Trung tâm thương mại của Trung Quốc nhìn từ cửa khẩu Tân Thanh ở tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam chụp hôm 5/2/2009. AFP Photo
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa
Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 22 tỷ USD vào năm ngoái, chiếm 12,4% tổng kim
ngạch xuất khẩu của cả nước. Mặc dù Trung Quốc lâu nay là một trong những thị
trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam nhưng khi xuất khẩu sang nước này Việt
Nam thường xuyên phải chấp nhận giá bán rẻ mạt hơn khi xuất sang các quốc gia
khác.
Giá bán rẻ mạt
Một trong những mặt hàng được Việt
Nam xuất mạnh nhất sang Trung Quốc là khoáng sản. Tuy nhiên theo báo cáo của Tổng
cục hải quan, trong 5 tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc là bến đỗ của
hơn 3/4 lượng quặng xuất khẩu nhưng lại có mức giá rẻ gần gấp đôi mức giá mà Việt
Nam bán cho các thị trường khác.
Một doanh nghiệp xuất khẩu quặng
cho Trung Quốc, xin giấu tên, cho Đài Á Châu Tự Do biết:
Bên khoáng sản bọn tôi thì thường
khi Trung Quốc dôi nguồn hàng của các nước khác thì sẽ đẩy Việt Nam xuống. Khi
mà các nước khác không có thì mới chấp nhận giá Việt Nam ngang với giá thị trường.
Ví dụ ở châu Phi rẻ thì họ lấy hàng của châu Phi. Mà khi châu Phi rẻ thì họ ép
Việt Nam xuống. Mặt hàng quặng cũng vậy, nó mua được của Sri Lanka nhiều thì sẽ
cắt Việt Nam.
Thứ hai là chính sách vĩ mô, người
ta không cho xuất khẩu quặng thô nữa mà bắt phải chế biến sâu, mà Trung Quốc có
cần hàng chế biến sâu của Việt Nam đâu.
Mặc dù giá rẻ như vậy nhưng hiện
tại Việt Nam vẫn đang xuất 11.000 tấn quặng sang Trung Quốc mỗi ngày.
Theo dữ liệu của Cục Thuế xuất nhập
khẩu, thuộc Tổng cục Hải quan, hiện xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam
sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là quặng nhôm, quặng sắt, apatit và một số loại quặng
khoáng phục vụ trong ngành vật liệu xây dựng, xi măng.
Ngoài xuất khẩu quặng và khoáng sản,
hiện Việt Nam cũng xuất một lượng lớn dầu thô sang Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu
năm, lượng dầu thô mà Việt Nam xuất sang Trung Quốc chiếm 40% lượng dầu thô xuất
khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên giá bán cũng đang giảm so với các thị trường khác.
Đồ gỗ và thủy sản cũng là những mặt
hàng thường phải chấp nhận xuất sang Trung Quốc với giá rẻ hơn thị trường. Ông
Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho chúng tôi biết
nguyên nhân tình trạng này:
Thường thường yêu cầu chất lượng
của Trung Quốc thấp hơn yêu cầu của các thị trường khác như EU, Mỹ, Nhật Bản,…Ngoài
ra cự ly vận chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc cũng gần hơn rất nhiều, cho nên
chi phí vận tải thấp hơn. Tiếp theo là số lượng Việt Nam có thể xuất sang Trung
Quốc thường là lớn hơn.
Một số nguyên nhân khác cũng gây ảnh
hưởng đến giá cả khi xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc, theo ông Hoài, là do sản xuất
quá nhiều, gây lượng hàng tồn đọng lớn nên các doanh nghiệp phải “bán tống bán
tháo” với giá rẻ hơn. Đôi khi, các doanh nghiệp cũng phải xuất khẩu để thăm dò
thị trường, chào hàng hoặc có các mặt hàng gỗ quý nhưng Trung Quốc đột ngột dừng
mua nên cần bán giá rẻ hơn để tiêu thụ.
Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm
2017 tiếp tục là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch
đạt 32,76 tỷ USD.
Tuy nhiên cũng trong năm nay, thị
trường Trung Quốc đã cho người nông dân Việt Nam một “cú đấm đau” khi đột ngột
ngừng mua heo, khiến giá thành heo ở Việt Nam xuống mức thấp kỷ lục trên toàn
thế giới. Trong khi đó người dân vẫn phải vay ngân hàng để mua thức ăn cho heo
vì không bán được. Hàng loạt các chương trình “giải cứu người nuôi heo” được
chính người dân và chính phủ xây dựng lên để giúp đỡ bà con trong cảnh khốn
cùng. Cuối tháng 4 vừa rồi, bộ Nông nghiệp Việt Nam đã phải sang Trung Quốc để
“cầu cứu” xuất khẩu thịt heo sang nước này.
Trước đó, những người dân trồng
chuối ở Đồng Nai, hay trồng chanh dây ở Gia Lai nói với chúng tôi rằng họ lâm
vào tình cảnh dở khóc dở cười khi bị thương lái Trung Quốc ép giá, thậm chí là
ngừng mua. Chanh leo có thời kỳ lên đến 52.000 đồng/kg nhưng đã giảm chỉ còn
10.000 đồng/kg.
Vẫn phải bán!
Đáp lại câu hỏi của chúng tôi rằng
vì sao thị trường Trung Quốc thường xuyên nhập hàng của Việt Nam với giá rẻ như
vậy nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu một lượng rất lớn, chuyên gia kinh tế,
tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết:
Là vì hiện nay nó mang lại lợi
nhuận rất lớn cho những người xuất khẩu mà thị trường trong nước khả năng không
tiêu thụ được thì người ta phải đưa sang bên kia thôi.
Ông đánh giá nguyên nhân chính
khiến Việt Nam mặc dù rất muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước khác như khối
EU chẳng hạn để được giá thành cao hơn nhưng không thể là do chất lượng sản phẩm
Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn của họ.
Chỉ tính riêng mặt hàng gạo, năm
ngoái Cục Chế biến Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết chỉ trong
vòng 4 năm qua Việt Nam đã bị Mỹ trả về khoảng 10.000 tấn gạo vì dư lượng chất
bảo vệ thực vật. Cũng tính từ năm 2014 đến giữa năm 2015 đã có gần 32.000 tấn
thủy sản bị các nước bạn hàng trả về do nhiễm bệnh và dư lượng kháng sinh.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cho rằng về
lâu dài, việc tiếp tục xuất khẩu với giá rẻ sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt
Nam:
Nếu mà là tài nguyên thì sẽ khiến
nguồn tài nguyên cạn kiện đi do xuất khẩu thô. Thứ hai là chất lượng sản phẩm
kém và giá thấp như vậy sẽ làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Ngô Sỹ Hoài Phó tổng thư ký
Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, cho rằng riêng đối với mặt hàng gỗ Việt Nam vẫn
cần phải tận dụng thị trường Trung Quốc là vì họ giải quyết một số lượng hàng lớn
cho Việt Nam:
Nói chung chúng ta cũng đang đa dạng
hóa thị trường. Thực sự Việt Nam cũng đang xuất khẩu nhiều đồ mộc sang châu Âu
nhưng thị trường châu Âu có rất nhiều rào cản và cũng không thể tiêu thụ hết
các mặt hàng gỗ Việt Nam làm ra. Ngoài ra thị trường Trung Quốc có một đặc điểm
là họ tiêu thụ rất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, mặt hàng từ các loại gỗ quý
hiếm mà giá trị cao. Cho nên chúng ta phải tận dụng thế mạnh của từng thị trường.
Hàng Việt đưa sang Trung Quốc hiện
đang được hưởng thuế suất ưu đãi trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự
do Trung Quốc – ASEAN, nhưng Bắc Kinh vẫn áp dụng thuế giá trị gia tăng 13%-17%
với Việt Nam, và đó cũng là một nguyên do khiến sức cạnh tranh về giá của sản
phẩm Việt giảm đi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét