Trong một cuộc biểu tình tại Đồng
Nai.
Ngày 21/6 vừa qua, trang mạng của
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đăng bài “Căng thẳng Việt - Trung”, trong đó có đoạn:
“Chuyên gia quốc tế lo ngại sẽ có đụng độ xảy ra trên biển Đông giữa Việt Nam
và Trung Quốc gần bãi Tư Chính, nơi tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Việt Nam vào năm
2011. Đây là lô dầu 136/03 mà Việt Nam mới đây bắt đầu cho thực hiện các hoạt động
khai thác dầu. Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc cho biết đã có
thông tin về việc Trung Quốc đã triển khai khoảng 40 tàu và máy bay vận tải Y-8
đến khu vực khai thác của Việt Nam.”
Đây không phải là lần đầu Trung
Quốc có động thái hăm doạ Việt Nam. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã không ít lần
hành xử như vậy, kể cả việc điều động quân đội, và đó là những diễn biến hết sức
nhạy cảm mà truyền thông chính thống của cả hai bên không bao giờ đưa tin. Kể từ
năm 1990 đến nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc không xảy ra thêm một vụ đụng độ
quân sự nào. Vì thế, người ta cũng không bao giờ biết được đầy đủ thông tin về
những lần Bắc Kinh “động binh” đe dọa Hà Nội, mà chỉ nghe phong phanh qua những
thông tin rò rỉ, hoặc qua những kênh thông tin không chính thức, trong bối cảnh
ngay từ năm 2008, Trung Quốc đã soạn thảo kế hoạch xâm lấn Việt Nam 31 ngày (*)
một cách bài bản và chi tiết.
Tại sao Trung Quốc hay đe dọa Việt
Nam?
Mặc dù bối cảnh diễn ra các vụ
căng thẳng ngoại giao khác nhau trong từng trường hợp cụ thể nhưng bản chất của
chúng thì gần như không thay đổi: Việt Nam muốn bảo vệ chủ quyền hay lợi ích quốc
gia hợp pháp của mình trước sự ức hiếp quá đáng của Trung Quốc. Chẳng hạn,
trong vụ căng thẳng đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận trong và ngoài
nước nói trên, Việt Nam từ trước tới nay luôn khẳng định khu vực bãi Tư Chính nằm
trong thềm lục địa của mình, không thuộc khu vực tranh chấp với bất kỳ quốc gia
nào. Ngược lại, phía Trung Quốc thì cho rằng khu vực đó nằm trong đường lưỡi
bò, vốn do họ tưởng tượng ra và bao trùm phần lớn Biển Đông, vì thế đó là khu vực
tranh chấp, cần “thương lượng, đàm phán” để “phân định”.
Việc Bắc Kinh lần này lại giở thủ
đoạn đe dọa quân sự với Việt Nam là bằng chứng cho thấy đây là “ngón võ” ưa
thích của họ, thường đem lại kết quả có lợi cho họ. Bởi chỉ cần một lần bị đe dọa
mà đối phương không tỏ ra nao núng thì kẻ hăm dọa đã cảm thấy ê chề, còn đối tượng
bị hăm doạ thì lại càng trở nên khinh nhờn, cứng đầu.
Tại sao Trung Quốc lại thường
thành công với thủ đoạn đe dọa sử dụng bạo lực với Việt Nam, và tại sao dù hai
bên đã không ít lần xảy ra căng thẳng nhưng kể từ năm 1990 đến nay chưa một vụ
đụng độ quân sự nào giữa hai bên được ghi nhận?
Xin thưa, lý do rất đơn giản.
Trong ban lãnh đạo Việt Nam luôn tồn tại ba xu hướng quan điểm – đó là xu hướng
“thân Tàu”, xu hướng “thân Mỹ, phương Tây” và xu hướng trung dung (không theo
Tàu mà cũng chẳng theo Tây). Trong ba xu hướng quan điểm này, xu hướng “thân
Tàu” hầu như luôn chiếm ưu thế, bằng chứng là kể từ sau Đại hội VI đến nay, các
vị Tổng Bí thư luôn thể hiện lập trường đó, trong khi đất nước thì ngày càng
rơi vào vòng cương tỏa của Bắc Kinh.
Dĩ nhiên, những người có lập trường
“thân Tàu” thì luôn sẵn sàng nhượng bộ các ông chủ Trung Nam Hải, hoặc ít nhất
là không phản đối trước những yêu sách của họ. Quan trọng hơn, Trung Quốc không
chỉ là chỗ dựa của phái “thân Tàu”, mà còn là chỗ dựa của cả chế độ cộng sản Việt
Nam. Vì thế, nếu Bắc Kinh phát động tấn công quân sự Việt Nam thì cộng sản Việt
Nam gần như chắc chắn sẽ sụp đổ. Trước viễn cảnh đó, việc Trung Quốc đe doạ tấn
công còn tác động đến tâm lý và làm lung lay lập trường của các thành viên có
quan điểm trung dung, thậm chí cả những người có xu hướng cấp tiến trong bộ
máy, bởi cho dù có căm ghét người láng giềng phương bắc “to xác, xấu bụng” đến
mấy đi nữa thì những ông “vua không ngai” này cũng không muốn chế độ sụp đổ để
rồi mọi quyền lực, bổng lộc bỗng chốc “một đi không trở lại”.
“Thấu hiểu” tâm lý đó nên mỗi khi
căng thẳng xảy ra, Trung Quốc thường hăm dọa tấn công Việt Nam, và kết quả là họ
gần như luôn đạt được điều mình mong muốn trong những lần đe dọa “động binh”,
tiến thêm một bước đến mục tiêu hiện thực hoá giấc mơ thôn tính Việt Nam vốn
cháy bỏng trong tâm can suốt hàng ngàn năm nay.
Vậy nếu Hà Nội không chịu không
chịu lùi bước thì Trung Quốc có dám đánh Việt Nam hay không?
Những yêu sách của Trung Quốc
trên Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, bất chấp cả bằng chứng lịch sử lẫn luật
pháp quốc tế. Vì vậy, Trung Quốc luôn yếu thế về mặt lý lẽ, và sức mạnh đáng kể
nhất của họ chính là quân sự. Mặc dù vậy, bản thân Bắc Kinh cũng rất ngại phải
dùng tới sức mạnh này. Bởi lẽ nếu họ đánh Việt Nam thì Hà Nội buộc phải ngả
sang Mỹ và phương Tây để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời cải tổ
hệ thống và dân chủ hoá đất nước để tự cường dân tộc, nếu không muốn bị dân
chúng vùng lên lật đổ trong một cuộc cách mạng bạo lực. Còn Mỹ và đồng minh,
cho dù không muốn bị cuốn vào một cuộc chiến trực diện kéo theo nhiều hậu quả
khó lường với Trung Quốc, cũng sẽ vì lợi ích thiết thân của mình mà ủng hộ Việt
Nam trong khả năng có thể. Chỉ chừng đó thôi đã cho thấy đây là một cuộc chiến
đầy rủi ro với Bắc Kinh, chưa kể phản ứng của các quốc gia trong khu vực và cộng
đồng quốc tế.
Tóm lại, chừng nào ban lãnh đạo
Việt Nam còn trùm lên đầu dân tộc cái vòng kim cô mang tên Marx-Lenin, chừng đó
các gọng kìm chính trị - kinh tế - quân sự mang nhãn hiệu Đại Hán vẫn dần siết
chặt dải đất hình chữ S, và khi đó thì Trung Quốc chẳng dại gì mà lại muốn “dạy
cho Việt Nam một bài học”.
Bất luận thế nào, khi đối tượng bị
doạ dẫm cứ im lặng chịu đựng một cách hèn nhát, bạc nhược để rồi đi tới đầu
hàng, nhượng bộ theo cách này hay cách khác thì quả thực là “ngu gì mà không doạ”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét