Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Tại sao nền kinh tế Triều Tiên vẫn đang tăng trưởng?

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp




 
Bất chấp các lệnh trừng phạt, triều đại của Kim Jong Un vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình.

Triều Tiên đã trở nên ngày càng hung hăng trong năm vừa qua. Cái chết thảm khốc vào ngày 19/6 của Otto Warmbier, một sinh viên Mỹ bị Triều Tiên bắt giữ trong hơn một năm và sau đó rơi vào tình trạng hôn mê rồi tử vong, chỉ là sự khiêu khích mới nhất. Triều Tiên đã tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa cứ mỗi hai tuần kể từ đầu năm. Các lệnh trừng phạt của phương Tây và những lời hứa về hành động của Trung Quốc đã không thành công trong việc kiểm soát chương trình hạt nhân của họ. Ít được chú ý nhưng có lẽ đáng ngạc nhiên hơn cả là việc các biện pháp trừng phạt cũng không gây ra nhiều ảnh hưởng lên nền kinh tế Triều Tiên. Mặc dù việc đo lường nền kinh tế đất nước nghèo nàn này vẫn chỉ dựa trên các phỏng đoán, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng nền kinh tế này có thể đang tăng trưởng từ 1% đến 5% mỗi năm. Điều gì đã giúp nền kinh tế Triều Tiên bền bỉ như vậy?

Một phần nguyên nhân là bởi không phải mọi hình thức trừng phạt đều nhằm mục đích làm tê liệt nền kinh tế. Nhiều biện pháp nhằm vào những mục tiêu hẹp hơn. Đóng băng tài sản và cấm đi du lịch nhắm mục tiêu đến các cá nhân thân cận với chế độ; cấm bán vũ khí quân sự nhằm mục tiêu kiềm giữ lực lượng quân đội. Nhưng ngay cả những biện pháp bao quát hơn không phải lúc nào cũng hiệu quả. Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cố gắng ngăn cản việc Triều Tiên tiếp cận với ngoại tệ mạnh bằng cách hạn chế lượng than mà đất nước này có thể xuất khẩu, qua đó có khả năng tước đi hơn một phần tư tổng giá trị xuất khẩu của Triều Tiên. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu 99% sản lượng than được báo cáo của Triều Tiên, đã có một bước tiến xa hơn vào tháng Hai, tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Triều Tiên. Tuy nhiên, các tàu của Triều Tiên vẫn tiếp tục cập cảng tại các cảng than của Trung Quốc. Và Triều Tiên có thể kiếm ngoại tệ theo cách khác: sử dụng các cơ sở ở nước ngoài làm bình phong, chế độ này thực hiện buôn bán ma túy, vũ khí và hàng giả. Chính phủ của ông Kim cũng thu được hơn 1 tỷ USD một năm bằng cách buộc đưa người lao động ra nước ngoài.

Một khuôn khổ thực thi chế tài yếu kém đã hạn chế các nỗ lực để trấn áp thương mại bất hợp pháp. Và các lệnh trừng phạt vẫn còn có thể được mở rộng hơn. Các quốc gia hoặc cá nhân giúp Triều Tiên kinh doanh không phải chịu các biện pháp “trừng phạt thứ cấp”, điều có thể giúp cô lập đất nước này thêm nữa. Các biện pháp trừng phạt như vậy đã giúp thuyết phục Iran tìm kiếm một thỏa thuận về kế hoạch hạt nhân của nước này vào năm 2015. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Triều Tiên bị đưa vào danh sách đen vẫn tiếp tục có khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng quốc tế thông qua sự trợ giúp của các mạng lưới và các công ty bình phong tại Trung Quốc, Anthony Ruggiero, cựu viên chức Bộ Tài chính, người đã tư vấn cho Hoa Kỳ trong vòng đàm phán cuối cùng với Triều Tiên, cho biết. Các nỗ lực đang được thực hiện để bịt lỗ hổng này. Hồi tháng 6/2017, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đã nói với Quốc hội rằng chính quyền Mỹ đã tiến gần tới việc trừng phạt các nước không tuân thủ các biện pháp của LHQ.

Tuy nhiên, nền kinh tế Triều Tiên vẫn có thể có khả năng chịu được áp lực lớn hơn. Mặc dù về mặt chính thức vẫn là bất hợp pháp, nhưng các doanh nghiệp tư nhân đã phát triển sau khi các cải cách mà ông Kim khuyến khích đã tạo điều kiện cho các cá nhân tạo ra lợi nhuận. Ngoài định mức mà họ phải sản xuất cho nhà nước, những người nông dân và các nhà máy bây giờ có thể tự tìm kiếm khách hàng cho riêng mình. Hình ảnh vệ tinh cho thấy thị trường đang phát triển cả về quy mô và số lượng trên khắp các thành phố. Rüdiger Frank thuộc trường Đại học Vienna nói rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tăng nhanh, lưu ý rằng có sáu công ty taxi đang hoạt động tại Bình Nhưỡng. Miniso, một cửa hàng bán đồ gia dụng, đã trở thành chuỗi cửa hàng nước ngoài đầu tiên mở cửa tại Triều Tiên vào tháng Tư. Các cải cách hạn chế cũng cho phép chế độ bù đắp một phần thâm hụt đô la Mỹ: donju, tầng lớp thương nhân và doanh nhân mới của Triều Tiên, đã tự mua sự bảo vệ cho mình bằng cách “đóng góp” ngoại tệ mạnh cho chính phủ.

 Nguồn:Why the North Korean economy is growing”, The Economist, 27/06/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét