Thứ Tư, 28 tháng 2, 2018

3036 - Anh Osin Huy Đức và tôi

IMG_3829


Tôi còn nhớ, lần đầu gặp anh Osin, anh có kể về việc anh gặp gỡ Noam Chomsky, anh nói: “Chỉ tiếc là khi đó ông ấy đã mất khả năng nghe, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng”. Rồi anh đưa ra một bình luận khác: “Vả lại ai cũng biết ông ấy thiên tả, mà khi đã thiên về bất cứ phía nào, tả hay hữu, thì với giới tri thức phương Tây đều mất giá trị”.Bây giờ đã là ngày 1/3/2018, tôi đã lập xong kế hoạch công việc cho 5 năm tới của mình, đáng ra, tôi đã có thể yên tâm đóng cửa làm việc, nhưng còn một chuyện khiến tôi lấn cấn. Thực ra, đó là một suy nghĩ, hay nói đúng hơn, đó là một mối lo đeo bám tôi suốt nửa năm qua.
Tôi không còn nhớ rõ bối cảnh đưa đến câu chuyện về Chomsky, nhưng tôi vẫn luôn nhớ hai chi tiết kể trên, để tự răn mình: “phải luôn chú ý giữ khả năng nghe và đừng bao giờ thiên lệch.”
Chắc anh Osin đã quên mấy chuyện này.
Tôi cũng đã muốn gác lại mọi thứ để tập trung vào công việc của mình, nhưng trớ trêu thay, chiều tối hôm qua (28/2), một bài viết trên báo Tuổi Trẻ Online lại nhắc tôi nhớ đến nó.
Tại sao lễ hội áo dài TP.HCM lại chọn thiếu nữ Hà Nội đại diện?” – một bài viết (có lẽ của bạn đọc) về việc lễ hội áo dài TP.HCM năm nay chọn đại diện là hoa hậu Đỗ Mỹ Linh.
Kỳ thị vùng miền, cục bộ địa phương, cũng là một thứ thiên lệch. Mà thứ thiên lệch này, có khi còn ảnh hưởng đến Việt Nam, đến chính trị Việt Nam hơn là thiên tả hay thiên hữu. (Chuyện này có lẽ anh Osin biết rõ hơn tôi).
Tôi có những người bạn chống Cộng Sản cực đoan, và cả những người bạn – người thân yêu Cộng Sản như máu thịt. Tôi có thể nói chuyện với cả hai. Lắng nghe với cả hai. Phản bác với cả hai. Đồng ý với cả hai. Và nhất là im lặng với cả hai.
Tôi tôn trọng quan điểm – lý tưởng của họ như của chính mình, nguyên tắc của tôi đơn giản, vậy thôi.
Vậy tại sao tôi lại chỉ trích ban biên tập báo Tuổi Trẻ? Và trước đó, tại sao tôi lại dừng đọc báo VnExpress?
Tôi dừng đọc báo VnExpress khoảng chừng 3 tháng nay, sau khi phát hiện tờ này đưa tin thiên lệch về vụ VnPharma và nhất là sự kiện APEC cùng với việc tỷ phú Jack Ma của Alibaba sang Việt Nam.
Tôi được đào tạo làm báo ở VnExpress, ở đây tôi đã được dạy về nguyên tắc đưa tin khách quan và nguyên tắc độc giả là số một. Nhưng với hai sự kiện kể trên tôi thấy tờ báo đã đưa tin thiên lệch – thiếu tôn trọng độc giả, vì mục đích riêng chứ không phải vì hạn chế về năng lực. Và tôi rời bỏ nó.
Vậy đấy, “sự thiên lệch” – chính là câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên.
Nhưng tại sao tôi lại có vẻ cực đoan với sự thiên lệch của VnExpress, của Tuổi Trẻ đến thế?
Về mặt cá nhân, vì tôi quý mến họ, nhưng chuyện này chỉ chiếm phần rất nhỏ. Phần chủ yếu là về mặt xã hội, vì cả hai đều là những thực thể có trách nhiệm với xã hội. Sự trung thực, khách quan của họ ảnh hưởng đến số đông, thậm chí đến dư luận chung của cả xã hội, vậy nên họ không bao giờ được quên và phản bội lại những nguyên tắc trung thực, khách quan của mình.
Đó là lý lẽ chung. Còn đây là mối lo riêng.
Chiều tối hôm qua, 28/2, tại Trung tâm văn hóa Pháp đã diễn ra buổi tọa đàm, giới thiệu cuốn sách “Đạm Phương nữ sử: Vấn đề phụ nữ ở nước ta”. Đạm Phương nữ sử là một trong những nhà báo nữ đầu tiên của Việt Nam và cũng là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên đấu tranh cho nữ quyền.
Nhưng tôi không nói chuyện nữ quyền ở đây. Tôi muốn nhắc đến bà là để nhắc đến những Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Phan Châu Trinh, Phan Khôi… những người đã để lại cho chúng ta một chương trình Hiện đại hóa Việt Nam dang dở.
Đó là mối lo của tôi.
Nếu bình tĩnh lại mà suy xét, ta sẽ thấy, cái biển số xe của vụ Trịnh Xuân Thanh không khác là bao so với hai cái bao cao su của vụ Cù Huy Hà Vũ; những bài viết trên blog/facebook của anh Osin thời gian qua không khác là bao với trang Quan Làm Báo hay Chân Dung Quyền Lực… Tức là vẫn những thể thức, lối hành xử cũ đó, chỉ khác là được mang vào một cuộc chơi mới và gán cho những danh xưng mới. Vậy thì ta có thể trông chờ vào kết quả mới mẻ nào không?
Muốn có một xã hội hiện đại, thì ta phải cố gắng làm sao để xóa đi những tập quán, những lối hành xử, những cách thức vận hành cũ, thiết lập lên những chuẩn mực mới, từ hành xử của mỗi cá nhân đến cách thức vận hành của các thiết chế xã hội.
Tôi cho rằng, anh Osin cũng đã từng có những ý nghĩ như vậy.
Trong một lần nói chuyện khác, anh Osin nhắc đến tài làm báo của Phạm Xuân Ẩn với khả năng “tiếp cận bất cứ nhân vật cốp cán nào của chính quyền Sài Gòn”. Về khả năng này, tôi nghĩ anh Osin không hề kém Phạm Xuân Ẩn.
Nhưng có một điều khác nữa về Phạm Xuân Ẩn.
Giáo sư Larry Berman tác giả cuốn sách “X6 – điệp viên hoàn hảo” trong một lần trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên đã kể lại một chi tiết: tháng 11/2003, khi tàu chiến đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam, tàu USS Vandegrift cập cảng,  ông Ẩn là khách mời đặc biệt trên tàu và ông nói: “Giờ tôi có chết cũng vui rồi. Tôi vui vì Mỹ và Việt Nam đã là bạn bè, con tôi đi học ở Mỹ, tôi đã phụng sự tổ quốc.”
Và giáo sư Larry Berman cũng nói, “ông Ẩn là cảm thấy mình là tấm gương cho giới trẻ Việt Nam, vì ông đã phụng sự đất nước, đi Mỹ để học được các kỹ năng cần thiết, trở về và làm việc để hòa giải. Đó là điều mà ai cũng muốn các bạn trẻ thực hiện.”
Tôi thì lại ấn tượng với chi tiết này hơn.
Sau cùng, dù nói thế nào thì tôi cũng phải xin anh Osin, báo VnExpress, báo Tuổi Trẻ thứ lỗi. Đáng ra tôi chỉ nên để những chuyện này cho riêng mình, hơn là viết ra công khai như thế này, nhưng nếu đọc kỹ, cả ở những khoảng trắng tôi chừa lại, tôi nghĩ tất cả sẽ hiểu tại sao tôi lại phải làm vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét