Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Vai trò của Tổng thống Philippines trong tầm nhìn châu Á của Trung Quốc

Trong bài diễn văn chính thức tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Phnom Penh hồi đầu tháng 5/2017, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố: “Tương lai của Philippines nằm ở ASEAB và châu Á”. Đối với ông Duterte, thế giới đang bước vào thời kỳ “hậu Mỹ”, mở đường cho tầm nhìn “châu Á của người châu Á”.



Mặc dù đang phải đối mặt sự phản đối mạnh mẽ trong nước, nhưng nhà lãnh đạo này vẫn thúc đẩy chính sách xoay trục sang hướng Đông, đặc biệt là Trung Quốc và, ở mức độ thấp hơn, với Nga. Hiện có hai yếu tố nằm ở trọng tâm trong chiến lược chính sách đối ngoại “Hướng Đông” của ông Duterte. Trước tiên là nỗi tức giận cá nhân ngày một tăng lên của ông Duterte trước những chỉ trích của phương Tây về chiến dịch chống ma túy tàn bạo của ông, điều có thể sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt. Thứ hai là sự cần thiết phải đa dạng hóa quan hệ chiến lược và kinh tế của Philippines vốn tập trung quá mức vào phương Tây và Nhật Bản.
Đa số vũ khí của Philippines (hơn 70%) tới từ Mỹ và phần lớn trong số đó là dựa trên công nghệ lỗi thời và định hướng phục vụ các chiến dịch chống bạo loạn và chống khủng bố.
Theo truyền thống, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp phần lớn Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA) và Đầu tư Trực tiếp Nước ngoài (FDI) tại Philippines. Ông Duterte rất quan tâm đến các vũ khí tiên tiến có giá thành phải chăng từ các nhà cung cấp khác như Nga và Trung Quốc. Là các thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bắc Kinh và Moskva có thể giúp bảo vệ ông Duterte trước sức ép bên ngoài và nguy cơ bị truy tố trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Nhà lãnh đạo Philippines cũng quan tâm đến việc tận dụng sự trợ giúp từ hai cường quốc này để ngăn chặn cướp biển và khủng bố ở vùng Sulu và biển Celebes, vốn đang bị tàn phá bởi một loạt chiến dịch bắt cóc và đòi tiền chuộc của các nhóm có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) như Abu Sayyaf.
Với khao khát được đa dạng hóa các nhà bảo trợ quốc tế, ông Duterte đã tiến hành các chuyến công du tới Bắc Kinh và Moskva trong tháng 5 này, với hy vọng thúc đẩy sự trợ giúp ngoại giao cũng như các thỏa thuận kinh tế và quốc phòng cụ thể. Trong khi chuyến thăm Nga sẽ giúp nâng tầm mối quan hệ lịch sử và cho phép ông Putin “chọc tức” Washington qua việc công khai “chèo kéo” đồng minh hiệp ước lâu đời của Mỹ ở Đông Nam Á, thì chuyến thăm Trung Quốc của ông Duterte lại có tầm quan trọng lớn hơn nhiều.
Tháng 4/2017, chính phủ Philippines công bố sáng kiến kinh tế “Dutertenomics” - một kế hoạch tham vọng nhằm cải tổ cơ sở hạ tầng công cộng ở quốc gia Đông Nam Á này. Tổng giá trị kế hoạch này được dự kiến là 167 tỷ USD trong vòng 5 năm tới - một con số quá lớn và không thể chỉ được chi trả từ các nguồn tài chính hạn hẹp trong nước. Nhật Bản và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) do Tokyo chi phối sẽ là các đối tác lớn khác trong dự án kinh tế khổng lồ của ông Duterte nhằm mở ra “thời kỳ hoàng kim” của phát triển cơ sở hạ tầng ở quốc gia này.
Với hy vọng Trung Quốc sẽ đóng vai trò đối tác chính trong chương trình phát triển quốc gia, ông Duterte tới thăm Trung Quốc lần thứ hai trong vòng chưa đầy một năm để tham dự hội nghị Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) tại Bắc Kinh, với sự tham gia của khoảng 100 nước, bao gồm 29 nhà lãnh đạo chính phủ.
Đông Nam Á được kỳ vọng sẽ là thành tố chính của “Con đường Tơ lụa Trên Biển”. Dưới thời nhà tiền nhiệm Benigno Aquino, Trung Quốc đã loại Philippines khỏi kế hoạch này do những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông. Trước sự thất vọng của Trung Quốc, ông Aquino đã kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài ở La Hay bởi hành vi khiêu khích của nước này ngay sát bờ biển Philippines.
Tuy nhiên, ngay sau khi ông Duterte “phất cờ trắng”, Bắc Kinh đã theo đuổi quốc gia Đông Nam Á này bởi coi họ là thành tố quan trọng trong kế hoạch cơ sở hạ tầng toàn cầu. Với BRI, Trung Quốc có thể đóng vai trò lớn hơn trong việc tái định hình bối cảnh kinh tế Philippines hơn bất kỳ quốc gia nào khác - và thậm chí cả Nhật Bản và phương Tây cộng lại - trong nhiều thập kỷ sắp tới.
Nếu xét tới khoản chi 8 nghìn tỷ USD cho cơ sở hạ tầng châu Á, nguồn lực hạn chế của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ADB - chưa kể sự quay trở lại của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ - phần lớn thế giới đang đón nhận, dù ở mức thận trọng, tầm nhìn kinh tế toàn cầu mới của Trung Quốc. Đến nay, ít nhất 60 quốc gia đã đăng ký tham gia BRI. Tuy nhiên, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch có trụ sở tại New York cảnh báo rằng dự án BRI dường như ít được thúc đẩy bởi “nhu cầu cơ sở hạ tầng thực sự và logic về thương mại” mà là bởi “các động cơ chính trị”.
Điều này đã được thấy rõ khi Bắc Kinh, bên lề hội nghị BRI, đã đề xuất cho quân đội Philippines (vốn có quan điểm thân Mỹ) vay 500 triệu USD để mua các vũ khí tiên tiến của Trung Quốc. Đây là “âm mưu” trực tiếp nhằm lôi kéo giới lãnh đạo quốc phòng Philippines, vốn vẫn nhìn Bắc Kinh bằng cái nhìn hoài nghi.
Sức cám dỗ từ các khoản đầu tư của Trung Quốc có thể lý giải một phần quyết định gần đây của ông Duterte, với tư cách Chủ tịch ASEAN, bảo vệ Trung Quốc trước những chỉ trích về hành động cải tạo có quy mô lớn trên Biển Đông - chưa kể tới quyết định giảm bớt hợp tác quân sự với Mỹ, đặc biệt ở vùng biển tranh chấp.
Lời đe dọa có chủ ý của Trung Quốc về chiến tranh với Philippines dường như đã thúc đẩy nhà lãnh đạo Philippines tìm kiếm “bản tạm ước” với nước khổng lồ châu Á. Bất chấp những quan ngại trong nước về các thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc, ông Duterte dường như đã xác định tham gia cái mà ông coi là “nền hòa bình kiểu Trung Hoa” ở châu Á. 

*
Tác giả Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế và khoa học chính trị tại Đại học De La Salle. Bài viết đăng trên "National Interest".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét