Nguồn: John Delury, “Tiananmen
Square Revisited”, Project Syndicate, 20/05/2009.
Việc xuất bản cuốn hồi ký bí mật đuợc ghi âm của nhà cải cách Đảng Cộng sản Trung Quốc thất thế Triệu Tử Dương, người đã nỗ lực “xóa bỏ căn bệnh của hệ thống kinh tế Trung Quốc từ gốc rễ” và qua đời trong lúc bị quản thúc tại gia vì những nỗ lực ấy, đang khơi lại cuộc tranh cãi về những di sản phức tạp của các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Thực sự, khi mà Trung Quốc đang phủ bóng lớn hơn bao giờ hết lên nền kinh tế thế giới thì thật đáng để nhớ lại rằng vào tháng 6 này của 20 năm trước, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã gần như sụp đổ. Làn sóng biểu tình tụ hợp tại Thiên An Môn năm đó đặt ra một nguy cơ mang tính sống còn đối với đất nước được dẫn dắt bởi Đảng Cộng sản này, nhà nước được sinh ra 40 năm trước đó bởi Mao Trạch Đông.
Nguy cơ đó đến từ 2 hướng: từ bên
trong những thang bậc cao nhất của giới lãnh đạo Đảng, nơi mà những khác biệt
tư tưởng về cải cách đã chia rẽ Bộ Chính trị, và từ những người dân thành thị,
với sinh viên Bắc Kinh là những người tiên phong, vốn đứng lên trong một cuộc nổi
dậy cởi mở và hòa bình để chống lại thẩm quyền của nhà nước.
Ngạc nhiên thay, Đảng bước ra khỏi
cuộc khủng hoảng trong sự đoàn kết tập trung quanh tầm nhìn của Đặng Tiểu Bình
về một “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, và lấy lại tính chính danh
trong mắt người dân thành thị thông qua việc thực hiện tầm nhìn đó. Đảng đã phục
hồi sự thống nhất trên nền tảng của hội nhập toàn cầu, tăng trưởng theo định hướng
thị trường, những thành tích đạt được mà không có sự can thiệp bởi “Nữ thần Dân
chủ” của các sinh viên, nhưng đem lại lợi ích vật chất hữu hình cho các cư dân
thành phố.
Không nghi ngờ gì khi mà quá
trình phát triển đô thị, đầu tư, và tăng trưởng GDP đã tăng tốc trong suốt những
năm 1990, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng khoảng cách giữa những người thành
thị “thắng cuộc” và người nông thôn “thua cuộc”. Năng lượng phản kháng vốn từng
tiếp sức trong một thời gian ngắn cho sự kiện Quảng trường Thiên An Môn nay đã
tiêu tan khỏi các thành phố và lan rộng ở nông thôn. Trong giai đoạn khởi đầu đầy
hào hứng của các cuộc biểu tình đòi dân chủ năm 1989, có hơn 80.000 sinh viên
diễu hành trên các đường phố Bắc Kinh yêu cầu chính quyền phải đáp ứng các nhu
cầu của người dân nhiều hơn. Đến năm 2005, đã có hơn 80.000 vụ biểu tình đông
người được báo cáo trên khắp cả nước, nhưng phần lớn lại không diễn ra ở các
thành phố phồn thịnh vùng duyên hải, và chắc chắn là không phải ở các trường đại
học tinh hoa của quốc gia.
Suốt 20 năm qua, những công nhân
bị mất việc làm, những nông dân bị mất đất, các học viên Pháp Luân Công, và những
người dân giận dữ của Tây Tạng đã tổ chức các cuộc biểu tình. Tuy thế, không hề
có những cuộc biểu tình của những người thành thị do sinh viên dẫn đầu như những
cuộc biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989.
Thời kỳ kinh tế phất lên dưới sự
lãnh đạo của Chủ tịch Giang Trạch Dân và người kế vị, Hồ Cẩm Đào, đã hướng sự nổi
loạn của giới trẻ vào khởi nghiệp và sự thành đạt trong nghề nghiệp chuyên môn,
và điều đó đã chỉ khả thi vì Đặng Tiểu Bình đã ngăn ngừa giới lãnh đạo Đảng rạn
nứt trong suốt những cuộc biểu tình của sinh viên cuối những năm 1980 và phản ứng
dữ dội của những thành phần bảo thủ vào đầu những năm 1990. Khi những cuộc biểu
tình bắt đầu, người kế vị do Đặng Tiểu Bình chọn lựa, Thủ tướng Triệu Tử Dương,
đã mong muốn sử dụng làn sóng quần chúng nhân dân như một đòn bẩy nhằm thúc đẩy
cải cách thị trường mạnh hơn, và có thể cả cải tổ chính trị. Nếu Trung Quốc có
một Mikhail Gorbachev của riêng mình thì đó có thể là Triệu Tử Dương.
Đặng Tiểu Bình đã ủng hộ Triệu Tử
Dương tự do hóa nền kinh tế, mặc dù điều này đã tạo ra nhiều kết quả tốt xấu
khác nhau trong năm 1988 và 1989, với tình trạng lạm phát tăng vọt và sự âu lo
về kinh tế lan tràn. Nhưng Đặng Tiểu Bình, người đã chịu những “vết sẹo” từ những
năm tháng của chủ nghĩa Mao mà đặc biệt là sự hỗn loạn do Cách mạng Văn hóa, đã
không muốn dung thứ cho sự bất ổn chính trị. Và sự khoan dung đối với những người
biểu tình của Triệu Tử Dương đã khiến Bộ Chính trị chia thành hai phe khác
nhau. Vì vậy Đặng đã để Triệu trở thành “con mồi” cho những lãnh đạo bảo thủ
trong Đảng.
Phe cứng rắn đã chiến thắng sau đợt
đàn áp. Trong mắt họ, sự hỗn loạn của năm 1989 là minh chứng cho thấy “cải tổ
và mở cửa” sẽ dẫn tới thời kỳ hỗn loạn và sụp đổ. Đặng tạm thời rút lui, để những
người theo chủ trương kế hoạch hóa tập hợp xung quanh đảng viên kỳ cựu Trần Vân
(Chen Yun) làm chậm lại tiến trình thị trường hóa và khắc phục sự cô lập của quốc
tế đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sau sự kiện Thiên An Môn.
Nhưng sau đó, với chuyến “Nam tuần”
nổi tiếng của ông vào năm 1992, Đặng Tiểu Bình đã dẫn đến sự thất thế của phe bảo
thủ phản đối thị trường. Tại thành phố Thâm Quyến đang phát triển bùng nổ, với
camera truyền hình quay trực tiếp, Đặng Tiểu Bình đã chỉ thẳng ngón tay lên trời,
khiển trách Đảng của ông ta: “Nếu Trung Quốc không thực hành chủ nghĩa xã hội,
không tiếp tục ‘cải tổ và mở cửa’ và phát triển kinh tế, không cải thiện mức sống
của nhân dân, thì dù hướng đi của chúng ta là gì chăng nữa, thì cũng sẽ là đường
cùng.”
Sau khi miễn cưỡng thanh trừng những
người chủ trương cải cách vào năm 1989, thì năm 1992 Đặng Tiểu Bình đã nắm lấy
cơ hội để loại bỏ những người theo chủ trương kế hoạch hóa, đưa vào người anh
hùng tân tự do của Trung Quốc, Chu Dung Cơ, nhằm khởi động lại cỗ máy kinh tế.
Đặng đã phán đoán tâm thế đất nước một cách sắc sảo: người dân đã sẵn sàng để
được bảo rằng “làm giàu là vinh quang”. Giới lãnh đạo mới của Đảng những năm
1990 và 2000 không nao núng trước con đường mà Đặng đã vạch ra: đều đặn mở rộng
cải cách thị trường, tích cực tham gia vào thương mại quốc tế, đô thị hóa quy
mô lớn và phát triển thành thị, và toàn tâm toàn ý cho sự thống nhất của Đảng.
Vào ngày 4 tháng 6, ngày các binh
lính của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc quét sạch các sinh viên và những
người ủng hộ họ khỏi Quảng trường Thiên An Môn, được phương Tây ghi nhớ như là
một ví dụ bi kịch về bạo lực nhà nước được sử dụng để đàn áp những công dân tay
không tấc sắt, và là một tượng đài kỷ niệm cho những khao khát bị kìm nén về tự
do và dân chủ của người dân Trung Quốc. Nhưng, trong con mắt lạnh lùng của lịch
sử, làn sóng của năm 1989 và hậu quả của nó cuối cùng có thể được xem như là một
“thời khắc Machiavelli” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi mà Đặng Tiểu Bình đối
diện thời khắc sinh tử của chế độ, và thấy được điều gì là cần thiết cho sự tồn
tại của nó: Sự thống nhất của Đảng dựa trên sự tăng trưởng của thành thị.
Bằng cách tái thống nhất giới
lãnh đạo Đảng và tái xây dựng mối đoàn kết giữa Đảng và người dân thành thị,
cơn khủng hoảng đã củng cố sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và làm tăng
tốc quá trình tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Trong tác phẩm
kinh điển Bàn về cách mạng (On Revolution) của mình, Hannah Arendt đã quan sát
một cách bi quan rằng “bất kỳ tình huynh đệ nào của con người cũng đều có khả
năng đã được nuôi lớn từ sự tương tàn lẫn nhau, bất kỳ tổ chức chính trị nào mà
con người đạt được cũng đều bắt nguồn từ cội rễ tội ác của nó.” Theo cách nhìn
này, Quảng trường đẫm máu vào sáng ngày 4 tháng 6 có lẽ là nơi đã khai sinh ra
một nước Trung Quốc hậu cách mạng.
*
John Delury là giám đốc Dự án
China Boom Project tại Hội Châu Á, New York.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét