Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Đoàn Thị Hương: Cái tên Việt mang nhiều nhức nhối'

 
Đoàn Thị Hương mang áo chống đạn bị áp tải ra tòa ở Malaysia hôm 1/03-Getty Images



Cô Đoàn Thị Hương trở thành công dân Việt Nam có tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian qua ở nước ngoài.



Cô có tội hay không có tội dẫn đến cái chết của công dân Triều Tiên mang tên trong hộ chiếu là Kim Chol, được giới chức Malaysia khẳng định đó là anh trai của nhà lãnh đạo Bắc Hàn, tên thật là Kim Jong-nam?



Việc ra toà tại những thể chế tam quyền phân lập nhằm mục đích chứng minh nghi phạm là vô tội, khác với hoạt động của các toà án không tách biệt với hành pháp và chịu sự chỉ đạo để kết án.



Để kết luận công dân Việt Nam này có tội cần phải có những chứng cứ khách quan, vững chắc.



1-Cô có đúng là người chùm chiếc khăn lên mặt nạn nhân?



2-Chiếc khăn đó có đúng là chứa chất độc VX hay không, liều lượng đủ để giết người, chiếc khăn đó bây giờ ở đâu?



3-Triệu chứng nạn nhân chết có đúng với chết vì chất độc đã nêu trên, hay vì một nguyên khác?



4-Người bị nạn có đúng là Kim Jong-nam?



Tại các phi trường đều có các hệ thống cameras theo dõi và nhận dạng có độ tin cậy, theo dõi theo nhiều góc.



Hệ thống này hoàn thiện đến mức với góc quay mặt nghiêng của nghi phạm cũng đủ để dựng lại nhận dạng.



Việc tìm thấy nhóm khủng bố ở Brussels là một thí dụ.



Đoàn Thị Hương bị bắt sau khi quay trở lại phi trường hai ngày sau, không phải từ việc theo dõi liên tục việc di chuyển. Vì cô mặc một chiếc áo giống nghi phạm?



Vị trí ảnh cung cấp cho báo chí có đủ để kết tội đó là công dân Việt Nam với những bức ảnh quay phía sau lưng, góc khuất lớn.



Trong hình là một cô gái có hành động dứt khoát và vóc dáng cao, nếu nhìn phía sau khó nghĩ đó là người Việt.


'Không dựng lại hiện trường'



Đặc biệt những ảnh cô bị áp giải đến toà cho cảm giác cô không cao lớn như vậy.



Việc dựng lại hiện trường là cần thiết. Để hình ảnh lấy từ camera dùng buộc tội trùng khớp với hành động và dáng dấp của công dân này.



Cũng cần phải có những hình ảnh khác tin cậy hơn. Không thể dùng 'lưng' của một người để nhận dạng, nhất là định đoạt mạng sống.



Việc truất quyền thi đấu của các vận động viên thể thao, xoá các thành tích, huy chương họ giành được tại các giải thi đấu đều phải căn cứ trên ba mẫu thử, được kiểm định bằng ba phòng thí nghiệm độc lập.



Việc xác định chất độc trên thân thể nạn nhân có theo quy tắc đó không?



Sự thống nhất các phân tích độc lập các mẫu thử bởi các phòng thí nghiệm khác nhau mới có thể kết luận khách quan nhân tố cấu thành tội.



Liều lượng trên khăn có đủ giết chết nạn nhân, to lớn và chắc có sức khỏe hơn một công dân Việt Nam cũng tiếp xúc với hoá chất đó?



Nếu đúng là chất độc này, việc cần xác định là nguồn gốc đến từ nước nào. Chất này không thể sơ chế trong một phòng thí nghiệm địa phương được.



Việc kết luận là chất độc đó phát huy tác dụng từ hai người kết hợp hành động, theo kiểu pha trộn hoá chất từ một cái bình xịt và một chiếc khăn thuyết phục các chuyên gia hoá chất?



Không có một kết luận độc lập, có kiểm tra hay thí nghiệm nào được tiến hành đáp ứng được kết luận nêu ra của một phía, có thể cho là còn bàn cãi, thì không thể mang một công dân nước khác ra treo cổ.



Việc cấp cứu, sơ cứu diễn ra như thế nào, thuốc nào đã được sử dụng, những triệu chứng gì được ghi nhận trong phòng sơ cứu tại sân bay và quá trình di chuyển vào bệnh viện.



Điều này được thông tin như thế nào? Liệu có một kế hoạch ám sát thật sự nạn nhân thời điểm này hay không?

Một sơ cứu bất cẩn cũng có thể dẫn đến tử vong. Việc này đã được lưu ý đầy đủ?



Nếu chưa làm sáng tỏ được giai đoạn này thì chưa đủ yếu tố cấu thành, kết tội công dân Việt Nam.



Từ camera theo dõi đến khi nạn nhân di chuyển vào phòng cấp cứu và bệnh viện thời gian là bao nhiêu, cần làm rõ. Triệu chứng có khớp với chết vì chất độc không, như thế nào, mẫu vật nôn của nạn nhân có được trình tòa?



Trong một phiên toà có công dân quốc tế, điều bắt buộc là phải có phiên dịch có chứng chỉ hành nghề và bằng cấp tương ứng được hoạt động tại toà. Hơn nữa phải có đại diện lãnh sự của nghi phạm. Việc này công dân Việt Nam có được hưởng những quy định đó không?



Việc nữa là công dân Việt Nam có được đối xử nhân đạo hay ép cung hay không?



Việc toà án Malaysia mới đây kết án có tội, không có phần biện hộ có đảm bảo luật trình tố tụng từng bước như luật pháp quốc tế vẫn áp dụng hay không? Phía Việt Nam, Bộ Ngoại Giao và ngành Tư Pháp Việt Nam đã can thiệp như thế nào?



Bộ trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm đã có những tuyên bố với báo chí quốc tế khá mạnh mẽ.



Ông nói: "Nếu là người Việt Nam thì chúng tôi phải bảo hộ và đưa về Việt Nam xử lý theo pháp luật Việt Nam. Nhưng điều đầu tiên là phải xác minh đúng là người Việt Nam và có liên quan đến vụ án. Sau đó sẽ phải đánh giá có vi phạm như thế nào theo luật pháp Việt Nam. "



Bây giờ chắc chắn đó là công dân Việt Nam, thì trọng lượng tuyên bố đó dẫn dắt tiếp theo ra sao ?



Thẩm quyền xử lý sự vụ, bảo vệ quyền công dân Việt Nam sinh sống, làm việc tại nước ngoài cần có sự giám sát, hỗ trợ pháp của hai cơ quan chức năng Tư Pháp và Ngoại Giao Việt Nam để đảm bảo quyền Tài phán hình sự quốc tế được áp dụng đúng.

Việc này không dừng ở chỗ xác định đó có phải là công dân Việt Nam và sức khỏe tạm thời của công dân đó.



Phía tư pháp kết luận vụ việc, chuyển giao cho cơ quan thụ lý vụ án là Bộ Công an, mới đảm bảo đúng thủ tục.



Bộ Công an không thuộc phạm vi cho ai là có tội hay vô tội và không thể ra lệnh cho Malaysia hay Bộ Ngoại giao Việt Nam.


Tại sao đã khẳng định?



Công dân Bắc Triều Tiên vừa được thả vì không đủ chứng cứ, sau thời gian tạm giữ. Trong khi đó, Malaysia đã khẳng định Đoàn Thị Hương có tội có vội vã?



Việc căn cứ vào hoàn toàn thông tin, nhận định của Malaysia trong vụ án có liên quan đến nhiều công dân quốc tế cần tham khảo những án lệ đã có. Việc này đã được tiến hành và phản ứng ra sao về phía tư pháp Việt Nam?



Malaysia không cho phía Bắc Triều Tiên và một hay hai cơ quan giám sát độc lập kiểm nghiệm tử thi chưa đủ để kết luận cái chết của nạn nhân là do chất độc VX như họ nói.



Thậm chí cũng chưa thể khẳng định chắc chắn người mang tên trên hộ chiếu là Kim Chol là Kim Jong-nam.



Thủ tục đầu tiên của tư pháp là có những xác nhận của người thân nạn nhân, những chứng thực chắc chắn, không thể phủ nhận.


Một người hành khách chết trên sân bay, mang họ Kim, có đăng ký sinh sống ở Malaysia hay không, không có thông tin chính xác sinh sống ở đâu, di chuyển đi đâu, hay đi du lịch qua Kuala Lumpur có đủ để khẳng định 'không nghi ngờ gi' đó là Kim Jong-nam?



Sự việc còn chưa quá muộn để phía Việt Nam tiến hành những hành động cần cấp.



Dù sao đây cũng là vụ việc mang tầm quốc tế.



Việt Nam cần phải làm, có trách nhiệm phải làm để không tạo ra dư âm không hay về cách hành xử của một nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét