Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt
Nam Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh tư liệu)
Tổng Bí thư đảng Cộng sản Việt
Nam (ĐCSVN) Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục gây xôn xao dư luận khi phát biểu tại
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của ĐCSVN năm 2016 vào
ngày 24/2 vừa qua, đến nỗi mà các báo đều giật tít với tựa đề là câu nói này của
ông. Nguyên văn câu nói của ông Trọng là:
“…Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo,
nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của
mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều
người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu
muôn người!…”
Chỉ một câu nói này của ông Trọng
thôi mà đã phơi bày gần như toàn bộ bản chất của chế độ chính trị Việt Nam hiện
tại. Đó là chế độ đảng trị, chuyên chế, vì lợi ích ích kỷ của giới lãnh đạo đảng
cầm quyền chứ hoàn toàn không phải là nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và
vì dân” như vẫn hô hào bấy lâu nay.
Nhân đạo, nhân ái với ai?
Hãy đọc vài dòng tâm sự đăng trên
báo Tâm Sự Gia Đình của một đảng viên Cộng sản, ông Lê Kiên Thành, con trai của
cố Tổng Bí thư Lê Duẩn:
“Tôi nhìn thấy sự tàn ác cả ở những
vụ án tham ô, tham nhũng, cướp đất dân nghèo của những người có quyền lực. Tôi
nhìn thấy sự tàn ác trong những vụ án oan mà những người đại diện pháp luật bằng
sự lạnh lùng, vô tình, vô trách nhiệm của họ, đã vội vã đưa ra những kết luận
điều tra vô lý nhất mà không cần quan tâm đến việc họ có thể đẩy một con người
vô tội vào con đường chết.”
Thế là đã rõ, “đảng ta” rất nhân
từ với “đồng chí”, “đồng đội” nhưng “tàn ác” với người dân. Chỉ là kỷ luật “khiển
trách”, “cảnh cáo” trong nội bộ của đảng Cộng sản còn như vậy thì đừng mong gì
các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ điều tra và xét xử nghiêm minh những quan chức
sâu mọt, bán nước hại dân. Phải chăng vì thế mà Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị
15 cấm công an không được trinh sát đảng viên Cộng sản?
Kỷ luật một vài người là ai?
Vụ việc xem xét kỷ luật lớn nhất
của ĐCSVN ở thời điểm hiện tại chính là kỷ luật các quan chức chịu trách nhiệm
về thảm họa môi trường Formosa. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương,
ông Võ Kim Cự, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (nhiệm kỳ 2011-2016) và ông Hồ
Anh Tuấn, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nhiệm kỳ 2010-2016) phải chịu
“trách nhiệm chính”.
Điều này có công bằng không khi
quyết định 145/2007/QĐ-TTg của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt Quy
hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 gồm
cả công trình tại Hà Tĩnh?
Sau khi thảm họa cá chết hàng loạt
diễn ra vào tháng 4/2016 thì ngày 21-22/4/2016, chính ông Nguyễn Phú Trọng cũng
đến thăm Hà Tĩnh và kiểm tra tiến độ của dự án Formosa nhưng ông cũng không hề
nhắc đến chuyện cá chết đang làm người dân điêu đứng. Điều này chứng tỏ ông Trọng
biết rất rõ và đồng thuận về dự án Formosa chứ không thể đổ vấy cho các quan chức
cấp dưới.
‘Cứu muôn người’ là ai?
“Kỷ luật một vài người” rốt cuộc
chỉ là thủ đoạn chính trị để thoát tội. Thế còn “cứu muôn người” là cứu ai?
Chúng ta không thể hiểu “cứu muôn
người” ở đây là cứu muôn dân vì như ông Lê Kiên Thành đã nói, giới lãnh đạo
“tàn ác” với dân. Chúng ta chỉ có thể hiểu “cứu muôn người” ở đây là cứu cái ghế
của những người có chức, có quyền, có tiền trong đảng Cộng sản.
Tại sao phải “cứu muôn người”?
“Muôn người” này có tội gì hay sao mà phải cứu? Chứng tỏ ông Trọng biết rất rõ
tội của giới lãnh đạo Cộng sản là độc quyền nhà nước, áp đặt Hiến pháp, đứng
trên pháp luật, tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân, vi phạm điều 2 Hiến pháp
khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”.
Trong bài báo ra ngày 19/2 mới
đây trên báo An Ninh Thế Giới, ông Lê Kiên Thành đã nhận định rằng lực lượng bảo
thủ đang có tiền, có quyền lực chiếm khoảng 1/3 số đảng viên. Nếu quyền lực bất
hợp pháp và bất công của lực lượng bảo thủ này được “cứu” thì sẽ là thảm họa
cho cả dân tộc.
Dẫn chứng rất rõ ràng. Mới đây
thôi, để bảo vệ cho các nhà tư bản nước ngoài lắm tiền cũng như các quan chức
đã bảo kê cho họ, tòa án các cấp đã bác đơn kiện đòi Formosa bồi thường của các
ngư dân. Đoàn người thuộc giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An phải đi bộ ra Hà Tĩnh
để đưa đơn thì bị chặn phá, đánh đập dã man giữa đường, trong đó có cả linh mục
Nguyễn Đình Thục.
Pháp luật của chế độ độc đảng chỉ
để trang trí
Điều 183 và 185 của Bộ luật hình
sự quy định rất rõ về tội gây ô nhiễm nguồn nước và tội nhập khẩu thiết bị
không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Thế nhưng các quan chức Formosa
không hề bị truy tố theo quy định của pháp luật mà chỉ cần bỏ ra 500 triệu đôla
Mỹ là tiếp tục hoạt động. Nhà cầm quyền cũng thản nhiên nhận số tiền này mà
không cần đi điều tra xem thiệt hại của dân thực sự thế nào. Không ai biết con
số 500 triệu đôla Mỹ từ đâu ra, căn cứ vào đâu.
Điều 285 Bộ luật hình sự cũng quy
định rõ về việc truy tố những người “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Thế nhưng những quan chức chịu trách nhiệm chỉ bị “kỷ luật” trong nội bộ của một
đảng là sao?
Dễ thấy là vụ việc Formosa đã gây
bất bình sâu sắc trong người dân cả nước và cả trong hàng ngũ đảng viên Cộng sản.
Nhà cầm quyền cũng biết điều đó nên phải tìm ra một vài “con dê tế thần” để xoa
dịu người dân. Nhưng liệu cứ tìm một vài người để kỷ luật như thế thì có cứu nổi
những lãnh đạo của đảng Cộng sản mãi không?
Pháp luật chuẩn mực mới là giải
pháp ‘cứu muôn người’
Ở thời đại Internet ngày nay,
nhà cầm quyền cần nhận thức rõ họ không thể cai trị theo kiểu lừa mị xưa cũ được
nữa. Những giả trá, tàn ác sẽ nhanh chóng bị vạch trần trên mạng xã hội. Các giải
pháp chắp vá mà giới lãnh đạo Cộng sản đưa ra sẽ không thể giải quyết được tận
gốc vấn đề chính trị của Việt Nam là một đảng độc quyền nhà nước, đứng trên
pháp luật gây bất công xã hội, gây chia rẽ dân tộc.
Thế thì giải pháp tổng thể đưa ra
là phải hiện thực hóa quyền làm chủ của người dân trên nền tảng pháp luật chuẩn
mực, bắt đầu từ bản Hiến pháp do toàn dân phúc quyết. Pháp luật chuẩn mực sẽ
giúp người dân bầu ra những lãnh đạo có năng lực để giải quyết các khó khăn của
đất nước, tránh bị lừa dối một lần nữa và ngăn ngừa những thảm họa tương tự
trong tương lai.
Người dân chỉ có thể đoàn kết khi
cùng nhau bảo vệ bản Hiến pháp chuẩn mực, bảo vệ nhà nước chính danh do dân bầu
ra, bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, bảo vệ công lý chống bất công, bảo vệ môi
trường chống ô nhiễm. Đây không phải là thời phong kiến khi toàn dân đoàn kết
xoay quanh một triều đại, một chế độ không do dân làm chủ.
Lực lượng để thực thi sứ mạng đó
chính là những người Việt đoàn kết, yêu nước, nối vòng tay lớn với nhau để cùng
nhau cất lên tiếng nói vang dội của đại thể công dân nước Việt. Lực lượng đó
bao gồm cả các đảng viên Cộng sản, các sỹ quan công an, quân đội còn lương tri,
còn nặng lòng với dân tộc. Lực lượng tiến bộ đó khi đã đủ lớn mạnh thì thế lực
bảo thủ nào cũng phải chấp nhận “đổi mới 2”.
Nền tảng pháp luật chuẩn mực để bảo
vệ quyền công dân cũng là bảo vệ các công dân là đảng viên Cộng sản. Đó là giải
pháp để “cứu muôn người” chứ không phải chỉ là vá víu, kiếm vài người để kỷ luật
như hiện nay. Giải pháp chắp vá đó chắc chắn không thể cứu nổi giới lãnh đạo Cộng
sản trước sự phẫn uất đang ngày một tăng cao của người dân.
Vượt qua nỗi sợ
Ông Lê Kiên Thành đã nói “cuộc đổi
mới năm 1986 về bản chất là vượt qua nỗi sợ hãi của chính chúng ta, để chúng ta
dám làm những điều mà chúng ta vì sợ hãi mà đã ngăn cấm”. Bây giờ cũng thế, điều
25 Hiến pháp đã khẳng định “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí,
tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình…” Do đó, khi chưa có luật quy định
cụ thể thì công dân cứ làm, không có gì phải sợ hãi hay xin phép ai. Luật phải
tuân theo Hiến pháp chứ không phải để hạn chế quyền công dân, và những gì luật
pháp không cấm thì công dân có quyền làm.
Cần lưu ý là quyền tự do lập hội
cũng bao gồm quyền tự do lập đảng. Không có điều luật nào cấm dân lập đảng, và
theo điều 16 Hiến pháp về quyền bình đẳng thì các công dân là đảng viên Cộng sản
có quyền sinh hoạt đảng phái thì các công dân không Cộng sản cũng đương nhiên
có quyền này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét