Nhiều gia đình, cửa hàng phải chọn giải pháp tạm thời như đặt
bao cát làm bậc tam cấp.
RFA photo
Hà Nội đang trong chiến dịch “dành lại vỉa hè cho người đi bộ”,
trong đó có việc đập bỏ các bậc tam cấp, thềm của các ngôi nhà bị cho là “lấn
chiếm”.
Nhiều người dân tại Hà Nội cũng như nhiều nơi khác tỏ ý đồng
tình với chủ trương của chính quyền làm cho viả hè thông thoáng, dành lối đi
cho khách bộ hành.
Một cụ ông tại thủ đô cho biết ý kiến về chủ trương đó cũng
như nêu ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng lâu nay:
‘Giải phóng cái mặt bằng như thế này thì cũng đúng thôi, bởi
vì dân tham, dân gian, dân ngu mới làm lấn như thế này. Chứ nhà mình, đất mình
có mình không làm, tham lam mới làm lấn ra ngoài. Chứ còn về cán bộ nhà nước,
cơ quan nhà nước thì kiểu không có trình độ.’
Ở phố Nguyễn Khuyến một con phố thoát nước kém, thường xuyên
bị ngập sau các cơn mưa, nên người dân phải làm nền nhà cao và phải xây các bậc
tam cấp để thuận tiện cho đi lại.
Ở phố Xã Đàn, khi xây dựng con đường mới này, phía thi công
đã thông báo cho người dân cốt nền đường cao, nhưng trên thực tế đã hạ thấp cốt
nền đường, do đó người dân đã làm nền nhà cao hơn nền đường rất nhiều, phải xây
tam cấp để lên xuống.
Đó là 2 ví dụ cho thấy sự bất cập của việc đập phá các bậc
tam cấp, khi vấn đề không xuất phát từ “lỗi” của người dân, nhưng họ phải chịu
hậu quả.
Vỉa hè bị đập nham nhở. RFA photo
Đây là hình ảnh một cụ ông 85 tuổi và một cụ ông khác đã hơn
90 tuổi trên phố Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội. Việc đập các bậc tam cấp
khiến cho việc đi lại của các cụ trở nên khó khăn. Thêm vào đó, nhiều gia đình
có trẻ nhỏ cũng lo ngại chuyện con cháu họ sẽ ngã khi lên xuống.
Nhiều gia đình, cửa hàng phải chọn giải pháp tạm thời như đặt
bao cát, kê tạm bậc lên xuống, hay tốn công sửa chữa lại mặt tiền ngôi nhà để
có lối lên xuống và có nhiều ngôi nhà đã xây lại tam cấp.
Người dân cho rằng, chính quyền quyết định việc đập bỏ các bậc
tam cấp đã không xét đến điều kiện sinh sống, lý do vì sao người dân xây các bậc
tam cấp. Mặt khác, họ cho rằng, việc đập các bậc tam cấp thì người đi bộ không
có ảnh hưởng gì, khi có chỗ vẫn phải đi xuống lòng đường hoặc đi bộ không liên
quan đến chỗ bị đập bỏ.
Một anh trung niên cho biết phần phải phá bỏ thềm tam cấp
nhà anh này không chiếm diện tích vỉa hè là bao:
‘Đập vào cỡ khoảng tầm 50 phân.’
Các con phố của Hà Nội không có quy hoạch đồng nhất theo thời
gian, cũng không có quy chuẩn chung cho vỉa hè hay nền đường, và càng không có
quy định chi tiết cho xây dựng nhà dân. Mặt khác, nhiều người phản ánh, tệ tham
nhũng cũng góp phần tạo nên cái “trật tự xây dựng” lộn xộn ở nhiều con phố.
Nhiều người dân nói rằng, “đẹp mắt mình phải thuận mắt người”
và chính quyền làm gì cũng nên “hợp lòng dân”, chứ không thể đập phá một cách ồ
ạt như hiện nay.
Sau khi đập phá những bậc tam cấp bị cho là “lấn chiếm”, các
con phố trở nên nhếch nhác, ngổn ngang với những đống phế thải chưa được dọn
đi, những ống nước thải lộ thiên, rò rỉ và sự nham nhở của cửa các ngôi nhà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét