Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Câu chuyện chăm sóc sức khỏe

Lê Phan


Là một người sống ở Anh nhưng lại làm việc cho truyền thông ở Hoa Kỳ, tôi đã có nhiều lần nghĩ là mình sống ở hai hành tinh khác nhau, nhất là khi nói đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Mấy ngày hôm nay chẳng hạn, trong khi ở Hoa Kỳ, Thượng Viện đang bàn thảo về việc thay thế Đạo Luật Chăm Sóc Sức Khỏe của cựu Tổng Thống Barack Obama, thì ở Anh báo chí nói đến chuyện chính phủ bảo thủ đang ngấm ngầm “tư hữu hóa” hệ thống Y Tế Quốc Gia – National Health Service (NHS).

Hẳn độc giả ở Hoa Kỳ sẽ ngạc nhiên nếu thấy việc tư hữu hóa hệ thống chăm sóc sức khỏe bị coi như là một sự việc xấu xa đến nỗi một chính phủ bảo thủ phải “ngấm ngầm, lén lút” tìm cách thực hiện điều đó.

Điều đầu tiên phải nói ngay là Hệ thống National Health Service của Anh sẽ là một cái gì hoàn toàn xa lạ với người Mỹ. Trong nhiều lần bầu cử ở Hoa Kỳ, hệ thống NHS của Anh đã bị mang ra làm đề tài chỉ trích. Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz chẳng hạn, khi là ứng cử viên để được đảng Cộng Hòa đề cử ra ứng cử tổng thống đã chỉ ra việc phải chờ đợi để giải phẫu ở Anh, và việc là Hoa Kỳ có nhiều cuộc giải phẫu hơn, như là bằng cớ để chứng minh là hệ thống y tế của Anh là thấp kém hơn ở Hoa Kỳ. Nhiều vị khác trong ngành y khoa còn chỉ ra những việc chẳng hạn như số máy scan MRI ở Anh chưa bằng được một tiểu bang nghèo của Hoa Kỳ.

Trước hết xin nói ngay là về quan niệm đã có sự khác biệt. Hệ thống NHS của Anh Quốc là một hệ thống bảo hiểm xã hội dựa trên nguyên tắc là sức khỏe là một quyền chứ không phải là ưu đãi. Hệ thông bảo hiểm xã hội này có nhiều điểm tương đồng với hệ thống Social Security và Medicare ở Hoa Kỳ. Căn bản mà nói, mọi người đều trả tiền và mọi người đều được điều trị. NHS do công quỹ tài trợ và được điều hành bởi các công chức, từ các bác sĩ đến các y tá và đến cả lao công.

Hệ thống y tế toàn quốc của Anh, độc nhất trên thế giới này, đã khởi đầu với bản Phúc trình của Sir William Beveridge về tình trạng bảo hiểm xã hội và dịch vụ liên hệ tại Anh Quốc sau Đệ Nhị Thế Chiến. Sir Beveridge viết: “Nay, khi chiến tranh đã phá hủy mọi chỉ dấu của mọi thứ, là một cơ hội để sử dụng kinh nghiệm trong một vùng mở rộng. Một giây phút cách mạng trong lịch sử thế giới là thời gian cho cách mạng, chứ không phải vá víu.”

Sir Beveridge là một người bảo thủ, nhưng những người bảo thủ ở Anh đã là kẻ tiên phong trong việc xây dựng một hệ thống an sinh xã hội trong đó có một hệ thống chăm sóc sức khỏe dựa trên nhu cầu của dân chúng thay vì khả năng trả tiền của họ là vì họ cho đó là một bổn phận của quốc gia và cũng rẻ tiền nhất. Hệ thống này được tài trợ hoàn toàn bởi tiền thuế và hoàn toàn không tốn tiền cho người sử dụng. Viện Nghiên Cứu Khoa Học Y Khoa và Giáo Dục Hoa Kỳ chỉ ra là chăm sóc sức khỏe ở Anh không thực sự miễn phí, nhưng tỷ lệ lợi tức cá nhân đóng góp vào chăm sóc sức khỏe của mình đồng đều với tất cả mọi người. Hệ thống y tế của Anh miễn phí khi sử dụng, nhưng chi trả bởi thuế. Viện viết tiếp “Bạn có thể muốn biết con số này là bao nhiêu. Năm 2008, thuế này tương đương với 9% lợi tức của một công dân. Bạn có thể nói ‘ouch,’ nhưng hãy nhớ, không ai bị từ chối chữa trị.”

Và điều đó đúng cho tất cả mọi công dân từ nữ hoàng xuống đến người thất nghiệp ngủ đường. Cựu Thủ Tướng David Cameron của Anh có một cậu con bị tật bẩm sinh tên là Ivan. Suốt cuộc đời ngắn ngủi của cậu bé, NHS đã chăm sóc cho cậu như chăm sóc cho toàn thể những công dân khác. Chính trong giai đoạn đó ông Cameron, một người giàu có khá giả, đã thấy cái tốt đẹp nhất của NHS.

Trên tờ Business Insider, ông Jim Edwards, một nhà báo Hoa Kỳ nay sống ở Anh kể lại kinh nghiệm của ông với NHS. Ngay từ đầu ông cho biết đã sống nửa đời ở Mỹ nay về Anh. NHS, ông nói, như tất cả người Mỹ đều biết và sợ, là một hệ thống hoàn toàn “socialised medicine-y tế xã hội.” Kinh nghiệm đầu tiên của ông khi đi khám bệnh là ở Hoa Kỳ, khi kêu bác sĩ xin hẹn thì đó là tùy khi nào tiện cho bệnh nhân. Ở Anh thì ông được một cái hẹn dầu ông có thích hay không. Ông kể: “Tôi gọi và để lại message. Khoảng một hay hai giờ sau, cô trợ y gọi lại, hỏi vài câu về vấn đề qua điện thoại, rồi nói ‘đến vào lúc 9 giờ sáng ngày Thứ Năm. Không có lựa chọn. Giả định là nếu bệnh thì đến gặp bác sĩ khi nào họ cho hẹn.’ Lúc đầu tôi khó chịu. Ở Hoa Kỳ, tôi có quyền chọn khi nào đi bác sĩ. Ở Anh, tôi hãy đến hẹn khi được thông báo. Nhưng kỳ hẹn đến ngay, vì các cơ quan y tế của Luân Đôn có chỉ tiêu. Sau cùng tôi thấy logic của nó: Đây là một hệ thống y tế công. Nó phải quản trị cả chi phí lẫn dịch vụ. Nếu bạn thực sự đau, bạn đến hẹn. Nếu bạn chỉ muốn đến khi tiện cho bạn thì bạn bệnh đến mức nào?”

Rồi ông kể tiếp: “Ở Hoa Kỳ, tôi đã chờ thật lâu để bác sĩ. Tôi đã đọc biết bao tờ báo ở các phòng mạch. Tôi đã chờ nhiều giờ. Ở Anh tôi đến vào lúc 9 giờ và ngay lập tức được mời vào. Đối với một người Mỹ thật là kỳ lạ. Tôi chưa kịp ngồi thì tên tôi đã được gọi. Thế ra bác sĩ và nhân viên nghiêm chỉnh về giờ giấc. Đây là một lý do tôi tin là lối xếp đặt thời giờ của NHS tốt hơn: bạn có thể không được chọn ngày giờ bạn muốn, nhưng khi đến nơi thì khỏi phải chờ.”

Hơn thế, ông còn ngạc nhiên khi thấy NHS có bảng để khuyến khích người ta đừng đến bệnh viện hay phòng mạch nếu chỉ bị cảm cúm. Ông viết: “Họ thực sự cố gắng thuyết phục bệnh nhân với bệnh vặt vãnh đừng đến phòng cấp cứu và thay vì vậy đến gặp GP. Nó hữu lý – ai cũng biết tốn biết bao thời giờ và tiền của bệnh viện cho những người không cần cấp cứu. Nhưng dầu sao, nó cũng là một cú shock khi thấy bệnh viện trưng bảng thực sự bảo ‘về đi, đồ ngu!’ ở mỗi phòng đợi. Bệnh viện ai cũng biết là ổ vi trùng.”

Ông cũng nói là ở Anh hay ở Mỹ ông đều có bác sĩ tốt. Ông viết: “Bác sĩ là bác sĩ. Họ thường dễ thương và giỏi việc. Hệ thống nào trả tiền cho họ không làm cho họ tốt hay xấu hơn.”

Ông chỉ ra một ưu điểm của NHS là không có giấy tờ. Ở Hoa Kỳ, ông nói giấy tờ tới tấp nếu bạn cần điều trị nhiều hơn là đi bác sĩ bình thường, bạn sẽ gặp một sự hầu như là vô tận giấy tờ, bills, forms, và thư từ. Bạn sẽ trả bills nhiều tháng hay nhiều năm sau đó. Và nếu có lầm lẫn trong bill thì thật là khó khăn vô cùng. Ông viết: “Tôi đã trở thành thù ghét công ty bảo hiểm y tế ở Hoa Kỳ vì giấy tờ. Ở Anh hầu như không có gì hết. Tôi điền một form khi đi khám bệnh đầu tiên cho biết địa chỉ và đó là điều duy nhất tôi phải làm. Giấy tờ duy nhất tôi nhận được là một bức thư nhắc ngày hẹn. Họ cũng gửi text để nhắc nhở.”

Điều ông cần khám bệnh là vì bị ù tai. Có phải ông sắp điếc tai hay không. Có lần một bác sĩ ở Hoa Kỳ bảo ông bị một triệu chứng ở lỗ tai trong và nó làm ông mất thăng bằng. Bác sĩ Mỹ bảo ông là không có cách chữa và nó có thể tự biến mất. Bác sĩ Anh cũng nói vậy nhưng bảo có thể ông bị bệnh Meniere, và muốn gửi đi khám bác sĩ chuyên môn. Ông viết: “Meniere không phải là một căn bệnh mà là một lô những triệu chứng và không có cách chữa và rất hiếm. Điều này là tôi hơi sợ. Tôi quen với hệ thống Hoa Kỳ vốn rất ‘phòng vệ.’ Bác sĩ thường điều trị quá mức vì sợ bị kiện nếu thiếu sót. Họ cũng kiếm được nhiều tiền hơn nếu làm thêm. Nhưng đây là một bác sĩ NHS đề nghị điều trị thêm. Và không tốn tiền nên tôi chịu.”

Rồi ông hẹn với một bác sĩ chuyên môn ở một bệnh viện. Ở Hoa Kỳ, ông bảo sẽ có thể gặp bác sĩ chuyên môn trong vài ngày. Ở Anh họ nói sẽ gặp vào Tháng Giêng. Lúc đó là Tháng Mười, tức là cách đó đến 6 tuần. Ông viết tiếp: “Chờ đợi ở NHS là một sự thật. Tôi tự an ủi với giả định là khi nhân viên đưa ra quyết định về bệnh trạng của tôi chắc không phải là nguy hiểm và đã dời tôi lâu hơn. Thật bực mình. Sau cùng tôi phải đổi ngày hẹn. Và đó là một điều khó khăn. Tôi phải kêu vài lần vì phải gặp được nhân viên đúng lúc… Lại hệ thống hẹn đó nữa: bạn sẽ được cho ngày theo ưu tiên của họ, không phải của bạn.”

Ông kể tiếp là ở Hoa Kỳ ông thường chờ cả giờ ở phòng bác sĩ chuyên môn. Ở NHS, ông chỉ chờ có vài phút. Ông kể tiếp: “Cả hai lần tôi thấy mấy cụ than phiền tức giận với nhân viên là họ đã chờ 15 hay 20 phút để gặp bác sĩ. Là một người Mỹ tôi suýt bật cười. Mười lăm phút để gặp bác sĩ miễn phí. Tôi hỏi một người bạn Anh vốn hay phải đi bác sĩ và hỏi chuyện đó có bình thường không thì được trả lời là những cụ ở Anh sẽ than phiền nếu chờ trên 10 phút. Một lần nữa, sự chăm sóc của NHS tốt. Tôi gặp hai bác sĩ trong một giờ, một thử và một định bệnh. Một nhân viên hành chánh thứ ba điều phối để cho bác sĩ lúc nào cũng có khách. Nó như là một xí nghiệp rất hữu hiệu. Nó cũng có vẻ rất bận rộn. Các bác sĩ không thích nói chuyện. Họ trị bệnh rồi muốn mình đi ra. Kết quả là tôi không sẽ không bị điếc. Họ cho tôi thấy biểu đồ. Tôi nghe rõ lắm. Nhưng tiếng u u bắt đầu từ nhiều năm là vì tôi thích đi nghe punk rock, tệ hơn khiến tôi cảm thấy điếc. Chuyên gia NHS nói bà tin 99% là không có gì cả, nhưng đề nghị nên chụp MRI để xem tình trạng lỗ tai trong của tôi ra sao. Đây thật là đáng mừng. Không thấy việc điều trị của tôi bị hạn chế hay từ chối, như nhiều người Mỹ sợ. Cũng như ở Hoa Kỳ vậy thôi, cũng số bác sĩ như vậy và dụng cụ như vậy.”

Điều khác, ông nói là về tiền bạc. Ông viết: “Thế NHS làm tôi tốn mất bao nhiêu tiền. Zero. Không có đồng nào cả. Tôi đã không trả đồng nào cả cho hệ thống y tế tốt đẹp. Dĩ nhiên không có gì là ‘free,’ nhưng tính theo lợi tức đầu người thì chi phí y tế ở Anh thấp hơn Hoa Kỳ. Người Mỹ chi ra $8,362 cho chăm sóc sức khỏe hàng năm, người Anh chi ra 3,480 đồng qua tiền trả thuế.”

Điều cũng đáng nói thêm, ông chỉ ra, là NHS điều trị cho tất cả mọi người đồng đều, trong khi người Mỹ được điều trị theo khả năng trả tiền, khiến nhiều chục triệu người chỉ có được những điều trị tối thiểu. Và đó cũng là lý do dân chúng Anh coi trọng NHS hơn cả Nữ Hoàng và Quốc Hội.

Một chuyên gia y tế công cộng ở Anh, khi được đài BBC hỏi là làm sao giải quyết ổn thỏa vấn đề chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, đã trả lời: “Đơn giản nhất là nới rộng Medicare cho toàn thể mọi người. Những ai đi làm hay có lợi tức thì đóng góp qua trả tiền thuế. Những ai không có lợi tức thì hệ thống an sinh quốc gia trả.” Phát thanh viên bảo: “Nhưng đâu được, đó là socialised medicine.” Ông chuyên viên trả lời: “Đúng vậy. Và vì thế vấn đề sẽ không bao giờ giải quyết.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét