong trạng thái thù
nghịch từ nhiều năm qua. Nhưng có một chi tiết đáng chú ý là chiếc máy bay
không người lái của Iran được thiết kế lại là từ chiếc máy bay của Mỹ mà quân đội
Iran chiếm được vào năm 2011.
Giới quan sát nghĩ rằng vụ thâm nhập lãnh thổ Israel lần rồi
là dịp để Teheran thử nghiệm chiếc máy bay không người lái trên, vốn dĩ có những
chức năng vận hành giống như chiếc drone của Hoa Kỳ.
Đây chính là điểm mới nhất lý giải vì sao Israel có phản ứng
dữ dội theo như nhận xét của bà Mada Sabeh, tiến sĩ về triết học chính trị, trường
Đại học Paris Descartes trên đài France 24.
« Có rất nhiều vụ xâm nhập lãnh thổ Israel, nhưng thường là
từ phía Syria hay từ phe Hezbollah của Liban. Điểm mới nhất, theo như phía
Israel là lần này do Iran thực hiện, bằng một chiếc máy bay không người lái của
Iran. Hệ quả là một cuộc xung đột trực tiếp diễn ra giữa Iran và Israel. Đấy mới
chính là điểm mới lớn. Vì vậy mà Israel muốn đáp trả bằng vũ lực, để cho thấy
là Iran không thể xâm nhập lãnh thổ nước này ».
Bên cạnh nguy cơ xung đột Iran – Israel tại vùng biên giới
phía nam Syria, thế giới lại hồi hộp trước nguy cơ đối đầu giữa Ankara và Damas
tại vùng Afrin, phía Bắc Syria. Từ hơn một tháng nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành
chiến dịch « Cành ô liu » nhắm vào người Kurdistan mà Ankara xem là « khủng bố
».
Tuy nhiên, hôm 20/02, Damas thông báo gởi lực lượng dân quân
thân chính phủ đến vùng này theo lời mời của các lãnh đạo người Kurdistan tại
vùng tự trị Afrin. Theo quan điểm của ông Igor Delanoe, trợ lý giám đốc Đài
Quan sát Nga – Pháp tại Matxcơva và chuyên gia về Trung Đông, diễn tiến mới này
dường như có lợi cho cả Nga và Syria.
« Công thức dường như được đưa lên hàng đầu là các lực lượng
dân quân thân chính quyền Damas sẽ được triển khai tại Afrin. Nếu cách thức này
hoạt động tốt và được phía Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận, thì có lẽ đó là một tin tốt đẹp
đối với Nga bởi vì điều này cho phép chính quyền Syria chiếm lại được một phần
lớn khu vực Afrin mà Damas đã bị mất chủ quyền trên thực tế mà không cần lao
vào cuộc chiến.
Syria đã đáp lại lời kêu gọi của lực lượng Kurdistan bảo vệ
họ, bằng cách can thiệp đứng giữa lực lượng Kurdistan và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Do vậy, tôi cho rằng đây là một tin tốt đẹp đối với chế độ Damas và cả Nga. Mặt
khác, cũng có thể coi đây là một tin lành vì điều này tạo tiền lệ và sẽ được áp
dụng ở những khu vực phía bắc Syria, góp phần hạn chế căng thẳng. »
Và cuối cùng là « lò lửa » Đông Ghouta. Những ngày qua quân
đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga đã dồn dập oanh kích vào khu vực
do quân nổi dậy kiểm soát. Hàng trăm người thiệt mạng mà phần đông là trẻ em.
Thế giới phẫn nộ lên tiếng kêu gọi chế độ Damas chấm dứt thảm sát thường dân.
Hình ảnh cảnh đổ nát, cảnh chết chóc tang thương cho thấy « phương Tây đang bất
lực trước thảm kịch Syria » như hàng tít lớn trên trang nhất báo Le Figaro ngày
22/02/2018.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét