Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

TBT Trọng 'không chỉ muốn chống tham nhũng'

BBC



              Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng



Một chuyên gia thường theo dõi chính trị Việt Nam cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang dùng chiến dịch chống tham nhũng để "làm yếu đi các đối thủ chính trị và sắp xếp người cùng phe cánh trước Đại Hội Đảng kỳ sau". Tiến sĩ Zachary Abuza, giáo sư tại National War College, Washington, DC, Hoa Kỳ, nói với BBC rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng muốn lập lại kỷ luật trong Đảng Cộng sản, duy trì vai trò lãnh đạo của Đảng với Chính phủ.

"Câu hỏi mà mọi người đặt ra về các điều tra tham nhũng ở Việt Nam là chúng nhằm loại trừ tham ô hay là các tranh chấp chính trị trong hệ thống độc đảng," ông Abuza chia sẻ.

"Ban lãnh đạo đất nước quả thực lo ngại đảng có thể mất tính chính danh" vì tham nhũng tràn lan, giáo sư người Mỹ nói.

"Nhưng kiểu tham nhũng mà đa số người dân gặp hàng ngày - hối lộ, đóng tiền cho con đi học…- lại không phải là ưu tiên cho giới lãnh đạo."

Vì vậy, Tiến sĩ Zachary Abuza khẳng định ông xem các vụ điều tra nổi trội gần đây như việc "hạ bệ" ông Đinh La Thăng khỏi Bộ Chính trị, xử vụ án OceanBank và PetroVietnam… là "mang tính chất chính trị".

"Ông Nguyễn Phú Trọng đang dùng công cuộc chống tham nhũng để làm yếu đi các đối thủ chính trị và sắp xếp người cùng phe cánh trước Đại hội Đảng 13 lần sau."


Cặp 'Bảo thủ-Đổi mới' không còn phù hợp?

Giới quan sát chính trị nước ngoài đôi khi chia thành nhóm "Bảo thủ" và "Đổi mới" khi nói về chính trị Việt Nam.

Tiến sĩ Zachary Abuza thừa nhận ông cũng từng suy nghĩ như vậy.

"Nhưng khi vị Tổng Bí thư 'bảo thủ' vào thăm Tòa Bạch Ốc để ủng hộ TPP, ủng hộ thương mại, đầu tư, thì chúng ta cần nghĩ lại những nhãn hiệu đó."

Thay vào đó, Tiến sĩ Zachary Abuza nay cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đại diện cho quan điểm rằng Đảng Cộng sản cần khôi phục và khẳng định vai trò lãnh đạo trong các quyết định.

"Đại hội Đảng 12, về nhiều mặt, đã là trận chiến giữa những người cổ vũ sự phát triển do giới kỹ trị dẫn dắt, và những người lo ngại Đảng đang để mất quyền quyết định."

"Ông Nguyễn Phú Trọng và những người khác lo ngại Đảng mất ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế trở nên phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau."

Ông Abuza nói từ sau khi được bầu lại tại Đại hội 12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã "dùng chống tham nhũng làm cây gậy để nhấn mạnh kỷ luật đảng và đảm bảo Đảng giữ quyền quyết định".

'Dựa trên đồng thuận'

Hôm 21/9, viết trên báo Asia Times, cây bút David Hutt cũng cho rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang "chuẩn bị cho đại hội Đảng năm 2021, tại đó ông hầu như chắc chắn sẽ về hưu và sẽ bàn giao chức vụ của mình và những vị trí cấp cao khác cho những đồng minh được tin tưởng".

Bài báo này dẫn lời chuyên gia về Việt Nam Carlyle Thayer cho rằng kể từ sau Đại hội 12 năm 2016, ban lãnh đạo muốn xóa bỏ phong thái lãnh đạo "mang tính cá nhân" của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thay vào đó, họ muốn trở lại "kiểu lãnh đạo tập thể dựa trên đồng thuận".

Bài của David Hutt đoán rằng ba vị trí hàng đầu - tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước - vào năm 2021 sẽ rơi vào tay những đảng viên "ủng hộ chính trị đồng thuận và lảng tránh phong thái cá nhân được gắn với nhiệm kỳ và các đồng minh của Thủ tướng Dũng".

Nhưng bên cạnh vấn đề nội bộ đảng, cây bút David Hutt cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, như "gia tăng sức ép của công chúng về cải thiện quyền con người và thậm chí là kêu gọi dân chủ trong số những nhà hoạt động xã hội".
Image caption Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một chuyến thăm Malaysia hồi còn tại chức tháng 8/2015

Kinh tế đang trong "tình thế nhạy cảm, với các dự án cơ sở hạ tầng trọng yếu chậm trễ vì thiếu vốn nhà nước và những vấn đề ngày càng nghiêm trọng về sức khỏe của hệ thống ngân hàng vốn thiếu minh bạch".

Cũng có thêm đòi hỏi từ người dân muốn có "thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc" vì tranh chấp trên biển.

Vì thế, David Hutt bình phẩm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "không chỉ đang chiến đấu để duy trì ổn định trong Đảng Cộng sản, mà còn để bảo đảm sự tồn tại của Đảng như là cơ chế người cầm trịch của quốc gia (national guardian) tiếp tục sau năm thập niên cai trị độc đoán".

Các bài trên Tạp chí Cộng sản của đảng cầm quyền ở Việt Nam những tháng qua có vẻ xác nhận đánh giá của giới quan sát nước ngoài.

Đó là dùng bộ máy Đảng CS để giám sát, kỷ luật, kiểm tra "thường xuyên và đột xuất" với mọi cơ quan ban ngành.

Về tính cấp bách của công tác này, một bài trên Tạp chí Cộng sản (12/09/2017) nói rằng "nhiều nhiệm vụ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao đột xuất với yêu cầu ngày càng cao, phải hoàn thành trong thời gian ngắn, có tác động cả hệ thống chính trị".

Như thế, không cần phải chờ đến các hội nghị trung ương hay kỳ Đại hội Đảng CSVN tới mà ngay bây giờ, các cấp cao nhất của đảng này đang " kiểm tra, giám sát; chỉ đạo, theo dõi và tham mưu" một cách toàn diện bộ máy chính quyền ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét