Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

Catalunya đòi độc lập, tiềm ẩn một tiền lệ nguy hiểm cho châu Âu

media 
Biểu tình ủng hộ trưng cầu dân ý về độc lập tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 22/09/2017REUTERS/Susana Vera
Gần đến ngày trưng cầu dân ý về nền độc lập của vùng Catalunya 01/10/2017, cuộc đọ sức giữa chính quyền trung ương Tây Ban Nha với phong trào đòi độc lập cho Catalunya càng thêm căng thẳng. Các nước châu Âu không muốn can thiệp vào chuyện nội bộ của Tây Ban Nha? nhưng vẫn theo dõi với cái nhìn đầy lo ngại cuộc khủng hoảng có thể tạo thành tiền lệ tai hại làm dấy lên cơn sốt ly khai.
Nếu như phong trào đòi trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalunya, một vùng có 7,5 triệu dân và đóng góp 21% thu nhập quốc gia, đang là một thách thức lớn cho thể chế dân chủ và Hiến Pháp Tây Ban Nha thì câu hỏi « sau Catalunya sẽ đến lượt nơi nào ? » chắc hẳn lúc này đang nảy ra trong đầu của nhiều lãnh đạo ở châu Âu, nơi không ít quốc gia luôn phải đối mặt với nguy cơ trào lưu ly khai bùng lên trở lại nếu có cơ hội.

Chính quyền Madrid, những ngày qua đang huy động tổng lực các công cụ pháp lý để ngăn chặn cuộc trưng cầu dân ý của Catalunya diễn ra. Cảnh sát Tây Ban Nha đã bắt giữ 14 lãnh đạo vùng đòi ly khai, hàng triệu phiếu bầu cử cũng đã bị thu giữ, tăng cường triển khai lực lượng an ninh từ trung ương về Barcelona. Thế nhưng, không khí sôi sục đòi trưng cầu dân ý về nền độc lập của Catalunya vẫn ngày một dâng cao trên các đường phố của vùng đất ly khai này.

Vấn đề Catalunya đã trở nên không chỉ nghiêm trọng với Tây Ban Nha mà còn cả với Liên Hiệp Châu Âu. Từ đầu cuộc khủng hoảng đến nay, cố gắng tránh đưa ra lập trường cũng như đặt vấn đề về nền độc lập của Catalunya, Bruxelles chỉ lặp lại quan điểm mà cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Romano Prodi vào năm 2004 đã nói rõ rằng một Nhà nước ra đời từ ly khai trong lòng Liên Âu hiển nhiên sẽ không được coi là một bộ phận của Liên Hiệp.

Pháp, vốn có không ít nỗi lo về phong trào ly khai ở một số vùng, như xứ Basque hay đảo Corse, tỏ ra thận trọng về cuộc khủng hoảng của nước láng giềng phương nam. Paris kêu gọi một cách chung chung « tôn trọng khuôn khổ thể chế Tây Ban Nha » hay hành động « theo đúng Hiến Pháp Tây Ban Nha ».

Ông Jérémy Dodeigne, giáo sư Khoa chính trị Đại học Namur, Bỉ nhận định : « Cuộc khủng hoảng (Catalunya) đã quá sâu và sẽ là quá nguy hiểm cho Liên Âu nếu can dự vào vì rõ ràng lúc này đây là hồ sơ quá nhạy cảm ». Trong quá khứ gần đây, ngoại trừ Madrid thì hầu hết các thủ đô trong Liên hiệp Châu Âu đã thừa nhận nền độc lập của Kosovo sau hơn một thập kỷ giằng co giữa nhiều quốc gia trong cuộc khủng hoảng Balkan.

Chuyên gia chính trị qua hệ quốc tế Rumani, ông Dan Dungaciu cho rằng « thừa nhận Catalunya (độc lập) sẽ tạo ra một tiền lệ kinh khủng cho Liên Hiệp Châu Âu », các phong trào ly khai có ở khắp nơi trong các nước thành viên Liên Âu sẽ thấy ở đó một tấm gương sử dụng công cụ dân chủ để đạt mục tiêu ly khai.

Không có gì ngạc nhiên, khi những người chủ trương đòi độc lập cho Catalunya đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo có tư tưởng ly khai ở không ít nơi trong châu Âu. Trong tuần qua, thủ tướng xứ Scotland Nicola Sturgeon đã lên tiếng kêu gọi tôn trọng « quyền tự quyết của nhân dân » Catalunya. Cho dù bà Sturgeon thừa nhận là chính đáng việc Tây Ban Nha chống lại Catalunya độc lập nhưng bà vẫn ủng hộ quyền được bày tỏ nguyện vọng một cách dân chủ của người dân xứ Catalunya. Chưa hết, đại diện của trào lưu dân tộc chủ nghĩa, một lãnh đạo của vùng Flamand tại Bỉ, ông Geert Bourgeois, mới đây cũng đánh tiếng ủng hộ những người ly khai Catalunya, đòi có « trung gian quốc tế » để giải quyết cuộc khủng hoảng cộng đồng hiện nay ở Tây Ban Nha.

Liên tục phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng từ cuộc nội chiến Ukraina, đến những nền dân chủ trệch hướng ở Ba lan hay Hungary rồi Brexit, châu Âu đang bị đặt trước một thách thức mới, đó là nguy cơ lây lan của trào lưu đòi độc lập đang diễn ra tại xứ Catalunya, ở Tây Ban Nha.

Ở đó đây trong Liên Âu, những mầm mống của phong trào ly khai xuất phát từ các hiềm khích cộng đồng do lịch sử để lại dù đã được giải quyết ổn thỏa hòa bình, đơn cử vài trường hợp như những người Flamand với cộng đồng Wallonie ở Bỉ, xứ Basque dính dáng tới cả Tây Ban Nha và Pháp, ở Anh Quốc thì có xứ Scotland, Bắc Ailen… có thể lại có đất để trỗi dậy nếu như Tây Ban Nha không giải quyết ổn thỏa cuộc khủng hoảng ở xứ Catalunya.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét