Chủ Nhật, 26 tháng 3, 2017

Trung Quốc cưỡng chế tu viện Tây Tạng để "uốn nắn ý thức hệ"

Thụy My’s Blog



Larung Gar tức Lạc Nhược Hương, khu vực tu viện nổi tiếng của Tây Tạng đang bị chính quyền Bắc Kinh âm thầm giải tỏa.

Trong bài phóng sự « Chính sách xe ủi đất tại Larung Gar », Le Monde cuối tuần cho biết từ đầu thập niên 80, các ni sư và người hành hương đổ xô đi viếng tu viện Phật giáo Tây Tạng nổi tiếng trên vùng núi cao ở Tứ Xuyên. Hiện tượng này khiến chính quyền Trung Quốc không hài lòng. Từ một năm qua, Bắc Kinh âm thầm cho trục xuất cư dân và cưỡng chế phá dỡ nhà cửa vùng này, nhân danh « các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội ».
Larung Gar tức Lạc Nhược Hương trong chữ Hán, là hàng ngàn ngôi nhà nhỏ bé làm bằng những thân gỗ tròn và xi-măng, sơn màu đỏ tía, gắn chi chít vào sườn núi như những hàng ghế của rạp xiếc. Những khung cửa sổ lớn chiếm lĩnh mặt tiền nhà, như những đôi mắt mở to quan sát.

Khu vực tu viện Tây Tạng Lạc Nhược Hương nằm ở độ cao 4.200 mét, nhìn xuống thung lũng Sertar, tỉnh Tứ Xuyên, sẽ không còn mang bộ mặt xinh đẹp này bao lâu nữa. Sau nhiều năm tương đối nương tay, nay chính quyền Trung Quốc muốn siết lại cộng đồng Phật giáo đông đảo có 10.000 đến 20.000 thành viên. Và họ muốn hành động lặng lẽ không nhân chứng, đặc biệt là người ngoại quốc.


Lệnh trục xuất đã được đưa ra, để giảm số cư dân xuống còn 5.000, và quy hoạch lại toàn bộ khu tu viện hầu hết là người Tây Tạng. Những cơ sở du lịch đang được xây dựng ở đồng bằng phía dưới. Việc cưỡng chế cư dân và phá dỡ các ngôi nhà đã bắt đầu từ giữa năm 2016, một cách bí mật. Tổ chức phi chính phủ Free Tibet ước lượng có khoảng 6.700 người đã bị cưỡng bức di dời, 1.500 căn nhà bị ủi sập.

Sự hung hãn này nhắc nhở rằng các tôn giáo, chứ không chỉ Phật giáo Tây Tạng, đã trở thành đáng ngờ dưới mắt ông Tập Cận Bình, vốn muốn áp đặt « lòng ái quốc » và trung thành với « các giá trị cơ bản của chủ nghĩa xã hội » - có nghĩa là với Đảng. Nhất là Lạc Nhược Hương có vẻ gây phiền phức khi có ảnh hưởng đạo đức ngày càng rộng lớn tại vùng đất người Tây Tạng đã từng xảy ra làn sóng phản kháng năm 2008, rồi 146 vụ tự thiêu từ 2009 đến nay – mới nhất là một vụ ngày 18/03/2017.

Các đạo sư ở đây tuy vậy vẫn cố gắng giữ khoảng cách với Đạt Lai Lạt Ma. Tu viện Lạc Nhược Hương nổi tiếng thuộc Ninh Mã phái (Nyingma), một trong năm phái cổ xưa nhất của Phật giáo Tây Tạng, và có nhiều học giả lỗi lạc.

Phóng viên Le Monde cho biết người ngoại quốc hầu như không thể lọt vào được khu vực Lạc Nhược Hương : một trạm gác kiểm soát ngày đêm tất cả xe cộ đi vào Sertar. Hoặc phải đợi lúc lính gác lơ đễnh, hoặc đi đường bộ lên núi. Trong cuộc thâm nhập hồi tháng Hai, một bãi đất trống cho thấy năm, sáu ngôi nhà mới bị phá dỡ ; xung quanh con đường dẫn lên trung tâm, nhiều nhà bị ủi sập.

Khu vực Lạc Nhược Hương đang bị cưỡng chế giải tỏa. Ảnh của tibet.fr
Nhà bị ủi sập, tăng ni phải đi học tập cải tạo

Theo Human Rights Watch, việc cưỡng chế ở Lạc Nhược Hương hết sức độc đoán. Các tài liệu bị rò rỉ trình bày việc di dời là nhiệm vụ « uốn nắn ý thức hệ ». Trong một video của Free Tibet có cảnh các ni cô Tây Tạng bị đưa lên những chiếc xe buýt theo từng địa phương khác nhau, trước những đồng đạo đang khóc lóc. Mỗi người bị cưỡng chế đều bị buộc phải viết ra giấy là « ủng hộ chủ trương của chính quyền đối với tu viện ». Họ còn phải cam kết « không có bất cứ hành động nào chống chính phủ, không lan truyền tin đồn », « tự nguyện về quê và không bao giờ quay lại Lạc Nhược Hương ».

Chưa hết : các tăng ni bị cưỡng chế còn phải theo học các lớp « giáo dục ái quốc » khi về đến nguyên quán, có nghĩa là bị tẩy não. Cuối 2016, một video trên Twitter cho thấy một nhóm ni cô bị tại Khu tự trị Tây Tạng mặc quân phục, buộc phải hát « Người Hán và người Tây Tạng đều là con của Mẹ tổ quốc Trung Hoa ». Trại cải tạo này tập trung khoảng 800 ni cô, được công an canh gác.

Trước đây tu viện Lạc Nhược Hương được nương tay nhờ Ninh Mã phái được chính quyền coi là phi chính trị - không thuộc Đạt Lai Lạt Ma, mà theo Cách Lỗ phái (Gelug). Nhưng đến năm 2001, thời Giang Trạch Dân một quan chức đảng ở Tây Tạng cảm thấy sốc vì số lượng người Hán theo học ở đây, đã báo cáo lên trung ương. Tất cả các tỉnh được lệnh phải gởi các nhóm công tác đến buộc người của địa phương mình trở về, và đã có một số vụ tự tử. Sau đợt cưỡng chế đầu tiên, Lạc Nhược Hương dần dần mở rộng trở lại.

Trú ẩn trong Phật giáo cũng là một hình thức phản kháng của người Tây Tạng. Lạc Nhược Hương còn khuyến khích bảo vệ ngôn ngữ Tây Tạng, soạn ra tự điển thích ứng với thời hiện đại để tránh vay mượn từ tiếng Hoa, chống đô hộ văn hóa của Bắc Kinh.

Cuộc chiến ý thức hệ có thể thấy rõ trên cao nguyên Garze. Những panô to đùng dựng bên đường kêu gọi phải « Biết ơn Đảng, yêu thương Mẹ Tổ quốc », những chữ Hán khổng lồ chiếu lên vách núi câu khẩu hiệu của Tập Cận Bình « Cùng kiến tạo giấc mơ Trung Hoa ». Bên cạnh đó, một thông điệp tiếng Tây Tạng kêu gọi người sáng lập Lạc Nhược Hương : « Hỡi đạo sư Jigme Phuntsok, hãy phù hộ cho chúng con ». Câu nói như một lời kêu cứu. Những con đường rộng rãi và những vòng xoay vừa mới vạch ra, đang chờ đợi một thành phố được xây dựng lên.

Trung Quốc hớn hở vì được ứng viên cực tả Pháp ca ngợi 

Cũng liên quan đến Trung Quốc, tuần báo L’Obs trong bài « Mélenchon, người Pháp đã vinh danh tư tưởng Mao » cho biết theo ứng cử viên tổng thống cực tả Pháp Jean-Luc Mélenchon, Trung Quốc lại là hình mẫu mà nước Pháp phải noi gương. Bài trả lời phỏng vấn này của chủ tịch đảng « Nước Pháp Bất Khuất » đã được báo chí nhà nước Trung Quốc hớn hở đăng lại, và lan tràn trên hàng ngàn trang mạng ở Hoa lục.

Tác giả Ursula Gauthier mỉa mai nhận định, ông Mélanchon yêu thích những người chống đối lại đàn áp, với điều kiện kẻ « đàn áp » là Mỹ và đồng minh. Ngược lại, những ai phản đối Nga và Trung Quốc đều bị ông coi là tay sai của đế quốc Mỹ.

Chẳng hạn như Tây Tạng. Năm 2008, khi thế giới nổi lên phong trào tẩy chay rước đuốc Thế vận hội Bắc Kinh, Jean-Luc Mélanchon lại lớn tiếng đả kích Đạt Lai Lạt Ma là « thủ lãnh tôn giáo phản đối khai hóa », « người bảo vệ charia (luật Hồi giáo) của đạo Phật », « người chủ trương độc lập sắc tộc muốn trục xuất 100 triệu người Hoa khỏi Tây Tạng ».

Một người Tây Tạng biểu tình trước ĐSQ TQ tại New Delhi nhân 58 năm TQ chiếm Tây Tạng, 10/03/2017.
Cuộc bầu cử tổng thống lần này mang lại cho ứng viên cực tả cơ hội mới để làm vui lòng Bắc Kinh. Trong video ngày 13 tháng Giêng, khi bình luận về cuộc điện đàm giữa Donald Trump và bà Thái Anh Văn, ông so sánh thần tượng dân chủ Đài Loan với chính khách cực hữu Pháp Marine Le Pen. Nhưng bài trả lời phỏng vấn dài đăng trên tờ Nouvelles d’Europe (tờ báo do Bắc Kinh kiểm soát) hồi tháng 9 năm ngoái mới làm Trung Quốc hởi lòng hởi dạ nhất. Ông Mélanchon gọi Đạt Lai Lạt Ma là người muốn « cắt mất của Trung Quốc một phần tư lãnh thổ », « gây ra một cuộc chiến vĩ đại vô nghĩa ».

Ông tuyên bố : « Nền văn minh Trung Quốc xứng đáng được cả hành tinh chọn lựa. Trung Quốc phải là đối tác ưu tiên của Pháp, vì kỹ nghệ, công nghệ, khoa học và phát triển văn hóa của Trung Quốc đã đạt đến mức siêu việt », cho biết ông rất chờ đợi Bắc Kinh lãnh đạo thế giới.

Đúng là khúc hát thiên cung dành cho các quan lại đỏ ! Bài phỏng vấn được tất cả các trang mạng của chính phủ Trung Quốc đăng lại. Hình ứng viên cực tả Pháp được đặt trên nền đỏ, phía sau Mao Trạch Đông, Stalin, Lênin, Mác, Ănghen. Khẩu hiệu tranh cử « Nắm lấy quyền lực » của ông được bổ sung bằng câu « Chủ nghĩa Mác-Lê và tư tưởng Mao Trạch Đông bách chiến bách thắng muôn năm ! ». Nhiều cư dân mạng ở Hoa lục hoan hỉ gọi ông Mélenchon là « Người Pháp đã làm rạng danh tư tưởng Mao chủ tịch ». Được tuần báo L’Obs liên lạc, Jean-Luc Mélenchon từ chối đưa ra lời bình luận.

Cựu tổng thống Hàn Quốc Park Geung Hye rời văn phòng công tố ngày 22/03/2017.
Dân chủ Hàn Quốc đang gặp khó

Cũng về châu Á, Courrier International dịch lại bài báo « Một sự chuyển đổi nguy cơ cao » của tờ Weekly Kyunghyang ở Seoul nhận định, Hàn Quốc đang ở vào tình thế khó khăn. Sau khi bà Park Geun Hye bị truất phế, người dân sẽ đi bầu tổng thống mới vào ngày 09/05/2017 tới, trong bối cảnh bị Bình Nhưỡng đe dọa với vũ khí nguyên tử, Washington cứng rắn hơn và quan hệ với Bắc Kinh đang căng thẳng.

« Quyền lực tập trung vào tay tổng thống, trong khi không có cơ chế kiểm soát hiệu quả. Hệ thống này khiến xảy ra lạm dụng quyền lực, những người thân không có chức vụ chính thức can dự được vào công việc Nhà nước, quan hệ chặt chẽ với các đại tập đoàn ». Thẩm phán Ahn Changho của Tòa Bảo hiến đã nhận xét như trên, bên lề phiên tòa truất phế bà Park.

Theo giáo sư Shin Jin Wook của trường đại học Chung Ang, tuy người Hàn Quốc đã thành công trong việc đạt được bầu cử trực tiếp và tách quân đội khỏi chính trị, nhưng vẫn còn phải nỗ lực nhiều để bảo đảm các quyền tự do và tham chính của công dân, đồng thời phân bổ nhiệm vụ cho các định chế.

Ông Trump và bà Merkel tại Washington ngày 17/03/2017.
Tổng thống Mỹ Donald Trump : Mối đe dọa cho châu Âu

Vào lúc Liên hiệp Châu Âu (EU) tròn 60 tuổi, sự hiện hữu của liên minh này, theo tuần báo L’Obs, đang bị đe dọa nặng nề. Trong lúc công dân châu Âu không còn tha thiết với EU và phong trào dân túy đang lên cao, Liên hiệp còn phải đối mặt với một mối đe dọa mới, đó là tổng thống Mỹ. Tờ báo đặt câu hỏi « Ông Trump muốn hủy hoại châu Âu chăng ? ».

« Which country will be next to leave ? » Nước nào sắp tới sẽ ra khỏi Liên hiệp Châu Âu ? Mỗi lần tiếp một đối tác châu Âu, Donald Trump đều thích thú đặt ra câu hỏi đó : với các đại sứ, với thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy, hoặc tại Phòng Bầu dục hôm 27/1 với thủ tướng Anh Theresa May. Nhưng bà May, ngược lại, nói cho ông hiểu rằng ngay cả sau vụ Brexit, một Liên hiệp Châu Âu láng giềng thịnh vượng mới có lợi cho Anh quốc, và bà không muốn nước nào theo chân Luân Đôn cả.

Donald Trump không ưa EU. Các nhà ngoại giao nhận thấy thậm chí ông còn tránh không nói đến chữ Liên hiệp Châu Âu. Như trong buổi gặp gỡ đầu tiên đầy lạnh giá với thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 17/3, ông chỉ dùng từ « các định chế lịch sử ». Tân tổng thống Mỹ coi EU là một bộ máy quan liêu và nhìn chung, ông Trump không thích những gì đa phương. Từ lâu ông vẫn tin rằng Hoa Kỳ có lợi khi đàm phán song phương vì mạnh hơn.

Liệu tổng thống Trump có tìm cách phá vỡ Liên hiệp Châu Âu hay không ? Từ nhiều tuần qua châu Âu vẫn cảnh giác trước ý định thực sự của ông. Steve Bannon, cố vấn chiến lược của ông Trump còn đi xa hơn cả chủ trương « American First » của tổng thống. Cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt nhận xét : « Khi ông Bannon khẳng định muốn có quan hệ song phương với các quốc gia thành viên EU, thì trên thực tế ông ta hy vọng EU tan rã ». Còn đại sứ Mỹ ở Bruxelles, Anthony Gardner cho biết liên lạc duy nhất với Nhà Trắng từ khi ông Trump lên nhậm chức là : « Một bức điện ra lệnh cho tôi rời nhiệm sở vào ngày 20 tháng Giêng ».

Theo L’Obs, tổng thống Mỹ có thể phá hoại EU bằng cách gây chia rẽ. Đầu tiên là Brexit : có ý kiến nghi ngờ Luân Đôn sẽ là con ngựa thành Troie của Donald Trump. Hoặc làm như Putin : ủng hộ các đảng phái muốn giải tán EU. Vũ khí thương mại có thể được dùng đến : ông Trump đe dọa áp đặt các loại thuế mới lên hàng nhập khẩu từ châu Âu, trong khi tiếp cận riêng với từng nước thành viên.

Hàng hóa tại cảng Hambourg, Đức, 02/02/2017.
Làm thế nào để vực dậy một đất nước ?

Về kinh tế, Le Point điểm qua « Canada, Thụy Điển, Đức…Làm thế nào vực dậy một đất nước ? ». Tờ báo lướt qua các quốc gia đã biết cải cách sâu sắc Nhà nước bao cấp và mô hình xã hội của mình.
Hà Lan đến giữa thập niên 90 có kết quả kinh tế rất khá, trong khi 10 năm trước đó suýt phá sản. Phép lạ diễn ra tại Wassenaar, ngoại ô La Haye. Nhiều tuần lễ liên tiếp, các nghiệp đoàn, giới chủ và chính khách thảo luận về một đề án chung ; tạo thành một liên minh để cứu vãn đất nước – cắt giảm chi tiêu công trong khi vẫn giữ nguyên được cấu trúc cơ bản của mô hình xã hội.

Ví dụ của Canada cũng rất ấn tượng. Khi thủ tướng cánh trung Jean Chrétien lên nắm quyền năm 1993, ngân sách trống rỗng, suýt phải cầu viện Quỹ Tiền tệ Quốc tế, bị Wall Street Journal coi là « một quốc gia thuộc thế giới thứ ba ». Với khẩu hiệu « Không thể tiếp tục như thế ! », thủ tướng và bộ trưởng Tài chính xuôi ngược đất nước để giải thích cho người dân, và giao trách nhiệm cho các thành viên chính phủ, nghiệp đoàn nghiên cứu tinh giản bộ máy. Các tổ chức đánh giá tín nhiệm sau đó đã đánh giá lại nợ công của Canada.

Gần như cùng một thời kỳ, Thụy Điển cũng đang lao đao với nợ công vượt qua 85% GDP, 10% dân số hoạt động bị thất nghiệp. Thủ tướng dân chủ xã hội Göran Persson quyết định giảm 400.000 công chức, gắn lương hưu với tình hình kinh tế và ấn định mức trần cho trợ cấp thất nghiệp. Liệu pháp này gây sốc tại đất nước vốn có phúc lợi xã hội rất cao, nhưng ông để cho các nghiệp đoàn thương lượng với giới chủ. Persson chọn hoạt động taxi làm điểm để cải cách, sau khi thành công mới mở rộng ra các lãnh vực khác.

Trái với hai thủ tướng Canada và Thụy Điển, trước khi đắc cử đã đề cao cải cách, thủ tướng Gerhard Schröider của Đức được bầu lên vào đầu những năm 2000 nhờ chương trình xã hội. Bị The Economist gọi là « Người bệnh của châu Âu » : thâm hụt ngân sách và cạnh tranh yếu kém, ông Schröider ý thức được rằng phải cải cách sâu rộng. Qua thương lượng, các nghiệp đoàn chấp nhận giảm tiền lương, còn giới chủ cam đoan sẽ tuyển dụng hàng loạt. Đan Mạch và New Zealand thì chú trọng vào tính sáng tạo và linh hoạt để vực dậy kinh tế đất nước.

Nữ diễn viên tuổi 50 vắng bóng trên màn bạc

Trên lãnh vực văn hóa xã hội, tuần báo L’Express nói về « Các nữ nghệ sĩ và cuộc khủng hoảng tuổi ngũ tuần ». Ngoài một số nữ diễn viên ngôi sao như Catherine Deneuve, những phụ nữ tuổi từ 50 trở đi hầu như vắng bóng trên màn bạc.

« Đến 50 tuổi, phụ nữ đạt được quyền lực siêu nhiên : trở thành người vô hình ». Câu nói đùa này luôn mang tính thời sự. Trong số 200 bộ phim Pháp ra mắt khán giả năm 2015, chỉ có 3% trong số 2.897 vai diễn được giao cho các nữ diễn viên trên 50 tuổi ! Trong khi đó lứa tuổi này chiếm đến 51% phụ nữ Pháp trưởng thành.

Christopher Robba, thuộc công ty VMA nói : « Không có vai nào dành cho họ vì không ai viết ra. Và khi nhân vật nam 50 tuổi có vợ, thì người vợ tối đa chỉ được 40 tuổi ». Xưa nay kịch bản chủ yếu do các tác giả nam viết, và nếu người đàn ông đại diện cho sức mạnh và lý trí, thì nhân vật nữ chỉ được nhấn vào sự quyến rũ.

Đó là lý do khiến lão hóa trở thành nỗi sợ hãi của các nữ diễn viên. Trong quảng cáo, thời trang, truyền hình, điện ảnh…những người đẹp đều phải trẻ tuổi và cao ráo. Và người diễn viên nữ, khi những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện, không có cách nào khác là cầu viện đến giải phẫu thẩm mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét