Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

2501 - Tầu USS Pueblo của Mỹ bị Bắc Triều Tiên bắt giữ từ 50 năm




Tầu USS Pueblo của Mỹ trước khi bị Hải Quân Bắc Triều Tiên bắt giữ. Bettmann / Getty Images


Năm 1968, tầu do thám cải trang Mỹ USS Pueblo bị Bắc Triều Tiên bắt giữ. Sau 50 năm, con tầu luôn là niềm tự hào của quân đội Bắc Triều Tiên và trở thành địa điểm thu hút khách tham quan ngay giữa thủ đô Bình Nhưỡng. Với Mỹ, để mất một con tầu trong tay “kẻ thù” là sự kiện chưa từng xảy ra từ thời nội chiến Hoa Kỳ, cách thời điểm đó 153 năm.

Trang France 24, trích một số bài viết của Quartz và CNN, cho biết tầu USS Pueblo rời cảng Sasebo (Nhật Bản) ngày 11/01/1968 để thi hành nhiệm vụ trong vùng biển Nhật Bản. Con tầu không được trang bị đầy đủ vũ khí và chủ yếu chuyên chở thiết bị do thám ra khơi trong thời tiết khắc nghiệt - như một điềm báo. Biển động dữ dội, băng đóng chặt thiết bị điều hướng, thủy thủ đoàn say sóng và mệt nhoài.

Đến ngày 23/01/1968, khi đang hoạt động trên biển Nhật Bản, tầu USS Pueblo bị một tầu săn tầu ngầm của Bắc Triều Tiên áp sát và yêu cầu nhận dạng. Con tầu kéo lá cờ Mỹ lên để trả lời. Sau đó, chiến hạm của Bắc Triều Tiên yêu cầu thủy thủ đoàn Mỹ đầu hàng, nếu không sẽ bị tấn công. Tầu USS Pueblo tìm cách thoát khỏi vòng vây, nhưng bị tầu săn tầu ngầm, được ba tầu phóng lôi và hai chiến đấu cơ MiG-21 của Bắc Triều Tiên hỗ trợ tấn công từ mọi phía.

Một thủy thủ Mỹ thiệt mạng, 82 người bị bắt làm tù binh

Chỉ trong vòng một giờ, một thủy thủ Mỹ thiệt mạng và 82 người khác bị bắt làm tù binh. Tầu USS Pueblo bị kéo về cảng Wonsan, ở bờ đông Bắc Triều Tiên. Tất cả thủy thủ đoàn bị giam trong trại tù binh chiến tranh.

Vụ việc gây chấn động trong bối cảnh Chiến Tranh lạnh. Bắc Triều Tiên khẳng định tầu Mỹ đã xâm nhập vào vùng biển nước này khi bị bắt, trong khi Hoa Kỳ khăng khăng tầu USS Pueblo hoạt động trong vùng biển quốc tế. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Arthur Goldberg còn chỉ rõ vị trí cuối cùng của con tầu trên tấm bản đồ trước Hội Đồng Bảo An.

Các cuộc đàm phán về tù nhân kéo dài nhiều tháng. Lúc đó, Hoa Kỳ đang tham chiến ở Việt Nam và triển khai nhiều hàng không mẫu hạm tại Hàn Quốc. Liên bang Xô Viết, một đồng minh của Bắc Triều Tiên, thì lại điều tầu chiến đến biển Nhật Bản. Rất nhiều giải pháp được trình lên tổng thống Mỹ Lyndon Johnson, kể cả ý tưởng trả đũa bằng vũ lực, thậm chí tấn công nguyên tử. Cuối cùng, tổng thống Mỹ chọn con đường ngoại giao. Quan chức Mỹ-Bắc Triều Tiên gặp nhau nhiều lần tại khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Cùng lúc, chính quyền Bình Nhưỡng cũng tập trung phân tích những tài liệu tịch thu được trên con tầu của Mỹ và tìm hiểu nguyên lý hoạt động của tầu.

Cuối cùng, ngày 23/12/1968, đoàn đại diện của Mỹ đã phải ký “thú nhận” là tầu Pueblo đã đi vào lãnh hải của Bắc Triều Tiên và họ sẽ không tái phạm. Hài lòng vì hạ nhục được người Mỹ, chính quyền Bắc Triều Tiên thả tù nhân Mỹ vào dịp Giáng Sinh.

Chiến lợi phẩm Pueblo : Niềm tự hào được trưng bày ở Bình Nhưỡng

Từ 50 năm nay, tầu USS Pueblo trở thành một điểm tham quan quan trọng trong bảo tàng Chiến tranh giành độc lập tổ quốc, nằm giữa thủ đô Bình Nhưỡng, trên dòng sông Đại Đồng (Taedong).

Được chăm sóc cẩn thận và thường xuyên được sơn lại, con tầu là minh chứng cho chiến thắng huy hoàng trước “kẻ xâm lược tư bản Hoa Kỳ”. Khách tham quan chiến lợi phẩm này còn được theo dõi những đoạn video tuyên truyền của chế độ Bình Nhưỡng.


USS Pueblo là chiến hạm duy nhất của Mỹ bị một chính phủ nước ngoài tịch thu, nhưng Hải Quân Hoa Kỳ luôn coi con tầu này vẫn “đang hoạt động”. Trong những năm trước, người ta từng nghĩ đến việc tầu USS Pueblo sẽ được trao lại cho chính chủ khi quan hệ song phương được cải thiện. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình căng thẳng hiện nay, tầu USS Pueblo sẽ còn lưu lại trên sông Đại Đồng thêm một thời gian nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét