Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Tập Cận Bình được thêm một cơ hội

Ngô Nhân Dụng


Khi Tổng Thống Donald Trump mới chấp chánh, ông đã tặng Tập Cận Bình một món quà bất ngờ, qua việc xé bỏ Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác. Tập Cận Bình sung sướng mời các nước trong vùng hợp tác thương mại theo kế hoạch RCEP, và cổ động ồn ào cho kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Bây giờ, ông Trump lại tặng Tập Cận Bình một món quà khác, khi rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Ước Bảo Vệ Môi Trường ở Paris. Từ năm 2015 đã có 195 nước ký tên, chỉ hai nước khác đứng ngoài là Syria và Nicaragua.

Ông Trump đã từng viết trên Twitter từ năm 2012, tố cáo rằng, “Ý tưởng trái đất đang bị hâm nóng là do người Trung Hoa bầy đặt ra để công nghiệp nước Mỹ khó cạnh tranh, cho họ được lợi.” Cũng như nhiều người bảo thủ khác, ông không tin vào các cuộc nghiên cứu khoa học khám phá ra khí quyển đang tăng nhiệt độ vì công nghiệp thải thán khí ngày càng nhiều. Các công nghiệp đó dùng than đá và dầu lửa.

Ngược lại, có 18 hội khoa học Mỹ đồng ý rằng bầu khí quyển đang nóng lên vì loài người đốt nhiều dầu và than đá. Ngay sau lời tuyên bố của ông Trump, 30 vị thị trưởng các đô thị lớn ở Mỹ, ba thống đốc tiểu bang, 80 vị chủ tịch các đại học và hàng trăm doanh nghiệp Mỹ trong đó có Walmart, General Mills, IBM, General Electric,… tuyên bố họ sẽ tiếp tục tôn trọng các thỏa thuận trong hiệp ước Paris. Ông Trump nêu lý do quyết định rút khỏi Hiệp Ước Paris là vì ông muốn giúp các thành phố công nghiệp, ông nêu tên thành phố Pittsburgh. Nhưng chính thị trưởng thành phố này đã phản đối quyết định của ông tổng thống.

Nhưng tiếng nói đáng kể nhất là từ các công ty dầu lửa khổng lồ cũng phản đối ông Trump. Hai công ty lớn, ExxonMobil và ConocoPhilips, đều yêu cầu nước Mỹ tiếp tục tôn trọng hiệp ước này; ngoại trưởng Mỹ từng là tổng giám đóc ExxonMobil.

Trước đây vài chục năm, các công ty dầu lửa thường đứng đầu trong việc phản đối các luật lệ bảo vệ môi trường, vì họ muốn bảo vệ thị trường bán dầu, không muốn các xí nghiệp dùng dầu lửa chịu thêm tốn kém khi phải hạn chế số khí thải theo luật lệ. Nhưng năm nay chính những công ty này đã đổi ý kiến.

Tại sao các hãng dầu lại đồng ý với một hiệp ước ngăn ngừa khí thải do dầu lửa gây ra? Chính vì lý do lợi nhuận.

Những nhà kinh doanh này biết rằng cả thế giới dã ý thức không thể tiếp tục thải khí hâm nóng trái đất. Và họ thấy cả loài người đang nỗ lực đi tìm những nguồn “năng lượng sạch.” Những cuộc tìm kiếm năng lượng sạch sẽ thay đổi đời sống thế giới trong vài ba chục năm nữa. Sẽ đến lúc chi phí khi dùng năng lượng sạch rẻ bằng, hay rẻ hơn đi mua dầu! Chính các đại công ty này muốn tự chuyển hóa, chính họ đang tìm kiếm những phương pháp tạo năng lượng sạch, để tiếp tục giữ vai trò thống ngự trong kinh tế thế giới. Nếu không, trong một, hai thế hệ nữa các công ty như Shell hoặc ExxonMobil sẽ trở thành những con khủng long lỗi thời! Ông giám đốc công ty Shell nhận định: “Năng lượng thế giới đang thay đổi, đây là một tiến trình không thể ngăn lại được.”

Vậy tại sao Tổng Thống Donald Trump lại nghĩ nước Mỹ không cần lo việc ngăn ngừa bớt khí thải? Lý do chính vì ông đã hứa hẹn với các cử tri ủng hộ ông, trong đó có các công nhân mỏ than đã hoặc đang mất việc. Ông đã bổ nhiệm một nhà vận động hành lang của các mỏ than làm giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường EPA!

Nhưng việc rút khỏi Hiệp Ước Paris không thể giúp hàng trăm ngàn công nhân mỏ than quay trở lại làm việc! Số công việc trong mỏ than đã giảm bớt hai phần ba, từ năm 1948 đến 1970, là năm thành lập EPA, khi phong trào bảo vệ môi trường sống lên cao. Lý do chính là vì các công ty mỏ đã dùng máy móc thay thế sức lao động tay chân, và máy móc mỗi ngày một tinh xảo, thay thế lao động nhiều hơn. Một công ty Mỹ không dùng máy sẽ bị các công ty Mỹ khác đẩy bật ra khỏi thị trường. Ngoài ra, các nguồn năng lượng sạch như khí đốt, năng lượng mặt trời, và gió đã tiến bộ khiến cho chi phí ngày càng xuống thấp, tất cả sẽ cạnh tranh với than đá. Thời đại huy hoàng của các mỏ than không thể nào trở lại!

Hơn nữa, dù không rút khỏi Hiệp Ước Paris, nước Mỹ cũng không bị ràng buộc gì, vì tất cả những thỏa thuận trong đó đều chỉ có giá trị khuyến cáo, không bắt buộc! Chính Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra điều này khi ông lên tiếng ủng hộ việc Mỹ rút khỏi Hiệp Ước Paris, và ông còn kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ hãy ủng hộ ông Trump! Nga là một nước sản xuất than đá nhiều nhất thế giới, nhưng chính ông Putin không rút!

Tóm lại, quyết định của Tổng Thống Trump chỉ có tính chất tượng trưng, nhằm giữ lời hứa với khối cử tri đã nhiệt liệt ủng hộ ông, cố trấn an họ cho đến cuộc tranh cử năm 2020. Dù tới năm đó họ còn thất nghiệp, nhưng vẫn thấy ông Trump luôn luôn tạo công việc làm cho họ, dù có thành sự thật hay không. Ông Trump nhất quyết chống khuynh hướng toàn cầu hóa, đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết. Mặc dù quyết định của ông có hậu quả ngược lại!

Kết quả có thể trái ngược với điều ước mong của ông Trump. Vì nước Mỹ càng tách ra khỏi thế giới bên ngoài thì các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc có thể nhảy vào chiếm chỗ trống.

Tập Cận Bình đang thấy một cơ hội mới mở ra cho Cộng Sản Trung Quốc!

Đầu năm nay, tại Davos, Thụy Sĩ, Tập Cận Bình đã hô hào hai điều mà ông Trump chối bỏ: Tự do mậu dịch, và bảo vệ môi trường. Trong ngày ông Trump họp báo tuyên bố rút ra khỏi Hiệp Ước Paris, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Trường đang gặp Thủ Tướng Merkel tại Đức. Hai người đã bắt tay, cùng bày tỏ quyết tâm thi hành Hiệp Ước Paris. Trong cuộc công du của ông Trump vừa qua, ông đã làm lãnh đạo các nước Tây Âu bất mãn vì không tuyên bố lời nào về trách nhiệm bảo vệ các nước NATO khi bị Nga tấn công; cũng không đồng ý thi hành Hiệp Ước Paris, hai điều mà họ mong mỏi. Trong cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Cộng, Tổng Thống Trump đã bỏ trống hai lãnh vực, tự do mậu dịch và bảo vệ môi trường, Tập Cận Bình sẽ có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo!

Nhưng mối lợi của Trung Cộng không chỉ có tính cách “tượng trưng” về mặt ngoại giao. Cơ hội lớn cho Trung Cộng, cũng như các nước Âu Châu, là họ sẽ được lợi khi nước Mỹ bỏ cuộc, họ sẽ phát triển các ngành khoa học, kỹ thuật năng lượng sạch, còn gọi là năng lượng xanh! Đây là một thị trường lớn, trị giá ước lượng $1,400 tỷ. Cả thế giới đang tiến về hướng đó, trừ các công ty mỏ than.

Khi nói tới kỹ thuật “năng lượng xanh” thì không phải chỉ có những cánh quạt chong chóng xoay theo gió, hay các phiến hứng ánh sáng mặt trời, để biến thành điện. Còn rất nhiều ngành nghiên cứu và sản xuất lớn hơn. Sức mạnh kinh tế của Mỹ nằm trong phát minh, sáng chế.Số sáng chế trong những ngành “nguyên liệu xanh,” ngành gia tăng hiệu quả khi dùng năng lượng, và ngành giao thông, vận tải, mỗi ngành chiếm 18% trong tổng số các bằng sáng chế. Ngành kỹ thuật “tồn trữ năng lượng” cũng chiếm 15%.

Từ năm 2011, chính phủ Mỹ đã cấp 186,500 “bằng sáng chế” (patents) về kỹ thuật năng lượng sạch. Năm 2001 nước Mỹ chỉ cấp dưới 15,000 bằng sáng chế về năng lượng xanh, đến năm 2016, đã cấp 32,000 bằng. Năm 2001, nước Mỹ chiếm 47% các bằng sáng chế về năng lượng sạch, lớn ngang con số ở các nước khác cộng lại. Nhưng đến năm 2016, các công ty Mỹ chỉ chiếm 39%, còn 51% thuộc các công ty lớn ngoại quốc. Các công ty nước khác cũng nhập cuộc, cuộc chạy đua ngày càng gay gắt!

Trong đời sống kinh tế hiện đại, bằng sáng chế là tiền! Những công ty như Apple, IBM làm giầu nhờ các “sản phẩm tri thức” này. Cuộc cách mạng tin học bùng phát từ nước Mỹ nhờ các bằng sáng chế. Trong tương lai một công nghiệp nhiều triển vọng nhất chính là năng lượng sạch. Mỹ có thể đứng đầu thế giới trong phạm vi này nếu dấn thân nghiên cứu và phát triển. Khi rút ra khỏi Hiệp Ước Paris, các công ty Mỹ sẽ không còn được khuyến khích tiếp tục đi trên con đường đó nữa.

Trong khi đó, Trung Cộng đang nỗ lực đuổi theo Mỹ, không những trong lãnh vực tin học, trí thông minh nhân tạo (một ngành kinh tế lớn khác trong tương lai), mà ngay trong ngành năng lượng sạch. Mấy năm gần đây, 90% số phiến hứng nắng bán trên thế giới đều “made in China,” dù hiệu quả thấp hơn hàng Mỹ nhưng rẻ tiền hơn nhiều. Những phiến hứng nắng chỉ là thứ hàng dễ làm, rẻ, không kiếm lời bao nhiêu. Kỹ thuật năng lượng sạch sẽ còn những khả năng lớn hơn gấp bội. Những món hàng như xe chạy bằng điện kiếm lời vượt bực. Vì vậy, công ty Tesla, mới thành lập năm 2003, có lúc trị giá cao hơn tất cả các công ty xe hơi của Mỹ với hàng trăm năm lịch sử. Ông chủ tịch công ty này đã rút khỏi ủy ban kinh tế của Tòa Bạch Ốc sau quyết định của Tổng Thống Trump.

Trung Cộng đang chạy nước rút để kịp nước Mỹ. Năm ngoái, Bắc Kinh đã đầu tư $88 tỷ vào ngành năng lượng “tái dụng,” cao nhất thế giới, trong đó có $32 tỷ đầu tư ở nước ngoài. Họ sẽ chi ra $361 tỷ Mỹ trong 4 năm tới, mà hiện nay họ chiếm 17% số đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch. Theo tổ chức Greenpeace, mỗi giờ trong lục địa Trung Hoa lại có một cây chong chóng biến điện được dựng lên. Mỗi tiếng đồng hồ lại lắp những phiến thu ánh nắng rộng bằng một sân đá banh.

Trung Cộng có đầy lý do để đầu tư cải thiện năng lượng, vì đó là nước không khí và nước dùng ô nhiễm nhất thế giới. Năm 1988 không ai ở Trung Quốc chuyên môn về vấn đề khí hậu thay đổi, không một cơ quan nào trong chính phủ đo lường số khí thải trong không khí! Hiện nay họ đã đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ cắt 49% đến 45% số khí thải, và nhiều người tin rằng họ sẽ đạt được sớm hơn.

Công nghiệp năng lượng cả thế giới đang chuyển hóa. Nếu nước Mỹ không tiếp tục dẫn đầu thì Châu Âu và Trung Cộng sẽ giành lấy chỗ!

Trong cuộc họp G-7 tại thành phố Taormina, nước Ý, vừa qua, khi các nhà lãnh đạo sáu nước khác cùng đi bộ mấy trăm mét dạo thăm khu phố cổ kính, tổng thống Mỹ là người duy nhất đi phía sau bằng xe chạy điện ở sân Golf. Ông Trump có lý do chính đáng: ông lớn tuổi hơn các ông Trudeau (Canada) hay Macron (Pháp) rất nhiều.

Nhưng so với các nước kia, trừ Canada, nước Mỹ vẫn là quốc gia trẻ nhất! Người Mỹ không thể đi bộ trong khi các nước khác chạy. Nước Mỹ không thể bỏ cuộc trong ngành nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch. Trung Cộng đang sẵn sàng chiếm chỗ!



Khi Tổng Thống Donald Trump mới chấp chánh, ông đã tặng Tập Cận Bình một món quà bất ngờ, qua việc xé bỏ Hiệp Ước Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác. Tập Cận Bình sung sướng mời các nước trong vùng hợp tác thương mại theo kế hoạch RCEP, và cổ động ồn ào cho kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Bây giờ, ông Trump lại tặng Tập Cận Bình một món quà khác, khi rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Ước Bảo Vệ Môi Trường ở Paris. Từ năm 2015 đã có 195 nước ký tên, chỉ hai nước khác đứng ngoài là Syria và Nicaragua.


Ông Trump đã từng viết trên Twitter từ năm 2012, tố cáo rằng, “Ý tưởng trái đất đang bị hâm nóng là do người Trung Hoa bầy đặt ra để công nghiệp nước Mỹ khó cạnh tranh, cho họ được lợi.” Cũng như nhiều người bảo thủ khác, ông không tin vào các cuộc nghiên cứu khoa học khám phá ra khí quyển đang tăng nhiệt độ vì công nghiệp thải thán khí ngày càng nhiều. Các công nghiệp đó dùng than đá và dầu lửa.

Ngược lại, có 18 hội khoa học Mỹ đồng ý rằng bầu khí quyển đang nóng lên vì loài người đốt nhiều dầu và than đá. Ngay sau lời tuyên bố của ông Trump, 30 vị thị trưởng các đô thị lớn ở Mỹ, ba thống đốc tiểu bang, 80 vị chủ tịch các đại học và hàng trăm doanh nghiệp Mỹ trong đó có Walmart, General Mills, IBM, General Electric,… tuyên bố họ sẽ tiếp tục tôn trọng các thỏa thuận trong hiệp ước Paris. Ông Trump nêu lý do quyết định rút khỏi Hiệp Ước Paris là vì ông muốn giúp các thành phố công nghiệp, ông nêu tên thành phố Pittsburgh. Nhưng chính thị trưởng thành phố này đã phản đối quyết định của ông tổng thống.

Nhưng tiếng nói đáng kể nhất là từ các công ty dầu lửa khổng lồ cũng phản đối ông Trump. Hai công ty lớn, ExxonMobil và ConocoPhilips, đều yêu cầu nước Mỹ tiếp tục tôn trọng hiệp ước này; ngoại trưởng Mỹ từng là tổng giám đóc ExxonMobil.

Trước đây vài chục năm, các công ty dầu lửa thường đứng đầu trong việc phản đối các luật lệ bảo vệ môi trường, vì họ muốn bảo vệ thị trường bán dầu, không muốn các xí nghiệp dùng dầu lửa chịu thêm tốn kém khi phải hạn chế số khí thải theo luật lệ. Nhưng năm nay chính những công ty này đã đổi ý kiến.

Tại sao các hãng dầu lại đồng ý với một hiệp ước ngăn ngừa khí thải do dầu lửa gây ra? Chính vì lý do lợi nhuận.

Những nhà kinh doanh này biết rằng cả thế giới dã ý thức không thể tiếp tục thải khí hâm nóng trái đất. Và họ thấy cả loài người đang nỗ lực đi tìm những nguồn “năng lượng sạch.” Những cuộc tìm kiếm năng lượng sạch sẽ thay đổi đời sống thế giới trong vài ba chục năm nữa. Sẽ đến lúc chi phí khi dùng năng lượng sạch rẻ bằng, hay rẻ hơn đi mua dầu! Chính các đại công ty này muốn tự chuyển hóa, chính họ đang tìm kiếm những phương pháp tạo năng lượng sạch, để tiếp tục giữ vai trò thống ngự trong kinh tế thế giới. Nếu không, trong một, hai thế hệ nữa các công ty như Shell hoặc ExxonMobil sẽ trở thành những con khủng long lỗi thời! Ông giám đốc công ty Shell nhận định: “Năng lượng thế giới đang thay đổi, đây là một tiến trình không thể ngăn lại được.”

Vậy tại sao Tổng Thống Donald Trump lại nghĩ nước Mỹ không cần lo việc ngăn ngừa bớt khí thải? Lý do chính vì ông đã hứa hẹn với các cử tri ủng hộ ông, trong đó có các công nhân mỏ than đã hoặc đang mất việc. Ông đã bổ nhiệm một nhà vận động hành lang của các mỏ than làm giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường EPA!

Nhưng việc rút khỏi Hiệp Ước Paris không thể giúp hàng trăm ngàn công nhân mỏ than quay trở lại làm việc! Số công việc trong mỏ than đã giảm bớt hai phần ba, từ năm 1948 đến 1970, là năm thành lập EPA, khi phong trào bảo vệ môi trường sống lên cao. Lý do chính là vì các công ty mỏ đã dùng máy móc thay thế sức lao động tay chân, và máy móc mỗi ngày một tinh xảo, thay thế lao động nhiều hơn. Một công ty Mỹ không dùng máy sẽ bị các công ty Mỹ khác đẩy bật ra khỏi thị trường. Ngoài ra, các nguồn năng lượng sạch như khí đốt, năng lượng mặt trời, và gió đã tiến bộ khiến cho chi phí ngày càng xuống thấp, tất cả sẽ cạnh tranh với than đá. Thời đại huy hoàng của các mỏ than không thể nào trở lại!

Hơn nữa, dù không rút khỏi Hiệp Ước Paris, nước Mỹ cũng không bị ràng buộc gì, vì tất cả những thỏa thuận trong đó đều chỉ có giá trị khuyến cáo, không bắt buộc! Chính Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã nêu ra điều này khi ông lên tiếng ủng hộ việc Mỹ rút khỏi Hiệp Ước Paris, và ông còn kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ hãy ủng hộ ông Trump! Nga là một nước sản xuất than đá nhiều nhất thế giới, nhưng chính ông Putin không rút!

Tóm lại, quyết định của Tổng Thống Trump chỉ có tính chất tượng trưng, nhằm giữ lời hứa với khối cử tri đã nhiệt liệt ủng hộ ông, cố trấn an họ cho đến cuộc tranh cử năm 2020. Dù tới năm đó họ còn thất nghiệp, nhưng vẫn thấy ông Trump luôn luôn tạo công việc làm cho họ, dù có thành sự thật hay không. Ông Trump nhất quyết chống khuynh hướng toàn cầu hóa, đặt quyền lợi nước Mỹ lên trên hết. Mặc dù quyết định của ông có hậu quả ngược lại!

Kết quả có thể trái ngược với điều ước mong của ông Trump. Vì nước Mỹ càng tách ra khỏi thế giới bên ngoài thì các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc có thể nhảy vào chiếm chỗ trống.

Tập Cận Bình đang thấy một cơ hội mới mở ra cho Cộng Sản Trung Quốc!

Đầu năm nay, tại Davos, Thụy Sĩ, Tập Cận Bình đã hô hào hai điều mà ông Trump chối bỏ: Tự do mậu dịch, và bảo vệ môi trường. Trong ngày ông Trump họp báo tuyên bố rút ra khỏi Hiệp Ước Paris, Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Trường đang gặp Thủ Tướng Merkel tại Đức. Hai người đã bắt tay, cùng bày tỏ quyết tâm thi hành Hiệp Ước Paris. Trong cuộc công du của ông Trump vừa qua, ông đã làm lãnh đạo các nước Tây Âu bất mãn vì không tuyên bố lời nào về trách nhiệm bảo vệ các nước NATO khi bị Nga tấn công; cũng không đồng ý thi hành Hiệp Ước Paris, hai điều mà họ mong mỏi. Trong cuộc chạy đua giữa Mỹ và Trung Cộng, Tổng Thống Trump đã bỏ trống hai lãnh vực, tự do mậu dịch và bảo vệ môi trường, Tập Cận Bình sẽ có cơ hội đóng vai trò lãnh đạo!

Nhưng mối lợi của Trung Cộng không chỉ có tính cách “tượng trưng” về mặt ngoại giao. Cơ hội lớn cho Trung Cộng, cũng như các nước Âu Châu, là họ sẽ được lợi khi nước Mỹ bỏ cuộc, họ sẽ phát triển các ngành khoa học, kỹ thuật năng lượng sạch, còn gọi là năng lượng xanh! Đây là một thị trường lớn, trị giá ước lượng $1,400 tỷ. Cả thế giới đang tiến về hướng đó, trừ các công ty mỏ than.

Khi nói tới kỹ thuật “năng lượng xanh” thì không phải chỉ có những cánh quạt chong chóng xoay theo gió, hay các phiến hứng ánh sáng mặt trời, để biến thành điện. Còn rất nhiều ngành nghiên cứu và sản xuất lớn hơn. Sức mạnh kinh tế của Mỹ nằm trong phát minh, sáng chế.Số sáng chế trong những ngành “nguyên liệu xanh,” ngành gia tăng hiệu quả khi dùng năng lượng, và ngành giao thông, vận tải, mỗi ngành chiếm 18% trong tổng số các bằng sáng chế. Ngành kỹ thuật “tồn trữ năng lượng” cũng chiếm 15%.

Từ năm 2011, chính phủ Mỹ đã cấp 186,500 “bằng sáng chế” (patents) về kỹ thuật năng lượng sạch. Năm 2001 nước Mỹ chỉ cấp dưới 15,000 bằng sáng chế về năng lượng xanh, đến năm 2016, đã cấp 32,000 bằng. Năm 2001, nước Mỹ chiếm 47% các bằng sáng chế về năng lượng sạch, lớn ngang con số ở các nước khác cộng lại. Nhưng đến năm 2016, các công ty Mỹ chỉ chiếm 39%, còn 51% thuộc các công ty lớn ngoại quốc. Các công ty nước khác cũng nhập cuộc, cuộc chạy đua ngày càng gay gắt!

Trong đời sống kinh tế hiện đại, bằng sáng chế là tiền! Những công ty như Apple, IBM làm giầu nhờ các “sản phẩm tri thức” này. Cuộc cách mạng tin học bùng phát từ nước Mỹ nhờ các bằng sáng chế. Trong tương lai một công nghiệp nhiều triển vọng nhất chính là năng lượng sạch. Mỹ có thể đứng đầu thế giới trong phạm vi này nếu dấn thân nghiên cứu và phát triển. Khi rút ra khỏi Hiệp Ước Paris, các công ty Mỹ sẽ không còn được khuyến khích tiếp tục đi trên con đường đó nữa.

Trong khi đó, Trung Cộng đang nỗ lực đuổi theo Mỹ, không những trong lãnh vực tin học, trí thông minh nhân tạo (một ngành kinh tế lớn khác trong tương lai), mà ngay trong ngành năng lượng sạch. Mấy năm gần đây, 90% số phiến hứng nắng bán trên thế giới đều “made in China,” dù hiệu quả thấp hơn hàng Mỹ nhưng rẻ tiền hơn nhiều. Những phiến hứng nắng chỉ là thứ hàng dễ làm, rẻ, không kiếm lời bao nhiêu. Kỹ thuật năng lượng sạch sẽ còn những khả năng lớn hơn gấp bội. Những món hàng như xe chạy bằng điện kiếm lời vượt bực. Vì vậy, công ty Tesla, mới thành lập năm 2003, có lúc trị giá cao hơn tất cả các công ty xe hơi của Mỹ với hàng trăm năm lịch sử. Ông chủ tịch công ty này đã rút khỏi ủy ban kinh tế của Tòa Bạch Ốc sau quyết định của Tổng Thống Trump.

Trung Cộng đang chạy nước rút để kịp nước Mỹ. Năm ngoái, Bắc Kinh đã đầu tư $88 tỷ vào ngành năng lượng “tái dụng,” cao nhất thế giới, trong đó có $32 tỷ đầu tư ở nước ngoài. Họ sẽ chi ra $361 tỷ Mỹ trong 4 năm tới, mà hiện nay họ chiếm 17% số đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch. Theo tổ chức Greenpeace, mỗi giờ trong lục địa Trung Hoa lại có một cây chong chóng biến điện được dựng lên. Mỗi tiếng đồng hồ lại lắp những phiến thu ánh nắng rộng bằng một sân đá banh.

Trung Cộng có đầy lý do để đầu tư cải thiện năng lượng, vì đó là nước không khí và nước dùng ô nhiễm nhất thế giới. Năm 1988 không ai ở Trung Quốc chuyên môn về vấn đề khí hậu thay đổi, không một cơ quan nào trong chính phủ đo lường số khí thải trong không khí! Hiện nay họ đã đặt chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ cắt 49% đến 45% số khí thải, và nhiều người tin rằng họ sẽ đạt được sớm hơn.

Công nghiệp năng lượng cả thế giới đang chuyển hóa. Nếu nước Mỹ không tiếp tục dẫn đầu thì Châu Âu và Trung Cộng sẽ giành lấy chỗ!

Trong cuộc họp G-7 tại thành phố Taormina, nước Ý, vừa qua, khi các nhà lãnh đạo sáu nước khác cùng đi bộ mấy trăm mét dạo thăm khu phố cổ kính, tổng thống Mỹ là người duy nhất đi phía sau bằng xe chạy điện ở sân Golf. Ông Trump có lý do chính đáng: ông lớn tuổi hơn các ông Trudeau (Canada) hay Macron (Pháp) rất nhiều.

Nhưng so với các nước kia, trừ Canada, nước Mỹ vẫn là quốc gia trẻ nhất! Người Mỹ không thể đi bộ trong khi các nước khác chạy. Nước Mỹ không thể bỏ cuộc trong ngành nghiên cứu và phát triển năng lượng sạch. Trung Cộng đang sẵn sàng chiếm chỗ!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét