Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

2646 - Ngày 08/02/1949: Hồng y Mindszenty của Hungary bị kết án





Vào ngày này năm 1949, Hồng Y József Mindszenty, giáo chức Công giáo cao nhất Hungary, đã bị Toà án Nhân dân Cộng sản kết tội phản quốc và bị kết án tù chung thân. Các nhà quan sát ở Tây Âu và Hoa Kỳ đã tức giận, lên án phiên tòa và việc buộc tội Mindszenty là “gian dối” và “trái pháp luật.”
Hồng y Mindszenty đã quá quen với các vụ bắt bớ chính trị. Trong Thế chiến II, chính quyền phát xít của Hungary đã bắt giữ ông vì dám phát biểu lên án chiến dịch đàn áp người Do Thái trong nước. Sau chiến tranh, khi chế độ cộng sản lên nắm quyền tại Hungary, ông tiếp tục công việc chính trị của mình, tố cáo sự áp bức chính trị và thiếu tự do tôn giáo ở nước ông.
Năm 1948, chính phủ Hungary đã bắt giữ Hồng y. Mindszenty, cùng một số giáo chức khác của Giáo hội Công giáo, một nhà báo, một giáo sư, và một thành viên của gia đình hoàng gia Hungary, đã bị kết án vì những cáo trạng khác nhau trong một phiên xử ngắn của Toà án Nhân dân Cộng sản ở Budapest. Hầu hết đều bị buộc tội phản quốc, cố ý lật đổ chính phủ Hungary, và đầu cơ bằng ngoại tệ (chuyển tiền ra nước ngoài bất hợp pháp). Tất cả những người này, ngoại trừ Mindszenty, đã nhận được án tù từ một vài năm tới tù chung thân.
Hồng y Mindszenty là trọng tâm của phiên toà. Trong quá trình tố tụng, các công tố viên đã đưa ra một số tài liệu cho rằng Mindszenty có liên quan đến các hoạt động chống chính phủ. Đức Hồng y thừa nhận rằng ông “có tội, về mặt nguyên tắc và về chi tiết cụ thể, trong hầu hết các cáo buộc được đưa ra,” nhưng đã mạnh mẽ phủ nhận rằng các hoạt động của ông được thiết kế để lật đổ chính phủ Hungary. Tuy nhiên, ông vẫn bị luận tội và bị kết án tù chung thân.
Phản ứng trước các cáo buộc về Mindszenty đã diễn ra một cách nhanh chóng và đầy phẫn nộ. Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin tuyên bố phiên xử là một sự sỉ nhục đối với hiểu biết của người Anh về tự do và công lý. Tòa thánh Vatican đã ban hành một tuyên bố rằng Hồng y là “người đạo đức và vô tội.” Chủ tịch Hạ viện Mỹ Sam Rayburn (thành viên Đảng Dân Chủ, đại diện bang Texas) tuyên bố rằng “những người Kitô hữu quá sốc trước phán quyết này.” Nhiều cuộc biểu tình đã được tổ chức tại một số thành phố của Mỹ, nhưng chúng vẫn không thể thay đổi bản án.
Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng trong việc cho thấy chiều sâu của phong trào chống cộng ở Hungary. Năm 1956, Mindszenty được thả ra khi một chính phủ cải cách lên nắm quyền tại Hungary. Một thời gian ngắn sau đó, quân đội Liên Xô đã vào Hungary để đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ. Mindszenty phải xin tỵ nạn tại Đại sứ quán Mỹ ở Budapest và đã ở lại trong tòa nhà Đại sứ quán cho đến năm 1971. Năm đó, ông được Vatican triệu hồi và đưa đi định cư tại Vienna, nơi ông qua đời vào năm 1975.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét