Trưởng Đặc khu Hành chính Hong
Kong, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (trái), bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau
khi bà tuyên thệ nhậm chức nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành phố này được trao trả
về cho Trung Quốc, Hong Kong, Trung Quốc, ngày 1 tháng 7, 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
hôm thứ Bảy đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Hong Kong khi ông chủ trì
buổi lễ tuyên thệ nhậm chức cho tân lãnh đạo của đặc khu hành chính này, nói với
cư dân rằng Bắc Kinh sẽ không dung thứ những nỗ lực thách thức thẩm quyền của họ.
Lời cảnh báo được đưa ra ngay cả khi ông Tập cố gắng sử dụng giọng điệu mềm mỏng
hơn trong bài diễn văn tại sự kiện đánh dấu 20 năm ngày cựu thuộc địa của Anh
này được trao trả lại cho Trung Quốc.
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây
nguy hại cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc, thách thức quyền lực của
chính quyền trung ương ... hoặc sử dụng Hong Kong để thực hiện các hoạt động
thâm nhập và phá hoại đại lục là một hành động vượt qua lằn ranh đỏ và hoàn
toàn không thể được cho phép," ông Tập nói.
Ông không nói những hành động nào
có thể cấu thành một thách thức đối với thẩm quyền của Bắc Kinh, nhưng trong những
năm gần đây có nỗi tức giận đang gia tăng đối với điều mà nhiều người xem là
Trung Quốc trì hoãn những lời hứa cho phép nhà lãnh đạo của họ được bầu cử trực
tiếp. Điều này đã dẫn tới những lời kêu gọi dân chủ và thậm chí độc lập.
Trong bài phát biểu của mình, ông
Tập nói rằng ông trông cậy vào chính quyền mới ở Hong Kong hàn gắn sự chia rẽ
trong xã hội, tạo ra những cơ hội mới và giải quyết các vấn đề kinh tế và sinh
kế.
Ông thừa nhận rằng việc thực hiện
mô hình "một quốc gia, hai chế độ" đang đối mặt với những thách thức
và Hong Kong vẫn chưa tạo dựng được sự đồng thuận về điều mà ông gọi là "một
số vấn đề chính trị và pháp lý quan trọng."
Ngăn chặn sự đồng thuận
Đối với những người tập hợp trên
đường phố hôm thứ Bảy, không phải Hong Kong thiếu sự đồng thuận mà là Bắc Kinh
đang ngăn chặn điều đó xảy ra.
Trong số những người có mặt trong
cuộc tập hợp là một học sinh trung học tên Hong. Tuần hành với những người
khác, trẻ có già có, và cầm một biểu ngữ to màu đen viết "Tôi muốn tuyển cử
phổ thông thật sự," cô nói ông Tập Cận Bình biết người dân Hong Kong muốn
gì, nhưng ông giả vờ không hiểu.
"Người dân Hong Kong muốn tự
do, chúng tôi muốn một quốc gia, hai chế độ [thật sự], nhưng ông ấy đã không giữ
lời hứa," cô nói.
Tại cuộc tập hợp, người biểu tình
đưa ra nhiều đòi hỏi, từ bầu cử trực tiếp cho tới quyền của người tàn tật và
người nhập cư nước ngoài. Rất nhiều người mang hình ảnh hoặc đeo sticker kêu gọi
phóng thích vô điều kiện người đoạt giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba.
Người biểu tình tuần hành trên đường
phố Hong Kong, ngày 1 tháng 7, 2017.
Đầu tuần này, tin cho hay ông
Lưu, người đang chịu bản án 11 năm tù vì bày tỏ quan điểm của ông về dân chủ và
cải cách chính trị, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được
thả ra trước thời hạn vì lý do y tế nhưng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.
Theo mô hình "một quốc gia,
hai chế độ" vốn đóng vai trò then chốt trong việc đàm phán trao trả Hong
Kong, thành phố này được bảo đảm sẽ tiếp tục được hưởng các quyền tự do báo
chí, ngôn luận cũng như pháp trị. Những chuẩn mực mà Trung Quốc vẫn còn thua
kém.
Chia rẽ gia tăng
Nhưng một số người đã trở nên tức
giận với điều mà họ xem là sự can thiệp ngày càng nhiều của Bắc Kinh trong các
vấn đề nội bộ của Hong Kong. Dòng vốn và nhân công từ đại lục ồ ạt đổ vào thành
phố cảng này đã tác động đến xã hội từ công ăn việc làm và cơ hội cho tới giá
nhà tăng vọt.
Kể từ khi Hong Kong được trao trả
lại cho Trung Quốc vào năm 1997, nền kinh tế của thành phố cảng đã chứng kiến
tăng trưởng hết sức to lớn, nhưng không phải ai cũng hưởng lợi từ sự bùng nổ
này. Hong Kong là một trong những nơi có cách biệt giàu nghèo lớn nhất thế giới.
Nhà lãnh đạo mới của Hong Kong,
Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã được Bắc Kinh chấp thuận từ trước, được giao nhiệm
vụ hàn gắn chia rẽ và ngờ vực giữa công chúng và chính phủ, cả ở Trung Quốc lẫn
ở nhà. Trong bài phát biểu sau buổi lễ tuyên thệ, bà Lâm nói về việc đẩy mạnh
giáo dục, dù bà nhấn mạnh những thành tích mà Hong Kong đã đạt được.
Bà Lâm nói rằng các kế hoạch đang
được xúc tiến để ưu tiên gần 700 triệu đôla một năm ngân quỹ bổ sung cho giáo dục.
Bà cũng nói Hong Kong sẽ thúc đẩy phát triển công nghệ canh tân và các ngành
công nghiệp sáng tạo, điều mà nhiều người VOA nói chuyện trong tuần này đều nói
rằng đang hết sức cần.
Giáo dục về Trung Quốc
Bài diễn văn của ông Tập cũng đề
cập đến điều mà ông nói là nhu cầu tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức của
công chúng về lịch sử và văn hoá quốc gia Trung Quốc. Ông cũng nói về nhu cầu
giáo dục yêu nước cho những người trẻ tuổi Hong Kong.
Trong số những người mà VOA nói
chuyện tại cuộc tập hợp, tất cả họ đều rất hoài nghi về những nỗ lực dạy lịch sử
Trung Quốc cho người dân Hong Kong. Một số người cũng băn khoăn làm thế nào mà
Trung Quốc có thể gợi ý rằng Hong Kong học thêm về lịch sử, vì nhiều chủ đề vẫn
còn là điều cấm bàn luận ở đại lục.
Một người cha, tham gia cuộc tụ tập
với vợ và đang đẩy xe em bé, nói rằng những lời kêu gọi về giáo dục của Trung
Quốc là mối lo ngại lớn, đặc biệt khi con của anh sắp sửa vào trường tiểu học.
"Chính phủ Trung Quốc đang cố
gắng kiểm soát các phương pháp giáo dục. Họ muốn thay đổi tiếng của chúng tôi.
Họ muốn chúng tôi nói tiếng Quan Thoại hơn, nhưng chúng tôi sinh ra ở đây và
nói tiếng Quảng Đông, và chúng tôi rất khó chịu về chuyện này," anh nói.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét