Thứ Năm, 8 tháng 2, 2018

2640 - ‘Công bằng, dân chủ, văn minh’!



Ban Bí thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN (BCH TƯ Đảng CSVN) vừa quyết định cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam của ông Lê Phước Thanh.

Điều đáng nói là ông Thanh đã nghỉ hưu hồi 2015 và quyết định cách chức chỉ nhằm tước bỏ một chức vụ mà ông Thanh… từng giữ trong giai đoạn từ 2011 đến 2016.

Lý do chính dẫn tới quyết định vừa kể là vì ông Thanh ngang nhiên nâng đỡ, giúp con trai thăng tiến nhanh như tên bắn, kể cả dùng công quỹ trả cho chuyện du học ngoại quốc của con trai sai nguyên tắc.

Chuyện con trai ông Thanh (Lê Phước Hoài Bảo), sau khi nhận văn bằng thạc sĩ, từ Mỹ trở về Việt Nam hồi 2012, được Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai nhận vào làm Phó phòng Xúc tiến đầu tư, năm sau được đề bạt làm Trưởng phòng, năm sau nữa được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch huyện Thăng Bình, rồi chưa tròn một năm được cất nhắc làm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam và bốn tháng sau được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Nam… đã được dư luận bàn tán rôm rả cách nay gần ba năm (tháng 9 năm 2015) song lúc đó, Bộ Nội vụ của chính phủ khẳng định như đinh đóng cột rằng quá trình tuyển dụng – điều động – bổ nhiệm ông Bảo là “đúng qui trình”!

Tại sao đến bây giờ Ban Bí thư mới thấy chuyện ông Thanh sử dụng hệ thống công quyền ở Quảng Nam để tạo điều kiện cho con trai của ông “luồn sâu, leo cao” là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ”? Tại sao đến bây giờ Ban Bí thư mới thấy vi phạm của ông Thanh là “rất nghiêm trọng” và “ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng”? Tại sao đến bây giờ Ban Bí thư mới nghe được “dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên, nhân dân”?

Chưa hết, có một khả năng tệ hơn là Ban Bí thư đã nghe, đã thấy nhưng mất gần ba năm mới nghĩ ra là các vi phạm của ông Thanh “rất nghiêm trọng” thì dường như Ban Bí thư có vấn đề “rất nghiêm trọng” về… trí lực. Không chậm trí thì chẳng cần nhiều thời gian để quyết định cần hành xử thế nào đối với những vấn đề thuộc loại “rất nghiêm trọng”.

Ban Bí thư của BCH TƯ Đảng CSVN – nơi tập trung những nhân vật là tinh hoa của tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tại Việt Nam – mà như thế thì thật… đáng ngại!

***

Ông Thanh không phải là người đầu tiên bị tước bỏ chức vụ đã từng mang. Cho đến bây giờ, người ta vẫn chưa tìm thấy qui định nào của Đảng CSVN, cũng như qui phạm pháp luật nào của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt định việc tước bỏ các chức vụ đã từng mang là một hình thức chế tài những sai phạm “rất nghiêm trọng”.

Cá nhân đầu tiên bị xử lý bằng hình thức chế tài chưa từng có này là ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương. Cuối năm 2016, ông Hoàng bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương mà ông Hoàng đã thôi không còn giữ nữa. Đi theo con đường mà Ban Bí thư đã vạch ra, đầu năm 2017, Quốc hội “nhất trí” tước bỏ hàm Bộ trưởng của ông Hoàng lúc ông đã lãnh lương hưu.

Sau khi “mở hàng” với ông Hoàng, tháng 4 năm 2017, Ban Bí thư tước bỏ chức vụ Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên - Môi trường mà các ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến đã… từng mang từ năm 2011 đến 2016, chính phủ Việt Nam… mạnh dạn tước bỏ hàm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường của ông Lai, ông Tuyến từng mang từ 2011 đến 2015. Tương tự, ông Võ Kim Cự bị tước bỏ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Bí thư, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh mà ông ta đã mang từ 2005 đến 2015. Ngoài ra ông Cự còn bị tước bỏ chức vụ Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh mà ông từng mang từ 2005 đến 2010 và chức vụ Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh mà ông từng mang từ 2010 đến 2015!

Cuối năm 2017, Ban Bí thư soạn lại bổn cũ, tước bỏ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc từ 2010 đến 2015 của ông Phạm Văn Vọng khi ông Vọng đã giã từ quan trường để về “làm người tử tế”...

Nếu “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” như hiến pháp minh định thì tại sao không truy cứu trách nhiệm hình sự của những ông như: Lê Phước Thanh, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Thái Lai, Bùi Cách Tuyến, Võ Kim Cự,… khi đã thừa nhận các sai phạm của họ “rất nghiêm trọng” (Tuyển dụng – bổ nhiệm hàng loạt những người bất xứng khiến hệ thống công quyền hoạt động thiếu hiệu quả. Quyết định những đại dự án gây thua lỗ - thất thoát hàng chục ngàn tỉ. Sử dụng công quỹ, công thổ trái phép. Thiếu trách nhiễm dẫn tới việc Formosa gây ô nhiễm, hủy diệt môi trường ở vùng biển phía Bắc miền Trung, khiến cả trăm ngàn người điêu đứng, khốn cùng,…)?

Nếu “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” như hiến pháp minh định, chỉ lấy việc tước bỏ chức vụ, hàm mà một số cá nhân từng mang, hoặc “cảnh cáo”, “khiển trách” một số cựu Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN (Trần Lưu Hải - Phó Ban Tổ chức BCH TƯ Đảng CSVN, Huỳnh Minh Chắc - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang. Nguyễn Văn Thiện - cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Định), truy cứu trách nhiệm hình sự một cựu Ủy viên Bộ Chính trị (Đinh La Thăng – Bí thư Thành ủy TP.HCM)… để trấn an dân chúng rằng Đảng CSVN đang tự “chỉnh đốn”, chính phủ Việt Nam đang “hành động” thì nỗ lực đó có đủ sức trấn an nhân tâm?

***

Tuy Đảng CSVN cam kết “hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” nhưng cách hành xử trên thực tế cho thấy, tiêu chí “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật” – nền tảng của “công bằng, dân chủ, văn minh” – chỉ là thứ yếu. Về mặt nhận thức, “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” (Điều 4, Hiến pháp hiện hành) vẫn tự xem mình là giai tầng trên. Vì nhận thức như vậy, nên mới có lối xử lý các sai phạm “rất nghiêm trọng” bằng cách tước bỏ những chức vụ, hàm mà một cá nhân thuộc giai tầng này đã từng mang. Không có xứ sở nào hướng tới “công bằng, dân chủ, văn minh” lại xử lý các sai phạm “rất nghiêm trọng” theo kiểu như vậy cả. Kiểu xử phạt bằng cách tước bỏ chức vụ, hàm đã từng mang chỉ xảy ra dưới các vương triều thời phong kiến đối với giới quý tộc.

Về mặt nhận thức, vì “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” vẫn tự xem mình là giai tầng trên nên với họ, xử lý kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN dưới bất kỳ hình thức nào cũng đã là rất đáng để khoe như một nỗ lực tột bật.

Để giúp phân biệt một người đã thôi đảm nhiệm chức vụ nào đó với người đang tại nhiệm, người Việt gán chữ “cựu” trước chức vụ mà ai đó đã từng đảm nhiệm. Dường như nghĩ rằng dùng “cựu” không… sang, trong năm, bảy năm vừa qua, cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống truyền thông tại Việt Nam được hướng dẫn thay “cựu” bằng “nguyên” cho… trang trọng!

“Nguyên” thì dù đã thôi phục vụ nhưng vẫn còn vô số đặc quyền, đặc lợi. Nếu không có thay đổi vào giờ chót, các “nguyên” sẽ có một chỗ trong Nghĩa trang Yên Trung trị giá 1.400 tỉ ở huyện Thạch Thất, Hà Nội. Đó là lý do “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” xem việc tước bỏ những chức vụ, hàm mà một viên chức cao cấp đã từng mang là thỏa đáng.

Có một điểm cần nhấn mạnh là cứ theo lối hiểu, lối hành xử hiện nay của “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội” thì ông nào trong số các ông đã kể tên ở phần trên của bài viết này cũng có thể lên loại xe “một chỗ nằm, tám chỗ ngồi” trực chỉ Nghĩa trang Yên Trung. Dù bị tước bỏ chức vụ này, hàm kia, bị “khiển trách”, “cảnh cáo” nhưng họ vẫn còn là “nguyên” này, “nguyên” kia. Ông Thanh,ông Hoàng, ông Cự, ông Hải, ông Chắc, ông Thiện, kể cả ông Thăng vẫn còn là “nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN”. Ai dám bảo “nguyên Ủy viên BCH TƯ Đảng CSVN” không phải là cán bộ cao cấp?


“Công bằng, dân chủ, văn minh” đến thế là cùng! Tuy nhiên để thiên hạ khỏi lầm lẫn giữa khái niệm chung với “tiêu chí riêng của Việt Nam”, nhớ bỏ sáu chữ này trong… ngoặc kép!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét