Có nhà báo nước ngoài từng hỏi tôi: “Điều gì đã xảy ra với Hoàng Bình vào ngày 14/2/2017?”.
Nếu ai đó hỏi bạn câu tương tự, bạn sẽ nói gì? Tôi thì tôi trả lời rằng:
Đó là một ngày thứ ba đen tối, ngày Valentine đẫm máu (14/2/2017). Hàng nghìn người dân ở giáo xứ Song Ngọc (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã đi bộ từ sáng sớm để đến Toà án Nhân dân huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) cách đó hàng trăm cây số, để gửi đơn kiện Formosa và đòi bồi thường. Trên đường đi, họ đã bị công an Nghệ An chặn lại.
Một nhóm người ngồi trên ô-tô đi cùng đoàn, với nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần, đã bị tách riêng. Nhóm gồm Hoàng Bình, tài xế Nguyễn Nam Phong, và vài phụ nữ cao tuổi. Cả đám công an bao vây xe họ, đập cửa, đấm vào kính, cố xông vào trong. Những viên công an ấy hung dữ lắm và được trang bị đầy đủ loa, dùi cui, gậy gộc, mũ bảo hiểm, đạn hơi cay, chưa kể gạch đá, có thể cả súng. Còn Hoàng Bình và những người ngồi trên xe không có gì trong tay ngoài điện thoại chụp hình và facebook.
Và Hoàng Bình đã thực hiện livestream như một cách – duy nhất – để tự bảo vệ mình và mọi người.
Công an đập cửa, đấm xe, ném đá, bẻ cong cả cần gạt nước. Hoàng Bình vẫn bình tĩnh livestream, vẫn nhắc Nam Phong không mở cửa, vẫn động viên tinh thần mọi người trong xe. Các phụ nữ bắt đầu đọc kinh cầu nguyện. Công an điên cuồng đấm đá, đánh phá bên ngoài, rải cả đinh trước lốp xe để xe không thể đi được nữa. Vô ích. Chúng không có cách nào mở được cửa ô-tô, lôi mọi người bên trong ra và nhất là chặn ngay dòng livestream lại.
Cuối cùng, công an dùng cần cẩu, trùm bạt bao quanh chiếc xe và cẩu cả xe lẫn người ngồi bên trong về đồn. Facebooker Trí Dũng comment nhắc Bình hé mở kính xe, rạch tấm bạt ra để mọi người thở. Từ bên trong, Hoàng Bình tiếp tục livestream. Xe bị cẩu lên trong tiếng đọc kinh lầm rầm của các phụ nữ và tiếng máy rú rít, tiếng công an í ới bên ngoài. Hàng trăm nghìn con mắt của facebooker người Việt trên khắp thế giới vẫn đang xem trực tiếp, hàng ngàn người cùng góp lời cầu nguyện cho Hoàng Bình và các bạn, và chửi công an – những kẻ hèn mạt chỉ quen dùng bạo lực, chân tay, mà là với người yếu thế cơ, chứ với kẻ mạnh hơn, chúng chẳng dám làm vậy đâu.
Cảnh tượng đó thật quá bi tráng, phải không bạn? Nhưng chính quyền Việt Nam không thích vậy – nói chung chúng chẳng thích cái đẹp, sự cao cả, anh hùng, quân tử, nghĩa hiệp hay cái gì tương tự. Bị vạch trần trên facebook, chúng cay cú lắm. Thế nên ba tháng sau, chúng đã tổ chức chặn xe, bắt cóc Hoàng Bình, và gần một năm sau, vào một ngày đông rét mướt, toà án công an trị kết án Bình 14 năm tù, Nam Phong hai năm tù, sau khi đã đánh Bình thâm tím mặt mày mà vẫn không khuất phục được anh. Bên ngoài toà, chúng đánh em trai, em gái Bình tả tơi.
* * *
Đó. Câu chuyện mà tôi đã kể cho những người bạn của tôi, kể cả đồng nghiệp làm báo, là như vậy đó.
Với tôi, đó là một trong những câu chuyện, những hình ảnh bi tráng và gây xúc động nhất của phong trào dân chủ Việt Nam, của lịch sử đấu tranh vì dân chủ cho Việt Nam; và chúng luôn cần được kể lại, viết lại, để không chỉ thời nay mà còn rất nhiều năm sau nữa, không chỉ cho người Việt Nam mà cho cả thế giới nữa.
“Sống để kể lại”, các bạn nhé.
Những thế hệ người Việt sau này sẽ phải biết rằng con đường đi tới dân chủ ở đất nước của chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc, những ngày tháng dữ dội như thế nào. Cũng như thế giới: Dân chúng ở các quốc gia dân chủ cần nhìn vào câu chuyện Việt Nam ngày nay để hiểu dân chủ, tự do là một giá trị mà người dân ở các nước khác, kém may mắn hơn họ, đã phải giành lấy bằng máu, nước mắt, và cả cuộc đời mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét