Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Báo động đỏ: Giá điện có thể tăng ít nhất 20%!

Minh Quân
 

Không thể rõ ràng hơn, EVN  nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất tác động đến dân sinh mà có thể làm dân chúng nổi loạn ở Việt Nam. Còn chính phủ của Thủ tướng Phúc lại đang “tiếp tay” cho tương lai nổi loạn rất cận kề đó



Nỗi lo sợ của nhân dân đã biến thành sự thật: vào cuối tháng 6/2017, Thủ tướng Phúc đã ký Quyết định số 24/2017, thay thế Quyết định số 69/2013 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện, có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. 

Quyết định trên cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được tự quyết tăng giá điện 2 lần mỗi năm với mức từ 3  đến dưới 5%, Bộ Công thương được quyết tăng giá điện từ 5 - 10%.

Chỉ cần có thế!

Có thể không cần đến trường hợp phải tăng giá đện trên 10% mà do đó Bộ Công thương phải xin ý kiến Chính phủ, vì đối với nhóm lợi ích EVN và Bộ Công hương mà từ rất lâu rồi người ta vẫn ví là “nhóm cá mập”, chỉ cần được Chính phủ bật đèn xanh tăng giá điện và tăng vài chục phần trăm mỗi năm đã đã đủ để “bù giá vào dân”. 
  
Bộ Công thương lại là cơ quan chủ quản của “cá mập” EVN. Đặc biệt dưới thời bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng, EVN đã nhập khẩu giá điện từ Trung Quốc cao gấp 3 lần giá thành sản xuất điện trong nước trong một thời gian rất dài. EVN cũng là tác nhân gây ra khoản lỗ khủng khiếp lên đến 30.000 tỷ đồng khi đầu tư trái ngành vào bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm. Các nhà máy thủy điện của EVN còn xả lũ lên đầu dân chúng vào năm 2013 và 2016 mà gây ra đến 70 -80 cái chết của dân nghèo… Nhưng tất cả những tội ác đó đã không bị một cấp nào xử lý.

Không những không xử lý mà còn bao che. Năm 2016, cú xả lũ của Thủy điện Hố Hô mà đã giết sống hơn hai chục người dân Hương Khê ở Hà Tĩnh rốt cuộc đã được Thủ tướng Phúc cho “chìm xuồng”.

Quyết định tăng giá điện mà Thủ tướng Phúc vừa ký lại xảy ra ngay sau khi cũng chính thủ tướng này đã ký phê duyệt đề án tái cơ cấu EVN nhưng lại không có bất cứ một cải cách nào để xóa vai trò độc quyền tàn hại dân sinh của EVN.

Trong đề án trên, EVN vẫn nắm 100% vốn ở các khâu truyền tải, phân phối mà không hề có một chút hơi hướng nào về điều mà giới quan chức hay phủ dụ là “hướng đến thị trường điện cạnh tranh”. 

Cũng trong đề án trên, nhiều doanh nghiệp tham gia khâu phát điện nhưng chỉ có một đầu mối EVN mua điện và bán điện. Mặt khác, theo quyết định của Chính phủ thì Nhà nước nắm 100% vốn ở công ty này, như vậy tư nhân không hề có cơ hội để tham gia…

Quyết định tăng giá điện mà Thủ tướng Phúc vừa ký lại xảy ra trong bối cảnh một khoản nợ khổng lồ lên đến 9,3 tỷ USD của EVN vừa được báo cáo. Cho đến gần đây, EVN vẫn nằm trong số những con nợ ngân hàng lớn nhất Việt Nam với ít nhất 454.000 tỷ đồng nợ vay. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được chính phủ bảo lãnh. Nếu không tăng giá điện, hẳn tập đoàn này sẽ không biết lấy gì để trả nợ.

Chỉ mới vào năm 2015, một quan chức cao cấp của ngành công thương tán thán rằng nếu không cho tăng giá điện, EVN sẽ có nguy cơ bị… phá sản.

Gần đây, một phép tính đơn giản của “chiến lược ngành điện” cho thấy để thu hồi được toàn bộ thất thoát do đầu tư trái ngành, EVN có thể sẽ phải tăng giá liên tục trong… 10 năm nữa!

Tăng giá điện trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục suy thoái và đang lao đến khủng hoảng, một bộ phận lớn trong dân chúng đang cạn nhanh túi tiền và hiện tượng dân chúng nổi lên chống lạm thu phí và lệ phí dần lan rộng ra nhiều địa phương. 

Không thể rõ ràng hơn, EVN  nằm trong nhóm các doanh nghiệp có nhiều khả năng nhất tác động đến dân sinh mà có thể làm dân chúng nổi loạn ở Việt Nam. Còn chính phủ của Thủ tướng Phúc lại đang “tiếp tay” cho tương lai nổi loạn rất cận kề đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét