Phương Thế Ngọc
(Theo Tuổi Trẻ)
Có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều người khi nghe được câu
nói đó sẽ thấy mình vừa buồn vừa tức giận. Không buồn không giận sao được khi
những người nắm trong tay quyền lực có thể thốt lên những lời cay đắng, thờ ơ,
vô tình đến thế! Nhưng rồi tôi thấy mình lo sợ hơn, thất vọng hơn khi khi ngồi
"đếm" lại và nhận ra rằng những câu nói "không bình thường"
như thế này xuất hiện ngày một nhiều. VN Pharma chỉ là một điển hình minh chứng
cho thói bao biện, dùng "lộng ngôn, xảo ngữ" để trốn tránh trách nhiệm.
Chắc nhiều người còn nhớ vài tháng trước một cán bộ quản lý
rừng trả lời báo chí rằng: "Chúng tôi có đi điều tra đâu" sau khi sự
việc rừng bị tàn phá được báo chí điều tra, phanh phui. Tôi xếp câu nói này vào
"cùng bảng lộng ngôn" với câu nói "Thuốc ung thư giả là bình thường".
Còn kiểu nói "Bộ trưởng không nói chứ không phải nói
không có" thì thuộc bảng "xảo ngữ", theo kiểu mà những quan chức
khi được hỏi về tài sản, về biệt thự thì họ nói rằng do mình "chạy xe
ôm", "nấu rượu", "làm chổi đót".
Liệt kê ra còn rất nhiều ví dụ tương tự, như kiểu giải trình
việc công an đánh nhà báo là "chiến sĩ gạt tay trúng má"; chỉnh đường
khỏi đi qua đất nhà quan thì bảo "đường cong mềm mại"; hay một ông
phó chủ tịch huyện nói "hai trâu đấu nhau không phải là chọi"…
Rõ ràng người dân nghe thì sao mà có thể xem là "bình
thường" cho được! Đằng sau những lời nói như thế là gì? Đó là cả một thái
độ, một hình dung, một sự vô tâm. Họ nói mà như chỉ để "cho có",
"cho xong" mà không hề nghĩ rằng những người dân khi nghe được sẽ rất
đau, buồn, phẫn nộ.
Rất nhiều những kiểu nói "nguội lạnh", lấp liếm
như thế đủ để thấy rằng những người quản lý đó chưa bao giờ lắng nghe người
dân, hay đặt mình vào vị thế người dân để biết họ muốn nghe những lời nói như
thế nào.
Người dân đã rất sợ những lời hứa hão huyền, nhưng họ còn sợ
hơn, đau hơn khi nghe được những "lộng ngôn, xảo ngữ" như thế.
Những câu nói đó tưởng lạ mà quen quá, dường như cứ sau một
câu chuyện bị phanh phui là xuất hiện những câu nói tương tự. Nó như một thói
quen của những người sai phạm nhưng không dám nhìn nhận vào trách nhiệm. Vì thế
lâu lâu người dân như tôi lại bắt gặp những câu nói đầy buồn đau ấy ở những
hình dạng khác nhau, nhiều cấp bậc khác nhau.
Nếu ngồi liệt kê ra những ví dụ như thế quả thực rất nhiều,
những câu nói ra mà người dân nghe thôi là thấy ức chế. Ức chế vì mình sao bị
xem thường quá, ức chế vì sao mà người nói ra luôn đánh tráo, đánh đố, cố tình
lảng tránh trách nhiệm.
Người ta thường bảo "lời nói gió bay", nhưng những
lời nói như trên có lẽ không bay đi đâu được, mà nó ghim chặt vào tim những người
nghe như tôi, khiến tôi thấy buồn, đau, phẫn nộ.
Một câu nói ra thật dễ dàng nhưng nó gieo vào đầu từng con
người nghe qua, khiến họ hoài nghi, thất vọng, rồi mất niềm tin ở những người
có có quyền quyết định đến cuộc sống của mình".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét