Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thất bại về mặt quân
sự đối với các lực lượng chính quy miền Bắc và Việt Cộng, theo nhận định của
các chuyên gia quân sự, giáo sư sử học và cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại
Việt Nam.
Rạng sáng ngày 31/1/1968, giữa lúc người dân Việt Nam đang
đón Tết thì các lực lượng Cộng sản phát động một đợt tấn công bất ngờ trên toàn
miền Nam. Chiến dịch này được coi là cuộc tấn công lớn nhất trong chiến tranh
Việt Nam đã dẫn đến nhiều thương vong tại nhiều thành phố và thị trấn trên khắp
miền Nam.
“Về mặt quân sự, Bắc Việt đã thua to. Toàn bộ các cơ sở hạ tầng
của Việt Cộng bị quét sạch,” William Ridley, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở
Việt Nam nói với VOA-Việt ngữ.
Binh sỹ hải quân Mỹ trong lúc nghỉ giữa các trận đánh ở Huế
trong khuôn khổ cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 của quân Bắc Việt.
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Bing West và giáo sư sử học
Đại học San Diego State University, Pierre Asselin, cũng nhận định tương tự với
VOA sau một cuộc hội thảo tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS tại
Washington hôm 31/1.
Trong khi đó Hà Nội tuyên bố đây là một thắng lợi về chiến
thuật và là một trận đánh gây tiếng vang lớn, “một cú đập lớn để tung tóe ra
các khả năng chính trị” – theo lời của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn.
Theo truyền thông trong nước, quân “giải phóng” Bắc Việt đã hoàn thành một
trong những mục tiêu quan trong được đề ra là “đè bẹp ý chí xâm lược của Mỹ, buộc
Mỹ phải ngồi vào bàn thương lượng.”
Một nửa thế kỷ sau cuộc tổng tiến công bắt đầu từ Tết Mậu
Thân 1968 và kéo dài hơn 300 ngày ở nhiều nơi, gồm cả Huế và Sài Gòn, người Mỹ
vẫn bàn luận về những bài học được rút ra từ cuộc tấn công được coi là đã thay
đổi cục diện của chiến tranh Việt Nam.
“Tôi cho rằng bài học lớn nhất là nếu anh là Tổng thống, nếu
anh là Tổng Tư Lệnh và đưa quân vào một cuộc chiến thì phải có ý chí để quyết
thắng," ông West nói. "Đừng nhụt chí như cách mà Tổng thống Lyndon
Johnson đã làm. Ông ấy đã quay lưng bỏ đi chỉ vì (cuộc tấn công) Tết Mậu Thân.
Ông ấy lẽ ra không nên làm như thế.”
Theo cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Bing West dưới thời Tổng
thống Ronald Reagan, trong thời gian Tết Mậu Thân sau khi đánh bại quân miền Bắc,
Tổng thống Johnson đã có cơ hội để đánh bom hệ thống đê miền Bắc và cảng Hải
Phòng cũng như cắt đường cứu viện từ Trung Quốc và Nga.
“Chúng ta đã có thể nện cho họ tơi tả cho tới khi họ hiểu rằng
họ không thể cưỡng chiếm miền Nam.”
Lyndon B. Johnson trở thành tổng thống Mỹ sau khi Tổng thống
John F. Kennedy bị sát hại vào năm 1963. Ông Johnson là người khởi sự cuộc chiến
tranh ở Việt Nam vào năm 1965.
Theo nhận định của cựu quan chức Bộ Quốc phòng này, Mỹ đã bỏ
lỡ cơ hội để chiến thắng và quân miền Bắc lẽ ra cũng không nên tấn công bởi vì
cuộc tấn công đó “không hiệu quả như họ mong muốn.”
Ông West nhận định “cả 2 phía đã mắc sai lầm” nhưng thừa nhận
ảnh hưởng tiêu cực của cuộc tấn công này đối với phía Mỹ.
“Chúng tôi đã mất tinh thần. Tổng thống mất tinh thần khi
nói ‘Trời, tôi chỉ muốn rút ra khỏi cái nơi đó.’”
Cho tới năm 1968, Mỹ đã đưa 468.000 quân tới Việt Nam với
khoảng 30.000 lính đã thiệt mạng trên chiến trường này. Tổng thống Johnson, người
đã vấp phải nhiều phản đối từ những người chống chiến tranh Việt Nam, xin rút
khỏi cuộc đua ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ năm đó.
Cuộc tấn công của Lê Duẩn
Một bài học khác mà ông West rút ra từ cuộc tấn công này là
“các quyết định quan trọng chỉ do một số người đưa ra.” Cựu quan chức Bộ Quốc
phòng cho biết điều này “đúng trước đây và bây giờ vẫn đúng”, ám chỉ các quyết
định của những nhà lãnh đạo Mỹ tại Afghanistan hiện nay.
Phía Bắc Việt, những quyết định quan trọng cũng do một số
người đưa ra, theo nhận định của giáo sư sử học Asselin, người nghiên cứu về
Đông Nam Á và Việt Nam. Ông cho rằng TBT Lê Duẩn, chứ không phải ông Hồ Chí
Minh hay Tướng Võ Nguyên Giáp, là người điều hành chiến tranh Việt Nam, và là
người quyết định trong cuộc tổng tiến công Mậu Thân, cùng với tướng Văn Tiến
Dũng.
Nhà sử học Asselin so sánh Lê Duẩn là giống lãnh tụ Kim Il
Sung của Triều Tiên về mặt “độc tài” khi đưa ra các quyết định, và giống như
Stalin khi quyết định hy sinh hàng triệu quân để dành chiến thắng.
“Đối với Lê Duẩn, Việt Nam đã bị Pháp đô hộ, và trong suốt
chiều dài lịch sử luôn bị Trung Quốc hăm dọa. Và Lê Duẩn sẽ làm thay đổi điều
đó, làm thay đổi 2.000 năm lịch sử," GS Assalin nói với VOA. "Tôi
nghĩ ông Lê Duẩn cho rằng không có sự hy sinh nào là quá lớn. Đối với ông, nói
đến 1 triệu hay 2 triệu người Việt hy sinh trong chiến tranh, thì đó là cái giá
và là cái giá cần thiết bởi vì khi đã đạt được mục đích thì mọi thứ sẽ được chấp
nhận trong lịch sử.”
Cựu trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng West đồng ý với quan điểm
đó.
"Theo tôi, Lê Duẩn cũng giống như Stalin. Ông ấy không
quan tâm về chuyện có bao nhiêu người bị giết. Ông ấy là người có ý chí sắt.
Stalin là người có ý chí sắt. Hitler là người có ý chí sắt."
Năm mươi năm sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, cuộc
tranh cãi trên mạng xã hội Việt Nam vẫn tiếp diễn về những tác động của chiến dịch
này và liệu quyết định của ông Lê Duẩn và tướng Văn Tiến Dũng là đúng hay sai.
Cũng như những nhận định trong loạt phim tài liệu “Cuộc Chiến
tranh Việt Nam” của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick được công chiếu năm
ngoái, nhiều người cho rằng cuộc tấn công này do miền Bắc phát động vào các
thành phố ở miền Nam nhắm vào người dân thường, bất chấp hai miền thường ngừng
bắn để cùng ăn Tết. Rất nhiều thường dân đã bị giết chết trong biến cố này.
Luật sư Lê Công Định nhận định trên một bài viết trên trang
Facebook cá nhân rằng “cuộc tấn công lén lút đó lại biến thành cuộc thảm sát
thường dân vô tiền khoáng hậu trong ký ức và tâm khảm người dân miền Nam.”
Chính quyền Hà Nội không công bố con số thương vong chính thức
nhưng theo ước tính của phía Mỹ, con số này có thể lên tới 58,000 sau toàn bộ
chiến dịch kéo gần hết năm 1968. Theo thống kê mà US News thu thập được, thương
vong của phía đồng minh là gần 9.000 người, trong đó hơn phân nửa là binh sĩ Việt
Nam Cộng hòa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét