Tướng Phạm Trường
Long của Trung Quốc - Getty
Images
Việc đoàn đại biểu quân sự cấp
cao Trung Quốc do Thượng tướng Phạm Trường Long, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ
tịch Quân ủy Trung ương, bất ngờ rút ngắn chuyến thăm dự kiến hai ngày
(18-19/6/2017) và về nước phản ánh việc Việt Nam và Trung Quốc đã 'không xử lý'
và 'không kiểm soát được' những 'bất đồng cơ bản', theo ý kiến nhà quan sát,
bình luận chính trị từ Việt Nam tại Bàn tròn thứ Năm của BBC.
Hôm 22/6, từ Hà Nội, Tiến sỹ Hà
Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas,
Singapore) nói với BBC Việt ngữ:
"Suy luận thì thấy là hai
bên gặp nhau ở Hà Nội không xử lý, không kiểm soát được những bất đồng cơ bản,
bởi vì Trung Quốc kiên quyết nói rằng những thứ đó (biển, đảo) là của Trung Quốc,
Việt Nam nói những thứ đó là của Việt Nam. Việt Nam luôn luôn tuyên bố như thế."
"Bất đồng cơ bản này là bất
đồng không có cách gì để mà thỏa hiệp được, cuối cùng một thời gian nữa cũng
nên tiến tới các biện pháp bằng pháp lý, tức là đưa nhau ra tòa. Có mỗi cách ấy,
không còn cách nào khác."
Trước đó, bình luận về tuyên bố của
phía Trung Quốc theo đó nói cuộc giao lưu quốc phòng Trung-Việt dự kiến từ trước
nhưng bị hủy là do 'sự sắp xếp công việc' trong lúc có nguồn tin nói chính phía
Việt Nam đã 'mời' đoàn Trung Quốc về nước sớm, ông Hà Hoàng Hợp, người đồng thời
cũng là thành viên nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS),
nói:
"Người ta nói thế thôi, người
ta không nói cụ thể và nói rõ ra, Việt Nam cũng không bao giờ nói cụ thể và nói
rõ cả, Trung Quốc người ta cũng làm thế..."
Và ông Hợp bình luận thêm:
"Xét về mặt văn hóa, người
Trung Quốc rất không thích chuyện bị mất mặt, Việt Nam không có ý định làm cho
bất kỳ ai mất mặt cả, cho nên vừa rồi Trung Quốc nói như thế về chuyện các đảo ở
Nam Hải (Biển Đông) là của Trung Quốc từ xưa, thì đó là một chuyện rất chướng
mà người Trung Quốc tự làm mình mất mặt."
"Tự làm mất mặt mình xong,
không nhận được một sự đồng thuận nào từ phía Việt Nam, thì đành phải bỏ tất cả
những cái khác, hoạt động khác và tuyên bố như vậy thôi."
'Đe dọa quân sự?'
Vẫn theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, việc
Tướng Phạm Trường Long đưa ra phát ngôn ngay tại Hà Nội nói tất cả 'đảo ở Nam Hải
đều của Trung Quốc' từ trong lịch sử, trong khi hiện diện một phái đoàn quân sự
cấp cao đông đảo như vậy, là một hành động 'trắng trợn', và về phương diện nào
đó là 'một sự đe dọa quân sự'. Ông nhấn mạnh:
"Đáng chú ý hơn là sự kiện
trên trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đăng rõ hẳn một bài rằng ông Phạm
Trường Long nói thẳng vào mặt các nhà lãnh đạo Việt Nam ở Hà Nội rằng các đảo ở
Nam Hải là của Trung Quốc từ xa xưa."
"Thực ra phía Trung Quốc người
ta vẫn nói chuyện này từ rất lâu, người ta nói, nhưng người ta không nói thẳng
kiểu ấy, người ta nói qua báo chí, người ta nói qua diễn đàn này nọ. Chúng ta nhớ
rằng cuộc thăm trước đây năm 2016 của Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Tập Cận Bình đến
Hà Nội ngày 15 tháng Mười Một, thì ông ấy rất là nhẹ nhàng."
"Nhưng ngày hôm sau ở
Singapore, có bài gọi là 'Singapore Lecture số 36', thì ông nói rất thẳng ra là
tất cả những gì ở ngoài biển, kể cả 'đường Lưỡi bò', kể cả đảo..., tất cả các đảo
là của Trung Quốc hết, có nghĩa là ngày 15/11 ông không nói gì với Việt Nam cả,
nhưng ngày 16/11, ông nói rất rõ ở Singapore như vậy,"
"Đây là lần đầu tiên báo
Trung Quốc cho đăng rằng ông Ủy viên Bộ Chính trị mà cũng đeo hàm Phó Chủ tịch
Quân ủy Trung ương nói ở Hà Nội với các nhà lãnh đạo Việt Nam như vậy, thì những
người bình thường nhất người ta hiểu đây là một sự nói thẳng một cách trắng trợn
và đây cũng gần như đồng nghĩa là một sự đe dọa quân sự."
"Bởi vì các ông là bộ đội,
các ông là quân sự hết, tôi chỉ nói như thế thôi và ý kiến này là đại diện cho
nhiều người bình thường đang ở trên đất nước Việt Nam này," ông Hà Hoàng Hợp
nói với Bàn tròn Thứ năm hôm 22/6 của BBC Tiếng Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét