Giờ đây khi Donald Trump đã được bầu làm Tổng thống Hoa Kỳ,
sự kết thúc của những gì mà trước đây được gọi là “phương Tây” đã trở nên gần
như chắc chắn. Thuật ngữ đó miêu tả một thế giới xuyên Đại Tây Dương nổi lên từ
sau hai cuộc thế chiến trong thế kỷ 20, xác định lại trật tự quốc tế trong suốt
bốn thập niên Chiến tranh Lạnh, và thống trị toàn cầu – cho đến bây giờ.
Không nên nhầm lẫn “phương Tây” (“the West”) với “bán cầu
Tây” (“Occident”). Trong khi văn hóa, tập quán, và tôn giáo chủ đạo của phương
Tây nói chung có nguồn gốc bán cầu Tây, nó đã phát triển thành một thứ khác biệt
theo thời gian. Đặc điểm cơ bản của bán cầu Tây hình thành qua nhiều thế kỷ ở
vùng Địa Trung Hải (dù các vùng châu Âu về phía Bắc dãy Alps có nhiều đóng góp
quan trọng vào sự phát triển của nó). Ngược lại, phương Tây thì xuyên Đại Tây
Dương, và nó là một đứa con của thế kỷ 20.
Khi mới bắt đầu, Thế chiến I là một cuộc xung đột giữa phe
Liên minh Trung tâm (ban đầu gồm Đế quốc Đức, Đế quốc Áo-Hung, và Ý) và phe Hiệp
ước gồm Anh, Pháp, và Nga. Mãi tới năm 1917 nó mới trở thành một cuộc thế chiến
thực sự, khi Hoa Kỳ bước vào cuộc chiến. Đây là thời điểm mà cái mà chúng ta gọi
là phương Tây ngày nay bắt đầu hình thành.
Có thể nói phương Tây đã nhận được giấy khai sinh của mình
trong Thế chiến II. Tháng 8 năm 1941, sau khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô, Thủ
tướng Anh Winston Churchill và Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã gặp nhau
trên một chiến hạm ngoài khơi Newfoundland và ký Hiến chương Đại Tây Dương. Thỏa
thuận này sau đó phát triển thành NATO, tổ chức trong bốn thập niên đã kích hoạt
một liên minh gồm các nền dân chủ độc lập với các giá trị chung và các nền kinh
tế thị trường để chống lại mối đe dọa từ Liên Xô – và bảo vệ châu Âu cho đến
ngày nay.
Nói một cách cơ bản hơn, phương Tây được thành lập dựa trên
một cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh của mình. Trật tự phương Tây
không thể tồn tại nếu Mỹ không đóng vai trò rất quan trọng này, điều mà giờ đây
Mỹ có thể sẽ từ bỏ dưới thời của Trump. Kết quả là tương lai của bản thân
phương Tây giờ đang bị đe dọa.
Không ai có thể chắc chắn về ý nghĩa của việc Trump đắc cử đối
với nền dân chủ Mỹ, hoặc những việc ông sẽ làm khi nhậm chức. Nhưng chúng ta có
thể đưa ra hai giả định hợp lý. Thứ nhất, nhiệm kỳ tổng thống của ông sẽ gây
nhiều rối loạn cho chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Trump thắng cử bằng
cách coi thường gần như mọi quy tắc bất thành văn của nền chính trị Mỹ. Ông
đánh bại không chỉ Hillary Clinton, mà còn cả giới chính thống của Đảng Cộng
hòa. Có rất ít lý do để cho rằng ông sẽ đột nhiên từ bỏ chiến lược giành chiến
thắng này vào ngày 20 tháng 1 tới.
Chúng ta cũng có thể giả định một cách an toàn rằng Trump sẽ
bám sát các cam kết “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của mình; điều này sẽ là nền tảng
cho nhiệm kỳ tổng thống của ông dù có chuyện gì xảy ra. Cựu Tổng thống Ronald
Reagan cũng hứa hẹn điều này, nhưng đó là trong khi Mỹ do vẫn tham gia vào cuộc
Chiến tranh Lạnh nên có thể có một cách tiếp cận kiểu đế quốc. Do vậy, Reagan
đã theo đuổi tái vũ trang trên quy mô lớn đến mức nó cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ
của Liên Xô; và ông đã mở đường cho nền kinh tế Mỹ bùng nổ với sự gia tăng lớn
về nợ quốc gia.
Trump không có sự xa xỉ của một cách tiếp cận đế quốc. Ngược
lại, trong thời gian tranh cử, ông đã chất đầy chỉ trích về cuộc chiến tranh vô
nghĩa của Mỹ ở Trung Đông; và những người ủng hộ ông không muốn gì hơn việc Mỹ
từ bỏ vai trò lãnh đạo toàn cầu của mình và rút lui khỏi thế giới. Một nước Mỹ
hướng về phía chủ nghĩa dân tộc biệt lập sẽ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất trên
thế giới với một khoảng cách lớn so với các nước đứng sau; nhưng nó sẽ không
còn đảm bảo an ninh của các quốc gia phương Tây hoặc bảo vệ một trật tự quốc tế
dựa trên thương mại tự do và toàn cầu hóa.
Câu hỏi duy nhất còn lại liên quan tới việc chính sách của Mỹ
sẽ thay đổi nhanh và triệt để như thế nào. Trump đã cam kết sẽ từ bỏ Hiệp định
Đối tác xuyên Thái Bình Dương gồm 12 nước – một quyết định có ý nghĩa như một
món quà cho Trung Quốc, cho dù ông có nhận ra điều đó hay không. Ông cũng có thể
ban cho Trung Quốc một món quà nữa: giảm bớt sự can dự của Mỹ ở Biển Đông.
Trung Quốc có thể sẽ sớm nhận ra mình là người bảo lãnh mới của thương mại tự
do toàn cầu – và có lẽ còn là nhà lãnh đạo toàn cầu mới trong cuộc chiến chống
biến đổi khí hậu.
Về cuộc chiến ở Syria, ông Trump có thể chỉ đơn giản là trao
đất nước bị tàn phá ấy cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và Iran. Thực tế mà
nói, điều này sẽ đảo ngược cán cân quyền lực ở Trung Đông, với những hệ quả
nghiêm trọng vượt ra ngoài khu vực; về mặt đạo đức, nó sẽ là sự phản bội độc ác
đối với phe đối lập Syria và là mối lợi cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Và nếu Trump hòa hoãn với Putin ở Trung Đông, người ta tự hỏi
ông sẽ làm gì với Ukraine, Đông Âu, và Caucasus. Chúng ta có nên mong đợi một Hội
nghị Yalta 2.0 để công nhận khu vực ảnh hưởng mới trên thực tế của Putin?
Con đường mới mà Trump sẽ vạch ra cho nước Mỹ đã có thể nhận
thấy rõ; chúng ta chỉ không biết con tàu này sẽ chạy nhanh như thế nào. Có rất
nhiều điều sẽ phụ thuộc vào phe đối lập (trong đảng Dân chủ cũng như trong đảng
Cộng hòa) mà Trump gặp phải trong Quốc hội Mỹ, và dựa vào sự phản đối của đa số
người Mỹ, những người đã không bỏ phiếu cho ông.
Nhưng chúng ta không nên nuôi dưỡng bất cứ ảo tưởng nào:
châu Âu quá yếu đuối và chia rẽ để có thể gánh vác thay cho Mỹ về mặt chiến lược;
và nếu không có sự lãnh đạo của Mỹ thì phương Tây sẽ không thể tồn tại. Do vậy,
thế giới phương Tây như hầu hết mọi người sống đến ngày nay biết đến gần như chắc
chắn sẽ lụi tàn trước mắt chúng ta.
Vậy điều gì xảy ra tiếp theo? Chúng ta có thể chắc chắn
Trung Quốc đang chuẩn bị xỏ chân vào chiếc giày của Mỹ. Và ở châu Âu, những hầm
mộ của chủ nghĩa dân tộc đã được mở ra; chẳng mấy chốc nữa chúng sẽ một lần nữa
giải phóng những con quỷ của mình ra khắp lục địa – và thế giới.
Joschka Fischer là Ngoại trưởng và Phó Thủ tướng Đức từ năm
1998 đến năm 2005, một nhiệm kỳ được đánh dấu bởi việc Đức ủng hộ mạnh mẽ sự
can thiệp của NATO vào Kosovo năm 1999, theo sau là phản đối cuộc chiến ở Iraq.
Fischer bước vào nền chính trị dân cử sau khi tham gia các cuộc biểu tình kháng
chính thống trong những năm 1960 và những năm 1970, và đóng vai trò chủ chốt
trong việc thành lập Đảng Xanh của Đức mà ông dẫn dắt trong gần hai thập niên.
Nguồn: Joschka Fischer, “Goodbye to the West,” Project Syndicate, 05/12/2016.
Nguồn: Joschka Fischer, “Goodbye to the West,” Project Syndicate, 05/12/2016.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét