Cảnh khai thác đá từ những ngọn
núi trong vùng đệm của vịnh Hạ Long không chỉ làm trơ ra sự xơ xác của những ngọn
núi bị bạt đi, mà còn làm trơ ra thứ não trạng xơ xác bởi hám lợi “tận thu” của
con người.
Thiên nhiên đã mất bao nhiêu năm
để có thể tạo dựng và ban tặng cho con người những cảnh quan tuyệt mỹ như Hạ
Long? Và nếu để khai thác Hạ Long như một mỏ đá, thì chúng ta, người Việt chúng
ta, cần bao nhiêu thời gian để nổ, để phá, để đào, để xúc, tất tần tật, những tảng
đá, viên đá, cục đá tầm thường được phanh xẻ ra từ Hạ Long vô giá?
Có lẽ sự ấu trĩ cộng với toan
tính kinh tế đã khiến những cá nhân, tập thể khai thác đá nghĩ đơn giản rằng họ
đang chỉ khai thác đá ở những ngọn núi trong vùng đệm của vịnh Hạ Long. Vùng đệm
thôi mà, có phải là vịnh Hạ Long đâu mà lo. Những ngọn núi trên vịnh Hạ Long có
thể vẫn vô sự, nhưng rồi cái vùng vịnh tuyệt mỹ ấy bỗng dưng sẽ trở nên vô
duyên cùng cực bên cạnh những bờ biển trọc lóc và nham nhở những công trường
khai thác đá.
Ừ thì lo chi chuyện một sớm mai
nào đó, chúng ta sẽ thức dậy cùng với thông báo đau xót, rằng vịnh Hạ Long
không còn có tên trong danh sách di sản thiên nhiên thế giới nữa. Rằng chúng ta
đã không bảo tồn được di sản Hạ Long. Thế là Hạ Long chẳng còn là giấc mơ du lịch
của bao nhiêu du khách. Sẽ có bao nhiêu hệ lụy? Và cần bán đi bao nhiêu khối đá
tầm thường, bao nhiêu ngôi nhà mới xây để chuộc lại cái sai lầm của ngày hôm
nay?
Chúng ta đã cần thiết phải có tòa
án di sản chưa? Để mà việc thực thi luật Di sản văn hóa không chỉ là một ý niệm,
mà là một hành động có hiệu lực. Để mà không thể có bất cứ ai, có thể ngang
nhiên phá núi ở Hạ Long hay bất kỳ nơi nào quanh các di sản rồi thản nhiên
tuyên bố sẽ ngưng khai thác. Để mà không thể có bất cứ ai, giống như nhà chức
trách địa phương, thản nhiên xác nhận có việc khai thác đá tại khu vực này như
thể mình vô can.
(Theo báo Thanh Niên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét