Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump
và gia đình trước tượng đài Lincoln tại Washington ngày 19/01/2017. REUTERS/Jonathan Ernst
Không tiền đừng hòng đến gần bất
kỳ một thành viên nào trong gia đình Donald Trump. L'Obs không khoan nhượng :
Ba đời vợ, năm người con, gia đình là điểm tựa của ứng cử viên tổng thống Mỹ,
nay có nguy cơ trở thành nhược điểm của tổng thống Hoa Kỳ.
Gia tộc này có vẻ đoàn kết bề
ngoài nhưng sau lớp véc-ni bóng bẩy là đầy rẫy những thủ đoạn, những quyền lợi
riêng tư và tham vọng của mỗi thành viên.
"Những mảng tối trong gia
đình Trump", tựa lớn trên bìa tạp chí L'Obs bên cạnh lá cờ Mỹ và hình ảnh
toàn thể đại gia đình Donald Trump chụp dưới chân tượng đài Lincoln trước ngày
ông nhậm chức hôm 20/01/2017.
Tác giả bài báo tiết lộ, Trump ngự
trị trên cái đại gia đình đó như Vito Corleone, trong phim Bố Già. "Donald
Trump không có bạn tựa như nhân vật chính của Cosa Nostra. Ông chỉ có những
liên hệ máu mủ, cộng tác viên, tay sai và kẻ thù".
Trong "tổ chức" đó, tất
cả đều hướng về ông mặt trời Donald Trump. Tựa như trong bộ phim Bố Già, với
gia đình Trump, sự trung thành được đặt lên trên hết tất cả. Ngặt nỗi, sự trung
thành luôn kèm theo những tính toán tinh vi.
Donald Jr và Eric, hai cậu con
trai lớn của tổng thống Hoa Kỳ đang trông coi cơ nghiệp cho cha, trong thời
gian ông bận công việc ở Nhà Trắng. Nhưng không ai ngây thơ tin rằng tổng thống
thứ 45 của nước Mỹ thực sự ngưng theo dõi các hoạt động của tổ chức Trump
Organization.
Trưởng nữ của lãnh đạo Hoa Kỳ, cô
Ivanka xinh đẹp lo bảo vệ tính trường tồn của thương hiệu mang tên Trump. Chồng
Ivanka là Jared mải che chắn cho đế chế của dòng tộc Kushner. Con rể của Donald
Trump- Jared Kushner, cũng thuộc dòng "cá mập" không kém.
Còn người đẹp thầm lặng và băng
giá, đệ nhất phu nhân Melania, bà toan tính những gì ? L'Obs khẳng định : Cựu
người mẫu xứ Slovenia này đang "chờ thời cơ để hốt bạc".
Trump, một ông nhà giàu keo kiệt
Trong đại gia đình đó, tiền bạc
là keo sơn gắn kết mỗi thành viên lại với nhau. Phải chăng vì thế mà ông trùm
Donald không đặt ra bất kỳ một giới hạn nào cho các vụ làm ăn ?
L'Obs trích lại một số đoạn trong
cuốn sách mới ra mắt độc giả Pháp mang tựa đề "Les Dossiers Noirs de
Donald Trump"- NXB Nouveau Monde Eds, cho thấy để có được chiếc ngai vàng
trên tòa tháp ở 5th Avenue- New York, Donald giao du với đủ mọi hạng người, miễn
là họ có tiền. Trong số đó phải kể tới Felix Sater, một tay trùm tội phạm có
dính líu tới băng đảng mafia Nga.
Trước khi bước vào Nhà Trắng,
Donald Trump từng vi phạm luật cấm vận Mỹ nhắm vào Cuba, từng liên hệ trực tiếp
với nhiều ngân hàng Iran, trong đó có một cơ quan từng tài trợ cho các nhóm khủng
bố.
Theo L'Obs : "Không kể xiết
những lợi ích chồng chéo, những đòn gian manh, luồn lách luật của gia đình
Trump, ngay cả khi ông này đã trở thành chủ nhân Nhà Trắng".
Nhưng thú vị hơn cả là tiết lộ bản
thân Donald Trump tuy giàu có đến thế nhưng lại khá keo kiệt.
Theo điều tra của phóng viên báo
Mỹ Washington Post, David Farhenthold – giải Pulitzer báo chí 2017, tổng thống
Mỹ tới nay nổi tiếng là người thường hay đến dự các buổi gala gây quỹ từ thiện
nhưng lại chẳng mấy khi chịu chi ra đến một xu. Hai cậu con trai của ông là
Donald Jr và Eric cũng có được cái đức tính đó như cha. Cả hai cùng kinh doanh
rất tốt cái tên "Trump" để kiếm tiền.
Trang bìa tuần báo kinh tế Anh,
The Economist cũng dành để nói về Donald Trump với hàng tựa : "Nước Mỹ của
Trump, phóng sự về một đất nước bị chia rẽ". Loạt bài được tung ra vài
ngày trước lễ Quốc Khánh, mồng 4 tháng 7. Độc giả trông thấy một Donald Trump
tươi cười, mở rộng vòng tay, sau lưng là lá cờ Mỹ với những vết rạn nứt.
Canada, 150 năm lập quốc - Hồng Kông, 20 năm được trao lại Bắc Kinh
Mồng 1 tháng 7 là ngày trọng đại
với Canada và Hồng Kông. Tại Châu Mỹ, Canada tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 150
năm lập quốc. Courrier International dành hồ sơ đặc biệt nhìn lại một vài cột mốc
quan trọng đối với vùng đất rộng lớn này từ 15.000 năm trước tới ngày nay. Lần
lượt là thuộc địa của Pháp, Anh trước khi trở thành một quốc gia độc lập -
nhưng nguyên thủ quốc gia vẫn là nữ hoàng Anh, Elizabeth đệ Nhị.
Nét đa dạng về văn hóa, sự phong
phú trong ngôn ngữ, nếp sống gần gũi với thiên nhiên là những gì làm nên
"tên tuổi" của Canada, biến quốc gia với khí hậu khắc nghiệt này
thành một điểm đến lý tưởng.
Cách Candada ngàn trùng,
01/07/2017 là ngày kỷ niệm 20 năm Anh Quốc trao trả Hồng Kông lại cho Trung Quốc.
The Economist trở lại với mô hình
"một đất nước hai chế độ" từng được Bắc Kinh và Luân Đôn cam kết xưa
kia và nêu lên câu hỏi : Tập Cận Bình có thể học hỏi được gì ở Hồng Kông ? Sau
đợt nổi dậy hồi năm 2014 của phong trào đòi dân chủ, Bắc Kinh -hay nói đúng hơn
là ông Tập Cận Bình- nên nghĩ kỹ lại : Chính vì giới trẻ Hồng Kông cảm thấy họ
không được có tiếng nói, không được chọn lựa người lãnh đạo, không được tham
gia vào các hoạt động chính trị tại đặc khu hành chính này nên mới nảy sinh
phong trào bất phục tùng dân sự. Có lẽ Trung Quốc nên xem Hồng Kông là thí điểm
để tiến hành cải tổ hơn là làm thui chột mầm sống đó.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên : Tập Cận Bình "câu giờ"
"Trung Quốc không có phép lạ
để giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên". Courrier International trích
lại bài báo của một chuyên gia về lịch sử Triều Tiên, giáo sư Andrei Lankov,
trên tờ Washington Post số ra ngày 15/06/2017, trong đó tác giả khẳng định :
Nhiều lý do cho thấy Donald Trump nhầm to khi trông chờ vào ông Tập Cận Bình để
thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Thứ nhất, với Bắc Kinh,
"chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên không nguy hiểm bằng viễn cảnh
chế độ Bình Nhưỡng tan rã, dẫn tới nguy cơ một cuộc nội chiến (…) hay nghiêm trọng
hơn nữa là kịch bản hai miền Nam Bắc thống nhất và trung tâm quyền lực chuyển về
Seoul. Trung Quốc không muốn trông thấy một nước Triều Tiên thống nhất, dân chủ,
theo chủ nghĩa dân tộc và có nhiều khả năng vẫn là một đồng minh của Hoa Kỳ ở
ngay sát cạnh".
Thứ hai, các chuyên gia Trung Quốc
thừa biết Bắc Triều Tiên xem vũ khí nguyên tử là lá bùa hộ mạng, cho nên có trừng
phạt chế độ Kim Jong Un cũng bằng thừa.
Do vậy theo giáo sư Lankov, đại học
Kookmin ở Seoul : Bắc Kinh chơi trò câu giờ. Chỉ trừng phạt kinh tế Bình Nhưỡng
cho có lệ, đồng thời tuyên bố nghiên cứu khả năng hợp tác với Mỹ để gia tăng
các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên. Chỉ thiện chí đó cũng đủ để ông Tập Cận
Bình mặc cả với chính quyền Trump một số việc. Với Trung Quốc viễn cảnh chiến
tranh thương mại với Hoa Kỳ không đáng ngại bằng nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột
thực sự ngay sát biên giới.
Ả Rập Xê Út –Iran: Mầm mống chiến tranh ?
Về khủng hoảng ngoại giao đang
khuấy động vùng Vịnh, hồ sơ chính trên tạp chí Le Point dành để nói về
"trò chơi nguy hiểm" giữa Iran và Ả Rập Xê Út, có nguy cơ đẩy toàn thế
giới vào một cuộc xung đột vũ trang. Qatar bị kẹt giữa hai làn đạn : một bên là
ông khổng lồ Ả Rập Xê Út- theo hệ phái Sunni và bên kia là Iran, con chim đầu
đàn của các nước Hồi giáo theo hệ phái Shia.
Trên bình diện quân sự, Iran đang
ghi được những bàn thắng quan trọng tại Yemen và nhất là Syria. Ả Rập Xê Út bằng
mọi cách phải "ngăn cản Iran thoát khỏi thế cô lập". Theo quan điểm của
giáo sư Henry Laurens, Học Viện Collège de France –Paris, những gì đang diễn ra
tại Trung Đông không chỉ là một vụ "cãi vã ở cấp khu vực" mà đây thực
thụ là một "xung đột lớn, đe dọa an ninh và kinh tế toàn cầu".
Iran có nhiều quân, cho dù trang
thiết bị quân sự không được hiện đại lắm. Teheran đã chấp nhận ngừng các chương
trình hạt nhân một khi sắp hoàn thành mục tiêu chế tạo bom nguyên tử. Vấn đề đặt
ra là, theo quan điểm của giáo sư Laurens, Học Viện Collège de France, một số
tướng lãnh ở Teheran đã không đủ khôn ngoan để che giấu tiềm lực quân sự đó.
Hành động này chọc giận Riyad.
Về phía Ả Rập Xê Út, Riyad có
trang thiết bị quân sự tối tân nhất để thừa sức "sang bằng Yemen"
trong một sớm một chiều. Dù vậy Ả Rập Xê Út vẫn thận trọng và không dùng hết sức
mạnh quân sự để giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến Yemen hay để dẹp tan phe nổi
dậy Houthis được Iran yểm trợ.
Giáo sư Laurens tiếc là, trong
lúc Trung Đông là lò thuốc súng, thì Hoa Kỳ quên mất vai trò, ảnh hưởng và
trách nhiệm của mình ở khu vực này. Tổng thống Donald Trump "đổ thêm dầu
vào lửa trong một trò chơi đầy nguy hiểm".
Hào quang của Emmanuel Macron
Về thời sự nước Pháp, dư âm của
cuộc bầu cử Quốc Hội với đa số tuyệt đối về tay đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng
thống Macron vẫn là đề tài được các tuần san trở lại trong rất nhiều trang báo.
L'Obs chơi chữ "Đảng Xã Hội
: đến lúc tính sổ". Tính sổ ở đây hiểu theo nghĩa sau khi thua đậm trong cả
hai cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội, nội bộ đảng này xâu xé lẫn nhau. Nhưng
đảng Xã Hội cũng phải tính sổ khi két tiền đã cạn kiệt.
Với vỏn vẹn 30 dân biểu, đảng này
mất đứt 18 triệu euro tiền trợ cấp của chính phủ để hoạt động. Đó là chưa kể, mỗi
đại biểu Quốc Hội hàng tháng đóng góp cho đảng 500 euro trong suốt nhiệm kỳ 5
năm.
Mất 250 ghế ở Hạ Viện, 7 triệu rưỡi
trong két của đảng không cánh mà bay. Đó là chưa kể số các đảng viên tan như
tuyết dưới ánh nắng mặt trời. Tình trạng tài chính của đảng này thảm hại đến nỗi,
đảng Xã Hội đang phải tính đến chuyện bán bớt cơ sở, cầm cố cho ngân hàng cả trụ
sở của đảng ở quận 7 Paris, một khu rất sang trọng nằm trong "tam giác
vàng" của thủ đô.
Trong khi đó, không chỉ với dư luận
trong nước mà cả ở cấp quốc tế, tên tuổi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron
đang lên như diều gặp gió.
Báo chí Đức được Courrier
International trích dẫn cho rằng tương lai của Liên Hiệp Châu Âu đang được chuyển
về Pháp. Thông thạo ngôn ngữ của Molière là chìa khóa quý giá cho sự nghiệp.
Hai bức hí họa cho thấy điều đó : bức thứ nhất vẽ thủ tướng Anh, Theresa May bị
nhân viên khách sạn "Hotel Europe" bế ra cửa. Một người thứ nhì khệ nệ
đem hai chiếc vali thật lớn của tổng thống Pháp đi ngược chiều và một Emmanuel
Macron hăm hở đi vào.
Bức họa thứ nhì ngụ ý Đức đang ve
vãn Pháp : nhại lại áp phích của bộ phim nổi tiếng, Cuốn theo chiều gió. Trong
cơn khói lửa, nữ thủ tướng Đức bà Merkel đóng vai chàng Rhett Butler đang bế
nàng Scarlett O'Hara chính là Emmanuel Macron trên tay. Báo chí tại Berlin
không vòng vo : nước Đức ba tháng trước bầu cử, cả thủ tướng Merkel lẫn lãnh đạo
đối lập Martin Schulz đang "tranh thủ cảm tình" của tổng thống Pháp.
Ông phù thủy của thông minh nhân tạo
Là người giàu nhất xứ hoa anh
đào, với tài sản riêng trị giá hơn 20 tỷ đô la, nhưng có mấy ai biết Masayoshi
Son là ai ? Courrier International trích lại bài báo Đức Der Spiegel, phác họa
ra chân dung "ông trùm thế giới trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo".
Tháng 12/2016, sáng lập viên tập
đoàn viễn thông Nhật Bản Softbank đến tận tháp Trump ở New York để xin hội kiến
tổng thống tân cử Hoa Kỳ với hứa hẹn : "Đầu tư 50 tỷ đô la vào Mỹ, tạo
50.000 việc làm cho người Mỹ trên đất Mỹ". Ông vua địa ốc New York ca ngợi
Masayoshi Son là "một trong những vĩ nhân của nền công nghiệp" trên
thế giới.
Báo chí phương Tây khi đó mới vỡ
lẽ người đàn ông 59 tuổi này đã mua lại Sprint – nhà cung cấp dịch vụ điện thoại
lớn thứ tư của Hoa Kỳ, ông cũng vừa chi ra 32 tỷ đô la tiền mặt để mua lại ARM,
công ty sản xuất bọ điện thoại thống lĩnh 95 % thị trường điện thoại thông minh
trên hành tinh.
Vốn đầu tư của người đàn ông có
gương mặt tròn và đôn hậu này rải rác từ Pháp tới Ấn Độ, từ Trung Quốc tới Ả Rập
Xê Út. Tại Nhật, Softbank là một trong ba tập đoàn cung cấp dịch vụ lớn nhất, năm
2016, lãi của công ty khổng lồ này lên tới 11 tỷ rưỡi đô la.
Tạp chí Forbes của Mỹ vừa bình chọn
Masayoshi Son là người giàu nhất Nhật Bản. Đáng nói hơn cả là nhà tỷ phú từ tay
không làm nên sự nghiệp này vẫn tiếp tục miệt mài đầu tư để "khai mở vương
quốc high-tech rộng lớn nhất thế giới mà ở đó thông minh nhân tạo là vua".
Masayoshi Son tin chắc chỉ 30 năm
nữa thôi, thông minh nhân tạo sẽ vượt xa trí thông minh của toàn nhân loại và
khi đó, ông sẽ thực sự trở thành "người thế lực nhất trên thế giới, một thế
giới hoàn toàn do máy móc điều khiển".
"Carmen không bao giờ chết"
Vì sao vở opéra Carmen của nhà soạn
nhạc người Pháp Georges Bizet -sáng tác năm 1875- tới nay vẫn là vở ca nhạc kịch
được diễn nhiều nhất trên thế giới ? Le Point nêu lên câu hỏi này vào lúc
Carmen đang được diễn ở nhà hát Opéra de Paris và Aix en Provence ở miền nam nước
Pháp.
Từ đầu năm 2017, tác phẩm này được
dàn dựng đến 9 lần, ra mắt công chúng từ Venise đến Chicago, từ Helsinki đến
New York. Riêng tại Paris, Carmen đã dừng chân ở hai nhà hát lớn là Théâtre des
Champs-Élysées và Bastille. Giải thích cho thành công đó là từ 142 năm qua,
nàng Carmen vẫn trẻ đẹp, vẫn có sức lôi cuốn đến mê hồn. Cô là hiện thân của niềm
đam mê mãnh liệt, của sự ghen tuông rất đàn bà. Cô gái Gitane này luôn đi trước
thời đại.
Carmen là vở opéra đầu tiên được
thu vào đĩa nhựa từ năm 1908, cũng là tác phẩm được dựng thành phim lần đầu năm
1915, trước khi hàng chục phiên bản khác nối đuôi nhau ra đời. Chuyện tình giữa
cô gái Gitane và một anh lính đào ngũ là nguồn cảm hứng vô tận của các họa sĩ,
các nhà biên đạo múa, các nhà soạn kịch …
Chắc chắn một điều là cả nhạc sĩ
Georges Bizet lẫn nhà văn Prosper Mérimée cùng không thể ngờ rằng nàng Carmen của
họ làm điên đảo các nhà dựng phim, soạn kịch trong hơn 140 qua.
Thành công đó có được là nhờ ở bất
kỳ thời đại nào, cô gái Tây Ban Nha này cũng tìm được những vị sứ giả xuất
chúng. Trong số đó phải kể đến diễn viên múa Zizi Jeanmaire, đến những tiếng
hát bất hủ như hai nghệ sĩ Crespin và Callas (giọng soprano), hay những ngôi
sao màn bạc thời phim câm là Georgette Leblanc và Belle Otero.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét