Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Hội đàm Trump - Phúc: Việt Nam được gì và mất gì?

Phạm Chí Dũng


 
Một chi tiết rất đáng chú ý với tất cả sự tế nhị dành cho nó: BBC cho biết trong cuộc họp, dường như ông Nguyễn Xuân Phúc đã được người bên cạnh nhắc 'thôi để sau', khi ông định chia sẻ với ông Trump về '7 vấn đề ngắn'.

Được

Cuộc hội đàm Mỹ - Việt giữa đại diện Hoa Kỳ là Tổng thống Donald Trump với một trong những đại diện Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 31/5/2017, rốt cuộc đã mang lại cảm giác thỏa mãn sơ bộ cho ông Phúc: Thủ tướng Việt Nam phát biểu “rất vinh dự” khi được phía Mỹ đón tiếp tại Phòng Bầu Dục - một không gian trân trọng chỉ dành cho các nguyên thủ quốc gia.

Cảm giác nhẹ nhõm tiếp theo của thủ tướng Việt Nam là tổng thống nước Mỹ đã không đề cập đến vấn đề nhân quyền Việt Nam như những lời kêu gọi thúc bách từ giới nghị sĩ Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Việt Nam lại được Trump khen ngợi "Họ vừa có đơn đặt hàng rất lớn với Hoa Kỳ và chúng tôi đánh giá cao việc đó, với nhiều tỷ USD, có nghĩa là có thêm việc làm cho Hoa Kỳ và các thiết bị tốt, rất tốt cho Việt Nam".

Ngay trước cuộc hội đàm với Trump, đoàn Việt Nam - bao gồm 90 chục doanh nghiệp theo chân Thủ tướng Phúc, được phái đoàn Việt mô tả là “đã ký kết nhiều hợp đồng giá trị 17 tỷ USD với các doanh nghiệp Mỹ”.

Tuy nhiên, có lẽ đó là thành quả lớn nhất và có thể là duy nhất trong cuộc hội đàm trên, và cũng cho chuyến công du hoành tráng và tốn kém lần này của đoàn Thủ tướng Phúc.


Mất

Có thể hiểu vì sao Trump tỏ ra hài lòng về kết quả thương mại ngay trước mắt mà chưa phải “tương lai”: phần lớn giao dịch được ký kết giữa các doanh nghiệp Việt - Mỹ nghiêng về việc Việt Nam phải nhập khẩu hàng của Mỹ, chứ không phải ngược lại theo “truyền thống” Việt Nam vẫn thường xuất siêu đến hơn ba chục tỷ USD mỗi năm vào Mỹ.    

Ở một chiều kích khác, cuộc hội đàm Trump - Phúc lại diễn ra khá ngắn ngủi, chỉ vẻn vẹn có một giờ đồng hồ kể từ lúc thủ tướng Việt Nam bước chân xuống xe  vào lúc 15h, sau đó gặp riêng Trump, cho tới khi kết thúc hội đàm song phương giữa hai phái đoàn Mỹ và Việt vào lúc 16h. Trong khi trước đó, báo chí nhà nước Việt Nam đã “ấn định” thời lượng của riêng cuộc gặp Trump - Phúc lên đến 90 phút, tức còn vượt hơn xa thời gian Obama tiếp Trương Tấn Sang vào năm 2013 và Obama - Nguyễn Phú Trọng vào năm 2015 cũng tại Phòng Bầu Dục.

Một chi tiết rất đáng chú ý với tất cả sự tế nhị dành cho nó: BBC cho biết trong cuộc họp, dường như ông Nguyễn Xuân Phúc đã được người bên cạnh nhắc 'thôi để sau', khi ông định chia sẻ với ông Trump về '7 vấn đề ngắn'.

Hình như người Mỹ không có nhiều thời gian dành cho lãnh đạo Việt Nam.

Không hoàn toàn như những gì mà một số chuyên gia quốc tế dự đoán, hội đàm Trump - Phúc đã không có nội dung cụ thể nào về vấn đề an ninh Biển Đông và mối quan hệ cụ thể hơn nữa về quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Cũng dường như không đề cập đến từ “Trung Quốc”.  

Cũng không có bất kỳ từ ngữ nào được hai bên, đặc biệt từ Trump, nói về “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”. Cần nhắc lại, bản hiệp định này mới chính là chủ đề mà phía Việt Nam quan tâm nhất và trở thành mục tiêu lớn nhất của chuyến sang Mỹ lần này. Nếu có được dù chỉ một thỏa thuận sơ bộ về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, phía Việt Nam sẽ có hy vọng duy trì được số xuất siêu hơn 30 tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ, đồng thời mở ra hy vọng vay mượn thêm tín dụng từ các chủ nợ lớn nhất như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển Á châu, đồng thời sẽ “thúc đẩy sớm thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - châu Âu” (EVFTA). Thậm chí trước chuyến công du Mỹ của Thủ tướng Phúc, một chuyên gia nhà nước đã “bắn tin” rằng Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ được được chuyên viên hai nước đàm phán xong và đã được đặt lên bàn thủ tướng (Việt Nam), chỉ còn chờ mang sang Mỹ ký chính thức.

Nhưng do Trump không hề đả động đến Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, có thể xem như số phận của hiệp định (nếu có thật) này - một trong số ít lối thoát khả dĩ nhất về kinh tế và ngân sách của chính thể Việt Nam - vẫn còn “treo” ở đó mà chưa biết khi nào mới xong.

Những bản tin mới nhất của báo nhà nước Việt Nam cũng không hề đề cập đến kết quả về “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”, mà chỉ là “Hai nhà Lãnh đạo thống nhất triển khai có hiệu quả cơ chế Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư để xử lý các vấn đề kinh tế trong quan hệ trên tinh thần xây dựng, công bằng, đáp ứng lợi ích chính đáng của mỗi bên”.

Với tin tức trên, có lẽ báo chí Việt Nam muốn nói đến TIFA - một hiệp định khung mà Việt Nam đã đàm phán với Mỹ từ năm 2010, nhưng sau đó bỏ dở vì Việt Nam mải chạy theo món lợi lớn hơn là Hiệp định TPP. Chỉ đến đầu năm 2017 khi TPP hầu như tuyệt vọng, Việt Nam mới phải quay lại đàm phán về TIFA như một nỗ lực cuối cùng.

Tuy nhiên, tường thuật của một số hãng tin quốc tế lại có vẻ không có nội dung nào về  “Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư” trong hội đàm Trump - Phúc.

Không những không đề cập gì đến “Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ”, Trump lại xoáy vào một vấn đề cực kỳ khó chịu và khó khăn đối với phía Việt Nam: theo BBC, trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng hôm 31/05, Tổng thống Hoa Kỳ nhắc tới vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại 'lớn' với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ 'sớm được cân bằng'.

Lời nhắc nhở trên có thể dẫn đến khả năng trong thời gian tới, Mỹ sẽ thực hiện một số động tác bảo hộ thương mại cứng rắn để hàng Việt Nam không thể ồ ạt tràn vào thị trường Mỹ như trước đây. Cần nhắc lại, vào tháng 3/2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong “chế tài”.

Thậm chí vào lần này, CNN còn dẫn lời một quan chức Nhà Trắng cho biết “hai nhà lãnh đạo không tổ chức họp báo sau hội đàm”. 

Cuối cùng, có lẽ không thừa khi nhắc lại một tin tức đặc biệt của Reuters.

“30 ngàn đô la một tháng”

Hãng tin Reuters nói rằng để có được cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump tại Washington DC, chuyến đi khiến ông Phúc trở thành nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới thăm Toà Bạch ốc kể từ khi Hoa Kỳ có chính phủ mới, phía Việt Nam đã có một quá trình vận động từ trước đó rất lâu.

"Chuyến đi phản ánh kết quả của các cuộc trao đổi qua điện thoại, thư từ, các mối quan hệ ngoại giao và các chuyến thăm ở cấp thấp vốn đã được khởi động từ trước khi ông Trump nhậm chức tại Washington, nơi Việt Nam thuê một chuyên gia vận động hành lang (lobbyist) với mức chi phí là 30 ngàn đô la một tháng," - Reuters viết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét