Tổng thống Philipppines Rodrigo
Duterte phát biểu trước các lãnh đạo Hồi giáo, nhân lễ Eid al-Fitr kết thúc mùa
chay. Ảnh tại Manila ngày 27/06/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Vào ngày này cách nay đúng một
năm, ông Rodrigo Duterte chính thức nhập chức tổng thống Philippines. Trong một
năm qua, ông đưa người dân Philippines vào hành trình « sóng gió » với các vụ
giết người trong cuộc chiến chống ma túy, chống khủng bố và chuyển hướng ngoại
giao. Thế nhưng, một năm sau, tuyệt đại đa số người dân Philippines vẫn tin tưởng
vào vị tổng thống 72 tuổi này.
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức cách
đây một năm, ông đã cảnh báo : « Hành trình sẽ đầy sóng gió. Nhưng hãy sánh bước
cùng tôi ! ».
Sóng gió bắt đầu với lời tuyên
chiến chống tệ nạn buôn bán ma túy. Theo thống kê chính thức, 3.171 tội phạm và
người nghiện ma túy đã bị cảnh sát triệt hạ. Ngoài ra, còn có 2.098 người bị
sát thủ nặc danh giết hại vì liên quan đến ma túy và khoảng 8.200 người bị giết
mà không rõ động cơ. Giới bảo vệ nhân quyền cảnh báo tổng thống Duterte đang phạm
phải tội ác chống nhân loại, đồng thời cáo buộc ông xúi giục cảnh sát tham
nhũng và các biệt đội tử thần ra tay giết người hàng loạt.
Cho đến nay, cuộc chiến bài trừ
ma túy vẫn là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Philippines. Thế nhưng, từ cuối
tháng Năm vừa qua, ông Duterte phải đối phó với một thách thức khác : Đó là khủng
bố, với việc các nhóm Hồi Giáo cực đoan vũ trang tuyên thệ trung thành với tổ
chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech, đánh chiếm nhiều khu vực ở thành phố Marawi,
phía nam đảo Mindanao.
Với cáo buộc quân thánh chiến muốn
lập đế chế Hồi Giáo « califat », tổng thống Duterte ban hành ngay thiết quân luật
trên khắp vùng Mindanao, nơi có đến 20 triệu người sinh sống. Dù tăng cường
oanh kích với sự hỗ trợ của chiến đấu cơ Mỹ và Úc, quân đội Philippines vẫn
chưa diệt trừ tận gốc ổ thánh chiến này, trong khi có đến 400 người thiệt mạng.
Về mặt đối ngoại, chính sách ngoại
giao nguyên trạng trong vài thập kỷ qua bị thay đổi hoàn toàn. Ông Duterte
không ngại tung những lời thóa mạ nhắm vào đồng minh Hoa Kỳ truyền thống, gọi tổng
thống Mỹ Barack Obama là « đồ chó đẻ ».
Tạm gác tranh chấp chủ quyền với
Trung Quốc tại Biển Đông, từng làm quan hệ song phương trở nên căng thẳng trong
nhiệm kỳ trước, tổng thống Philippines cố hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh. Sau
chuyến công du Trung Quốc năm 2016 của ông Duterte, Trung Quốc hứa đầu tư khoảng
24 tỉ đô la Mỹ vào Philippines, trong đó có 15 tỉ đô la dành cho đầu tư và 9 tỉ
đô la cho vay với lãi suất ưu ái.
Phe đối lập cảnh báo Manila vẫn
chưa nhìn thấy những đồng tiền đó và chưa chắc đã được hưởng trọn vì tình trạng
tham nhũng, thiếu minh bạch và các thỏa thuận song phương có nhiều điều khoản
bí mật có lợi cho Trung Quốc.
75% dân Philippines hài lòng về tổng thống
Thế nhưng, người dân Philippines
vẫn không ngừng ủng hộ tổng thống Duterte. Theo kết quả cuộc thăm dò vào tháng
03/2017, 75% người dân hài lòng về tổng thống, trong khi chỉ có 9% không ủng hộ.
Bỏ qua những tuyên bố bốc đồng và cục cằn của ông Duterte, người dân
Philippines cho ông là gương mặt phản hệ thống, một người có đầu óc thực tế, đồng
cảm và sẵn sàng hành động, với quy mô lớn, để làm thay đổi mọi việc.
Trả lời AFP, giáo sư Ricardo
Abad, thuộc đại học Ateneo tại Manila, nhận xét : « Dân chúng yêu mến người đàn
ông này ». Họ « có thể không đồng tình hoặc có thể vẫn lưỡng lự với chính sách
của ông, nhưng vì họ quý trọng ông, nên họ vẫn tin vào tổng thống ».
Một lý do khác giải thích sự ủng
hộ của người dân là « ông Duterte mở đầu một phong cách quản lý hoàn toàn mới
và người dân có thể nghĩ rằng họ cần mô hình này », theo giáo sư khoa học chính
trị Edmund Tayao, thuộc đại học Santo Tomas.
Dấu hiệu cuối cùng cho thấy sự nổi
tiếng của tổng thống Philippines là ông có đa số gần tuyệt đối ở Hạ Viện với
296 ghế, trong khi phe đối lập chỉ có 7 ghế.
Một trong số lãnh đạo thuộc phe đối
lập, Edcel Lagman, cũng phải khen ngợi « tổng thống Duterte duy trì được đoàn kết
quốc gia theo cách riêng khó hiểu của ông ». Thế nhưng, vẫn theo ông Lagman, những
lời hứa « thay đổi » này không được thể hiện qua việc làm. Và nếu còn tiếp tục
tình trạng này thì « đa số gần như tuyệt đối » của tổng thống có thể vỡ tan.
Thường thì trong thời gian đầu
nhiệm kỳ, đại diện các phe phái chính trị thường tập trung quanh vị tổng thống
nổi tiếng. Nhưng khi gió đổi chiều, họ sàng rời thuyền ra đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét