Nguồn: “How Australia has gone 25 years without a
recession”, The Economist, 16/03/2017
Các cuộc cải cách đã giúp nền kinh tế chịu đựng được các chu
kỳ bùng nổ và suy thoái.
Quặng sắt của bang Tây Australia và than của Queensland là
trung tâm của sự bùng nổ ngành khai thác mỏ gần đây của Australia, được nhóm
lên bởi sự tăng trưởng nóng của ngành sản xuất thép Trung Quốc. Tại đỉnh cao
vào khoảng 5 năm trước đây, đầu tư vào khai thác mỏ chiếm đến 9% GDP toàn quốc.
Nhưng khi đầu tư bắt đầu giảm vào năm 2013, nợ của Tây Australia đã tăng vọt. Ở
mức 6,5%, tỷ lệ thất nghiệp của bang này giờ đây là mức cao nhất của Australia.
Nếu theo cùng một mô hình với những cuộc bùng nổ trước đó, tình hình của Tây
Australia sẽ lan rộng trên cả nước và kết thúc bằng một cuộc suy thoái toàn quốc.
Tuy nhiên, tăng trưởng của nền kinh tế vẫn nguyên vẹn, kéo dài 25 năm mà không
có bất cứ một cuộc suy thoái nào. Làm thế nào Australia đạt được kỳ tích vốn đã
thách thức hầu hết các quốc gia giàu có khác?
Các đợt bùng nổ khai thác mỏ của Australia trong hơn 160 năm
qua đã làm cho đất nước này cảm nhận được sự giàu có và tự tin khi chúng còn diễn
ra. Người lao động kiếm được nhiều tiền, và điều này mang lại sự thịnh vượng
cho các vùng đất xa xôi sản xuất vàng, than đá, khí đốt và các mặt hàng khác.
Các cuộc suy thoái theo sau gần như tất cả những cuộc bùng nổ trước đó, kể cả đợt
bùng nổ gần đây nhất, vào những năm 1980, chủ yếu bởi vì sự biến động mạnh đã tỏ
ra là một cú sốc quá lớn cho một nền kinh tế được điều tiết cao. Khi tăng trưởng
âm được ghi nhận trong quý III/2016, một số người dự đoán về sự khởi đầu của một
cuộc suy thoái khác (mà theo lý thuyết được định nghĩa là hai quý liên tiếp
tăng trưởng âm). Tuy nhiên tăng trưởng đã quay trở lại trong quý IV. Ngân hàng
Dự trữ Australia, ngân hàng trung ương, dự báo một tỷ lệ tăng trưởng vào khoảng
3% trong năm nay và năm kế tiếp.
Nền kinh tế đã trải qua những thay đổi quan trọng kể từ những
năm 1980. Ngân hàng trung ương hiện nay có quyền tự thiết lập lãi suất mà không
bị can thiệp về mặt chính trị, và tỷ giá hối đoái không còn bị cố định nữa. Khi
sự bùng nổ suy yếu, ngân hàng đã cắt giảm tỷ lệ lãi suất cơ bản từ 4,75% trong
năm 2011 xuống còn 1,5% vào năm ngoái. Giá trị của đồng đô la Australia đã giảm
xuống còn 0,76 đô la Mỹ, từ mức cao nhất là 1,1 đô la Mỹ cách đây sáu năm. Những
yếu tố này đã cho phép các bang lâu đời và đông dân hơn như New South Wales và
Victoria tham gia vào giải quyết vấn đề của nền kinh tế: đầu tư vào các ngành
công nghiệp khác ngoài khai thác mỏ đã tăng lên khoảng 10% mỗi năm tại New
South Wales từ năm 2013. Victoria là bang có mức gia tăng dân số cao nhất của
Australia, từ cả nguồn di cư trong nước và nước ngoài. Các doanh nghiệp bị ảnh
hưởng bởi đồng tiền có giá trị cao trong thời kỳ bùng nổ khai thác mỏ nay có thể
xuất khẩu hàng hoá của mình dễ dàng hơn. Đối với du khách và sinh viên nước
ngoài, Australia là một nơi rẻ hơn để đến thăm.
Nền kinh tế linh hoạt hơn này vẫn phải đối mặt với các thử
thách. Tăng trưởng ổn định hơn ở Trung Quốc đã giúp giá hàng hóa phục hồi sau
những đợt sụt giảm khá mạnh. Nhưng lần này, các công ty khai thác khoáng sản có
thể sẽ không tham gia vào một cuộc bùng nổ đầu tư khác và tuyển dụng thêm nhiều
nhân công. Giá cả cao hơn có thể sẽ không kéo dài. Triển vọng kinh tế của Trung
Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Australia, vẫn là “nguồn gốc chính của sự
bất ổn” đối với ngân hàng trung ương. Mặc dù vậy, cho đến nay, khả năng của
Australia trong việc đổi mới sau những đợt bùng phát và suy giảm đang mang lại
những kết quả tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét