Những chiếc xe đạp được lên báo vào năm 2015. Ảnh: Zing |
Trở lại với chiếc xe đạp thuộc gói thầu 72, ngành công an sẽ trả lời như thế nào với quyết tâm xây dựng một hình ảnh đẹp trên chiếc xe đạp 3 năm về trước?
Vào năm 2015, lực lượng cảnh sát trật tự thuộc Công an 12 phường các quận nội thành Hà nội được bàn giao lô hàng xe đạp thương hiệu Thống nhất. Đại tá Đào Thanh Hải - Phó giám đốc Công an Hà nội lúc đó cho biết, phương tiện đặc chủng này được coi là hữu hiệu cho lực lượng công an phường ‘tiếp cận các ngõ, ngách, đường, phố nhỏ để vận động, tuyên truyền’.
Xe mang ký hiệu TN 26” Công An Tp. Hà Nội với slogan ‘Mạnh mẽ - thận thiện – an toàn’.
Và sau đợt lên báo 2015, chiếc xe đạp tuần tra Thống nhất của Công an Hà nội cũng vắng bóng dần.
Tối ngày 31.01.2018, Facebooker Phạm Dương Ngọc đã chia sẻ hình ảnh về những chiếc xe đạp tuần tra đó. Và theo mô tả thì, những chiếc xe vẫn còn nguyên tem, mác lẫn bọc nilon; chỉ có 1 xe trong đó là ‘có vẻ đã sử dụng’.
Như vậy, những chiếc xe trị giá hàng triệu đồng thuộc ‘gói thầu 72’ đã xếp xó, và theo mô tả thì có vẻ chưa được sử dụng đến 4/5.
Những tài sản công được mua bằng tiền ngân sách sau đó vứt xó không phải là điều quá dị biệt tại Việt Nam. Nơi mà đồng tiền được sử dụng để thực hiện các mục tiêu thử nghiệm và giải ngân. Từ câu chuyện ấm chè của tỉnh Vĩnh Phúc, cho đến kỷ niệm chương của tập đoàn TKV, hay công trình nhạc nước mang dấu ấn của ông Bí thư tại Hải Phòng.
Những sản phẩm đầu ra của giới quan chức trong các bộ ngành, thuộc tỉnh hoặc trung ương xuất phát từ sự duy ý chí và chủ quan. Nhưng trên hết, nó có một sự hấp dẫn thông qua yếu tố ‘gói thầu được chỉ định’. Thành ra, mặc cho dư luận phản đối và bất bình vì ngân sách sử dụng lãng phí và tùy tiện, thì những dự án đổ ra, chụp ảnh, và xếp xó vẫn cứ nối tiếp nhau ra đời.
Những chiếc xe đạp bị xếp xó vẫn còn nguyên nhãn mác. Facebook: Phạm Dương Ngọc |
Ngoài ra, làm nên tính hấp dẫn của các dự án từ giới quan chức cũng chính là nhờ vào khâu lập dự toán bừa bãi, khâu phê duyệt lại càng bừa bãi, chế tài xử lý lại chung chung, giám sát hay trách nhiệm theo dõi dự án lại kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’. Tất cả đưa đến một thực trạng ‘xếp xó’.
‘Tiền chùa’ nên ngân sách khánh kiệt, tư duy lẫn quan điểm chi tiêu ngân sách công vẫn nằm trong cụm từ ‘cố tiêu cho hết’ và ‘xin vốn cho bằng được’. Trong khi các giá trị cần có như trách nhiệm giải trình, chịu trách nhiệm trước pháp luật bỏ ngỏ. Tất cả đưa đến ‘áp lực tăng thu’, và thế là, người dân vẫn phải lãnh đủ.
Nhà nước vẫn đang thực hiện tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy nhằm giảm sức ép của quả bom ngân sách; nhưng hiệu quả sẽ đến đâu, khi nó không thể khắc phục được tư duy ‘vẽ dự án, ăn dự án’ hiện nay?
Trở lại với chiếc xe đạp thuộc gói thầu 72, ngành công an sẽ trả lời như thế nào với quyết tâm xây dựng một hình ảnh đẹp trên chiếc xe đạp 3 năm về trước. Sẽ làm sao chứng minh được là ngành tuyến đầu của chống lãng phí, khi mà những chiếc xe vẫn còn nằm một góc,… như vậy. Sẽ đối diện như thế nào với cái gọi là Ban chỉ đạo Chương trình 07 của Hà Nội về 'Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020'.?
Đó là câu hỏi nhỏ, nhưng có vẻ rất khó nhận được sự trả lời chính đáng từ phía công an thủ đô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét