Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “Vladimir
Putin’s Soviet Dream,” Project Syndicate, 02/09/2015.
Thỏa thuận hạt nhân gần đây được
ký kết bởi sáu cường quốc thế giới và Iran là một thắng lợi của chủ nghĩa đa
phương. Nếu các cường quốc kể trên – năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo
an Liên Hợp Quốc và Đức – thể hiện một ý chí chung, cùng làm việc để giải quyết
các tranh chấp khác thì thế giới sẽ bước vào một kỷ nguyên mới của sự hợp tác
và ổn định.
Thật không may là một kịch bản
như vậy dường như là quá xa vời. Từ các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông
cho tới việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tiếp tục tiến vào Trung Đông, cạnh tranh và
xung đột đang đe dọa các trật tự khu vực đã tồn tại từ lâu. Nhưng có lẽ cuộc
xung đột nghiêm trọng nhất – cuộc xung đột mà giải pháp cho nó có ý nghĩa đối với
tất cả các nước còn lại – là ở Ukraine, một đất nước đang trở thành trọng tâm
trong các tham vọng bành trướng của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc Nga đơn phương sáp nhập
Crimea và ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine đã cắt đứt mối quan hệ của
nước này với phương Tây, và Putin đã cố tình tái tạo một bầu không khí Chiến
tranh Lạnh bằng cách giương cao “các giá trị bảo thủ” của Nga như một đối trọng
về ý thức hệ với trật tự thế giới tự do do Mỹ dẫn đầu. Tuy nhiên, những vấn đề
then chốt – cuộc thảm sát ở Syria, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo, không phổ
biến vũ khí hạt nhân, các lợi ích xung đột và yêu sách chủ quyền chồng lấn ở Bắc
Cực – sẽ không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của Nga.
Đó là lý do tại sao một vài nỗ lực
nhằm xoa dịu Nga là không thể tránh khỏi dù điều đó có thể là rất khó đối với
các cường quốc phương Tây. Mỹ nên bớt coi thường những nhận thức của Nga trong
vai trò là một cường quốc quan trọng và một nền văn minh lớn, và những lợi ích
an ninh chính đáng của Nga liên quan đến biên giới của nó với các nước thành
viên NATO phải được giải quyết, nhất là giữ Ukraine ở ngoài một liên minh quân sự
đối đầu. Bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ quốc tế, việc Quốc hội Ukraine chấp
thuận quyền tự chủ của các vùng ly khai thân Nga – một giải pháp được Putin đề
xuất từ đầu – là nhượng bộ cần thiết để
khôi phục hòa bình.
Tuy nhiên, sau cùng thì Nga phải
thay đổi đường hướng của chính mình. Sự hoài niệm định hướng tuyên truyền về vị
thế “siêu cường” của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh đang làm mờ đi những bài học
của thời gian đó. Liên Xô là một đế chế không bền vững; nếu đã không thể tồn tại
trong thời điểm mà sự cô lập và lưỡng cực là trật tự của lúc bấy giờ, thì chắc
chắn nó sẽ không thể được tái lập trong hệ thống toàn cầu đa cực tương liên như
hiện nay.
Giờ đây Nga không đủ điều kiện để
đối đầu với phương Tây: Nền kinh tế của nước này đang tàn lụi và thiếu những
liên minh vững chắc đủ khả năng chống lại sức mạnh của Mỹ. Putin đang hy vọng rằng
Nga và các đối tác BRICS của mình (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) sẽ trở
thành “các nhà lãnh đạo tương lai của thế giới và của nền kinh tế toàn cầu,”
như ông từng phát biểu hồi tháng 7 trong các phiên bế mạc cuộc họp thượng đỉnh
của nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Nhưng sự thật rõ ràng là cả BRICS
và SCO đều không phải là một khối gắn kết có khả năng bảo vệ Nga khỏi những hậu
quả của các hành động của nó ở Ukraine. Sự khác biệt về các giá trị và lợi ích
chiến lược trong nội bộ các nhóm này không hề ít gay gắt hơn những bất đồng mà
từng thành viên của chúng đang có với phương Tây.
Quan hệ song phương của Nga với
Trung Quốc cũng không khác. Đó là mối quan hệ được thiết lập chủ yếu dựa trên sự
phụ thuộc của Trung Quốc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, sự hỗ trợ lẫn
nhau nhằm tạo nên “vùng ảnh hưởng” trong vai trò là nền tảng về mặt khái niệm
cho một trật tự thế giới mới, và các cuộc diễn tập hải quân chung tại Biển Đen.
Nhưng cả hai nước cũng có những lợi
ích xung đột ở Trung Á, nơi Trung Quốc đang theo đuổi các khoản đầu tư lớn để mở
rộng ảnh hưởng của mình tại các nước mà Nga coi là vùng “cận hải ngoại” (tức là
các nước cộng hòa mới hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô – NHĐ). Khi Putin
nghi ngờ về sự độc lập của Kazakhstan vào năm ngoái, Trung Quốc đã nhanh chóng ủng
hộ chủ quyền của quốc gia này. Khả năng Trung Quốc xâm lấn những vùng biên giới
Viễn Đông không dân cư của Nga – nơi mà theo quan điểm của Trung Quốc là đã bị
đánh cắp giống như Hồng Kông và Đài Loan trong giai đoạn “bách niên quốc sỉ” –
là một mối lo ngại khác của Điện Kremlin.
Quan trọng hơn, nền kinh tế của
Trung Quốc phụ thuộc vào sự tiếp cận liên tục với các thị trường phương Tây và
đặc biệt là Mỹ. Khi nền kinh tế phát triển chậm lại đang tạo cho Trung Quốc một
tình trạng bấp bênh lớn hơn thì nước này không thể gây căng thẳng với Mỹ về bất
cứ vấn đề nào không liên quan trực tiếp đến lợi ích của nó, ví dụ như những
tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Bất chấp những liên minh yếu ớt của
Nga, Putin dường như không hề nao núng. Ngoài những bài nói chuyện đầy khoe
khoang về kho vũ khí hạt nhân của Nga, chính phủ Putin gần đây đã công bố một học
thuyết hải quân mới – một sự tương đồng đáng báo động với những thách thức hải
quân của Đức đối với Anh trước Thế chiến I. Nếu hòa hoãn ngoại giao không được
dàn xếp, Putin có thể sẽ tiếp tục con đường này và đẩy đất nước của ông đến gần
cuộc đụng độ toàn diện với NATO hơn bao giờ hết.
Ngay cả khi không có cuộc đụng độ
nào như vậy xảy ra thì những nỗ lực của Putin nhằm khôi phục lại ảnh hưởng của
Nga trên lục địa Á-Âu (bằng mọi phương tiện cần thiết, nếu như những hành động
của Nga tại Ukraine là một dấu hiệu cho điều đó) sẽ gây ra nhiều tổn thất.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi Kazakhstan và Belarus, tương tự như Ukraine, đều
cảnh giác trước chủ nghĩa bành trướng của Nga.
Putin đã bác bỏ khái niệm của cựu
Tổng thống Medvedev về một “quan hệ đối tác để hiện đại hóa” với phương Tây.
Nhưng một liên minh thuế quan Á-Âu giữa các nước hậu Xô viết và các quốc gia
khác không phải là con đường hiện đại hóa cho nước Nga; những nỗ lực biến nền
công nghiệp quốc phòng thành động cơ thúc đẩy công nghiệp hóa cũng vậy. Tóm lại,
đó là mô hình Xô viết đã thất bại một lần và sẽ thất bại lần nữa.
Nếu Putin nghiêm túc về việc đa dạng
hóa và củng cố nền kinh tế dựa trên hàng hóa cơ bản của Nga, qua đó nâng cao đời
sống nhân dân, ông phải thu hút các công nghệ tiên tiến và đầu tư nước ngoài, đặc
biệt là từ phương Tây. Để đạt được điều đó, Putin phải theo đuổi những cải cách
dân chủ, chấn hưng các thể chế, và tái lập quan hệ ngoại giao với phương Tây.
Nga không còn vị thế để tạo nên một
hệ thống quốc tế khác; nhưng nếu Putin tiếp tục theo đuổi một chính sách đối
ngoại lỗi thời và thù địch thì nó có thể làm suy yếu trật tự thế giới hiện tại.
Khi thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức gây bất ổn thì điều này sẽ
không có lợi cho bất kỳ ai.
Phương Tây nên tìm cách xoa dịu
Nga trong những vấn đề cốt lõi mang tính chiến lược như sự mở rộng của NATO.
Nhưng điều đó sẽ không giúp Putin vượt qua được nguồn gốc của sự yếu kém của
Nga, vốn nằm ở việc ông không có khả năng hoặc không sẵn sàng nhìn nhận sự thất
bại của Liên Xô như nó vốn có.
*
Shlomo Ben-Ami, nguyên Ngoại trưởng
Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế vì Hòa bình Toledo. Ông là tác giả của
cuốn sách Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy (Vết sẹo chiến
tranh, vết thương hòa bình: Bi kịch Israel-Ả Rập).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét