Lần đầu tiên trong 34 năm người Việt tị nạn đến Hoa Kỳ (1975-2018) và sau 14 năm đảng Cộng sản Việt Nam thi hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, một vụ hợp tác “Quốc-Cộng” trong lĩnh vực truyền thông đã được công khai. Nhưng mối quan hệ đặc biệt này nên được nhìn qua lăng kính nào để biết Báo chí Tị nạn đã bị “nhuộm đỏ” hay chưa?
Vietface TV-Vĩnh Long
Trước khi tìm câu trả lời, hãy biết đầu đuôi câu chuyện như sau:
“Đài PT-TH (phát thanh-truyền hình) Vĩnh Long sản xuất chương trình "Trái tim nhân ái". Sau khi phát sóng, chuyển nhượng cho VietfaceTV của Trung tâm Thúy Nga Paris by Night, chương trình này đổi tên thành "Những mảnh đời" để kêu gọi ủng hộ từ thiện trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và Canada... (báo Người Lao động/04-02-2018)
Báo này trích lời của đài Vĩnh Long viết tiếp: "Quỹ Từ thiện Vietface do VietfaceTV thành lập nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam. Trong 2 năm 2014-2015, mỗi chương trình được Vietface phát 4-6 lần trong vòng ít nhất 2 tuần. Tính đến cuối tháng 8-2015, VietfaceTV phát sóng 44 chương trình, trung bình mỗi chương trình tiếp nhận 8.000-12.000 USD.
Như vậy, với 44 chương trình, nguồn ủng hộ tiếp nhận là 352.000-528.000 USD chứ không phải 1,5 triệu USD."
Cô Marie Tô, Tổng giám đốc VietFace TV cũng nói: “Số tiền $1.5 triệu là không đúng.” Và cô đã yêu cầu phía Việt Nam cải chính và xin lỗi nhưng chưa biết cô có toại nguyện hay chưa?
Tuy nhiên, cô Marie Tô cho biết: "VietFace TV chỉ gây quỹ được $559,198.90 trong thời gian từ 2013 đến 2015. Sau đó, chúng tôi chuyển cho quỹ ‘Trái Tim Nhân Ái’ của đài truyền hình Vĩnh Long $467,823, số còn lại là giúp cho các tổ chức từ thiện khác. Tất cả đều có sổ sách kế toán và báo cáo sở thuế đàng hoàng."(trích báo Người Việt, ngày 02/02/2018).
Cô Marie Tô cũng xác nhận: “Chuyện chiếu lại phim là có, vì chúng tôi thấy hoàn cảnh bà con mình tội nghiệp quá nên có xin đài Vĩnh Long để chiếu. Không ngờ, sau khi chiếu lên đồng hương mình thấy thương, nhiều người hưởng ứng, muốn giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.” (Người Việt, ngày 02/02/2018)
Trong cuộc phỏng vấn của Đài truyền hình SBTN ngày 03/02/20128, cô Marie Tô giải thích thêm: "Thoạt đầu, VietFace chỉ trích những clip của chương trình Trái Tim Nhân Ái khi 2 MC Chung Tử Lưu và Christine Thúy Hằng kể những câu chuyện cảm động, thương tâm này cho khán giả và được khán giả quan tâm, ủng hộ mạnh. Sau đó, mới hình thành chương trình Những Mảnh Đời, sử dụng những câu chuyện trong Trái Tim Nhân Ái. Vì đây là mục đích hoàn toàn là từ thiện nhằm giúp đỡ những người gặp bất hạnh nên chúng tôi chỉ xin phép miệng, và được cho phép sử dụng trên tinh thần từ thiện và nhân đạo. Còn những chương trình nào khác mang tính thương mại nếu sử dụng chúng tôi đều thanh toán quyền phát sóng."
Liên quan đến thắc mắc của dư luận về một đài truyền hình hải ngoại lại phát sóng chương trình trong nước, cô Marie Tô nói: “Hiện nay, tất cả các đài truyền hình tại đây đều phát sóng các chương trình được thực hiện trong nước. VietFace TV cũng không làm khác hơn. Chúng tôi cũng chỉ chiếu những chương trình mang tính giải trí, văn nghệ, du lịch hay ẩm thực như tất cả mọi đài truyền hình khác.”
Nếu “tất cả các đài truyền hình tại đây (nếu hiểu chỉ ở California) đều phát sóng các chương trình được thực hiện trong nước” thì đây là một “thay đổi chính trị” đáng báo động của những người Việt tị nạn làm báo và truyền thông!
Đài Vĩnh Long - Báo Nhân Dân
Trong khi đó ông Lê Quang Nguyên, giám đốc đài phát thanh-truyền hình Vĩnh Long đã xác nhận với báo Người Việt (02/02/018) rằng: “Chuyện bán phim, nói chung, VietFace TV lâu nay mua phim của nhiều đài, trong đó có Vĩnh Long, và giá bán theo thị trường, và mua ở đâu cũng vậy. Ngoài ra, khi làm chương trình, chúng tôi nghĩ là phục vụ mọi người, thành ra, trong nước hay hải ngoại gì coi cũng quý cả. Việc này cũng có ý kiến của Bộ Thông Tin và Truyền Thông. Vấn đề ở đây là thủ tục hành chánh thôi.”
Nhưng câu chuyện làm ăn giữa hai bên còn có nhiều tình huống khác.
Theo một bài báo của Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN thì: “Ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long đã tự ý chuyển nhượng bản quyền phim truyền hình, chương trình giải trí với Đài Truyền hình VietFaceTV (Hoa Kỳ) mà không thông qua Ban Giám đốc; không xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền cấp trên; hoàn toàn không kiểm soát nội dung.
Theo đó, từ năm 2011, ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long đã âm thầm bán, chuyển nhượng bản quyền phim truyện truyền hình, chương trình giải trí với Công ty VietFace Media Group, INC (Đài Truyền hình VietFaceTV – trực thuộc Trung tâm Thúy Nga, Paris by Night – Hoa Kỳ).”
Nhân Dân viết tiếp: “Các quyết định chuyển nhượng quyền khai thác phim do ông Lê Quang Nguyên tự ký đều không có phiếu trình qua các phòng chức năng có liên quan, không có biên bản đánh giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản và giấy ủy quyền của các đối tác khi đến nhận phim tại Đài PT-TH Vĩnh Long.
Trong các hợp đồng chuyển nhượng bản quyền phim, chương trình giải trí với Công ty VietFaceTV và các đối tác nước ngoài, cũng như sau khi hết hạn bản quyền chuyển nhượng của các hợp đồng không có thỏa thuận ràng buộc, giao kết trách nhiệm về thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của cơ quan có thẩm quyền khi phát hành phim ngoài lãnh thổ Việt Nam; không ghi đầy đủ thông tin số tài khoản, nơi mở tài khoản của các đối tác (bên B) là không đúng theo mẫu hợp đồng kinh tế.
Đến nay, các hợp đồng chuyển nhượng đã thanh lý xong, số tiền này được hạch toán vào doanh thu của Đài TP-TH Vĩnh Long theo dõi trên sổ sách kế toán.
Theo thông báo kết luận số 04 của Tỉnh ủy Vĩnh Long, Ban Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long chưa kiểm soát được nguồn chương trình sau khi đã chuyển nhượng cho các đối tác ở nước ngoài, như: Chương trình “Trái tim nhân ái” do Đài PT-TH Vĩnh Long sản xuất, sau khi phát sóng chuyển nhượng cho Đài Truyền hình VietFaceTV của Trung tâm Thúy Nga Paris by Night đổi tên thành “Những mảnh đời” để kêu gọi ủng hộ từ thiện trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và Canada...”
Nguồn thu ủng hộ của kiều bào từ chương trình “Những mảnh đời” do Đài Truyền hình VietFaceTV cung cấp trong hai năm qua khoảng 1.500.000 USD (tương đương hơn 30 tỷ đồng Việt Nam). “Qua đối chiếu với các hồ sơ, chứng từ có liên quan thì các kiều bào ở nước ngoài ủng hộ chuyển về Đài PT-TH Vĩnh Long số tiền là 8.326.305.600 đồng. Số chênh lệch còn lại khoảng 22 tỷ đồng thì chưa có cơ sở làm rõ” (báo Nhân Dân, ngày 31/01/2018)
Nghị quyết 36 - xâm nhập truyền thông
Đó là chuyện “hợp tác” và “tiền bạc” giữa VietFaceTV, một chương trình truyền hình của Trung tâm âm nhạc Thúy Nga Paris by Night, với đài Vĩnh Long của CSVN.
Nhưng chuyện làm ăn này có nằm trong kế họach xâm nhập của Nghị quyết 36 để lũng đoạn hàng ngũ người Việt quốc gia, và đặc biệt thao túng dự luận tị nạn qua báo chí và truyền thông?
Nếu chỉ xét thuần túy về khía cạnh thương mại buôn bán giữa đôi bên thì Nghị quyết 36 không có điều nào quy định riêng cho việc “hợp tác trong ngoài” hay “chuyển nhượng” phim ảnh. Nhưng khi các chương trình của cơ quan ngôn luận Cộng sản trong nước, dù “nhân đạo hay không”, được truyền thông của người Việt ở nước ngoài sử dụng để mưu “lợi nhuận” và “tiếp sức” cho trong nước thì lằn ranh Quốc-Cộng đã vỡ.
Trách nhiệm để cho bị vỡ là của hải ngoại. Bởi vì khi một cơ quan báo chí-truyền thông của người tị nạn đã sống và được cưu mang bởi Cộng đồng thì bất kỳ người Việt nào “mặc áo tị nạn” cũng khó bào chữa được sự “trong sáng” với thái độ “đứng giữa”, “đứng ngoài” hay “đứng trên” Cộng đồng
Vì vậy khi bộ phim “Trái tim nhân ái” do Đài PT-TH Vĩnh Long sản xuất, được Đài Truyền hình VietFaceTV của Trung tâm Thúy Nga Paris by Night đổi tên thành “Những mảnh đời” để quyên góp giúp việc làm của đài Vĩnh Long thì chỗ đứng của Trung tâm Thúy Nga Paris by Night trong Cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã được các nhà lãnh đạo Cộng đồng quan tâm đến mức nào?
Đối với các quan chức và các vị Dân cử Mỹ gốc Việt trong guồng máy Nhà nước Hoa Kỳ, đặc biệt với số đông ở California, thì trách nhiệm còn lớn hơn vì xưa nay, nhà cầm quyền CSVN vẫn không chấp nhận cho báo chí-truyền thông người Việt tị nạn được tự do hoạt động ở Việt Nam. Trong khi Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV, Voice of Vietnam) được Chính phủ Mỹ cho phép có phóng viên thường trú ở Hoa Kỳ.
Để biết thêm những kế họach “nắm bắt” người Việt Nam ở nước ngoài của đảng CSVN theo Nghị quyết 36, hãy tìm hiểu thêm nội dung của Nghị quyết 27/NQ-CP ngày 05 tháng 04 năm 2016, do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành.
Nghị quyết 27 nói rõ đây là: “Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2016 – 2020”.
Sau đây là những điểm quan trọng:
- Có kế hoạch, biện pháp cụ thể chủ động đấu tranh, phân hóa và đối phó với các đối tượng cực đoan quá khích, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, sắc tộc để gây chia rẽ trong cộng đồng, gây tổn hại quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và các nước, nhất là ở các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc.
- Huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Thu hút cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam.
- Nghiên cứu và cung cấp cho các Bộ, ngành, cơ quan trong nước kinh nghiệm quốc tế về thu hút các chuyên gia, trí thức hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về các nhà khoa học, nhà văn hóa, chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài.
- Tăng cường kết nối doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước, xây dựng và vận hành kênh thông tin điện tử để phát huy khả năng của người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, phát triển chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ban hành cơ chế khuyến khích người Việt Nam ở nước ngoài trao đổi và cung cấp thông tin về thị trường, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng của người tiêu dùng với các đại diện xúc tiến đầu tư và thương mại của Việt Nam ở các nước, đặc biệt là các địa bàn trọng Điểm có nhiều người Việt sinh sống. Tăng cường hỗ trợ hoạt động của Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài.
- Tăng cường thông tin tuyên truyền đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
a) Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến kiều bào về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo, dạy và học tiếng Việt,...; tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các cá nhân, tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài tuân thủ luật pháp và chính sách của nước sở tại.
b) Xây dựng, triển khai thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020,Đề án “Quảng bá xuất bản phẩm Việt Nam ra nước ngoài giai đoạn 2016 - 2020”, Đề án “Nâng cao chất lượng ấn phẩm, báo chí đối ngoại bằng tiếng nước ngoài” để tăng cường thông tin phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài….
c) Lập kênh phát thanh, truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài bằng hệ thống truyền hình qua mạng IPTV hoặc hệ thống truyền hình của nước sở tại, nhất là tại các địa bàn tập trung đông người Việt Nam sinh sống; hỗ trợ cung cấp nội dung thông tin và hợp tác sản xuất chương trình với các báo, đài của người Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức tập huấn và trao đổi nghiệp vụ báo chí với các phóng viên, biên tập viên kiều bào. Chủ động thiết lập quan hệ và tranh thủ các báo, đài có quan Điểm ủng hộ Việt Nam để đấu tranh phản bác lại luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của báo, đài, trang mạng nước ngoài có thái độ thù địch chống Việt Nam.
(Chú thích: Internet Protocol television (IPTV) is the delivery of television content over Internet Protocol (IP) networks. This is in contrast to delivery through traditional terrestrial, satellite, and cable television formats. Unlike downloaded media, IPTV offers the ability to stream the source media continuously. As a result, a client media player can begin playing the content (such as a TV channel) almost immediately. This is known as streaming media.)
đ) Đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung các tờ báo, chương trình phát thanh, truyền hình xuất bản và phát sóng bằng tiếng Anh và tiếng Việt dành cho người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với tâm lý, tình cảm của kiều bào; có các biện pháp hiệu quả đưa chương trình đến với đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại các nước.
e) Xây dựng và khai thác có hiệu quả cơ chế trao đổi thông tin về tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữa Bộ Thông tin - Truyền thông với các cơ quan liên quan theo hướng đổi mới cơ chế tổ chức và phối hợp, có quy định rõ ràng về trách nhiệm, thực hiện cơ chế chỉ đạo, giám sát và trao đổi thông tin chặt chẽ, kịp thời giữa cơ quan chỉ đạo, Điều hành trong nước với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm sự tập trung, hiệu quả của công tác thông tin.
Tiếng Việt - tôn giáo - ca sĩ giao lưu
Về kế họach dạy tiếng Việt ở hải ngoại, Nghị quyết 27 của Nguyễn Tấn Dũng quy định:
- Hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
a) Tổng kết đánh giá hiệu quả việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 2004 đến nay; xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả việc triển khai chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
b) Tăng cường triển khai các chương trình dạy tiếng Việt trên mạng trực tuyến, phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu của người Việt Nam ở từng quốc gia, địa bàn, khu vực; đẩy mạnh xã hội hóa, đặc biệt là các chương trình do các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài biên soạn; hướng dẫn khai thác, sử dụng miễn phí hai bộ sách học Tiếng Việt "Tiếng Việt vui" và "Quê Việt".
- Hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài tại các trung tâm văn hóa, các trường của các Hội người Việt Nam hoặc các cơ sở giáo dục, các tổ chức dạy tiếng Việt khác ở nước ngoài để tổ chức dạy và học tiếng Việt; định kỳ tổ chức các khóa bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.
- Đẩy mạnh công tác tăng cường thông tin tuyên truyền về chính sách tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tạo Điều kiện để kiều bào được tham gia các sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong nước.
h) Tiếp tục hỗ trợ cộng đồng tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao kết hợp quảng bá, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; khuyến khích các đoàn nghệ thuật, các ca sĩ, nghệ sĩ trong nước tổ chức các chuyến biểu diễn nghệ thuật phục vụ kiều bào, các ca sĩ, nghệ sĩ người Việt Nam ở nước ngoài về biểu diễn ở trong nước; xuất bản, phát hành ở trong nước một số sản phẩm văn hóa của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phù hợp các quy định về xuất bản. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng và hỗ trợ các trung tâm văn hóa Việt Nam tại một số nước có đông người Việt.
- Đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả các hình thức tập hợp, vận động kiều bào
a) Tiếp tục duy trì tổ chức các hoạt động dành cho người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân, tạo sự gắn kết, giao lưu, trao đổi thường xuyên với kiều bào và thân nhân, tăng cường thu hút sự quan tâm, tham gia của thế hệ kiều bào trẻ trong các hoạt động cộng đồng và hướng về quê hương, đất nước.
b) Nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức hội đoàn trong cộng đồng, củng cố các hội đoàn truyền thống, nhân rộng các tổ chức hội mới; lựa chọn nòng cốt, bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, cho cán bộ hội đoàn chủ chốt, chú trọng thu hút thế hệ trẻ tham gia hoạt động hội; xem xét hỗ trợ xây dựng trụ sở và hoạt động của một số hội đoàn kiều bào thuộc địa bàn khó khăn.
c) Nghiên cứu, đề xuất triển khai thí Điểm công nhận các chi hội của người Việt Nam ở nước ngoài là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam; xây dựng cơ chế hợp tác, phối hợp hành động thường xuyên, hiệu quả giữa các tổ chức đoàn thể trong nước với các chi hội ở nước ngoài.
Xâm nhập chân rết - tu sĩ
Theo Tạp chí Quê Hương, chuyên thông tin về Người Việt Nam ở nước ngoài, thì kế họach xâm nhập Cộng đồng của CSVN, như thế này: “Để công tác tổ chức, hội đoàn NVNONN tiếp tục phát huy vai trò tích cực, củng cố và đoàn kết cộng đồng, cùng đất nước hội nhập và phát triển, cần chú trọng triển khai một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt phương châm “nơi nào có người Việt thì nơi đó có hội đoàn”. Thời gian tới, công tác hội đoàn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là việc tổ chức, xây dựng các hội đoàn mới hướng về đất nước với nhiều hình thức đa dạng, góp phần tập hợp và quy tụ ngày càng nhiều bà con kiều bào.
Thực tiễn cho thấy sự hình thành và hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội đoàn tại các địa bàn thường dựa trên cơ sở các “hạt nhân” tích cực được gây dựng từ phong trào của cộng đồng. Những địa bàn nào có nhân tố tích cực, được sự hỗ trợ của Cơ quan đại diện ta và các tổ chức, đoàn thể trong nước thường xuyên quan tâm giúp đỡ, đánh giá kịp thời và có biện pháp hỗ trợ, thì các tổ chức hội đoàn ở những địa bàn hoặc khu vực đó phát triển mạnh và được đông đảo bà con nhiệt tình ủng hộ. Vì vậy, hội và các lãnh đạo hội cần tiếp tục phát huy vai trò là đầu mối, nhân tố quan trọng quy tụ, đoàn kết, giúp cộng đồng phát triển, sinh sống ổn định ở địa bàn sở tại, duy trì mối liên hệ và đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Các Cơ quan đại diện ta cần tiếp tục phát huy tạo thế, hỗ trợ cho các hoạt động của hội…”
- Việc đưa sách, báo, tạp chí ở trong nước đến cộng đồng và các thư viện sở tại được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin văn hóa của kiều bào. Các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đã thường xuyên cung cấp cho các cơ quan báo chí trong nước những tin, bài, ảnh về những hoạt động của kiều bào ta ở địa bàn, góp phần làm phong phú hơn công tác thông tin cho cộng đồng và vì cộng đồng.
- Các hoạt động như cử đoàn nghệ thuật sang biểu diễn ở một số nước hay hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đi hoằng pháp tại một số nước châu Âu và cử các vị chức sắc sang trụ trì, giúp việc Phật sự tại một số chùa Phật ở châu Âu, Đông Nam Á… cũng đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần, tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng. (Quê Hương, ngày 19/05/2014)
- Tạp chí Quê Hương cũng quảng cáo những việc đã làm được như đề cao: “Các hội nghị, hội thảo quan trọng dành cho kiều bào như Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (2009, 2012), Hội thảo bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng, Hội nghị Phụ nữ người Việt Nam ở nước ngoài (2013), các hoạt động hỗ trợ doanh nhân, trí thức kiều bào, Chương trình Gặp gỡ Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài và doanh nhân trong nước (2013)... cùng với chủ trương và việc dân sự hóa nghĩa trang Bình An (Bình Dương), hay việc tạo điều kiện cho Đoàn Nghị viên thành phố Houston, bang Texas, Hoa Kỳ do ông Al Hoàng (Hoàng Duy Hùng) - Nghị viên Hội đồng thành phố - dẫn đầu thăm và làm việc tại Việt Nam (tháng 3/2013)... cũng đã góp phần quan trọng cho công tác thông tin, tuyên truyền, giúp kiều bào an tâm, phấn khởi và tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.”
20 triệu Dollars truyền thông
Ngoài ra cũng nên biết vào năm 2014, Nguyễn Tấn Dũng đã chấp thuận dự án chi 20 triệu Dollars, khoảng 411 tỷ đồng Việt Nam để cung cấp 24 kênh truyền hình, phát thanh trên nền tảng OTT (over-the-top, tức phát qua mạng internet) TV và mobile TV để phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài trước năm 2020.
Trong giai đoạn 2015-2017, hệ thống dịch vụ này bảo đảm tối thiểu 10 kênh chương trình truyền hình và 4 kênh chương trình phát thanh.
Ngày 3/8/2015 Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “Mục tiêu tổng quát của Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh truyền hình qua mạng internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020 là cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tiếp tục mở rộng vùng phục vụ phát thanh, truyền hình qua mạng internet nhằm cung ứng các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm trên cơ sở phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và xu hướng phát triển công nghệ trên thế giới; đồng thời, tăng cường chất lượng, nội dung, thời lượng các chương trình phát thanh, truyền hình qua mạng internet trên cơ sở kết hợp hiệu quả các giải pháp công nghệ truyền hình qua mạng internet khác nhau.”
Lý do nhà nước CSVN mở rộng các kênh thông tin, phát thanh và tuyền hình trên Internet nhằm vào người Việt ở nước ngoài, theo bài viết, vì: “Nhu cầu thông tin bằng tiếng Việt qua các phương tiện truyền thông chính thống của kiều bào nước ngoài ngày càng tăng cao. Do đó việc mở rộng vùng phục vụ và tăng số lượng kênh truyền hình và phát thanh hiện đại cung cấp các thông tin đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, giúp Kiều bào dễ dàng có được thông tin chính trị, xã hội, kinh tế kịp thời, đầy đủ và chính xác là việc làm cấp thiết.”
Ngoài kế họach “nắm bắt tư tưởng” Việt kiều qua Internet, từ năm 1998, đảng CSVN đã thực hiện chương trình “Dành cho đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc” trên VTV4, nay là kênh truyền hình tổng hợp phát sóng 24/24h với các chương trình thời sự, phim truyện, ca nhạc, tài liệu, giải trí... nhằm vào người Việt ở nước ngoài.
VTV4 cũng phát hình trên trang web như nhiều báo, đài khác từ Việt Nam, trong đó có: “Các chương trình, tin bài, chuyên mục dành riêng cho kiều bào (VTV4, VOV, TTXVN, VTC10, Báo Đại Đoàn kết, Thanh niên, Việt Nam net, Tiền Phong, Đất Việt, Tổ quốc...)
Như vậy thì báo chí và truyền thông của CSVN nói riêng và Nghị quyết 36 nói chung, đã “nhuộm đỏ” Cộng đồng người Việt hải ngoại chưa?
Nếu rồi thì xưa nay các nhà lãnh đạo Cộng đồng, Đoàn thể và Tôn giáo tị nạn Cộng sản đã làm gì mà để xảy ra như thế?
Nếu chưa thì bây giờ làm gì, sau khi báo Nhân Dân của đảng CSVN đã bạch hóa hồ sơ VietFace TV và Đài Vĩnh Long?
Đối với những người Việt tị nạn làm Báo và Truyền thông thì dư luận trong Cộng đồng đang hỏi họ: Các ông, bà là ai?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét