Một phụ nữ gánh hàng rong đi qua
một pano tuyên truyền Đại hội đảng toàn quốc trên đường phố Hà Nội ngày 15
tháng 1 năm 2016. AFP photo
Niềm tin đang mất dần
Trong những ngày diễn ra các
phiên chất vấn của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14 vừa qua, một số đại biểu Quốc
hội đặt câu hỏi liên quan đến niềm tin của người dân đối với nhà nước và Đảng.
Ngày 15 tháng 6, Đại biểu Quốc hội
Phạm Thị Minh Hiền, Phú Yên bấm nút đăng ký chất vấn Phó Thủ tướng Thường trực
Trương Hoà Bình về những vấn đề liên quan đến các công trình dự án lớn đang
thua lỗ hoặc đắp chiếu. Phần chất vấn của vị đại biểu này được kết thúc bởi câu
hỏi:
“Chính phủ đặt tâm thế của mình
vào đâu để hành động khi mà kỷ cương phép nước, quyền lợi của người dân vẫn
không được chú trọng. Chính phủ có cần đến niềm tin của người dân nữa hay
không. Các thành viên Chính phủ có cam kết gì về lộ trình cho những giải pháp
đã đề ra, để những cam kết này sẽ là lời hứa “ba mặt một lời” trước cử tri, để
Quốc hội giám sát tối cao?”
Phát ngôn của đại biểu Phạm Thị
Minh Hiền được truyền thông trong nước xem là một trong những chất vấn gây ấn
tượng nhất trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá 14.
Chưa đầy 72 giờ đồng hồ sau đó, tại
phát biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đại
biểu Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi "Đất rừng mà
còn bị mang đi bán thì trồng rừng bằng niềm tin hay sao?”.
Thực tế không phải chỉ riêng hai
vị đại biểu Quốc hội trên chất vấn về cách quản lý điều hành của nhà nước trong
lĩnh vực kinh tế, môi trường đã gây ảnh hưởng mạnh đến niềm tin của người dân đối
với Đảng và nhà nước, mà ngay chính từng người dân trong xã hội cũng đang cho
thấy họ đang mất dần niềm tin vào một đội ngũ lãnh đạo.
Từ môi trường
Hơn một năm nay, cái tên Formosa
gần như chiếm lĩnh toàn bộ nội dung đăng tải trên mạng xã hội và hơn nữa là sự
quan tâm của người dân Việt Nam trong và ngoài nước, kể cả quốc tế.
Thảm hoạ môi trường biển do
Formosa gây ra từ tháng 4 năm ngoái cho đến nay, theo người dân vùng biển bốn tỉnh
miền Trung, cuộc sống của họ vẫn chưa thể trở lại như trước. Tuy nhiên, Ban Chỉ
đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung của chính phủ cho biết hoạt động
sản xuất kinh doanh và đời sống người dân trên địa bàn 4 tỉnh miền Trung đã cơ
bản ổn định.
Khi được hỏi về lời nhận định
trên, trả lời phóng viên đài của chúng tôi, một người dân tên Hùng một người
dân làm nghề kinh doanh thực phẩm cung cấp cho các tàu cá ở Vũng Áng, Hà tĩnh
nói rằng:
“À Thủ tướng nói như thế nhưng
tôi nghĩ chưa có gì đâu, ở Việt Nam mình họ cứ nói “trên mây dưới mưa như thế”.
Chương trình thời sự nói biển tắm được ở ngoài kia, nhưng tôi cảm thấy nước vẫn
độc.”
Một người dân khác có tên Quang ở
Kỳ Anh - Hà Tĩnh, vốn là thợ lặn từng làm việc cho Công ty Forrmosa. Anh cũng
chính là nạn nhân của thảm họa biển nhiễm độc và phải nằm viện điều trị một thời
gian dài chia sẻ suy nghĩ của anh:
“Họ nói như thế để cho thấy không
có việc gì xảy ra, tôi nghĩ không có biển sạch, cá thì vẫn có lùm xùm vẫn ra biển
đi làm kiếm cá được, song bán cá họ mua với giá cá héo. Trên thực tế nước biển
vẫn nhiễm nặng, không sinh hoạt được, nước biển vẫn nhiễm đấy.”
Cho đến quản lý hành pháp
Cách đây khoảng hai tháng, một diễn
diến được cho là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cận đại của Việt Nam sau
1975, đó là người dân thôn Hoành, Đồng Tâm Mỹ Đức thể hiện sự phản kháng của họ
đối với vấn đề cưỡng chế đất đai, đền bù, khiếu kiện bằng hành vi bắt giữ 38
cán bộ và công an làm con tin.
Mâu thuẫn được giải quyết bằng cuộc
đối thoại chưa từng có giữa người dân và nhà cầm quyền, và kết thúc bằng một bản
cam kết cũng chưa từng có trong lịch sử hành pháp và tư pháp của Việt Nam, đó
là bản cam kết viết tay của chính ông chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức
Chung cùng với chữ ký của những vị đại biểu Quốc hội làm người đại diện.
Trong ba nội dung của bản cam kết
thì ở nội dung thứ hai, ông Chung cam kết không truy cứu trách nhiệm hình sự
người dân Đồng Tâm.
Thế nhưng ngày 13 tháng 6 vừa
qua, Công an Thành phố Hà Nội quyết định khởi tố hình sự vụ Đồng Tâm.
Chính điều này đã từng tạo nên một
làn sóng giận dữ từ người dân trong nước vì họ cho là ông Nguyễn Đức Chung
không giữ đúng lời đã cam kết.
Theo một số những người theo dõi
sự việc Đồng Tâm, họ cho rằng quyết định khởi tố vụ Đồng Tâm đã làm cho niềm
tin của người dân vào Đảng và nhà nước ngày mất đi nhiều hơn.
Một độc giả có tên Nguyễn Kiến
Nghị, từ Việt Nam chia sẻ với chúng tôi:
“Nếu phải nêu ra một thời điểm
khi mọi việc bắt đầu trở nên "càng ngày càng" tệ, tôi sẽ không ngần
ngại chỉ rõ là thời điểm đảng chủ trương "đổi mới". Muốn giải quyết tận
gốc của vấn đề, đảng cần dẹp "đổi mới". "Đổi mới" làm gì
khi dân càng ngày càng mất tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội, vào lý tưởng Cộng Sản
của Chủ tịch Hồ Chí Minh & sự lãnh đạo của đảng?”
Khi được hỏi về niềm tin của người
dân Đồng Tâm nói riêng và người dân Việt Nam nói chung sau câu chuyện thôn
Hoành có bị lay chuyển hay không, Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động xã hội từ Đà Nẵng
cho chúng tôi biết ý kiến của anh.
“Dĩ nhiên đây cũng là đánh giá chủ
quan của tôi, nhưng thông qua một số phát biểu của những dân làng Đồng Tâm,
trong đó có những người tôi biết và có mối quan hệ cá nhân thì có vẻ như niềm
tin của họ bị sa sút rất nhiều”.
Còn đó niềm tin?
Trong câu chuyện Đồng Tâm, niềm
tin của người dân thôn Hoành được nhìn nhận không phải từ kiến thức pháp lý, mà
từ việc quyền lợi đất đai của họ được ông Nguyễn Đức Chung giải quyết bằng những
lời hứa trên một bản cam kết viết tay.
Thế nhưng, khi những cam kết đó
không bảo vệ được họ, thì niềm tin của họ đối với Đảng và nhà nước có còn hay
không? Cho đến thời điểm này, cụ Lê Đình Kình, người được xem là thủ lĩnh của
dân làng Đồng Tâm vẫn khẳng khái trả lời rằng “chúng tôi tin tưởng hoàn toàn
vào Đảng”.
“Quan điểm của tôi, có Đảng là có
tất cả chứ không phải có con cháu là có tất cả.”
Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận
thấy trong sự việc Đồng Tâm, niềm tin của người dân được họ đặt trên cả luật
pháp, và anh gọi đó là “những niềm tin còn sót lại”.
Còn theo quan điểm của một luật
sư trong nước, ông nói rằng niềm tin của người dân cả nước đang nhìn vào Đồng
Tâm như một tấm gương. Đồng Tâm được giải quyết như thế nào, niềm tin của họ
vào Đảng và nhà nước sẽ như thế ấy. Tấm gương ấy phản ảnh tất cả mọi sự việc
liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau trong xã hội.
Những khía cạnh ấy, ít nhiều, có
lẽ đã được hai nữ đại biểu Quốc hội, bà Phạm Thị Minh Hiền từ Phú Yên và bà
Ksor Phước Hà (Ksor H’Bơ Khăp) Gia Lai đặt ra trong kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá
14.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét