"Xe bay" do hãng
Aeromobil chế tạo, được trưng bày tại khu Paris Air Lab, Triển lãm Le Bourget,
19/06/2017.REUTERS/Pascal Rossignol
Sau 4 ngày dành riêng cho giới
chuyên nghiệp và báo chí, ngày 23/06/2017, Triển lãm Hàng không và Không gian
Le Bourget lần thứ 52 ( diễn ra 2 năm một lần ) bắt đầu đón tiếp công chúng cho
đến ngày 25/06.
Cũng như mọi năm, Le Bourget thu
hút rất đông khách tham quan, vé bán trên mạng đã gần hết, ai chậm chân sẽ
không có dịp để vào chiêm ngưỡng tận mắt hàng trăm máy bay đủ các loại, trong
đó có một số kiểu máy bay mới, như A321neo và A350-1000 của tập đoàn châu Âu
Airbus hay Boeing 787-10 "Dreamliner" và 737 Max 9 của tập đoàn Mỹ
Boeing, hay Antonov 132 D của Nga.
Về các màn bay biểu diễn thì ngoạn
mục nhất vẫn là của các chiến đấu cơ phản lực và đặc biệt lần đầu tiên từ nhiều
năm qua, một chiến đấu cơ phản lực của Mỹ trở lại triển lãm Le Bourget, đó là
chiếc F-35A của Không lực Hoa Kỳ, do hãng Lockheed Martin chế tạo.
Nhưng ngoài những sự kiện quen
thuộc nói trên, năm nay, lần đầu tiên triển lãm Le Bourget dành riêng một khu để
giới thiệu những sáng chế mới trong ngành hàng không không gian. Khu này được đặt
tên là Paris Air Lab.
Paris Air Lab nằm trong gian triển
lãm Concorde của Bảo tàng Hàng không và Không gian, nơi trưng bày chiếc máy bay
siêu âm nay đã đi vào huyền thoại Concorde. Trong gian triển lãm rộng đến hơn
2.000 m2 này, không chỉ có những tập đoàn hay cơ quan lớn trong ngành không gian,
mà còn có cả những công ty khởi nghiệp start-up. Chẳng hạn như những công ty khởi
nghiệp Pháp tập hợp trong một nhóm có tên là VR Connection, chuyên về lĩnh vực
thực tế ảo. Có mặt tại Paris Air Lab, một đại diện của VR Connection giới thiệu
về máy mô phỏng lái trực thăng do họ thiết kế :
« Riêng cho Triển lãm Le Bourget,
chúng tôi đã chế tạo ra máy mô phỏng lái trực thăng này, tái tạo toàn bộ các cảm
giác trong buồng lái, dựa trên một cái ghế đặc biệt có 6 trục. Ngồi trong buồng
lái này chúng ta sẽ cảm nhận mọi sự chuyển động của trực thăng rất giống như thật.
Về nội dung thì chúng tôi thiết kế
một giao diện thực tế ảo với toàn bộ các bộ phận điều khiển trực thăng. Không
chỉ làm cho chúng ta có cùng những cảm giác của một phi công lái trực thăng, mà
máy mô phỏng này còn tạo ra những hình ảnh như thật bên ngoài buồng lái và tạo
ra những tình huống như chúng ta đang lái trực thăng thật.
Dự án này sẽ được thương mại hóa
trong vài tháng tới. Chúng tôi hiện đang thảo luận với các nhà công nghiệp để
tung ra thị trường. Máy mô phỏng lái trực thăng này sẽ được sử dụng trong lĩnh
vực dân sự lẫn quân sự, và cả trong lĩnh vực giải trí, vì ở Pháp hiện nay có rất
nhiều phòng thực tế ảo nằm rải rác khắp nơi. Chúng tôi sẽ đưa máy mô phỏng lái
trực thăng này vào thị trường giải trí đó để người sử dụng tận hưởng trải nghiệm
này. »
Máy mô phỏng lái trực thăng này
là một phần của lĩnh vực kỹ thuật số và những ứng dụng mới trong ngành hàng
không và không gian, theo lời đại diện của VR Connection :
« Tôi nghĩ là, trong lĩnh vực
hàng không và không gian, đây là một công nghệ rất cần thiết, vì có rất nhiều
khâu đào tạo và tập luyện không thể được tiến hành trên không và nhất là trong
không gian, mà phải cần đến kỹ thuật thực tế ảo, không cần dùng đến vật liệu
nào, không gây nguy hại cho người được đào tạo và thực tập. »
Paris Air Lab còn là nơi giới thiệu
những máy bay của tương lai, và vào đây thì khách tham quan sẽ trầm trồ thán phục
trước một kiểu « xe bay » y như trong phim khoa học giả tưởng. Thật ra thì chiếc
« xe bay » của công ty Slovaquie AeroMobil chưa hẳn là những chiếc xe bay đi
bay lại bên trên các đường phố như ta thấy trong phim, mà là những chiếc xe chạy
bình thường trên đường, nhưng có thể chuyển đổi thành máy bay để bay từ sân bay
này đến sân bay kia. Ông Hugues Le Cardianal, một đại diện của công ty
AeroMobil, giải thích :
« Đây không phải là chuyện khoa học
giả tưởng, mà đã là thực tế. AeroMobil là một công ty của Slovaquia, đã cho bay
thử 3 mẫu xe bay. Mẫu xe đầu tiên đã bay từ năm 2010, tức là cách đây 7 năm rồi.
Và chúng tôi đã thiết kế chiếc xe mà ông nhìn thấy trước mặt ông. Đây là một
chiếc xe đáp ứng những tiêu chuẩn, những quy định ngành hàng không lẫn ngành xe
hơi. Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là làm sao chiếc xe này được chứng nhận
là một máy bay, và được đăng ký như là xe hơi vào khoảng năm 2019. Chúng tôi dự
trù sẽ bắt đầu sản xuất ngay từ năm đó, để có thể giao những chiếc đầu tiên vào
năm 2020.
Như vậy là khác với những dự án
khác, chỉ chế tạo những mẫu xe bay mang tính chất nghiên cứu, chúng tôi không
còn trong giai đoạn nghiên cứu nữa, mà đã chuyển hẳn sang giai đoạn thiết kế,
đăng ký và sản xuất.
Chiếc xe bay này là giải pháp di
chuyển cho những đoạn đường dài khoảng 700 km. Nếu đi bằng xe bình thường thì rất
lâu, đi bằng máy bay nhỏ thì nhanh hơn nhiều, nhưng khi đáp xuống sân bay nhỏ,
ta lại phải tìm mướn một chiếc xe, mà sân bay nhỏ thường nằm ở những nơi hẻo
lánh, không dễ gì mà kiếm được xe.
Chiếc « xe bay » mà chúng tôi thiết
kế rất phù hợp cho những đoạn đường dài khoảng 700 km. Cụ thể là chúng ta lái
xe này đến sân bay, rồi chuyển xe hơi thành máy bay, tức là mở hai cánh bay và
cánh quạt ra, rồi cất cánh. Sau khi đáp xuống sân bay kia, chúng ta lại chuyển
máy bay trở lại thành xe hơi, rồi lái tới điểm đến.
Đây là một phương tiện giao thông
mới, và hiện giờ thì cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn phù hợp với phương tiện mới
này. Nhưng công ty AeroMobil của chúng tôi nghĩ tới khả năng là trong những năm
tới, dọc theo các xa lộ người ta sẽ xây « phi đạo » dài khoảng 400 mét để loại
xe mới này cất cánh và hạ cánh. »
Nhưng chiếc « xe bay » được trưng
bày tại Triển lãm Le Bourget chỉ là khởi đầu cho những dự án khác của công ty
AeroMobil trong tương lai, như lời ông Hugues Le Cardinal:
« Chiếc xe trước mặt chúng ta là
chiếc 2 chỗ. Chúng tôi sẽ sản xuất khoảng 500 chiếc như vậy, giá của nó vẫn còn
khá đắt. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi dự trù chế tạo những chiếc có kích thước
lớn hơn, phù hợp hơn với việc di chuyển trên đoạn đường 700 km. Ngoài ra, để sử
dụng loại xe này, ta phải có bằng lái xe và bằng lái máy bay.
Trong tương lai, chúng tôi còn có
dự án chế tạo những xe bay tự động vì hiện nay đã có rất nhiều công nghệ về máy
bay không người lái. Cái này thì còn là chuyện khoa học giả tưởng và hiện giờ,
tôi nghĩ là chắc chưa có ai sẳn sàng ngồi lên chiếc « xe bay » tự động, bấm nút
để nó tự cất cánh và hạ cánh. Nhưng nên nhớ rằng trong ngành chế tạo xe hơi,
người ta đang phát triển ngày càng nhiều kiểu xe tự động mà trong vài năm nữa,
chúng ta có thể sử dụng được. »
Đến với Paris Air Lab, khách tham
quan cũng sẽ có dịp tìm hiểu những phát triển mới trong ngành không gian, chẳng
hạn như qua dự án Altair, tức là dự án của châu Âu phóng các vệ tinh nhỏ với
chi phí rât thấp, một dự án đáp ứng rất đúng nhu cầu hiện nay. Dự án được thực
hiện bởi cơ quan ONERA, trực thuộc bộ Quân Lực ( Quốc Phòng ) Pháp. Ông Gérald
Ordonneau, giám đốc chương trình phóng vệ tinh của ONERA, cho biết :
« Từ mấy năm qua đã có nhiều thay
đổi lớn trong ngành không gian, với sự xuất hiện của rất nhiều vệ tinh cỡ nhỏ.
Cho nên rất cần phải giảm chi phí phóng vệ tinh qua việc thiết kế các hệ thống
có thể sử dụng lại được.
Có nhiều cách để sử dụng lại các
hệ thống phóng vệ tinh, chẳng hạn như qua hệ thống SpaceX của Mỹ, nhưng trong
khuôn khổ dự án của Pháp, chúng tôi phát triển những giải pháp khác thông qua dự
án Altair, chế tạo một hệ thống phóng vệ tinh, với tầng một là một máy bay tự động
có thể sử dụng lại được và tầng thứ hai là tên lửa cổ điển. Nhưng hệ thống này
gây rất ít ô nhiễm, vì với việc gia tăng phóng vệ tinh, chúng ta cũng phải chú
ý đến tác động môi trường. »
Còn theo lời cô Julie
Gauvrit-Ledogar, nhà khoa học của ONERA, chưa tới 10 năm nữa, hệ thống phóng vệ
tinh nói trên sẽ được đưa vào sử dụng :
« Trong khuôn khổ dự án Altair,
chúng tôi dự trù sẽ đưa các hệ thống phóng vệ tinh đó vào hoạt động vào khoảng
năm 2025. Hiện giờ chúng tôi đang trắc nghiệm tính kinh tế của dự án, để từ đó
tiến hành lập kế hoạch kinh doanh và nghiên cứu thị trường, để có thể tung ra
thị trường vào năm 2025.
Chúng tôi thực hiện dự án này
cùng với 7 đối tác châu Âu, như Piaggio của Ý,
SpaceTec của Bỉ, Đại học Bách khoa Zurich của Thụy Sĩ, Nammo của Na Uy. Ở
Pháp thì chúng tôi cộng tác với cơ quan nghiên cứu Bertin và Trung tâm Nghiên cứu
Không gian Quốc gia CNES. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác này hệ
thống phóng vệ tinh mới được đưa vào sử dụng. »
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét