BTQP Mỹ James Mattis đến đọc diễn văn tại Đối thoại
Shangri-La lần thứ 16 ở Singapore, ngày 3/6/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hoan nghênh các nỗ
lực hợp tác của Trung Quốc với cộng đồng quốc tế về vấn đề Bắc Hàn tại diễn đàn
an ninh thường niên ở Singapore hôm thứ Bảy. Tuy nhiên, về vấn đề Biển Đông,
ông miêu tả việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo tại đó, bất
chấp trật tự quốc tế, là điều không thể chấp nhận.
Trong bài diễn văn đọc trước các đại biểu và giới truyền
thông tham dự cuộc đối thoại Shangri-La, ông Mattis nói:
"Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động của Trung
Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên luật
lệ vốn phục vụ tất cả các nước có mặt hôm nay tại diễn đàn này, kể cả và đặc biệt,
là Trung Quốc".
Ông Mattis nói trong khi sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế
lớn nhất thế giới chắc chắn sẽ có, nhưng xung đột không nhất thiết phải xảy ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói: "Xây dựng đảo nhân tạo và
quân sự hóa các sơ sở trên các thực thể trong lãnh hải quốc tế, phương hại đến
sự ổn định khu vực". Ông lưu ý rằng việc Trung Quốc củng cố quân sự các
căn cứ trên những đảo nhân tạo, khác biệt với những gì các nước khác đã làm.
Ông Mattis nói cách tiếp cận của Bắc Kinh không chỉ khác biệt
về mặt bản chất của các động thái vũ trang các đảo nhân tạo, mà còn về thái độ
của Bắc Kinh, "coi thường pháp luật quốc tế, không tôn trọng lợi ích của
các quốc gia khác, cũng như cố gắng của Trung Quốc gạt sang một bên tiến trình
giải quyết ôn hòa các vấn đề liên quan".
Trung tướng He Lei, Phó Giám Đốc Học viện Khoa học Quân sự
Trung Quốc và cũng là người đứng đầu đoàn Trung Quốc tại các cuộc họp ở
Shangri-La, đã thẳng thừng bác bỏ những tố cáo của ông Mattis. Tướng He nói
Trung Quốc đã ký kết hơn 23.000 hiệp định song phương và 400 hiệp định đa
phương, đồng thời tham gia vào tất cả các ủy ban đặc biệt của Liên Hiệp Quốc.
Ông He nói:
"Trung Quốc là một nước ủng hộ và bảo vệ các quy tắc và
quy định quốc tế cũng như khu vực, nhưng khi định nghĩa các quy tắc quốc tế, cần
phải dựa trên những gì mà đa số các nước đồng ý, và đại diện cho các lợi ích của
đa số".
Ông He nói thêm rằng điều đó cũng áp dụng cho các quy tắc và
quy định khu vực. Ông lưu ý những tiến bộ hồi gần đây của Trung Quốc cùng với
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong việc soạn thảo một thỏa thuận khung cho
một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.
Ông nêu bật vai trò của Trung Quốc tham gia hình thành Công
ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996.
Tuy nhiên, ông He không đề cập đến việc Bắc Kinh bác bỏ phán
quyết của Toà Trọng tài thường trực La Haye về vấn đề Biển Đông hồi năm ngoái.
Phán quyết của tòa bác bỏ lập luận của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền
lịch sử trên hầu hết tuyến hàng hải đang trong vòng tranh chấp gay gắt trong
khu vực.
Từ khi lên nhậm chức, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đặt
vấn đề Bắc Hàn vào thứ tự ưu tiên hàng đầu, và trong bài phát biểu của mình, Bộ
trưởng Quốc phòng Mattis lặp lại mối quan ngại của chính quyền Tổng thống Trump
về mối nguy rõ rệt và hiện hữu do Bắc Hàn đặt ra cho khu vực và xa hơn nữa.
Đối thoại
Shangri-La: ‘Mỹ sẽ không mang lợi ích của các đồng minh ra làm con bài để mà cả’.
Bộ trưởng Mattis nói:
"Cùng với những tuyên bố liều lĩnh, chương trình của Bắc
Hàn hiện nay thể hiện rõ ý định của nước này muốn thủ đắc tên lửa đạn đạo có khả
năng mang đầu đạn hạt nhân, kể cả các phi đạn liên lục địa, vốn đặt ra những mối
đe dọa trực tiếp và tức thời đối với các đồng minh trong khu vực, các đối tác của
chúng ta, và cả thế giới".
Những phát biểu gay gắt của ông Mattis đã xóa tan phần nào
những suy đoán của một số người rằng chính quyền hiện nay duy trì sự im lặng về
vấn đề Biển Đông để đổi lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong việc đối phó với
Bình Nhưỡng.
Bộ trưởng Mattis tuyên bố Hoa Kỳ sẽ không mang những lợi ích
của các đồng minh ra làm những con bài để mà cả.
Không giải thích chi tiết, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho
biết là các nước đang làm việc để đề ra những biện pháp trừng phạt mới, được
tăng cường, đồng thời tăng nỗ lực ngoại giao để gây áp lực đối với Bắc Hàn.
Nhưng ông nói thêm rằng bên cạnh lời nói và sự hỗ trợ, hành động của tất cả các
bên liên quan cũng cần thiết.
Ông nói:
"Chính quyền của ông Trump được khích lệ bởi cam kết mới
của Trung Quốc trong nỗ lực hợp tác với cộng đồng quốc tế hướng tới phi hạt
nhân hóa bán đảo Triều Tiên."
Ông nói: “Rốt cuộc, Mỹ tin rằng Trung Quốc sẽ nhận ra rằng Bắc
Triều Tiên là một gánh nặng chiến lược chứ không phải là một tài sản. Gánh nặng
ấy đã làm tăng sự bất hòa và khiến các dân tộc yêu chuộng hòa bình trong khu vực,
phải tăng chi tiêu quốc phòng”.
Trong khi các quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh ngày càng
trở nên lạnh nhạt hơn trong những năm gần đây dưới quyền Kim Jong-Un, Trung Quốc
vẫn là đồng minh và là nước ủng hộ lớn nhất của Bắc Hàn. Một số nhà phân tích
cho rằng Bắc Kinh không thực sự muốn giải quyết vấn đề này, vì họ e rằng làm
như vậy có thể dẫn tới một nước Triều Tiên thống nhất, và mặc nhiên đặt Hoa Kỳ
ngay tại cửa ngõ phía đông bắc của Trung Quốc.
Mặc dù vậy, những lời đe doạ và các cuộc thử nghiệm phi đạn
liên tục của lãnh tụ Kim Jong Un đang làm xói mòn sự hỗ trợ dành cho Bắc Hàn ở
Trung Quốc. Và trong nước này đang xuất hiện những lời kêu gọi ngày càng gay gắt
hơn, đòi Bắc Kinh phải có phản ứng quyết liệt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét