Các món quà lưu niệm với chân dung chủ tịch Tập Cận Bình được
bày bán tại Thiên An Môn, ngày 26/02/2018.REUTERS/Thomas Peter
Đời sống chính trị
Trung Quốc đang đứng trước bước ngoặt lớn với việc Trung ương Đảng Cộng Sản nước
này thông báo dự án cải cách xóa bỏ quy định giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo đất
nước đã được ghi trong Hiến pháp. Theo các nhà phân tích, phủ nhận mô hình kế
thừa quyền lực, yếu tố vốn đã tạo sự ổn định chính trị cho chế độ độc đảng
Trung Quốc từ nhiều thập kỷ qua, có thể sẽ chứa đựng những rủi ro cho Tập Cận
Bình cũng như đảng của ông.
Ông Tập Cận Bình chính thức lên nắm đỉnh cao quyền lực ở
Trung Quốc từ năm 2013. Theo quy định của Hiến pháp Trung Quốc và cũng như đã
thành tiền lệ trong đảng thời hậu Mao Trạch Đông, ông Tập Cận Bình sẽ phải rời
khỏi chức vụ lãnh đạo vào năm 2023, tức là sau hai nhiệm kỳ 5 năm. Với đề xuất
sửa đổi Hiến pháp theo hướng không giới hạn hai nhiệm kỳ lãnh đạo, thông báo
hôm Chủ nhật ( 25/02/2018), đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở đường để ông Tập Cận
Bình sẽ còn ở lại lâu dài trên đỉnh cao quyền lực.
Đề xuất này, như một chỉ đạo của đảng, sẽ được thông qua
trong phiên họp toàn thể của Quốc Hội vào tuần tới. Quốc Hội Trung Quốc trong dịp
này cũng dự kiến đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến pháp, một danh dự mà cho đến
giờ chỉ duy nhất dành cho Mao Trạch Đông, người tự tôn vinh là « Người cầm lái
vĩ đại » của nhân dân Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích chính trị Trung Quốc, thì ý đồ phá luật
để duy trì quyền lực cho cá nhân ông Tập Cận Bình sẽ không phải không có rủi ro
cho đảng Cộng sản. Bà Simone van Nieuwenhuizen, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc
tại Sydney nhận xét, « giới hạn hai nhiệm kỳ đã được quyết định nhằm bảo đảm một
sự ổn định nhất định. Nếu được giữ lại hơn 10 năm, Tập Cận Bình chắc chắn sẽ bị
giới chính trị ưu tú và cả người dân soi xét rất kỹ ».
Tất nhiên, nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới trường đoạn lịch
sử đấu đá nội bộ tranh giành quyền lực khốc liệt và ngột ngạt dưới thời Mao Trạch
Đông. Hơn nữa, dự án cải cách Hiến pháp vừa được thông báo cũng đặt vấn đề xét
lại nguyên tắc « lãnh đạo tập thể » do Đặng Tiểu Bình áp đặt trong đảng từ những
năm 1980, nhằm tránh tập trung quyền lực tuyệt đối vào một người như đã diễn ra
dưới chế độ Mao.
Nhìn lại hai lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình là
Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Ông Giang nắm quyền từ 1993 đến 2003, ông Hồ lên
kế thừa từ 2003-2013 rồi chuyển giao sang cho ông Tập. Mỗi người tiền nhiệm của
ông cũng chỉ hoàn thành hai nhiệm kỳ rồi rút vào hậu trường dành chỗ cho thế hệ
lãnh đạo mới. Các lần chuyển giao quyền lực về cơ bản đều đã diễn ra suông sẻ
cho dù trong hậu trường trước lúc vỗ tay ở hội trường lớn, các màn tranh giành
cũng đã diễn ra không thiếu phần ác liệt.
Giờ đây, mới chưa đi qua hết nhiệm kỳ đầu, ở tuổi 64, ông Tập
Cận Bình đã làm được nhiều việc mà những người tiền nhiệm ông không làm được
trên phương diện thâu tóm quyền lực. Ông Tập tỏ cho thấy làm một lãnh đạo quyền
thế, độc đoán.
Ông củng cố chế độ bằng gia tăng trấn áp đối kháng, bóp nghẹt
xã hội dân sự. Ông phát động chiến dịch chống tham nhũng, lợi dụng loại bỏ các
thành phần chống đối trong nội bộ, ông áp đặt đưa « tư tưởng Tập Cận Bình » vào
trong điều lệ đảng, gây mầm cho tệ sùng bái cá nhân nảy nở trở lại.
Khi đã thâu tóm được mọi quyền lực trong tay, ông Tập Cận
Bình dấn thêm bước nữa để có thể đi xa hơn trên con đường quyền lực.
Nhà nghiên cứu chính trị, Jonathan Sullivan, thuộc Đại học
Nottingham, Anh Quốc phân tích : « Việc giới hạn số lượng nhiệm kỳ đã cho phép
thể chế hóa sự chuyển tiếp ở đỉnh cao quyền lực và tránh cho đảng Cộng sản
Trung Quốc sa đà đi theo các triều đại bạo chúa, hoặc dẫn tới một thời kỳ suy
tàn tai họa…Gỡ bỏ mọi giới hạn có thể gây rủi ro cho sự ổn định về lâu dài ».
Một nguy cơ khác của sự tập trung tuyệt đối quyền lực vào
tay ông Tập, theo bà Susan Shirk, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Đại học
California, tại San Diego, đó là Tập Cận Bình có thể sẽ có những quyết định sai
bởi xung quanh toàn những kẻ xu nịnh, không ai dám làm ngược lại ý của ông ta.
Bên cạnh đó, tập trung quyền lực vào một người có thể sẽ
khơi dậy sự chống đối phản kháng ngầm ngay trong nội bộ đảng. Chiến dịch chống
tham nhũng của ông Tập Cận Bình đã tước đi quyền hành và lợi ích của gần một
triệu cán bộ đảng. Có ai dám chắc có bao nhiêu người bị ông Tập kỷ luật đã tâm
phục khẩu phục mà không có ý đồ chống đối hay phục thù. Ngay cả những người đã
tránh được tai bay vạ gió trong cuộc thanh trừng vừa qua cũng không khỏi không
có phản ứng tự vệ.
Theo như nhận định của chuyên gia Susan Shirk thì nguy cơ đối
với ông Tập còn ở chỗ giới chính trị ưu tú sẽ có hình thức « nổi dậy » theo
cách của họ. Bởi tầng lớp này sẽ rơi vào trong hoàn cảnh hiểm nghèo sau cuộc cải
cách nhằm để ông Tập Cận Bình không chia sẻ quyền lực cho ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét